Cuộc gặp đại kết giữa ĐGH Phanxicô và Đức Giáo chủ Tawadros II

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1375 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Ngày 10.5.2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp đón Đức Thượng phụ Tawadros II, Giáo chủ Giáo hội Chính thống Cốp ở Ai Cập; đây là Giáo hội Kitô giáo lớn nhất ở vùng Trung Đông nhưng cũng chịu nhiều khổ đau do hoàn cảnh chính trị của khu vực.


Sau cuộc gặp riêng giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Giáo chủ Tawadros II, hai vị đã có cuộc gặp chung với phái đoàn đại diện hai Giáo hội trước khi có buổi cầu nguyện đại kết. Cuộc gặp gỡ của Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Giáo chủ Tawadros II là điểm nhấn nối tiếp cuộc gặp lịch sử đầu tiên diễn ra ngày 10 tháng Năm 1973 giữa Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Giáo chủ Shenouda III, đánh dấu bằng tuyên bố chung đảm bảo nỗ lực hòa giải và hiệp nhất giữa hai Giáo hội kể từ những biến cố chia rẽ năm 451. Tuyên bố năm 1973 xác định Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống giáo cùng chia sẻ những giá trị đức tin chung nơi các truyền thống tông đồ, Thiên Chúa Ba Ngôi, đời sống bí tích, và tín điều Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa.


Cuộc gặp đại kết giữa ĐGH Phanxicô và Đức Giáo chủ Tawadros II


Phái đoàn do Đức Thượng phụ Giáo chủ dẫn đầu đã bắt đầu chuyến thăm năm ngày tại Roma từ ngày 9 tháng Năm. Sau khi diện kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô, phái đoàn sẽ có các buổi trao đổi với các cơ quan Tòa Thánh, chính quyền Italia, và thăm mục vụ các cộng đồng Giáo hội Chính thống Cốp.


Trong phần diễn từ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh: Tuyên bố chung 40 năm trước đã ghi dấu mốc lịch sử cho tiến trình đại kết và đã mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp đặt nền móng cho những cuộc đối thoại đại kết sâu rộng hơn giữa Giáo hội Công giáo và toàn thể Giáo hội Chính thống Đông Phương.


“Cuộc gặp gỡ hôm nay tăng cường mối liên kết hữu nghị và huynh đệ đã tồn tại” vốn được “kế thừa từ một di sản vô giá của các vị tử đạo, các thần học gia, các thánh ẩn tu và các môn đệ trung thành của Đức Kitô, những người đã làm chứng cho Tin Mừng qua các thế hệ và qua các nghịch cảnh của lịch sử”. Vì thế, diễn từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô nêu rõ: Chúng ta vui mừng vì hôm nay chúng ta có thể tái khẳng định những gì 40 năm trước đã được các Đấng tiền nhiệm xác định, đó là chúng ta được hiệp nhất trong cùng một Phép Rửa mà lời nguyện chung của hai Giáo hội đã diễn tả một cách đặc biệt, và chúng ta mong đợi đến một ngày có thể hoàn thành điều Thiên Chúa ao ước là chúng ta được hiệp thông trong cùng một chén cứu độ.


Con đường hiệp thông giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo luôn là ước mong đại kết của cả hai Giáo hội. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc nhớ chuyến đi lịch sử của Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Ai Cập vào Năm Thánh 2000 và gặp gỡ Đức Cố Giáo chủ Shenouda III với niềm hi vọng rằng: Dù con đường hiệp nhất có thể vẫn còn dài nhưng chúng ta không thể quên được những những lộ trình đáng kể đã được vượt qua với những thành quả hữu hiệu soi tỏ những khoảnh khắc hiệp thông. Hơn thế nữa, Đức Giáo hoàng đã mượn tâm tình của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào đó được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,26), để chia sẻ rằng: Đây chính là giới luật cho đời sống Kitô hữu, và với ý nghĩa này chúng ta có thể nói rằng: con đường đại kết cũng có những đau khổ mang tính đại kết; như máu đào của các vị tử đạo đã đổ ra đã nảy mầm sức mạnh và sức sống cho Giáo hội, thì khi chúng ta biết chia sẻ những đau khổ thường ngày, chúng ta cũng trở thành khí cụ hữu hiệu cho sự hiệp nhất. Điều này cũng có thể được áp dụng rộng hơn giữa những người Kitô hữu và những người không phải Kitô hữu vì chính sự sẻ chia, với ơn Chúa giúp, sẽ trổ sinh tha thứ và hòa giải.


Cuộc gặp đại kết giữa ĐGH Phanxicô và Đức Giáo chủ Tawadros II


Nhân dịp này, Đức Giáo chủ Tawadros II đã đề nghị lấy ngày 10 tháng Năm hằng năm là ngày kỉ niệm của hai Giáo hội và chính thức mời Đấng kế vị Thánh Phêrô thăm viếng Giáo hội Chính thống giáo tại Ai Cập, nơi Thánh sử Máccô đã thành lập cộng đoàn Kitô giáo vào giữa thế kỉ thứ nhất.

 

(Tổng hợp từ VIS và Radio Vatican Anh ngữ)

 
Thiên Phúc
Nguồn: hdgmvietnam.org