Các mối liên hệ giữa Đức Bênêđictô XVI và người Do Thái - Rabbi Rosen

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 883 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Các mối liên hệ giữa Đức Bênêđictô XVI và người Do Thái - Rabbi Rosen"Khiêm tốn và có tinh thần cởi mở rộng rãi”


Rome - Rabbi David Rosen, cố vấn của Đoàn Rabbi Do Thái tuyên bố ngày hôm sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm: “Không có sự thoái lui về những giáo huấn tích cực của Giáo Hội Công giáo về người Do Thái và đạo Do Thái.”

Trong một buổi phỏng vấn của báo Ý Il Messaggero, ngày 26.2.2013 vừa qua, Rabbi Rosen đã xác định: “trong chiều hướng của Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định các mục tiêu sâu xa của các mối liên hệ giữa hai cộng đồng, về việc phát triển và trung thành với những điều đã thỏa thuận.”

Là giám đốc văn phòng phụ trách các vấn đề liên tôn trong Uỷ Ban Do Thái - Hoa kỳ, ông nhấn mạnh là mặc dầu có vài trường hợp khủng hoảng, Đức Bênêđictô XVI đã đóng góp cho việc tăng cường đối thoại giữa Vatican và thế giới Do Thái, nhờ vào “tinh thần cởi mở rộng rãi” đã là “di sản quan trọng nhất của giáo triều của ngài trên con đường đi tới hòa bình.”

Rabbi Rosen — cũng có mặt trong lần Đức Bênêđictô XVI hành hương tại Đất Thánh (8-15/5/2009) cũng như trong ngày Suy Niệm, Đối Thoại và Cầu Nguyện tại Assise (27/10/2011) — cho thấy “Đức Bênêđictô XVI đã theo đuổi nỗ lực cải tổ của Đức Gioan Gioan XXIII và Công Đồng Vatican II, và đã khẳng định một số các sáng kiến lịch sử của chân phước Gioan Phaolô II, khi đến đền thờ Do Thái tại Rôma và ngay cả tại Israel khi ngài đã gặp gỡ các giới chức cao cấp tôn giáo và chính trị.”

David Rosen, cũng là một nhà giao dịch khéo léo trong các tương quan giữa người Công giáo và Do Thái giáo, và ông cũng khẳng định là đã có thể xây dựng những mối tương quan sâu xa, trước hết với Hồng Y Ratzinger và sau đó với Đức Bênêđictô XVI, mà ông mô tả là một con người “hết sức nồng ấm, dịu hiền và cũng khá hài hước, khác hẳn với những gì giới truyền thông đã loan báo.”

Ông tiếp: Đức Bênêđictô XVI là một con người “thật sự khiêm tốn”. Vị trách nhiệm Do Thái này nhắc lại thái độ lịch thiệp Đức Bênêđictô đã bày tỏ tại Assise, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho Hòa Bình do chân phước Gioan Phaolô II khởi xướng năm 1986: “Ngài đã ngồi trên một chiếc ghế tầm thường giữa mọi người. Tôi đã bị đánh động bởi thái độ cởi mở ngài có đối với những người ngoại giáo, và ý chí quyết tâm đối thoại với tất cả mọi người, và với từng người, mặc dầu đòi hỏi nhiều tâm sức.”

David Rosen cho hay ông đã “sửng sốt và thán phục” khi nghe tin “giáo hoàng từ nhiệm”, mặc dù ngài nói là “đã suy nghĩ rất nhiều, ông đã hiểu là quyết định đó “hoàn toàn phù hợp với con người của ngài và những lời của ngài đã nói trong quá khứ.”

Trong buổi phỏng vấn với báo tiếng Ý hàng ngày, Rabbi Do Thái cũng đề cập đến vị tân giáo hoàng, về những chờ đợi, và hy vọng của mình: “Tôi mong muốn là tân giáo hoàng cũng bảo đảm là sẽ có cùng một sự dấn thân trong các mối tương quan Công giáo và Do Thái giáo như Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, và sẽ bày tỏ cùng một sự gắn bó và lưu tâm như vậy. Tôi nghĩ rằng Giáo Hội cần có một trái tim rất to lớn, nhiều hơn là một con người thông thái.”

David Rosen tiếp: “Điều cần thiết là phải có một yếu tố dung hòa giữa các đường lối khác nhau, các tư lợi khác nhau, các sự khác biêt về điạ dư và văn hóa đang có những tranh chấp trong Giáo Hội ngày nay. Chính vì thế mà trên hết, tân giáo hoàng cần phải là một con người nhân bản.”


Theo Le Monde vu de Rome (11.3.2011)


Bùi Hữu Thư

Nguồn: vietcatholic.net