Kinh Thánh nói gì về mâu thuẫn gia đình?

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1138 | Cật nhập lần cuối: 1/7/2021 9:08:48 AM | RSS

Kinh Thánh nói gì về mâu thuẫn gia đình?Mâu thuẫn gia đình là việc bình thường. Trong một thế giới sa ngã, những người mà chúng ta phải nên yêu thương nhất – gia đình của chúng ta – thường trở thành những người mà chúng ta phải chiến đấu nhiều nhất. Kinh Thánh không hề che đậy tội lỗi xảy ra trong gia đình mà còn ghi lại những vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra trong gia đình, bắt đầu từ việc Ađam và Êva, cặp vợ chồng đầu tiên, đổ lỗi cho nhau (Sáng Thế Ký 3, 12). Sự ganh đua giữa anh chị em với nhau nảy sinh trong các câu chuyện của Cain và Abên, Giacốp và Êsau, Giôsép và các anh của ông. Sự ghen tuông giữa những người vợ – một trong những hậu quả tiêu cực của chế độ đa thê – được tìm thấy trong câu chuyện của Lêa và Rachên. Êli và Samuên thì phải đương đầu với những đứa con ương ngạnh. Giônathan suýt bị cha mình là Saulơ, sát hại. Đavít tan nát cõi lòng vì cuộc nổi loạn của con trai ông là Ápsalôm. Ôsê gặp khó khăn trong hôn nhân. Trong mỗi trường hợp này, chúng ta thấy tội lỗi đã hủy hoại các mối quan hệ trong gia đình.

Kinh Thánh nói nhiều về các mối quan hệ, bao gồm cả mối quan hệ trong gia đình. Định chế đầu tiên mà Đức Chúa Trời thiết lập cho sự tương tác giữa con người với nhau là gia đình (Sáng Thế Ký 2,22–24). Ngài đã tạo ra người vợ cho Ađam và kết hợp họ lại trong mối quan hệ hôn nhân. Chúa Giêxu đã nhận định về điều này như sau: “Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!” (Mathiơ 19, 6). Chương trình của Đức Chúa Trời là một người nam và một người nữ ở trong mối quan hệ hôn nhân cho đến khi một trong hai người qua đời. Ngài muốn ban phước cho sự kết hợp đó với những đứa con ra đời và được nuôi nấng trong đường lối Chúa: “Hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Êphêsô 6, 4; xem thêm Thi Thiên 127, 3). Hầu hết các vấn đề trong gia đình nảy sinh khi chúng ta chống lại kế hoạch của Đức Chúa Trời — đa thê, ngoại tình và ly hôn đều gây ra vấn đề vì chúng đi chệch khỏi kế hoạch ban đầu của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh hướng dẫn rõ ràng về cách các thành viên trong gia đình đối xử với nhau. Kế hoạch của Đức Chúa Trời là chồng yêu vợ giống như Đấng Christ yêu Hội Thánh của Ngài (Êphêsô 5, 25, 33). Vợ thì phải tôn trọng và vâng phục sự lãnh đạo của chồng (Êphêsô 5,22–24, 33; I Phierơ 3, 1). Con cái phải vâng lời cha mẹ (Êphêsô 6,1–4; Xuất Êdíptô Ký 20, 12). Có bao nhiêu vấn đề gia đình sẽ được giải quyết nếu chồng, vợ và con cái chỉ cần đơn giản tuân theo những quy tắc cơ bản đó?

Trong I Timôthê 5, 8, Phaolô dạy rằng các thành viên trong gia đình phải có nghĩa vụ chăm lo cho nhau. Chúa Giêxu cũng đã nghiêm khắc lên án những ai trốn tránh trách nhiệm chu cấp đối với cha mẹ già yếu với lý do mình đã dâng hết tiền vào đền thờ (Mathiơ 15,5–6).

Mối quan hệ trong gia đình không phải tự dưng mà có thể hòa thuận được. Êphêsô 5, 21 dạy rằng “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau”. Thái độ vâng phục là sự tương phản trực tiếp với ham muốn của xác thịt bởi vì ai trong chúng ta cũng muốn cầm quyền, muốn làm những gì mình thích. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của mình, đấu tranh cho vấn đề của mình, bảo vệ ý kiến ​​của mình và khẳng định những việc phải làm của riêng mình bất cứ khi nào có thể. Nhưng phương cách của Chúa là chúng ta phải đóng đinh bản ngã của mình (Galati 5, 24; Rôma 6, 11) và xem trọng những nhu cầu, mong muốn của người khác bất cứ khi nào có thể. Chúa Giê-xu là kiểu mẫu của chúng ta về sự vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời. I Phierơ 2, 23 nói,Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình”.

Hầu hết các vấn đề trong gia đình có thể được giảm bớt nếu tất cả chúng ta làm theo những chỉ dẫn trong Philíp 2,3–4: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” Khi chúng ta áp dụng tinh thần của Chúa Giêxu trong sự khiêm nhường, trong cách đối xử với người khác, chúng ta có thể giải quyết nhiều vấn đề trong gia đình và trong các mối quan hệ của mình.

Hồng Nhung dịch
Nguồn: GotQuestion