Một thần học truyền giáo cho hôm nay (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 727 | Cật nhập lần cuối: 6/10/2021 9:25:22 AM | RSS

3. Missio dei và sáu hằng tố truyền giáo

Một thần học truyền giáo cho hôm nay (2)Nền tảng Ba Ngôi/missio Dei của truyền giáo có thể cắt nghĩa thế nào sáu hằng tố mà chúng ta đã đề nghị? Nói chung, nó sẽ cắt nghĩa qua một sự phối hợp các thần học Kiểu B và C. Xét về một phương diện, trong khi mọi vị trí trung tâm dành cho sự hiểu biết về Thiên Chúa như là Ba Ngôi có vẻ như nằm trong lãnh vực một sự tiếp cận thần học hàn lâm hơn, thì thần học Chính Thống giáo, cũng như các thần học gia chịu ảnh hưởng Chính Thống giáo (vd., LaCugna), và Karl Rahner, tất cả đều chỉ ra sự thật rằng học thuyết về Ba Ngôi là một học thuyết thực tế với nhiều hệ quả cụ thể cho đời sống Kitô Giáo. Học thuyết này hình thành chủ yếu không phải từ các suy tư lý thuyết được gợi hứng bởi triết học Hy Lạp, nhưng từ cố gắng của Giáo Hội thời kỳ đầu nhằm “diễn tả bằng ngôn từ” kinh nghiệm của giáo hội về Đức Giêsu như là Đấng mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa và về Chúa Thánh Thần Đấng khơi dậy đức tin và hướng dẫn cộng đoàn. Và kinh nghiệm này vẫn còn tiếp diễn hôm nay. David Cunningham thậm chí còn nói rằng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi vừa bắt nguồn từ thực hành vừa dẫn đến thực hành. Trích lời Wittgenstein, Cunningham lý luận rằng “thực hành tạo ý nghĩa cho lời nói” và các học thuyết như học thuyết về Ba Ngôi “có ý nghĩa từ các việc thực hành của cộng đoàn tín hữu, và cuối cùng dẫn đến một số kết quả trong các việc thực hành này.” (62) S. Mark Heim chỉ về học thuyết Ba Ngôi như là nắm giữ giải pháp cho nan đề ngày nay của các Kitô hữu liên quan đến tính độc nhất và tuyệt đối của Đức Giêsu trong tư cách là Đấng Cứu Thế và trải nghiệm trực giác và giá trị của các tôn giáo khác. Chính sự khác biệt trong duy nhất nơi Thiên Chúa là nền tảng cho tính đa nguyên đích thực của các mục đích tôn giáo cũng như là nền tảng cho việc tuyên xưng vai trò duy nhất của Đức Giêsu trong hành động cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa nơi toàn thể tạo thành. (63) Vì vậy, trong khi cách tiếp cận này có một số yếu tố thuộc thần học Kiểu B—và chắc chắn sự hiểu biết Thiên Chúa như là Ba Ngôi có mang một số yếu tố triết học phức tạp và tư duy khó khăn—chúng tôi tin rằng một nền tảng Ba Ngôi/missio Dei cho truyền giáo nằm nhiều hơn trong lãnh vực thực hành của thần học Kiểu C. Về nhiều phương diện, đây là một sự khai triển trực giác của [Thánh] Irênê rằng Chúa Con và Chúa Thánh Thần là hai bàn tay của Chúa Cha trong lịch sử. (64)

Một khoa Kitô học đặt nền trên sự hiểu biết về Thiên Chúa như là Ba Ngôi chắc chắn có thể tránh được cám dỗ đặt trọng tâm quá hẹp vào Đức Kitô, vào điều mà một số nhà thần học gọi là thuyết “nhất nguyên Kitô” (“Christomonism”). Một đàng, chúng ta có thể hiểu Đức Kitô như là người không qui về bản thân mình nhưng về Nước Thiên Chúa, về Chúa Cha (xem Mt 11,25-27; Mc 1, 15; Lc 18,18-19; Ga 12,44-45; 14, 9; 17,1-8). Đàng khác, một khoa Kitô học Thần Khí thì nhấn mạnh cả vai trò trung tâm của Thần Khí trong sứ vụ của Đức Kitô (xem Mt 3,13-4,1; Lc 3,21-22; 4, 1,16-19) cũng như sự hiện diện của Thần Khí trước khi Đức Kitô đến và tại những nơi ở bên ngoài ranh giới của giáo hội (xem AG 4, GS 22, RM 29). Có thể nói Đức Kitô là “khuôn mặt” của Thần Khí, là “Thiên Chúa từ bên trong đi ra” với thế giới. Người là tác nhân tuyệt vời của hoạt động của Thần Khí trong việc khơi dậy việc thực hành ngôn sứ; tái tạo; khôi phục sự sống; và đem đến sự chữa lành, hoà giải và tha thứ. (65) Là “khuôn mặt” của Thần Khí, Đức Kitô có thể được tuyên xưng là đấng duy nhất đem đến ơn cứu độ của Thiên Chúa; đồng thời, Đức Kitô không thâu tóm hết sự hiện diện cứu độ và hoạt động cứu độ của Thiên Chúa. Nhà thần học Chính Thống Giáo Michael Oleksa cho rằng người Kitô hữu, tuy biết được Đức Kitô ở đâu, nhưng chắc chắn không bao giờ có thể biết chắc được ở đâu không có Ngài. (66) Và Lesslie Newbigin viết rằng “Thần Khí, Đấng làm chứng về mục đích của Chúa Cha trong đời sống giáo hội, không bị giới hạn vào trong ranh giới của Giáo hội. Giáo huấn của sách Công Vụ Tông Đồ, cũng như kinh nghiệm của các nhà truyền giáo, nói rõ ràng rằng Thần Khí đi trước Giáo Hội, có thể nói như vậy.” (67)

