Đại kết Kitô giáo cần hiểu biết nhau và đối thoại với nhau (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 346 | Cật nhập lần cuối: 4/17/2023 10:34:05 AM | RSS

Đại Kết Kitô giáo hai lãnh vực cần phải hợp tác phục vụ
(Ngỏ cùng Phái đoàn Đại biểu Đại kết Balan trong Chuyến Tông du Balan thứ Năm 25.05.2006)

Đại kết Kitô giáo cần hiểu biết nhau và đối thoại với nhau (3)“Chúng ta nhận thấy có nhiều tiến bộ nơi lãnh vực đại kết, song chúng ta vẫn luôn mong đợi hơn thế nữa. Hôm nay xin cho tôi được lưu ý tới hai vấn đề hơi dài dòng. Vấn đề thứ nhất liên quan tới việc phục vụ bác ái của các Giáo hội. Có nhiều anh chị em mong đợi nơi chúng ta tặng ân của tình yêu thương, của niềm tin tưởng, của việc chứng từ, của hoạt động trợ giúp thiêng liêng và trợ giúp cụ thể về vật chất. Tôi đã đề cập tới vấn đề này trong bức Thông Điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ đầu tay của tôi, trong đó, tôi đã viết rằng: ‘Tình yêu thương tha nhân, xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, trước hết và trên hết là trách nhiệm đối với mỗi một tín hữu, thế nhưng nó cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng Giáo Hội ở mọi tầng cấp: từ cộng đồng địa phương đến Giáo hội riêng cũng như tới toàn thể Giáo hội hoàn vũ. Là cộng đồng, Giáo hội cần phải thực thi yêu thương’ (đoạn 20). Chúng ta không thể bỏ qua ý tưởng thiết yếu này là từ ban đầu nền tảng rất vững chắc về mối hiệp nhất của thành phần môn đệ đã được thiết lập rồi: ‘trong cộng đồng tín hữu không bao giờ có vấn đề nghèo khổ chối từ bất cứ ai những gì cần thiết để có được một đời sống xứng đáng’ (ibid.). Ý nghĩ này là những gì luôn hiện hành, ngay cả trong tiến trình của các thế kỷ đổi thay về các hình thức trợ giúp huynh đệ; việc chấp nhận những thách đố về bác ái đương thời lệ thuộc phần lớn vào việc chúng ta cùng hoạt động với nhau. Tôi cảm thấy vui khi vấn đề này có một tiếng vang rộng lớn trên thế giới nơi hình thức của nhiều hoạt động đại kết. Tôi tri ân nhận thấy rằng trong cộng đồng Giáo hội Công Giáo cũng như nơi Các Giáo hội khác và Các Cộng đồng Giáo hội, có những hình thức mới khác nhau của hoạt động bác ái đã được phổ biến và những hình thức cũ cũng đã tài diễn với một nhiệt tình mới. Chúng là những hình thức thường bao gồm việc truyền bá phúc âm hóa và các hoạt động bác ái (x ibid 30b). Bất chấp tất cả mọi khác biệt cần phải thắng vượt nơi lãnh vực đối thoại liên giáo phái, vấn đề dường như vẫn thích hợp để qui việc tham gia bác ái cho cộng đồng đại kết của thành phần môn đệ Chúa Kitô trong việc họ tìm kiếm mối hiệp nhất trọn vẹn. Tất cả chúng ta có thể thực hiện việc đồng hoạt động cho thành phần thiếu thốn, khai thác đường lối liên hệ hỗ tương này, hoa trái của việc đối thoại giữa chúng ta với việc hoạt động chung. Theo tinh thần giới luật của Phúc Âm, chúng ta cần phải có được mối quan tâm nhiệt tình này đối với những ai nghèo khổ, dù là bất cứ ai. Về vấn đề này, tôi đã viết trong bức Thông Điệp của tôi là: ‘việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đòi Kitô hữu phải đồng thanh lên tiếng trong việc ghi tâm khắc cốt vấn đề tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của hết mọi người, nhất là người nghèo khổ, người hèn kém và người bất khả tự vệ’ (đoạn 30b). Tôi xin bày tỏ cùng tất cả những ai đang tham dự cuộc họp của chúng ta hôm nay đây là việc thực hành đức bác ái huynh đệ sẽ mang chúng ta lại gần nhau hơn và sẽ làm cho chứng từ của chúng ta về Chúa Kitô trước thế giới có tính cách khả tín hơn.

