Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Đức Thượng phụ Chính thống Ethiopia

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1147 | Cật nhập lần cuối: 3/2/2016 9:39:30 PM | RSS

Sáng thứ Hai 29.2.2016 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Thượng phụ Abune Mathias, Giáo chủ Giáo hội Chính thống Ethiopia. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chuyến viếng thăm của Thượng phụ Mathias sẽ giúp tăng cường mối tương quan huynh đệ giữa hai Giáo hội sau các cuộc gặp gỡ của Đức Thượng phụ Abune Paulos với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1993 và với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào năm 2009.

Chính Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mời Thượng phụ Abune Paulos tham dự Thượng Hội đồng giám mục về châu Phi và đã gửi một phái đoàn của Toà Thánh tham dự tang lễ của ngài vào năm 2012.

Cách chung từ năm 2004, Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống Đông phương đã đào sâu hơn mối hiệp thông qua cuộc đối thoại thần học trong Uỷ ban hỗn hợp quốc tế. Qua nhiều năm, chúng ta nhận thấy có rất nhiều điểm chung: một đức tin, một phép rửa, một Chúa và Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô, và cả nhiều yếu tố khác trong các truyền thống tu trì và phụng vụ.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Đức Thượng phụ Chính thống Ethiopia

“Điều liên kết chúng ta thì nhiều hơn những gì ngăn cách chúng ta… Chúng ta cảm nhận sự thật trong lời của Thánh Phaolô: Nếu một chi thể bị đau, toàn thân đều đau; nếu một chi thể được vinh dự, tất cả đều vui mừng. Những đau khổ được sẻ chia làm cho các Kitô hữu gần lại với nhau, dù họ đang chia rẽ theo nhiều cách. Cũng thế, máu của các vị tử đạo đổ ra đã trở thành hạt giống nảy sinh các Kitô hữu mới trong Giáo hội thuở ban đầu... Các vị tử đạo và các thánh của tất cả các truyền thống là một trong Chúa Kitô. Tên của các ngài được ghi trong sổ bộ các thánh duy nhất của Giáo hội của Chúa. Tính đại kết của các vị tử đạo là lời mời gọi chúng ta cùng nhau tiếp bước hướng tới một sự hiệp nhất trọn vẹn hơn bao giờ hết”.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng từ ban đầu Giáo hội Chính thống Ethiopia đã là Giáo hội của các vị tử đạo. Và ngày nay Giáo hội ấy vẫn còn là chứng nhân của “nạn bạo lực hủy diệt các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác ở Trung Đông và ở một số vùng của châu Phi. Một lần nữa chúng ta lại kêu gọi những kẻ nắm trong tay vận mệnh chính trị và kinh tế của thế giới hãy thúc đẩy sự chung sống hoà bình dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hòa giải, tha thứ và liên đới”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những nỗ lực rất lớn của Ethiopia nhằm cải thiện điều kiện sống của dân chúng và xây dựng một xã hội công bằng hơn, dựa trên sự thượng tôn pháp luật và coi trọng vai trò của phụ nữ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự hợp tác giữa các Giáo hội trong nhiều lĩnh vực vì công ích và để bảo vệ thiên nhiên.

Chắc chắn rằng Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Ethiopia đều muốn làm việc cùng nhau: “Tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này đánh dấu một giai đoạn mới của tình huynh đệ giữa các Giáo hội của chúng ta. Chúng ta biết rằng lịch sử đã để lại một gánh nặng hiểu lầm đau đớn và nghi ngờ, nên chúng ta xin Chúa tha thứ”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau và xin các vị tử đạo và các thánh phù hộ chúng ta”. Các tín hữu của cả hai Giáo hội hãy cầu nguyện, “xin Chúa Thánh Thần tiếp tục soi sáng và hướng dẫn chúng ta trên con đường hoà hợp và hoà bình. Xin Người khích lệ chúng ta cho đến ngày chúng ta được hiệp nhất với nhau quanh bàn thờ hy tế của Chúa Kitô, trong sự hiệp thông Thánh Thể viên mãn”.

(VIS)

Minh Đức
Nguồn: hdgmvietnam.org