Một số nhà thần học ngày nay nói về tính chất Vượt Qua của đời sống và sứ vụ của Ba Ngôi. Sự trao ban và đón nhận lẫn nhau, yếu tố cấu thành của sự hiệp thông Thiên Chúa, được phản ánh trước hết trong việc sai Thần Khí vào thế giới. Nói cách khác, nhờ Thần Khí, mầu nhiệm Thiên Chúa được quay “từ trong ra ngoài” và vì thế hiện diện hoàn toàn trong toàn bộ các qui trình của vũ trụ và lịch sử. Trong chuyển động thứ hai là tự trao ban, mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong con người lịch sử của Đức Giêsu qua sự tự hạ của Ngôi Lời hằng hữu (Pl 2,6-11). Nhà thần học Chính Thống Giáo Elias Voulgarakis nói về sứ vụ của Thiên Chúa như là sự tự hạ (kenosis) của Thiên Chúa trong thế giới vì sự hiệp nhất của thế giới. (68) Một cách hiểu như thế dẫn đến một cách giải thích về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu như là một phần của sự hiến mình hoàn toàn mà Chúa Giêsu hoàn tất bằng việc từ trên Thánh Giá Ngài cử Chúa Thánh Thần vào thế giới (Ga 19, 34; cũng xem điệp khúc mùa phục sinh Vidi aquam), và vào chiều ngày phục sinh, cử Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo Hội (Ga 20, 22). Như Chúa Giêsu, giáo hội được Chúa Cha sai đến (Ga 20, 21) trong quyền năng Thánh Thần, để giáo hội trao ban mình vì sự sống của thế giới (xem Ga 6, 33; 10, 10). (69)

TRUYỀN GIÁO NHƯ LÀ THAM DỰ VÀO SỨ VỤ THIÊN CHÚA BA NGÔI

Một thần học truyền giáo cho hôm nay (2)

CÁC HẰNG TỐ

Một thần học truyền giáo cho hôm nay (2)

Một khoa giáo hội học bắt nguồn từ Ba Ngôi nói về giáo hội như là một sự hiệp-thông-trong-sứ-vụ. Một đàng, giáo hội được hiểu như là một sự hiệp thông: giáo hội là “một dân được làm nên một với sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần” (LG 4). Như David Cunningham đã chỉ rõ, Ba Ngôi thách thức chúng ta suy nghĩ khác đi không những về Thiên Chúa mà còn về chính mình. Chúng ta không hẳn là những cá nhân, như nền văn hoá Phương Tây cách riêng quan niệm, nhưng là những hình ảnh của Thiên Chúa, sâu xa mang bản chất xã hội và cộng đồng. (70) Sự thông truyền và tự trao ban hoàn hảo—là chính bản tính Thiên Chúa—là thực tại sâu xa nhất của giáo hội, vì người Kitô hữu đã được thần hoá (theosis) và tham dự vào bản tính Thiên Chúa (xem 2P 1, 4). Ở bình diện bí nhiệm nhưng cũng rất thực, giáo hội là duy nhất hoàn toàn, dù bị phân chia, vì Thiên Chúa là duy nhất; cũng vậy, giáo hội là công giáo hoàn toàn, vì Thiên Chúa hiện hữu và sống trong một sự đa dạng phong phú. Giống như một bản nhạc phức tạp hay đa điệu, sự duy nhất của Thiên Chúa được cấu tạo bởi sự đa dạng và sự đa dạng của Thiên Chúa ăn rễ sâu trong sự duy nhất của ý muốn và mục đích; giáo hội là giáo hội bởi vì được bao gồm trong cái hợp âm ấy. Giáo hội là gì trong thực tại sâu xa nhất của mình thì cũng được kêu gọi là như thế trong mọi khía cạnh của mình. Vì vậy việc xây dựng một đời sống cộng đoàn sinh động, trong đó diễn ra sự chia sẻ, phụ thuộc lẫn nhau, công bằng, phục vụ và đoàn kết, tự bản chất của giáo hội là một dấu chỉ và sự nếm cảm trước số phận của chính giáo hội và của toàn thể tạo thành. Cũng thế, cần phải vun trồng một ý thức thực sự về tính tự chủ và bản sắc văn hoá của địa phương, cũng như một ý thức về sự hiệp thông với các giáo hội địa phương khác và các Kitô hữu của các nhóm văn hoá khác. Trong thực tế tất yếu đa văn hoá của giáo hội ngày nay, mục tiêu không phải là sự đồng dạng của chế độ quân chủ nhưng là sự duy nhất trong khác biệt của Chúa Ba Ngôi. Cũng thế, giáo hội tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa và được kêu gọi trở nên thánh thiện—cả theo nghĩa là được tách riêng, khác với thế giới mà giáo hội đang sống, cũng như theo nghĩa là phản ánh sự tuyệt hảo của Thiên Chúa trong cộng đồng các thành viên của giáo hội.