“Vấn đề thứ hai tôi muốn đề cập tới liên quan đến đời sống hôn nhân và đời sống gia đình. Chúng ta biết rằng trong các cộng đồng Kitô hữu, các cộng đồng được kêu gọi để làm chứng cho tình yêu thương, thì gia đình chiếm một vị thế đặc biệt. Nơi thế giới ngày nay, một thế giới mà các mối tương quan liên quốc gia và liên văn hóa là những gì đang phát triển, thì càng ngày càng xẩy ra là giới trẻ thuộc các truyền thống khác nhau, các tôn giáo khác nhau, hay các Kitô giáo phái khác nhau, quyết định thành lập gia đình. Đối với chính giới trẻ cũng như đối với những ai thân thương của họ, thì thường là một quyết định khó khăn bao gồm những nguy hiểm khác nhau liên quan tới cả vấn đề kiên trì với đức tin lẫn cơ cấu tương lai của gia đình, đến việc kiến tạo nên một bầu khí hiệp nhất trong gia đình lẫn những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đời sống tâm linh nơi con cái. Tuy nhiên, nhờ việc lan rộng của vấn đề đối thoại đại kết ở tầm mức đại thể, mà quyết định ấy có thể dẫn tới việc hình thành một phòng thí nghiệm thực tiễn về mối hiệp nhất. Để vấn đề này được thực hiện cần phải có một thiện chí hỗ tương, việc hiểu biết và trưởng thành về đức tin của cả đôi bên, cũng như của các cộng đồng họ thuộc về. Tôi xin bày tỏ lòng cảm nhận của tôi đối với Ủy Ban Song Phương Hội đồng Về Các Vấn đề Đại kết của Hội đồng Giám mục Balan và của Hội đồng Ba Lan Về Đại Kết, một ủy ban đã bắt đầu soạn thảo một văn bản trình bày giáo huấn chung của Kitô Giáo về hôn nhân và đời sống gia đình, và nêu lên những nguyên tắc khả chấp đối với tất cả các cuộc hôn nhân kết ước liên giáo phái, ấn định chương trình chung về việc chăm sóc mục vụ cho cuộc hôn nhân như thế. Tôi muốn bày tỏ cùng tất cả anh chị em ước muốn thấy việc tin tưởng lẫn nhau và hợp tác với nhau giữa các Giáo hội được gia tăng nơi lãnh vực tinh tế này, hoàn toàn tôn trọng các quyền lợi và trách nhiệm của thành phần phối ngẫu đối với việc huấn luyện đức tin của gia đình họ cũng như của việc họ giáo dục con cái mình”.

Đại Kết Kitô giáo chỉ hiện thực nhờ Việc Hoán Cải Nội Tâm
(Với Các vị Lãnh đạo Thế giới Liên minh Chư Giáo hội Cải cách thứ Bảy 07.01.2006)

“Thật vậy, trong tháng vừa qua, tháng đánh dấu 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, một Công Đồng đã ban hành Sắc Lệnh về Đại Kết Unitatis Redintegratio. Cuộc Đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Chư Giáo hội Cải cách, một cuộc đối thoại xẩy ra sau đó ít lâu, đã là một đóng góp quan trọng cho công việc cần thiết để suy tư về thần học và nghiên cứu về lịch sử là những gì bất khả châm chước để thắng vượt những chia rẽ thảm thương xuất phát từ nơi Kitô hữu trong thế kỷ thứ 16. Một trong những kết quả của cuộc Đối thoại này đó là việc cho thấy những lãnh vực qui hợp quan trọng giữa việc Chư Giáo hội Cải cách hiểu về Giáo hội như là Creatura Verbi với việc Giáo hội Công giáo hiểu về Giáo hội như là một Bí Tích nồng cốt để Thiên Chúa tuôn ban ân sủng xuống trong Chúa Kitô (xem Ánh Sáng Muôn Dân, 1). Nó là một dấu hiệu phấn khởi để giai đoạn đối thoại hiện thời tiếp tục đào sâu vào tính cách phong phú và bổ xung của những thứ kiến thức này.

“Sắc lệnh về Đại kết xác nhận rằng ‘không có một cuộc đại kết nào xứng với danh xưng của mình nếu không thực hiện việc thống hối nội tâm’ (đoạn 7). Vào lúc mở màn cho Giáo triều của mình, tôi đã nói lên niềm xác tín của mình là ‘việc hoán cải nội tâm là điều kiện tiên quyết cho tất cả mọi tiến bộ về đại kết’ (Homily in the Sistine Chapel, 20 April 2005), và nhắc lại gương của vị tiền nhiệm mình là Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị thường nói về nhu cầu cần phải ‘thanh tẩy ký ức” như cách thức mở lòng ra để lãnh nhận tất cả sự thật của Chúa Kitô. Vị cố Giáo Hoàng này, nhất là vào dịp Đại Năm Thánh 2000, đã cống hiến một động lực mãnh liệt cho nỗ lực này của Giáo hội Công giáo, và tôi cảm thấy vui mừng khi thấy rằng có một số Chư Giáo hội Cải cách là phần tử của Tổ chức Thế giới Liên minh này cũng đã thực hiện tương tự như thế. Những cử chỉ như vậy là những tảng đá xây dựng cho một mối liên hệ sâu xa hơn là những gì cần phải được nuôi dưỡng trong chân lý và yêu thương.

