Ngày thứ hai (19/1) - Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 649 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

SUY NIỆM KINH THÁNH VÀ LỜI NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY

Ngày Thứ Hai

  Chủ đề: Được biến đổi nhờ kiên nhẫn chờ đợi Chúa

Lời Chúa: Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính (Mt 3,15)
 
Các bài đọc
 
1 S 1,1-20: Lòng tin tưởng kiên nhẫn chờ đợi của bà Anna
 
Tv 40: Kiên nhẫn chờ đợi Chúa
 
Dt 11, 32-34: Nhờ lòng tin họ đã chinh phục các nước và thực thi công lý.
 
Mt 3,15: Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.
 
Suy niệm
 
Nói đến chiến thắng người ta thường chỉ nghĩ đến giây phút khải hoàn ngắn ngủi. Ai cũng nghĩ, sau khi trải qua những thử thách khó khăn và đạt tới chiến thắng, thường thường bao giờ cũng là những lời chúc mừng, tán dương và phần thưởng. Trong giây phút khải hoàn như vậy người ta khó có thể thấy được ý nghĩa chiến thắng theo quan điểm Kitô giáo. Theo quan điểm Kitô giáo, chiến thắng không chỉ là giây phút khải hoàn mà nó là một quá trình biến đổi lâu dài. Điều này mời gọi chúng ta phải tin tưởng kiên nhẫn và hy vọng sâu xa vào Thiên Chúa bởi vì chiến thắng là một quá trình biến đổi lâu dài và chiến thắng chỉ đến khi Chúa muốn chứ không phải chúng ta muốn.
 
Bà Anna đã chứng tỏ lòng tin tưởng kiên nhẫn và hy vọng vào Chúa. Sau bao năm chờ đợi mang thai, bà đến Đền thờ khấn xin Chúa ban cho bà một đứa con trai và bà đã khóc lóc cầu nguyện đến nỗi tiên tri Elia đang đứng cửa Đền thờ nghĩ là bà bị say rượu. Nhưng khi vị tiên tri đảm bảo rằng Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của bà thì bà an tâm tin tưởng, chờ đợi và không còn buồn rầu nữa. Bà Anna đã mang thai và sinh một người con trai và Bà đặt tên là Samuel. Chiến thắng ở đây không phải do các quốc gia hay các quân đội đem về nhưng đơn giản nó chỉ là cái nhìn về một cuộc chiến đấu nội tâm của một cá nhân. Nó cho thấy lòng tin tưởng và hy vọng của bà Anna không chỉ giúp biến đổi cá nhân bà mà còn làm biến đổi cả dân tộc của bà, một dân tộc mà Thiên Chúa của Israen đã can thiệp qua người con của bà là Samuel.
 
Trong bài Thánh vịnh, tác giả làm vọng lại lòng tin tưởng kiên nhẫn của bà Anna vào Thiên Chúa trong một cuộc chiến kiểu khác. Hoàn cảnh mà tác giả đang gặp phải chúng ta không biết rõ, chúng ta chỉ biết tác giả đã dùng đến các từ ngữ như “hố diệt vong” và “vũng lầy nhơ nhớp” và ông cầu xin cho thoát khỏi hoàn cảnh này. Ông tạ ơn Thiên Chúa đã kéo ông ra khỏi nỗi tủi hổ và thẹn thùng và ông tiếp tục tin tưởng vào tình yêu không lay chuyển của Người.
 
Tác giả thư Do thái thì nhắc lại lòng tin tưởng kiên nhẫn của các nhân vật như Abraham (6,15) hay các nhân vật khác đã chiến thắng nhờ lòng tin và lòng cậy trông vào Thiên Chúa. Khi chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa can thiệp và đi vào dòng lịch sử nhân loại, chúng ta sẽ tránh được cám dỗ đạt tới chiến thắng theo cách nhìn của con người.
 
