Tâm tình của Đức Thượng phụ Fouad Twal đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 654 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Ngày thứ Hai 11.2.2013 vừa qua, cả Jerusalem cũng ngỡ ngàng khi nghe tin Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm. Ở tuổi 85, ĐGH cảm thấy không còn đủ sức khỏe để đảm đương sứ vụ giáo hoàng. Đức Tổng Giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Latinh giáo phận Jerusalem, đã bày tỏ tâm tình kính trọng và yêu mến ĐGH trước quyết định từ nhiệm của ngài.


Sau đây là trao đổi của phóng viên Christophe Lafontaine với Đức Thượng phụ Fouad Twal, đăng trên trang web của Tòa Thượng phụ Latinh Jerusalem, ngày 13-02-2013.


1. Đức Thượng phụ cảm thấy ra sao khi nghe tin Đức Giáo Hoàng từ nhiệm?


– Cũng như mọi người, tôi sửng sốt khi nghe tin Đức Giáo Hoàng từ nhiệm, vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày Thế giới các bệnh nhân.

Mới đầu, tôi cảm thấy một chút đau buồn về một người bạn đã yêu mến Thánh Địa và đàn chiên nhỏ bé của mình rất thắm thiết. Sau đó lòng tôi dào dạt tình cảm khâm phục và đọng nhiều suy nghĩ: phải thấy trong quyết định này cả một sức sống mãnh liệt mà Đức Giáo Hoàng ban tặng cho chúng ta đối với đời sống của Giáo hội đang bước vào giữa Năm Đức Tin.


Hôm qua, tôi đã tham dự một Hội nghị ở Amman về chiều kích nhân văn của thành phố Jerusalem. Hội nghị do Thái tử Hassan chủ trì. Trước khi phát biểu, diễn giả Hồi giáo Mahdi Abdul Hadi (người sáng lập PASSIA - Hội Hàn lâm Palestine nghiên cứu các vấn đề Quốc tế), đã ca ngợi sự can đảm của Đức Giáo Hoàng: “Con người vĩ đại này đã chọn xóa mình đi và rời khỏi chức vị quyền uy nhất về mặt nhân loại cũng như thiêng liêng”. Tiến sĩ Mahdi cho rằng với cử chỉ ấy, Đức Giáo Hoàng đã khiến cho nhiều con tim yêu mến ngài hơn nữa. “Vào lúc mà nhiều nhà lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia bám chặt vào quyền lực, người ta mong muốn họ cũng có lòng can đảm và khiêm tốn như vậy, vì lợi ích của chính họ và của đất nước họ”.


2. Cụ thể, Đức Thượng phụ ghi nhận điều gì về triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đối với Thánh Địa?


– Chắc chắn tôi nhớ đến cuộc hành hương của Đức Giáo Hoàng đến đây vào năm 2009. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đến các Nơi Thánh và giữa chúng tôi, làm chúng tôi rất cảm động và chúng tôi thấy được tình yêu nồng nàn của ĐGH đối với Mẹ Giáo Hội. Ngài đã là một vị giáo hoàng vĩ đại trong con tim chúng tôi; bằng những cử chỉ dành cho Giáo hội chúng tôi, ngài lại tỏ ra một vị giáo hoàng còn vĩ đại hơn nữa. Tôi phải thừa nhận điều này: Đức Giáo Hoàng có một quả tim cao quý cũng như Thánh Địa vốn cao quý.


Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI luôn rất ý thức về tính phức tạp của tình hình chính trị sau cuộc xung đột Israel-Palestine. Ngài cũng cân nhắc về tính cách vô cùng nhạy cảm của nhân dân hai nước. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng trong 33 bài diễn văn trong chuyến viếng thăm của ngài vào năm 2009, mỗi người đều thấy mình ở trong đó (dù là người Palestine hay người Israel). Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đã vượt xa khỏi những phe phái. Trước hết ngài đến như một người hành hương, trong tinh thần khiêm tốn và cầu nguyện, chiêm niệm tại các nơi thánh. Ngài đến như một mục tử để khích lệ chúng ta, củng cố chúng ta và mời gọi chúng ta hoán cải. Và tất nhiên, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đến như một sứ giả hòa bình. Ngài muốn ở bên mọi người, đứng về phía hòa bình và công lý.


3. Đức Thượng phụ mong đợi điều gì nơi Đức Giáo Hoàng kế nhiệm về vấn đề xung đột Israel-Palestine và đời sống của Mẹ Giáo Hội?


– Tôi tránh xa mọi tư biện hoặc các mối bận tâm về đề tài này. Tất cả đều là việc của Chúa Thánh Thần. Trong khi chờ đợi, chúng tôi cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI và cho các hồng y họp Mật tuyển viện trước khi có Đức Giáo Hoàng mới.


Dù thế nào đi nữa Giáo hội vẫn theo cùng một đường lối đã được Tòa Thánh thực hiện về đời sống chính trị ở Israel và Palestine. Định chế nền tảng thì không chết. Tòa Thánh vẫn tiếp tục sứ mệnh toàn cầu và nhân đạo của mình.


Thánh Địa của chúng tôi cũng như vùng Trung Đông của chúng tôi đang sống một giai đoạn lịch sử rất sôi động. Chúng tôi cần một vị giáo hoàng gần gũi với chúng tôi. Sức mạnh của chúng tôi có được là nhờ sự hợp tác, đặc biệt trong cuộc đối thoại liên tôn và khát vọng một nền hòa bình, công chính và bền vững cho tất cả mọi người.


http://hdgmvietnam.org/Images/News/TinTucGiaoHoiKhapNoi/GMVNGHCGTG_Full_156.jpg


4. Kỷ niệm đẹp nhất của Đức Thượng phụ với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô là gì?


– Khoảnh khắc đẹp nhất của tôi với Đức Giáo Hoàng là ba ngày ở Jordan hồi tháng Năm 2009 khi chúng tôi cùng ở trên chiếc chuyên xa của giáo hoàng. Đó là ba ngày các cuộc thảo luận tiến triển tốt đẹp, giản dị, đầy thư giãn và tình bạn. Chẳng có nghi thức lẫn chưởng nghi, chẳng có phóng viên lẫn công chúng. Đức Giáo Hoàng trở thành một người bạn thực sự. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Ý và khi Đức ông Georg Gänswein  –thư ký riêng của ngài– nói với ngài bằng tiếng Đức, Đức Giáo Hoàng mỉm cười nhắc nhở: “Đức Thượng phụ cũng nói và hiểu được tiếng Đức đấy!”.

(fr.lpj.org, 13-02-2013)

 
Minh Đức
Nguồn: hdgmvietnam.org