Đại Kết Kitô giáo là Tặng Ân của Thiên Chúa
(Buổi Triều kiến chung hằng tuần thứ Tư 18.01.2006
về việc nguyện cầu cho mối Hiệp nhất Kitô giáo)

“Về điều này, giáo huấn của Công đồng chung Vaticanô II nơi sắc lệnh về vấn đề đại kết cũng rất đúng: ‘Phong trào hướng về hiệp nhất này được gọi là đại kết. Những ai thuộc về phong trào này là thành phần kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế’ (đoạn 1). Những lời cầu nguyện chung vang lên khắp thế giới đặc biệt trong giai đoạn này, hay vào dịp Lễ Hiện Xuống, lại càng bày tỏ ý muốn của một nỗ lực chung trong việc tái thiết mối trọn vẹn hiệp thông của tất cả mọi Kitô hữu. ‘Những lời nguyện cầu chung như thế chắc chắn là phương tiện hiệu nghiệm trong việc chiếm được ơn hiệp nhất’ (đoạn 8).

“Bằng lời khẳng định này, Công đồng Chung Vaticanô II giải thích một cách dứt khoát những gì Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, thành phần Người bảo đảm là ở đâu có hai người qui tụ lại trên mặt đất này xin bất cứ điều gì cùng Cha ở trên trời thì Ngài sẽ ban cho điều đó ‘vì’ ở đâu có hai ba người hợp lại vì danh Người thì Người ở giữa họ. Sau khi phục sinh, Người bảo đảm với các vị rằng Người sẽ ở với các vị “mãi mãi cho tới tận thế” (Mt 28, 20). Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đồng các môn đệ cũng như nơi việc nguyện cầu của chúng ta là những gì bảo đảo tính cách hiệu nghiệm. Cho đến nỗi Người đã hứa quyết rằng ‘bất cứ điều gì các con cầm buộc dưới thế thì trên trời cũng cầm buộc, và bất cứ những gì các con tháo cởi dưới thế thì trên trời cũng tháo cởi’ (Mt 18, 18).

“Thế nhưng, chúng ta không chỉ thực hiện việc van xin mà thôi. Chúng ta cũng có thể dâng lời tạ ơn Chúa về tình hình mới, một tình hình, nhờ nỗ lực, đã tạo được những liên hệ đại kết nơi Kitô hữu trong tình huynh đệ, những gì đã tái diễn nhờ những thắt kết mạnh mẽ của tình đoàn kết được thiết lập, của mối hiệp thông gia tăng và của những qui điểm được thực hiện – chắc chắn là một cách không đồng đều – giữa các cuộc đối thoại khác nhau. Có nhiều lý do để tạ ơn Chúa. Và nếu vẫn còn nhiều điều cần phải làm và hy vọng, thì chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều điều trên con đường hiệp nhất rồi. Bởi thế, chúng ta hãy biết ơn Ngài về những tặng ân ấy. Tương lai ở trước mắt chúng ta.

“Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đáng kính nhớ, vị đã làm rất nhiều và vất vả về vấn đề đại kết, đã dạy chúng ta rằng ‘niềm cảm nhận việc Thiên Chúa đã ban phát biết là chừng nào là điều kiện dọn lòng chúng ta đón nhận những tặng ân vẫn bất khả thiếu trong việc hoàn tất công cuộc hiệp nhất đại kết’ ("Ut Unum Sint," No. 41). Bởi thế, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để nhận thức rằng lý do thánh hảo của việc tái thiết lập mối hiệp nhất Kitô Giáo là những gì vượt quá các nỗ lực nghèo nàn của nhân loại chúng ta và hiệp nhất trên hết là tặng ân của Thiên Chúa”.