Tính tông truyền của giáo hội bộc lộ sự thật rằng, vì được cắm rễ trong đời sống Ba Ngôi, giáo hội cũng thấy mình như là một sự hiệp-thông-trong-sứ-vụ. Giống như Ba Ngôi, giáo hội là “truyền giáo tự bản chất” (AG 2), vì giáo hội có được chính căn tính của mình từ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và có nền móng là các “tông đồ”, những người được kêu với toàn thể giáo hội để chia sẻ sứ vụ ấy trong thế giới. Như Moltmann đã diễn tả rất cô đọng, “Không phải là giáo hội 'có một sứ vụ' mà là ngược hẳn lại: ... sứ vụ của Đức Kitô tạo ra giáo hội của chính sứ vụ ấy.” (71) Vì thế sự duy nhất nội tại của giáo hội thúc đẩy giáo hội trở thành một dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp nhất trong thế giới; tính công giáo của giáo hội kêu gọi giáo hội làm dấu chỉ và dụng cụ của sự khác biệt trong duy nhất để mọi người có thể thấy được. Cũng vậy, sự thánh thiện của giáo hội là một sự thúc đẩy để chỉ về sự thánh thiện của tạo thành và để kêu gọi mọi người đến với sự sống đích thực trong Thiên Chúa. Sự thánh thiện của giáo hội không phải là cho chính giáo hội nhưng là cho thế giới, là “những người mang [sự thánh thiện]—không chỉ là những người thụ hưởng.” (72)

Rất có thể hình ảnh về giáo hội diễn tả sâu sát nhất nền tảng Ba Ngôi của giáo hội chính là hình ảnh Dân Thiên Chúa. Cộng đoàn giáo hội, được tham dự sự sống của Thiên Chúa, là dân đặc biệt của Thiên Chúa, một dân sống sự sống hiệp thông của Thiên Chúa trong một giao ước quan hệ và yêu thương, một dân xác tín về sự bình đẳng cơ bản của mình nhờ phép rửa chung nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng được hiểu như là sự hiệp-thông-trong-sứ-vụ, hình ảnh này mang một ý nghĩa động, đó là dân Thiên Chúa đang lữ hành, dân Thiên Chúa tuyển chọn không phải cho bản thân họ nhưng cho các mục đích của Thiên Chúa, dân Thiên Chúa có lòng kính trọng đối với hoạt động của Thánh Thần bên ngoài các ranh giới riêng của mình nhưng dấn thân chia sẻ đầy đủ các hệ lụy của giao ước giữa Thiên Chúa với toàn thể nhân loại (xem LG 13-17). Nhưng hai hình ảnh quan trọng khác về giáo hội trong Tân Ước, thân thể Chúa Kitô và sáng tạo của Chúa Thánh Thần, cũng được thấy nổi bật trong mọi khoa giáo hội học truyền giáo theo hướng Ba Ngôi. Người Kitô hữu được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi thì trở nên đồng hình dạng với sự chết và phục sinh của Đức Kitô (Rm 6,1-11) và trở nên một thân thể với Người nhờ thông phần vào Thánh Thể (1 Cr 10,14-17); sự gắn bó với Chúa Kitô được diễn tả qua sự duy nhất và khác biệt của các ân điển để phục vụ, và vì thế giáo hội sống như là sự hiện diện của Chúa trong thế giới, chia sẻ và tiếp tục sứ vụ của Người là cụ thể hoá hoạt động của Thánh Thần. Như sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh, chính Thánh Thần là Đấng dẫn dắt cộng đoàn sơ khởi tới chỗ thể hiện mình là giáo hội, khi các thành viên của giáo hội vượt qua các ranh giới mà ngay cả Đức Giêsu có lẽ cũng chưa bao giờ mơ tưởng đến trong hoạt động sứ vụ của Người.

Sau cùng, các cơ cấu của Hội Thánh là để phục vụ cộng-đoàn-trong-sứ-vụ này. Mặc dù không phải hết mọi người trong giáo hội đi theo cùng một đường lối (xem LG 32), tất cả cùng được chia sẻ đồng đều phẩm cách là dân Thiên Chúa, và tất cả được kêu gọi thi hành việc phục vụ và sứ mạng. Chính sự duy nhất trong khác biệt này của Ba Ngôi là nền tảng cho mọi việc lãnh đạo trong giáo hội. Thừa tác vụ chức thánh không phải là một cái gì khác với các thừa tác vụ khác về mặt định lượng, nhưng nó khác về mặt định tính trong việc phục vụ đặc biệt của nó là điều hành toàn thể cộng đoàn bằng việc phối hợp các thừa tác vụ của cộng đoàn, chủ sự việc phụng tự của cộng đoàn, và bảo vệ đức tin của cộng đoàn. (73) Theo nghĩa này, tư cách lãnh đạo giáo hội là sự nắm giữ quyền bính (authoritas) thực sự, nhưng, như gốc của từ này gợi ý, đây là thực thi việc gia tăng (augere) và kêu gọi mọi người tới trách nhiệm thực sự hay “tác quyền” thực sự trong đời sống Kitô hữu của họ. Mọi quyền bính đều phải được thực thi trong đối thoại, với sự quan tâm tới sự tham gia, sự phân quyền (subsidiarity) và tính tập đoàn (collegiality).