Trong bài Tin mừng, tiếng nói vọng xuống từ trời cao trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa và lời tuyên bố: “Đây là con yêu dấu của Ta” dường như một lời đảm bảo cho sứ vụ Đấng Messia sẽ nhanh chóng thành công. Nhưng Đức Giêsu đã không bị rơi vào cám dỗ nôn nóng khai mạc Nước Trời. Ngược lại, Ngài đã mạc khải cho người ta hiểu được ý nghĩa về sự sống trong Nước Trời một cách kiên nhẫn, qua cuộc đời và sứ vụ kết thúc bằng cái chết của Ngài trên thập giá. Nếu Nước Thiên Chúa đã xuất hiện một cách rõ ràng trong sự kiện sống lại của Đức Giêsu thì nó vẫn chưa hoàn thành. Chiến thắng cuối cùng chỉ diễn ra khi Đức Giêsu trở lại. Vậy chúng ta phải chờ đợi với lòng cậy trông và tin tưởng vững vàng và phải khẩn cầu: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”.
 
Mong ước cháy bỏng của chúng ta cho Giáo hội được hiệp nhất hữu hình cũng phải được tỏ lộ trong sự chờ đợi kiên nhẫn và tin tưởng. Lời cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất của chúng ta cũng giống như lời cầu nguyện của bà Anna và của tác giả Thánh vịnh. Những hoạt động của chúng ta làm vì sự hiệp nhất các Kitô hữu cũng tựa như các biến cố mà thư gửi tín hữu Do thái nói đến. Chúng ta chờ đợi kiên nhẫn, không phải vì chúng ta bất lực, cũng không phải vì chúng ta thụ động nhưng vì chúng ta tin tưởng sâu xa rằng sự hiệp nhất của Giáo hội là quà tặng của Thiên Chúa chứ không phải do công lao của con người. Lòng kiên nhẫn chờ đợi, lời cầu nguyện, lòng tin tưởng sẽ biến đổi chúng ta và đưa chúng ta tới sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội, sự hiệp nhất không theo kế hoạch của chúng ta nhưng theo cách thức mà Thiên Chúa muốn.
 
Lời nguyện
 
Lạy Thiên Chúa trung tín, Chúa luôn trung thực trong lời Ngài. Xin hãy giúp chúng con kiên nhẫn và tin tưởng vào tình yêu không lay chuyển của Chúa như Đức Giêsu xưa. Xin dùng Thánh Thần soi sáng chúng con để chúng con không vội vã xét đoán mà làm cản trở công lý của Ngài được viên mãn nhưng xin chúng con nhận ra sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài trong tất cả mọi sự; Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
 
Gợi ý suy tư
 
1. Chúng ta thường tin tưởng hơn vào lời hứa của Chúa trong hoàn cảnh nào của cuộc sống?
 
2. Chúng ta dễ bị cám dỗ hành động một cách vội vã trong lãnh vực nào của Giáo hội?
 
3. Trong hoàn cảnh nào các Kitô hữu nên kiên tâm chờ đợi, trong hoàn cảnh nào các Kitô hữu nên cùng nhau hành động?

NHỮNG GỢI Ý PHỤ THÊM CHO PHẦN CỬ HÀNH NGHI THỨC

Ngày Thứ Hai: Được biến đổi nhờ kiên nhẫn chờ đợi Chúa
Cs: Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhìn nhận cuộc đời dưới ánh sáng của sự khôn ngoan Chúa. Chúng con cầu xin Chúa!
 
Cđ: Xin Chúa nghe lời chúng con!
 
Cs: Trong những lúc mà công lý nhân loại bị đổ vỡ, xin ban cho chúng con ơn kiên nhẫn của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa!
 
Cđ: Xin Chúa nghe lời chúng con!
 
Cs: Trong những hoàn cảnh mà chỉ có ơn của Chúa mới có thể làm cho chúng con đủ kiên nhẫn chờ đợi, xin giúp chúng con vẫn luôn cầu nguyện và hy vọng. Chúng con cầu xin Chúa!
 
Cđ: Xin Chúa nghe lời chúng con!
 
Cs: Xin lắng nghe lời con khi con kêu lên Ngài, Lạy Chúa, và xin ban cho con nhận biết công lý trọn hảo của Chúa, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
 
Cđ: Amen.
 
Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu