Tài liệu Tuần cầu nguyện cho Kitô hữu hiệp nhất năm 2023 (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 238 | Cật nhập lần cuối: 1/18/2023 7:49:23 AM | RSS

TÀI LIỆU
TUẦN CẦU NGUYỆN CHO KITÔ HỮU HIỆP NHẤT
18-25/01/2023

BẢN THÁNH KINH CHO NĂM 2023
Is 1,12-18

Tài liệu Tuần cầu nguyện cho Kitô hữu hiệp nhất năm 2023 (1)Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ. Đức Chúa phán: Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.

Kinh Thánh - Bản dịch Đại kết – TOB

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ NĂM 2023

Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình (Is 1, 17)

Giới thiệu

Isaia sống và nói lời ngôn sứ tại Giuđa vào thế kỷ VIII Trước Công Nguyên và là vị ngôn sứ cùng thời với các ngôn sứ Amos, Mikha và Hôsê. Thời kỳ mở rộng kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị của Israël và chi tộc Giuđa, do sự suy yếu của các “siêu cường quốc” thời bấy giờ, Ai Cập và Asyria, đến thời suy tàn. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà sự bất công, sự ác độc và bất bình đẳng hoành hành phổ biến ở cả hai vương quốc.

Vào thời điểm đó, tôn giáo cũng phát triển mạnh mẽ qua cử hành nghi thức phụng tự và biểu đạt chính thức niềm tin của mình vào Thiên Chúa, tập trung vào các lễ vật và tế lễ trong Đền thờ. Nghi thức phụng tự được các tư tế cử hành, những người cũng được hưởng lợi từ sự quảng đại của những người giàu có và quyền lực. Do sự gần gũi về mặt vật chất và mối tương quan giữa hoàng cung và Đền thờ, quyền lực và tầm ảnh hưởng gần như hoàn toàn nằm trong tay nhà vua và các tư tế, cả hai đều không đứng ra bảo vệ các nạn nhân khỏi áp bức và bất công. Vào thời điểm đó - và thực tế, như đã xảy ra trong suốt nhiều thế kỷ - những người giàu có và những người dâng nhiều lễ vật được coi là tốt và được Thiên Chúa chúc lành, trong khi những người nghèo không thể dâng của lễ thì bị coi là xấu và bị Thiên Chúa nguyền rủa. Những người nghèo khổ thường bị gièm pha vì không có khả năng vật chất để đóng góp và tham gia đầy đủ vào việc thờ phượng ở Đền thờ.

Chính trong bối cảnh đó mà Isaia cố gắng thức tỉnh lương tâm của dân Giuđa về thực trạng của họ. Thay vì phượng tự thời đó được coi như một sự chúc lành, Isaia coi đó như một vết loét mưng mủ. Bất công và bất bình đẳng đã dẫn đến sự chia rẽ và mất tình liên đới. Những lời của ngôn sứ Isaia phơi bày và tố cáo các cơ cấu tổ chức chính trị, xã hội và tôn giáo cũng như thói đạo đức giả của việc tế lễ trong khi đàn áp người nghèo. Vị ngôn sứ mạnh mẽ đứng lên chống lại những kẻ thống trị thối nát và thay mặt cho những người kém may mắn, Thiên Chúa đối với vị ngôn sứ là nguồn mạch duy nhất của lẽ phải và công bình.

Nhóm làm việc do Hội đồng Giáo hội Minnesota chỉ định đã chọn câu này từ chương thứ nhất của sách ngôn sứ Isaia làm văn bản trọng tâm của Tuần cầu nguyện: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (1, 17).