Một khoa cánh chung học Ba Ngôi sẽ được tập trung đặc biệt vào khía cạnh “đã là” của đời sống Kitô hữu. Trong Phép Rửa và Thánh Thể, người Kitô hữu được tháp nhập vào đời sống thần linh và nếm cảm trước số phận cuối cùng của thế giới là hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa, với nhau và với toàn thể tạo thành. Trải nghiệm ơn cứu độ là trải nghiệm sự hiệp thông này một cách trọn vẹn; trải nghiệm án phạt đời đời là quyết định bị cô lập muôn đời với mọi người và mọi vật. Mọi sự viên thành tương lai, trên bình diện “cánh chung chung” hay “cánh chung riêng”, không khác về mặt định tính với tình trạng hiện tại của thế giới hay một người đắm mình trong ân sủng Thiên Chúa. Như Tôma Aquinô diễn tả rất súc tích, ơn hiện sủng là “hạt giống của vinh quang tương lai.” (74) S. Mark Heim nói, đời sống sau khi chết “không phải là một cái gì thêm vào đời sống hiện nay, nhưng là một sự tỏ lộ và chuẩn nhận tính chất hiện tại của nó.” (75) Như các thần học gia Chính Thống Giáo nhấn mạnh, tham dự phụng vụ là một sự kiện cánh chung. “Thánh Thể luôn luôn là Cùng Tận,” Schmemann viết, “là bí tích cánh chung (parousia).” (76) Trong Thánh Thể, qua nghi thức và hiệp lễ, chúng ta đã trải nghiệm được số mệnh của mọi tạo thành rồi.

Tuy nhiên, vì đời sống Kitô hữu là tham dự vào sứ vụ đang tiếp diễn của Thiên Chúa để kêu gọi tạo thành đi đến chỗ thành toàn, một khoa cánh chung học Ba Ngôi cũng phải có chỗ cho khía cạnh “chưa đến” của kế hoạch Thiên Chúa. Đoạn tiếp theo trong phát biểu của Schmemann trích dẫn ở trên nhấn mạnh rằng, trong khi Thánh Thể sự tham dự có tính bí tích vào cuộc giáng lâm (parousia), nó vẫn “luôn luôn là sự khởi đầu, điểm bắt đầu: bây giờ sứ vụ bắt đầu. 'Chúng ta đã nhìn thấy Ánh Sáng thật, chúng ta đã hưởng sự sống vĩnh cửu,' nhưng Sự Sống này, Ánh Sáng này, được ban cho chúng ta để 'biến đổi' chúng ta thành những chứng nhân cho Đức Kitô trong thế giới.” (77) Lịch sử vẫn tiếp diễn sau [cử hành] phụng vụ, và giáo hội đã được biến đổi để làm chứng cho Thiên Chúa trong thế giới. Nhờ Thần Khí, người Kitô hữu trong phụng vụ “loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến” (1 Cr 11, 26).

S. Mark Heim nhấn mạnh vị trí trung tâm của đức tin Ba Ngôi để có thể hiểu theo cái nhìn độc đáo của Kitô Giáo về sự cứu độ. Trong khi moksha (sự giải thoát), nirvana (niết bàn), sự an bình toàn diện nhờ hoàn toàn suy phục ý muốn của Thượng Đế và kết hợp hoàn hảo với Đấng Độc Nhất, là những mục đích tôn giáo có giá trị và có thể đạt được, thì mục đích tôn giáo mà người Kitô hữu tìm kiếm là sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, một sự hiệp thông giúp cho họ vừa hiệp thông với nhau vừa hiệp thông với toàn thể thực tại tạo thành. Heim quan niệm án phạt trầm luân là một khả thể có thật đối với những người cố tình từ khước mở lòng mình ra với bất kỳ thực tại nào khác ngoại trừ bản thân họ, nhưng ông lý luận rằng có nhiều cấp độ quan hệ với Thiên Chúa, tất cả đều đặt nền trên sự duy nhất trong khác biệt và khác biệt trong duy nhất của Ba Ngôi. Tuy nhiên, cứu độ đích thực chỉ đến nhờ Đức Kitô (được nhìn nhận cách minh nhiên hay mặc nhiên) và hệ tại việc tham dự vào đời sống cộng đoàn của Thiên Chúa và sứ vụ của Thiên Chúa. Phù hợp với triền suy tư về cánh chung của chúng tôi ở các đoạn trước, cứu độ là một cái gì đang hoạt động bây giờ khi chúng ta sống trong sự hiện diện của ân sủng Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần và nhờ Đức Kitô (một lần nữa, được nhìn nhận cách minh nhiên hay mặc nhiên), thế nhưng nó vẫn là một cái gì mà chúng ta không ngừng tiến tới trong cuộc đời này, và chúng ta sẽ sâu xa hơn trong đó khi chúng ta vượt qua cuộc đời này. Heim nhấn mạnh, vấn đề không phải là giá trị của các cùng đích tôn giáo khác, nhưng vấn đề là cùng đích nào phù hợp nhất với các khát vọng thâm sâu của đời sống con người và toàn thể tạo thành. Đây là lý do tại sao có truyền giáo, đó là để loan truyền và làm chứng cho thế giới “sự giàu có thẳm sâu khôn lường” (Rm 11, 33) của tình thương Thiên Chúa, và sự có sẵn tình thương này khi Thánh Thần nói với quả tim con người và khi Đức Kitô mặc khải tình thương ấy qua đời sống phục vụ đích thực “cho tới cùng” (Ga 13, 1). Và vì hiệp thông với Thiên Chúa không bao giờ có thể tách rời khỏi sự hiệp thông với những con người khác và với toàn thể tạo thành, nên ý nghĩa của sự cứu độ toàn diện không bị mất đi. Hiệp thông với những con người khác có nghĩa là công bằng và hoà giải, và hiệp thông với toàn thể thế giới tạo thành có nghĩa là dấn thân cho sự toàn vẹn của cuộc tạo dựng. (78)