(Ngỏ cùng Phái đoàn Đại biểu Đại kết Balan trong Chuyến Tông du Balan thứ Năm 25.05.2006)

“Cái nối kết chúng ta lại với nhau hôm nay ở nơi này đó là lòng chúng ta ước mong được gặp gỡ nhau, và trong việc cầu nguyện chung, chúng ta dâng lời tôn vinh cùng tôn kính Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: ‘là Đấng yêu thương chúng ta và đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta bằng máu của Người và làm cho chúng ta trở thành một vương quốc, thành những vị linh mục cho Thiên Chúa là Cha của Người’ (Rev 1,5-6). Chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa vì Người đã tập trung chúng ta lại với nhau, Người ban cho chúng ta Thần Linh của Người và Người làm cho chúng ta có thể – vượt trên và ở trên những gì vẫn còn phân rẽ chúng ta – kêu lên ‘Abba, Lạy Cha’. Chúng ta tin tưởng rằng chính Người đã không ngừng chuyển cầu cho chúng ta, nài xin cho chúng ta: ‘Chớ gì họ được hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu thương họ như Cha đã mến yêu Con’ (Jn 17, 23). Cùng với anh chị em, tôi xin dâng lời tạ ơn về tặng ân có được một cuộc hội ngộ nguyện cầu chung này. Tôi thấy đó như là một giai đoạn thực hiện mục đích cương quyết được tôi đề ra ngay từ đầu Giáo triều của mình, trong việc lấy làm ưu tiên nơi thừa tác vụ của mình việc trọn vẹn phục hồi mối hiệp nhất hữu hình nơi Kitô hữu. Vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II đã tuyên bố rõ ràng khi Người đến thăm viếng Nhà thờ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh này vào năm 1991: “Cho dù chúng ta có dấn thân thế nào đi nữa cho công cuộc hiệp nhất thì nó bao giờ cũng vẫn là tặng ân của Thánh Thần. Chúng ta tỏ ra sẵn sàng chấp nhận tặng ân này là ở chỗ chúng ta mở lòng trí của mình ra cho Ngài qua đời sống Kitô hữu nhất là qua việc nguyện cầu’. Thật vậy, chúng ta không thể nào ‘thực hiện’ mối hiệp nhất bằng quyền năng riêng của mình được. Tôi đã nhắc nhở trong cuộc hội ngộ đại kết năm ngoái ở Cologne thế này: ‘Chúng ta chỉ có thể chiếm được mối hiệp nhất như là một tặng ân của Thánh Thần mà thôi’. Đó là lý do những ước vọng đại kết của chúng ta cần phải được sâu xa thấm đẫm lời nguyện cầu, việc tha thứ cho nhau và sự thánh thiện của đời sống mỗi người chúng ta. Tôi cảm thấy vui trước sự kiện là ở Balan này Hội đồng Balan về Đại kết và Giáo hội Công giáo Rôma đã phát động nhiều sáng kiến về lãnh vực này”.

Đại Kết Kitô giáo chỉ hiện thực trong Tình yêu Thiên Chúa
(Bài giảng trong Buổi Kinh Tối Bế Mạc Tuần lễ Cầu nguyện cho mối Hiệp nhất Kitô giáo 25.01.2006)

“Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả đức tin của Giáo hội được xây dựng trên tảng đá này. Đặc biệt là việc nhẫn nại tìm kiếm mối hiệp thông trọn vẹn nơi tất cả mọi thành phần Kitô hữu được xây dựng trên tảng đá ấy.

“Gắn mắt vào chân lý này, tột đỉnh của mạc khải thần linh, cho dù sự kiện chia sẽ vẫn còn chồng chất đau thương, tình trạng chia rẽ này dường như có thể vượt qua và không làm cho chúng ta nản chí.

“Tình yêu chân chính không loại trừ đi những khác biệt hợp lý, nhưng hòa hợp chúng lại thành một mối hiệp nhất ở mức độ cao hơn, một mối hiệp nhất được áp đặt lên chúng ta từ bên ngoài, đúng hơn, nói cách khác, một mối hiệp nhất của toàn thể được hình thành từ bên trong.

“Nó là mầu nhiệm hiệp thông, như nó liên kết con người nam nữ lại thành một cộng đồng yêu thương và sự sống là hôn nhân thế nào, nó cũng làm cho Giáo hội thành một cộng đồng yêu thương, cống hiến mối hiệp nhất cho một kho tàng đa dạng về các tặng ân và các truyền thống.

“Trong việc phục vụ cho mối hiệp nhất yêu thương này, Giáo hội Rôma, theo Thánh Ignatiô Antiôkia diễn tả, ‘chủ sự trong đức ái’.

“Vị Giám mục Rôma một lần nữa đặt trong tay Thiên Chúa thừa tác vụ kế vị Thánh Phêrô của mình, xin Thánh Linh soi sáng và tăng sức cho thừa tác vụ này, nhờ đó ngài luôn nuôi dưỡng mối hiệp nhất huynh đệ nơi tất cả mọi Kitô hữu”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh (tổng hợp và tuyển dịch)
Nguồn: thoidiemmaria.net