Isaia dạy rằng Thiên Chúa đòi lẽ phải và công bình từ tất cả chúng ta vào mọi lúc và trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Thế giới hiện tại của chúng ta phản ánh những thách đố của sự chia rẽ theo nhiều hình thức khác nhau mà Isaia từng gặp phải khi rao giảng. Lẽ phải, công bình, và sự hiệp nhất đến từ tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, là trung tâm của bản tính thần linh và là cách thức mà Ngài mong đợi chúng ta hành xử với nhau. Thánh ý của Ngài là tạo dựng một nhân loại mới “từ mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9) mời gọi chúng ta tiến tới hòa bình và hiệp nhất mà Ngài hằng mong mỏi cho tạo vật Ngài đã dựng nên. Ngôn ngữ của vị ngôn sứ đối với việc phượng tự thời bấy giờ thật gay gắt: “đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương;… Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn” (câu 13, 15). Sau khi đưa ra những lời lên án gay gắt này, đồng thời chỉ ra điều sai trái, Isaia trình bày biện pháp khắc phục những điều bất chính này. Ngài ra lệnh cho dân Chúa phải rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ngài và đừng làm điều ác nữa (câu 16).

Ngày nay, sự chia rẽ và áp bức tiếp tục hoành hành một cách rõ rệt khi một nhóm hoặc một tầng lớp xã hội được ban cho những đặc quyền hơn những nhóm khác hoặc tầng lớp xã hội khác. Bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo hay việc thực hành đạo nào, phân biệt hoặc đặt một “chủng tộc” lên trên một “chủng tộc” khác, rõ ràng là phạm tội phân biệt chủng tộc. Khi được đi kèm hoặc được củng cố bởi quyền mất cân đối, thành kiến phân biệt chủng tộc không chỉ giới hạn trong các mối quan hệ cá nhân mà còn ảnh hưởng đến chính các cơ cấu xã hội – dẫn đến tình trạng phân biệt chủng tộc tồn tại một cách có hệ thống. Điều này đã gây ra sự bất công cho một số người, bao gồm cả các Giáo hội, đồng thời tạo gánh nặng và loại trừ những người khác, đơn giản chỉ vì màu da của họ và những gì liên quan đến văn hóa đối với nhận thức về “chủng tộc”.

Vì một số người theo đạo thời bấy giờ đã bị các ngôn sứ trong Kinh Thánh lên án gay gắt, nên các Kitô hữu đã hoặc đang tiếp tục đồng lõa ủng hộ hoặc duy trì thành kiến và áp bức, đồng thời cổ võ sự chia rẽ. Lịch sử cho thấy rằng thay vì nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, các Kitô hữu lại thường thấy mình bị lôi kéo vào các chế độ sai lỗi như chế độ nô lệ, thuộc địa, phân biệt nòi giống và chủng tộc, là những chế độ tước đoạt phẩm giá của người khác trên thế giới vì những cơ sở lý luận sai lầm về chủng tộc. Tương tự như vậy, trong các Hội Thánh, các Kitô hữu đã không công nhận phẩm giá và giá trị của tất cả những người đã được rửa tội và đã coi thường phẩm giá của anh chị em của mình trong Chúa Kitô.

Chúng ta hãy nhớ lại những lời đáng nhớ của Mục sư Martin Luther King. Tuyên ngôn của ngài nêu bật những giao điểm giữa sự chia rẽ của các Kitô hữu và sự chia rẽ của nhân loại. Mọi sự chia rẽ đều bắt nguồn từ tội lỗi, nghĩa là trong những thái độ và hành động đi ngược lại sự hiệp nhất mà Thiên Chúa mong muốn cho tất cả tạo vật của Ngài. Phân biệt chủng tộc là một phần bi thảm của tội lỗi đã chia rẽ các Kitô hữu với nhau, buộc họ phải thờ phượng vào những thời điểm khác nhau và trong các tòa nhà riêng biệt, và trong một số trường hợp đã khiến các cộng đoàn Kitô giáo bị chia rẽ.

Đáng buồn thay, chẳng có nhiều thay đổi kể từ ngày Martin Luther King tuyên bố. Buổi lễ 11 giờ - khi số lượng các tín hữu quy lại đông nhất vào các ngày Chúa Nhật - thường không thể hiện sự hiệp nhất của Kitô giáo mà ngược lại là sự chia rẽ, theo tiêu chí chủng tộc, địa vị xã hội cũng như thuộc về một giáo phái. Như ngôn sứ Isaia đã tuyên bố, sự giả hình này giữa các tín hữu là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu” (c. 15).