Trong một đoạn văn tuyệt vời ở cuối bộ thần học hệ thống hai quyển của ông, Robert Jensen diễn tả sự hiểu biết Ba Ngôi này về cứu độ bằng hình thức của một giai điệu hài hoà:

Lời cuối cùng phải nói về thực tại Thiên Chúa Ba Ngôi là Ngài là “một giai điệu tuyệt vời.” Vì vậy, lời cuối cùng phải nói về người được cứu chuộc là câu nói tuyệt vời của Jonathan Edwards... : “Khi tôi muốn hình dung ra một xã hội hạnh phúc cao nhất, tôi nghĩ họ... đang ca hát líu lo với nhau.” Điểm xác định căn tính, có thể đạt được vô hạn và phải đạt được vô hạn, cái telos (cùng đích) sinh động của chính đời sống Vương Quốc, là sự hài hoà hoàn hảo giữa việc đàm luận về người được cứu chuộc và việc đàm luận rằng Thiên Chúa hiện hữu. Trong đàm luận về Thiên Chúa hiện hữu, ý nghĩa và giai điệu là một. Mục đích là âm nhạc. (79)

Đương nhiên một sự hiểu biết về cứu độ như thế giả định một khoa nhân học nhấn mạnh cả bản chất xã hội cơ bản của con người lẫn mối liên kết không thể phá vỡ của con người với toàn thể thế giới tạo thành. Trước hết, con người là hình ảnh của Thiên Chúa vì họ chỉ có thể tìm thấy sự hoàn thành trong các mối quan hệ và hiệp thông. Trong ánh sáng thần học Ba Ngôi, huyền thoại to lớn là cách hiểu thời nay về con người như là một cá nhân hoàn toàn độc lập. Người Châu Phi có cách hiểu gần với sự thật bằng câu nói “Tôi hiện hữu vì chúng tôi hiện hữu” hơn là cách hiểu của người Phương Tây với ý tưởng “Tôi tư duy, vì vậy tôi hiện hữu.” Tư cách con người không dựa trên kinh nghiệm cá nhân và thành tựu cá nhân; nó luôn luôn là cái gì người ta nhận được từ người khác. Cộng đoàn không phải là cái gì mà một nhóm cá nhân ký kết với nhau để tạo thành; nó là cái gì tồn tại trước mỗi cá nhân và xảy ra khi người ta nhìn nhận mối dây liên kết họ với nhau. Truyền giáo trong ánh sáng của sự hiện hữu Ba Ngôi là lời kêu gọi làm việc với Thiên Chúa trong việc tạo dựng một cộng đồng con người phản ánh hành vi tự trao ban và tự đón nhận hoàn hảo của Thiên Chúa, một cộng đồng của sự bình đẳng, phụ thuộc lẫn nhau và công bằng.

Đồng thời, đức tin Ba Ngôi kêu gọi chúng ta nhìn nhận mối liên kết hỗ tương của mọi sự trong vũ trụ. Mọi sự có liên quan tới mọi sự khác, và điều này có nghĩa là một khoa nhân học trong ánh sáng của Ba Ngôi không bao giờ có thể là một khoa nhân học lấy con người làm trung tâm (anthropocentric). Xét về một mặt, nhân loại có thể được mô tả như là tột đỉnh của công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng sự nổi bật này của con người, mà Lesslie Newbigin gọi là “luận lý của sự tuyển chọn,” (80) không bao giờ là vì chính nó mà là vì toàn thể. Người ta càng được nhiều hồng ân, người ta càng có nhiều trách nhiệm. Nhưng mặt khác, vì mọi sự đều có liên hệ với mọi sự khác, nhân loại cũng là thành phần của toàn thể. Cũng như Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong mọi phân tử được tạo thành trong vũ trụ, thì những ai được gọi tham dự vào sự hiện diện và hoạt động này cũng cần phải nhìn nhận mối liên kết hỗ tương và trách nhiệm đối với tất cả những gì hiện hữu.

Chắc chắn đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi hiểu về con người như là một loài thụ tạo sa ngã và tội lỗi. S. Mark Heim chỉ ra rằng thần học Phương Tây, cảm hứng từ Augustine, và thần học Phương Đông, cảm hứng từ Irênê và Origen, có hai cách hiểu khác nhau về tình trạng tội lỗi của loài người. Đối với Augustinô và Phương Tây, sự sa ngã của Ađam kéo theo lỗi phạm luân lý được truyền từ đời nọ sang đời kia qua tội nguyên tổ. Tư tưởng Phương Tây được phát triển theo hướng pháp lý nhiều hơn qua thần học của Tertulianô (thần học Kiểu A) rốt cuộc đã dẫn đến thuyết thần học về sự cứu chuộc thục tội (satisfaction) của Anselmô Canterbury và thần học về sự công chính hoá của cuộc Cải Cách (Tin Lành) và cuộc Phản Cải Cách (Công Giáo). Con người đứng trước Thiên Chúa với thân phận tội lỗi, và nhờ Đức Kitô, tội lỗi được che lấp (Luther) hay xoá bỏ (Công Đồng Trentô). Tuy nhiên, thần học của các giáo hội Phương Đông lại hiểu về tội như là mất sự tương giao với Thiên Chúa, với hậu quả là mất khả năng sống đời đời. (81) Như ta đã thấy ở Chương 2, Irênê quan niệm sự sa ngã của Ađam như là một sự lạc hướng và rơi vào vòng nô lệ. Irênê nói, loài người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi lớn lên giống hình ảnh Người. Bi kịch là ở chỗ Ađam đã lôi kéo nhân loại đi theo hướng ấy, nhưng Đức Kitô, nhờ sự chết và phục sinh của Người và nhờ việc sai phái Thánh Thần đến, đã đặt nhân loại vào lại con đường lớn lên tới tình trạng phục hồi hoàn toàn vào ngày tận thế.

Trên thực tế, một cách hiểu về truyền giáo theo hướng Ba Ngôi có thể ủng hộ cả hai cách giải thích trên về tình trạng tội lỗi của loài người. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng cách cắt nghĩa của Phương Đông, đặc biệt lấy cảm hứng từ Irênê, là cách hiểu nhất quán hơn với tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả trong bản tính truyền giáo và yêu thương của Thiên Chúa, và là cách cắt nghĩa phù hợp hơn với tính tương quan vốn nằm sâu trong lòng Thiên Chúa và trong sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Thiên Chúa Ba Ngôi, và giáo hội khi tham dự vào sự sống và sứ vụ của Thiên Chúa, kêu gọi loài người tới sự sống tràn trề. Loài người nếu không có sự hiểu biết đầy đủ về tình thương sâu thẳm của Thiên Chúa thì bị hư mất và cần được tìm lại, bị mù và cần được nhìn thấy.

Sau cùng, một sự hiểu biết về truyền giáo ăn rễ sâu trong Ba Ngôi sẽ có cái nhìn thuận lợi nhất đối với văn hoá. Như AG diễn tả, nhờ “sự hiện diện ẩn tàng” (AG 9) của Thiên Chúa trong lịch sử và văn hoá, có những “kho tàng” được phân phát... “giữa các dân tộc trên mặt đất” (AG 11), trong đó “các hạt giống của Lời” còn được giấu ẩn (AG 9). Khi các nhà truyền giáo, như Đức Giêsu, sống mối quan hệ thực sự với Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí này sẽ thúc đẩy họ khám phá ra các hạt giống ấy khi họ thực hành “việc đối thoại chân thành và kiên nhẫn” (AG 11) với các nền văn hoá và thời đại họ đang sống. Trong một bài viết năm 2001, Stephen Bevans cố gắng phác hoạ những nền tảng Ba Ngôi cho tiến trình hội nhập văn hoá. Luận đề của bài viết là các Kitô hữu “phải cổ vũ việc hội nhập văn hoá Tin Mừng bởi vì suy cho cùng, chính Thiên Chúa là Đấng cổ vũ hội nhập văn hoá Tin Mừng.” (82) Trong nhiệm cục của Ba Ngôi, sứ vụ của Chúa Thánh Thần chỉ ra sự thật rằng Thiên Chúa mọi lúc và mọi nơi đều “từ trong đi ra” trong thế giới; vì vậy toàn thể tạo thành là thánh, bởi vì tạo thành luôn luôn được chạm đến bởi “ngón tay phải của Thiên Chúa” như được diễn tả trong bài Ca Tiếp Liên lễ Hiện Xuống “Veni, Sancte Spiritus.” Sự hiện diện nhiệm mầu ấy của Thánh Thần được cụ thể hoá bởi việc Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu, chỉ về những con đường dài mà Thiên Chúa sẽ đi để thông truyền tình thương Chúa cho loài người, và chỉ về sự thánh thiêng của lịch sử loài người: Caro/Cardo: xác thể, cái cụ thể, cái đặc thù, cái bình thường là con đường đi đến Thiên Chúa. Bằng một cách triệt để hơn nữa, mọi điều tốt trong tạo thành của Thiên Chúa đều là chất liệu cho câu trả lời, cách diễn tả và cách cử hành niềm vui của con người. Hội nhập văn hoá là một câu trả lời tự nhiên và tất yếu cho sự nhập thể.” (83) Nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi nội tại cũng là một nền tảng cho sự hội nhập văn hoá và chỉ về sự thánh thiện của văn hoá. Thứ nhất, theo Bevans, đời sống cộng đoàn, quan hệ và đối thoại của Ba Ngôi chỉ về sự cần thiết của chính việc truyền giáo cũng phải như thế. Có rất nhiều phần của truyền giáo đòi hỏi nhiệm vụ chăm lo cho các dân tộc và các văn hoá mà trong đó có thể nói Tin Mừng đang được loan báo, được rao giảng bởi các kho tàng văn hoá được tìm thấy trong đó. Thứ hai, sự duy nhất trong khác biệt, vốn là bản chất của Ba Ngôi, làm chứng cho nhu cầu có các nền văn hoá khác biệt để loài người có thể khám phá ra sự phong phú tràn đầy của Đức Kitô. (84) Sau cùng, giống như David Cunningham, Bevans gợi ý rằng, khi nhìn dưới lăng kính của đức tin Ba Ngôi, người Kitô hữu có thể phân định “trong cấu trúc tạo thành của Thiên Chúa, các biến cố lịch sử và văn hoá nhân loại, một số 'dấu ấn Ba Ngôi'—mà truyền thống gọi là vestigia Trinitatis (các dấu vết của Ba Ngôi)—giúp chúng ta hiểu được Thiên Chúa là thế nào.” (85) Thế nên, dưới con mắt đức tin, văn hoá trở thành một con đường để đào sâu theo cách hoàn toàn nhân loại và bối cảnh, sự hiểu biết và mối tương quan của loài người với Mầu Nhiệm không thể diễn tả nhưng gần gũi với chúng ta hơn chúng ta hiểu biết chính mình.

