Diễn văn của ĐGH Phanxicô với Hội nghị “Luther: 500 năm sau”

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1453 | Cật nhập lần cuối: 4/3/2017 8:41:45 AM | RSS

(Zenit 31.03.2017) – “Tất cả chúng ta đều ý thức được rằng quá khứ không thể thay đổi được. Nhưng ngày nay, sau năm mươi năm đối thoại đại kết giữa người Công giáo và người Tin Lành, chúng ta có thể thực hiện việc thanh tẩy ký ức”: Đó là lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong diễn văn đọc trước Hội nghị Nghiên cứu Quốc tế do Hội đồng Toà Thánh về các Khoa học Lịch sử tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải cách Tin Lành (1517-2017) với chủ đề “Luther, 500 năm sau. Một suy tư về Cuộc Cải cách Tin Lành trong bối cảnh lịch sử Giáo hội”, diễn ra tại Roma từ ngày 29-31/3/2017.

Sau đây là toàn bài diễn văn của Đức Giáo hoàng:

***

Diễn văn của ĐGH Phanxicô với Hội nghị “Luther: 500 năm sau”

Anh chị em thân mến,
Thưa quý ông quý bà,

Tôi hân hoan chào mừng tất cả quý vị và hân hạnh đón tiếp quý vị. Tôi xin cảm ơn cha Bernard Ardura đã có bài giới thiệu tóm tắt mục đích của Hội nghị này về Luther và cuộc Cải cách của ông.

Thú thật rằng phản ứng đầu tiên của tôi đối với sáng kiến ​​đáng ca ngợi này của Hội đồng Toà Thánh về các Khoa học Lịch sử là lòng biết ơn Chúa, đồng thời có chút ngạc nhiên, vì cách nay không lâu đã không thể hình dung có một Hội nghị như thế này. Người Công giáo cùng với người Tin Lành Luther thảo luận về Luther, trong một Hội nghị do một Văn phòng của Tòa Thánh tổ chức: thật sự chúng ta đang cảm nghiệm những kết quả của hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng vượt thắng mọi trở ngại và biến những xung đột thành dịp để lớn lên trong tình hiệp thông. Từ xung đột đến hiệp thông chính là nhan đề của tài liệu của Uỷ ban Công giáo Roma – Tin Lành Luther được soạn thảo để chúng ta cùng nhau kỷ niệm năm trăm năm cuộc Cải cách của Tin Lành Luther.

Tôi rất vui khi biết rằng dịp kỷ niệm này là cơ hội cho các học giả của nhiều tổ chức khác nhau cùng nhau nghiên cứu những sự kiện này. Nghiên cứu nghiêm túc về dung mạo của Luther và phê bình của ông đối với Giáo hội vào thời của ông và đối với giáo triều rõ ràng đã góp phần vượt qua bầu khí nghi kỵ lẫn nhau và kình chống nhau cho dù bầu khí ấy đã ghi dấu mối tương quan giữa người Công giáo và người Tin lành quá lâu. Một cuộc nghiên cứu chu đáo và chặt chẽ, không có định kiến ​​và luận chiến, sẽ giúp cho các giáo hội nay đang đối thoại với nhau, phân định và đón nhận được tất cả những điều tích cực và chính đáng trong Cải cách, đồng thời tránh xa những sai lầm, cực đoan và thất bại, cũng như nhìn nhận những tội lỗi đã dẫn đến chia rẽ.

Tất cả chúng ta đều ý thức được rằng quá khứ không thể thay đổi được. Nhưng ngày nay, sau năm mươi năm đối thoại đại kết giữa người Công giáo và người Tin Lành, chúng ta có thể thực hiện việc thanh tẩy ký ức. Đây không phải là thực hiện một công việc sửa sai bất khả thi về tất cả những gì đã xảy ra cách nay năm trăm năm, mà là “thuật lại lịch sử ấy một cách khác” (Uỷ ban Hiệp nhất Công giáo Roma – Tin Lành Luther, Từ Xung đột đến Hiệp thông, 17.6.2013, 16), không còn chút oán giận dai dẳng nào về những vết thương đã qua vốn làm cho chúng ta có cái nhìn sai lệch về nhau. Ngày nay, là những Kitô hữu, tất cả chúng ta được kêu gọi gạt bỏ mọi định kiến về đức tin của người khác mà họ tuyên xưng bằng một sự niềm xác tín hay bằng một ngôn ngữ khác, để tha thứ cho nhau về tội mà những người đi trước chúng ta đã phạm, và cùng nhau cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn hòa giải và hiệp nhất.

Tôi đoan chắc sẽ cầu nguyện cho công cuộc nghiên cứu lịch sử quan trọng của quý vị và cầu xin Thiên Chúa là Đấng toàn năng và giàu lòng thương xót giáng phúc cho tất cả quý vị. Và tôi cũng xin quý vị cầu nguyện cho tôi nữa. Xin cảm ơn.

(WHĐ, 1.04.2017)

Minh Đức (chuyển ngữ)
Nguồn: hdgmvietnam.org