Tập làm điều thiện

Trong đoạn Kinh Thánh được chọn cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2023, ngôn sứ Isaia chỉ cho chúng ta cách chữa lành những sự dữ này.

Học cách làm điều thiện đòi hỏi phải quyết tâm dấn thân vào việc suy chiêm. Tuần lễ Cầu nguyện là thời điểm lý tưởng để các Kitô hữu nhận ra rằng sự chia rẽ giữa các Giáo hội và giáo phái của chúng ta không thể tách rời khỏi sự chia rẽ trong toàn thể gia đình nhân loại. Cùng nhau cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu giúp chúng ta suy ngẫm về những gì hiệp nhất chúng ta và dấn thân đấu tranh chống lại áp bức và chia rẽ trong nhân loại.

Ngôn sứ Mikha nhắc lại rằng Thiên Chúa đã cho chúng ta biết điều gì là tốt và điều gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta: “đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.” (Mk 6, 8). Cư xử công bình có nghĩa là chúng ta tôn trọng tất cả mọi người. Công bình đòi hỏi phải hành động một cách thực sự công bằng để khắc phục những định kiến trong quá khứ dựa trên “chủng tộc”, giới tính, tôn giáo và tình trạng kinh tế xã hội. Bước đi khiêm nhường với Chúa bao hàm sự ăn năn, đền tội và cuối cùng là sự hòa giải. Thiên Chúa mong đợi chúng ta cùng nhau chịu trách nhiệm để làm việc cho một thế giới công bình cho tất cả con cái của Ngài. Sự hiệp nhất của các Kitô hữu phải là dấu chỉ và sự nếm trước sự hiệp nhất được hòa giải của mọi thụ tạo. Tuy nhiên, sự chia rẽ của các Kitô hữu làm suy yếu sức mạnh của dấu chỉ này và giúp củng cố sự chia rẽ thay vì mang lại sự chữa lành cho những sự đứt gãy của thế giới, đó là sứ vụ của Hội Thánh.

Tìm kiếm lẽ công bình

Isaia khuyên dân Giuđa tìm kiếm lẽ công bình (c. 17), điều này đồng nghĩa với việc nhận ra sự tồn tại của bất công và áp bức trong xã hội của họ. Vị ngôn sứ khẩn nài dân Giuđa lật ngược tình thế này. Tìm kiếm lẽ công bình đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với những kẻ làm hại người khác. Đó quả không phải là một sứ vụ dễ dàng và đôi khi có thể dẫn đến xung đột, nhưng Chúa Giêsu đảm bảo với chúng ta rằng việc bảo vệ công bình chống lại áp bức sẽ dẫn đến Nước Trời. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10). Ở nhiều nơi trên thế giới, các Giáo hội phải thừa nhận rằng họ đã tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực xã hội cũng như giữ im lặng hoặc tích cực đồng lõa với sự bất công về phân biệt chủng tộc. Thành kiến về chủng tộc là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ các Kitô hữu vốn đã xé nát Thân Thể Chúa Kitô. Các hệ tư tưởng độc hại, chẳng hạn như quyền tối cao của người da trắng và Học thuyết Khám phá, đã gây ra tác hại lớn, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và các quốc gia trên thế giới bị các cường quốc da trắng ở châu Âu chiếm đóng trong nhiều thế kỷ. Là Kitô hữu, chúng ta phải sẵn sàng thách thức các cơ cấu tổ chức áp bức và bênh vực sự công bình.

Năm mà nhóm ở Minnesota chuẩn bị các bản văn cho Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô hữu được đánh dấu bằng sự dữ và sự tàn phá của áp bức dưới nhiều hình thức khác nhau trên toàn thế giới. Sự đau khổ này đã gia tăng đáng kể ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở Nam Bán cầu, do đại dịch COVID-19, nơi mà nhiều người hầu như không thể tự cung tự cấp và hầu như không có sự trợ giúp cụ thể nào. Tác giả sách Giảng Viên dường như nói về tình hình hiện nay: “Tôi thấy mọi sự áp bức diễn ra dưới mặt trời. Hãy xem tiếng kêu của những người bị áp bức: họ không có người an ủi; sức mạnh ở về phía những kẻ áp bức: họ không có người an ủi." (Gv 4, 1). Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Sự áp bức gây hại cho toàn thể loài người. Không thể có sự thống nhất nếu không có công lý. Khi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, chúng ta phải nhận ra sự áp bức hiện tại và thế hệ và quyết tâm ăn năn những tội lỗi đó. Chúng ta có thể thực hiện mệnh lệnh của ngôn sứ Isaia để rửa mình, thanh tẩy mình, vì tay chúng ta đầy máu (x. c. 15, 16).

Giải phóng những người bị áp bức

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta không thể tách rời mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô ra khỏi thái độ của chúng ta đối với dân Chúa, đặc biệt là đối với những người bị coi là “bé mọn nhất” (Mt 25, 40). Sự cam kết, dấn thân của chúng ta với nhau đòi hỏi chúng ta tham dự vào mishpat, tiếng Do Thái có nghĩa là 'công bình được phục hồi', đứng lên bảo vệ những người mà tiếng nói của họ không được lắng nghe, phá bỏ các cơ cấu tổ chức được hình thành và duy trì sự bất công, đồng thời xây dựng các cơ cấu mới nhằm thúc đẩy và đảm bảo rằng mọi người đều được đối xử công bằng và được hưởng các quyền cơ bản của mình. Sứ vụ này phải mở rộng ra ngoài bạn bè, gia đình và cộng đoàn của chúng ta cho toàn thể nhân loại. Các Kitô hữu được kêu gọi ra đi truyền giáo cho người khác và lắng nghe tiếng kêu của tất cả những người đau khổ, để hiểu rõ hơn những đau khổ và tổn thương của họ và tìm ra giải đáp cho những khúc mắc đó. Mục sư Martin Luther King Jr thường nhắc lại rằng “bạo loạn là ngôn ngữ của những người không được lắng nghe”. Khi các cuộc biểu tình và bất ổn diễn ra trong dân chúng, thường là do tiếng nói của những người nổi dậy không được lắng nghe. Nếu các Giáo hội lên tiếng với những người bị áp bức, thì tiếng kêu đòi công bình của họ sẽ được lắng nghe và họ sẽ được giải thoát. Chúng ta phục vụ và yêu mến Thiên Chúa và người thân cận bằng cách phục vụ và yêu thương nhau trong sự hiệp nhất. 

Xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ

Bên cạnh những khách ngoại kiều, Kinh Thánh tiếng Hipri dành một vị trí đặc biệt cho những quả phụ và cô nhi, những người thuộc thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Vào thời Isaia khi Giuđa đang trải qua thời kỳ phát triển rực rỡ về kinh tế, cô nhi và quả phụ lâm vào cảnh khốn cùng vì họ không được bảo vệ và quyền sở hữu đất đai, và do đó không có khả năng tự nuôi sống bản thân. Vị ngôn sứ kêu gọi cộng đoàn, khi họ vui mừng vì sự thịnh vượng của mình, không ngừng bảo vệ và nuôi dưỡng những người nghèo nhất và yếu thế nhất trong số họ. Lời kêu gọi ngôn sứ này vẫn còn vang vọng và thức thời trong thời đại chúng ta, khi chúng ta tự hỏi: ai là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta?

Những tiếng nói nào không được lắng nghe trong các cộng đoàn của chúng ta? Ai không được đại diện quanh bàn? Tại sao ? Những Giáo hội và Cộng đoàn nào vắng mặt trong các cuộc đối thoại của chúng ta, trong hoạt động chung của chúng ta và trong lời cầu nguyện của chúng ta cho sự hiệp nhất các Kitô hữu? Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất các Kitô hữu này, chúng ta sẵn sàng hành động như thế nào trước những tiếng nói vắng mặt này?