Đồng thời, rõ ràng là văn hoá có các giới hạn của nó và thường tỏ ra hoàn toàn mơ hồ. Một quan điểm Ba Ngôi về hiệp thông và tương quan sẽ có tính tiên tri chống lại mọi hình thức văn hoá phủ nhận phẩm giá và sự bình đẳng của con người hay mối tương quan giữa toàn thể tạo thành. Và tính chất đặc thù rõ nét của nhập thể cho thấy rằng sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong Thánh Thần có những thông số cụ thể. “Không phải cái gì cụ thể trong văn hoá cũng hàm chứa 'sự hiện diện bí ẩn.” Có thể nói, Đức Giêsu là chuẩn mực của Thiên Chúa, mà mọi cách diễn tả cụ thể khác đều phải theo đó mà được đánh giá và được chứng nhận giá trị trong tương quan với chuẩn mực này.” (86)

III. KẾT LUẬN

Thần học phong phú, đại kết rộng khắp, thực tiễn tuyệt vời, và truyền giáo dựa trên sự kiện các Kitô hữu tham dự vào sự sống Ba Ngôi và sứ vụ của Thiên Chúa, đó là những yếu tố hứa hẹn nhất trong cả ba nền tảng thần học mà chúng ta cần thảo luận. Việc đặt truyền giáo trên nền tảng Ba Ngôi thì phù hợp với một số nền thần học quan trọng nhất hôm nay, nó nhìn nhận một cách không do dự rằng mầu nhiệm Ba Ngôi là trung tâm của đời sống Kitô hữu và thần học. Kitô học là thành phần cấu tạo của truyền giáo theo quan điểm này, nhưng cũng có chỗ cho hoạt động của Chúa Thánh Thần để dẫn đưa mọi người đi sâu hơn vào mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa và cho phép người Kitô hữu nhận ra sự hiện diện đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa bên ngoài các ranh giới riêng của Kitô giáo. Truyền giáo là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách nhất của Hội Thánh, không phải vì không có hành động của con người thì rất nhiều người không thể đạt được sự thành toàn, nhưng vì là Kitô hữu có nghĩa là tham dự vào đời sống của Thiên Chúa và viễn kiến của Thiên Chúa cho thế giới. David Bosch hoàn toàn tán thành quan điểm Ba Ngôi này: “Truyền giáo bắt nguồn từ trong trái tim Thiên Chúa. Thiên Chúa là mạch suối của tình thương sai đi. Đây là nguồn mạch sâu thẳm nhất của truyền giáo. Không thể nào vào sâu hơn được nữa; có truyền giáo bởi vì Thiên Chúa yêu thương con người.” (87)

Tuy nhiên, trong cách tiếp cận này cũng có những nguy cơ mà khoa thần học tục hoá, phi giáo hội của thập kỷ 1960 đã chứng kiến một cách rõ ràng. Có nguy cơ là vai trò cơ bản, thậm chí trung tâm của Đức Kitô trong sứ vụ của Thiên Chúa bị che khuất bởi một lối hiểu nông cạn về địa vị ưu tiên của Chúa Thánh Thần. (88) Cũng có nguy cơ là sự nhấn mạnh vào Chúa Thánh Thần trong sứ vụ Ba Ngôi có thể dẫn tới việc phủ nhận tính duy nhất và tuyệt đối của Đức Giêsu Kitô và phủ nhận tính cao trọng của sự hoàn thành ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Sau cùng, có mối nguy rằng bản tính giáo hội cụ thể của truyền giáo có thể bị coi là tầm thường hay không cần thiết, và sự trở về với Đức Kitô hay với các mục đích của Thiên Chúa trong Đức Kitô có thể không bao gồm tư cách thành viên trong một công đoàn đức tin. Nhưng mặc dù đây là những nguy cơ có thật, chúng tôi không tin rằng chúng nằm trong niềm xác tín rằng truyền giáo ăn rễ sâu trong chính bản tính của Thiên Chúa và trong hoạt động cứu độ của Người. Theo chúng tôi nghĩ, cuộc đối thoại với thế giới và với những con người mà cách hiểu này về truyền giáo bao hàm là một điều kiện sine qua non của hoạt động truyền giáo hôm nay. Như chúng ta sẽ thấy, chúng ta có thể giữ một lập trường mạnh về nền tảng Ba Ngôi của truyền giáo và đồng thời vẫn tuyên xưng vị trí trung tâm của Đức Kitô trong tư cách là Đức Chúa, và sự cần thiết của Hội Thánh. Khái niệm này chỉ có thể được làm giàu bởi các cách tiếp cận truyền giáo khác, chúng cũng là những thành phần trong tổng hợp truyền giáo hiểu như là đối thoại tiên tri.

Tác giả: Stephen B. Bevans, SVD và Roger P. Schroder
Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 92 (Tháng 01 & 02 năm 2016)
Nguồn: hdgmvietnam.com

_____________________

Chú thích:

(62) Cunningham, These Three Are One, 1 và 15.

(63) Heim, đặc biệt các tr. 167-207.

(64) Irenaeus, Against Heresies, 4, prol. Xem Justo L. González, Christian Thought Rivisited: Three Types of Theology (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1999), 151-152 chú thích 28.

(65) Xem Bevans, "God Inside Out," 102-103. Xem một dẫn nhập vào Kitô học Thánh Thần, trong Ralph del Colle, Jesus and the Spirit: Spirit Christology in Trinitarian Perspective (Oxford: Oxford University Press, 1994).

(66) Michael James Oleksa, "Orthodox Missiological Education for the Twenty-First Century," trong J. Dudley Woodberry, Charles van Engen và Edgar J. Elliston, eds., Missiological Education for the Twenty-Firsts Centyry: The Book, the Circle and the Sandals (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1996), 86.

(67) Newbigin, Trinitarian Faith and Today's Mission, 49.

(68) Elias Vulgarakis, "Mission and the Unity from a Theological Point of View," Prorefthendes 7 (1965): 32, trích dẫn trong Stamoolis, 112. Cũng xem Heim, 151, bình luận ý tưởng của Raimon Panikkar về thập giá trong Ba Ngôi.

(69) Xem Anne Hunt, The Trinity and the Paschal Mystery: A Development in Recent Catholic Theology (Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 1997).

(70) Cunningham, These Three Are One, 8.

(71) Moltmann, The Church in the Power of the Spirit, 10.

(72) Newbigin, Trinitarian Faith and Today's Mission, 32.

(73) Stephen Bevans, "The Service of Ordering: Reflections on the Identity of the Priest," Emmanuel 101/7 (September 1995): 397-406; idem, "Entrusted to Us: Theses on Christian Ministry," Emmanuel 106/1 và 2 (January-February and March 2000): 15-25, 83-93.

(74) Thomas Aquinas, trích trong Thomas F. O'Meara, Thomas Aquinas, Theologian (Notre Dame, Ind.: University of Notre Dame Press, 1997), 150.

(75) Heim, 103.

(76) Schmemanns, 255.

(77) Ibid.

(78) Heim, 49-77.

(79) Robert Jensen, Systematic Theology, vol. 2, The Works of God (Oxford: Oxford University Press, 1999), 369.

(80) Lesslie Newbigin, The Gospel in a Pluralist Society (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1989), 80-88.

(81) Heim, 67-74.

(82) Bevans, "Inculturation and SVD Mission," 260-261.

(83) Ibid., 272.

(84) Đây là một điểm rất được nhấn mạnh bởi Andrew Walls, Lamin Sanneh và S. Mark Heim. Xem Andrew F. Walls, The Missionary Movement in Christian History: Studies in the Transmission of Faith (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1996), xviii; Lamin Sanneh, Translating the Message: The Missionary Impact on Culture (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1989); Heim, 136-148.

(85) Bevans, "Inculturation and SVD Mission," 275.

(86) Ibid., 272.

(87) Bosch, 392.

(88) Xem RM 21-30; cũng xem các quan tâm của F. Dale Bruner trong "The Son Is God Inside Out: A Response to Stephen B. Bevans, S.V.D," International Bulletin of Misisonary Research 22/3 (July 1998): 106-108.

* Bài liên quan:

MỘT THẦN HỌC TRUYỀN GIÁO CHO HÔM NAY (1)