Kết luận

Isaia cổ võ dân Chúa thời của vị ngôn sứ hãy cùng nhau tập làm điều thiện, cùng nhau tìm kiếm lẽ công bình, cùng nhau trợ giúp những người bị áp bức, cùng nhau xử công minh cho cô nhi và cùng nhau bênh vực quả phụ. Thách đố do vị ngôn sứ chỉ ra cũng liên quan đến chúng ta ngày hôm nay. Làm thế nào chúng ta có thể sống sự hiệp nhất của chúng ta với tư cách là những Kitô hữu để chống lại những sự dữ và bất công của thời đại chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể tham gia đối thoại, nâng cao nhận thức, hiểu biết và trực giác của chúng ta về kinh nghiệm sống của nhau?

Những lời cầu nguyện và những cuộc gặp gỡ bằng trái tim này có sức mạnh biến đổi chúng ta – một cách cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta hãy mở lòng đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta, khi chúng ta tìm cách biến đổi bản thân, phá bỏ các cơ cấu áp bức và chữa lành tội lỗi của nạn phân biệt chủng tộc. Chúng ta hãy cùng nhau tham gia vào cuộc đấu tranh cho công bình trong xã hội của chúng ta. Tất cả chúng ta đều thuộc về Đức Kitô.

SUY GẪM KINH THÁNH VÀ CẦU NGUYỆN TÁM NGÀY

NGÀY THỨ I - Tập thực thi những điều công bình

Bài đọc

Is 1,12-18: Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.

Lc 10,25-36: Người thông luật thưa cùng Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”

Suy niệm

Theo ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa muốn chi tộc Giuđa không những thực thi lẽ công bình, mà còn áp dụng nguyên tắc luôn luôn làm điều chính trực. Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta chú tâm đến cô nhi và quả phụ, mà còn thực thi những điều thiện và công bình cho họ cũng như cho bất cứ ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Trong tiếng Do Thái, “bon - tốt” là “yaw-tab”. Từ này có nghĩa là hạnh phúc, vui vẻ, dễ chịu, làm tốt, làm điều gì đó tốt đẹp.

Là Kitô hữu, nghĩa là trở thành người môn đệ. Tất cả các Kitô hữu đến với nhau để lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau học hỏi ý nghĩa sâu xa của việc làm điều thiện và những ai cần đến sự liên đới này. Trong khi xã hội ngày càng thờ ơ, hững hờ với nhu cầu của người khác, chúng ta là con cái của Thiên Chúa, phải học cách đứng lên vì anh chị em của mình bị áp bức bằng cách chất vấn những nhà cầm quyền và khi cần, bằng cách bảo vệ chính nghĩa của họ để họ có thể sống trong hòa bình và công lý. Nếu chúng ta thực hiện, chúng ta sẽ luôn làm những điều công minh, chính trực!

Sự dấn thân của chúng ta nhằm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc và chữa lành tội lỗi gây ra này, đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng và thực sự sẵn lòng liên kết với các anh chị em Kitô giáo của mình.

Hiệp nhất các Kitô hữu

Nhà thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Vậy ai là người thân cận của tôi?” Lời đáp trả của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy nhìn vượt ra khỏi sự chia rẽ về tôn giáo, chi tộc hay quốc tịch để nhận ra người thân cận của mình đang gặp khó khăn. Các Kitô hữu cũng phải vượt qua những rào cản và chia rẽ này trong gia đình Kitô giáo để nhận biết và yêu mến anh chị em của mình trong Đức Kitô.

Thách đố

Ai là những người bị gạt ra lề hoặc bị áp bức trong xã hội của anh chị em? Làm thế nào để các Hội Thánh có thể đồng hành với những anh chị em này, đáp ứng nhu cầu của họ và lên tiếng thay cho họ?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã gọi dân Ngài đi từ tình trạng nô lệ đến tự do.

Xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để tìm kiếm những người đang cần đến công bình. Xin làm cho chúng ta thấy được nhu cầu này và biết cách chia sẻ sự trợ giúp của chúng con, và nhờ Thánh Thần của Chúa, xin quy tụ chúng con vào một đàn chiên duy nhất của Đức Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Bộ Cổ vũ các Kitô hữu hiệp nhất
Nguồn: christianunity.va

Chuyển ngữ: Nữ tu Phương Thúy, OA
Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Nguồn: hdgmvietnam.com (17.01.2023)