Tìm hiểu Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2516 | Cật nhập lần cuối: 1/10/2017 2:23:11 PM | RSS

Đôi lời giới thiệu

Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm ở giữa cộng đồng dân tộc. Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm là một tổ chức quốc tế. Một tôn giáo thuần túy, lấy Kinh Thánh làm nền tảng, tuyệt đối không liên hệ gì với ý thức hệ chính trị nào.

Mục đích tối yếu của Giáo hội là rao giảng sự cứu rỗi của Chúa Giêsu, và sự trở lại của Ngài. Danh xưng “Cơ Đốc Phục Lâm” nghĩa là Chúa Giêsu trở lại.

Giáo hội có mặt trên 200 quốc gia trong số 236 quốc gia theo thống kê của Liên hiệp quốc (Từ thập niên 90 trở lại đây, con số này đã thay đổi).

Hội sở trung ương của Giáo hạt Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam đặt tại

số 224 Phan Đăng Lưu, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại (84)(08)38447602 hoặc (84)(08)39950097 – Website: http://codocphuclam.org

Giáo hội được điều hành bằng nền tài chánh tự trị, do Giáo hữu tự nguyện đóng góp. Không nhận sự ủng hộ tài chánh của bất cứ chính phủ hay tổ chức chính trị nào.

Trước năm 1975, Giáo hội có các cơ quan: Y tế, Giáo dục, Ấn loát v.v., nay chuyên chú vào việc giảng lẽ đạo cứu rỗi cho những ai tìm hiểu, và giúp cho giáo hữu tăng tiến niềm tin kính.

GIẢI ĐÁP VÀI VẤN ĐỀ MÀ NHIỀU NGƯỜI THƯỜNG THẮC MẮC

Tìm hiểu Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm

I. Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm có phải là Hội Thánh Tin lành không?

Có nhiều người ngộ nhận như vậy. Ở Việt Nam có một số giáo phái khác không thuộc Thiên Chúa giáo (Công giáo) được gọi chung là các giáo phái Cải chánh, như Tin lành (Phúc âm Liên hiệp), Báp-tít, Hội Truyền giáo Cơ Đốc, Cơ Đốc Phục Lâm v.v…

Mỗi hệ phái có các giáo điều khác nhau, và một số tín lý khác nhau, nhưng cùng tôn thờ Đức Ghúa Giê-su và sử dụng chung một Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm tin.

II. Niềm tin căn bản của người Cơ Đốc Phục Lâm.

1. Đặt đức tin trên toàn bộ Kinh Thánh, không thêm không bớt, vì đó là quyển sách được viết ra bởi sự soi dẫn của Thượng đế. (II Ti-mô-thê 3:15-17)

2. Tin vào Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đức Chúa Cha toàn năng, toàn tri, toàn tại, là Đấng yêu thương, sáng tạo và cầm quyền vũ trụ. Đức Chúa Giê-su là con Đức Chúa Trời, là Đấng đến từ trời, mang xác thịt con người để chịu chết chuộc tội thay cho loài người tội lỗi. Đức Thánh Linh là Đấng ban quyền năng cải hóa và tái tạo để hoàn thiện con người. (Ma-thi-ơ 28:19).

3. Tin vào Chúa Giê-su là hiện thân của Thượng đế, mang xác thịt con người, bày tỏ qua cuộc sống Ngài về tình thương, sự công bình. Chứng minh bằng các phép lạ mầu nhiệm, và mục đích tối hậu là chết thay cho tội nhân trên thập tự giá. Ngài đã sống lại sau ba ngày nằm trong mộ, và đã được về trời, hiện đang cầu thay cho chúng sinh. (Giăng 1:1, 13. Hê-bơ-rơ 2:9-18; 8:1, 2; 4:14-16; 7:25).

4. Những ai cảm nhận mình là kẻ có tội, nhận biết Chúa Cứu Thế do sự cảm hóa bởi Đức Thánh Linh thì tiếp nhận Chúa vào lòng. Qua đức tin ấy, Thánh Linh sẽ tái tạo để họ được tái sanh, nghĩa là được biến cải từ con người lầm lỗi thành con người tốt lành. (Giăng 3:16. Ma-thi-ơ 18:3. Công-vụ 5:37-39).

5. Phép Báp têm là nghi lễ dành cho kẻ thành tâm tiếp nhận Chúa. Ý nghĩa của lễ ấy là: cùng chết, cùng chôn và cùng sống lại với Chúa Cứu Thế. Phép Báp têm được thực hiện bằng cách dìm mình xuống nước đúng theo như chính Chúa Giê-su đã tự chịu lễ. (Rô-ma 6:1-6. Công-vụ 16:33).

6. Tin tưởng vào mười điều răn là bộ luật luân lý vẫn tồn tại đời đời, khuyến khích tín hữu vâng giữ theo mạng lệnh Chúa. Bản luật mười điều ấy do chính tay Đức Chúa Trời khắc vào bảng đá, từ khi luật trở thành văn tự. (Xuất 20:3-17; 31:18; 32:16. Ma-thi-ơ 5:17-19).

7. Mười điều răn phải được tuân giữ không ngoại trừ một điều nào. Kể cả điều răn thứ tư tức là sự yên nghỉ thờ phượng Chúa vào ngày thứ Bảy. (Xuất 20:8-11. Khải huyền 14:12. Giăng 14:15).

8. Luật pháp mười điều răn chỉ ra lầm lỗi của con người mà không cứu rỗi con người được. Chỉ có huyết chuộc tội của Đấng Công Bình chết thay cho người tội lỗi mới cứu được con người. Cũng như chiếc gương soi mặt để tìm ra vết nhơ, tự gương không làm cho sạch vết nhơ mà phải dùng nước. (Rô-ma 3:20; 5:8-10. Ê-phê-sô 2:8-10; 3:17. Giăng 2:1, 2).

9. Sẽ có sự hủy diệt cuối cùng đối với Sa-tan (Ma-quỉ) kẻ gây ra tội ác, và những kẻ không tiếp nhận ân điển của Chúa Cứu Thế. (Rô-ma 6:23. Ma-la-chi 4:1-3. Khải 20:9-10. Áp-đia 1:16).

10. Sự tái lâm của Đức Chúa Giê-su là nguồn hy vọng của con cái Đức Chúa Trời, là tuyệt đỉnh của chương trình cứu rỗi. Ngài sẽ đến thình lình. Con cái Ngài chuẩn bị đời sống ngay lành, sẵn sàng đón tiếp Chúa trở lại để tái lập địa cầu hòa bình. Cả đất trời không còn ô nhiễm; theo nghĩa đen và nghĩa bóng. (Hê-bơ-rơ 11:8-16. Ma-thi-ơ 5:5).

Trên đây là những niềm tin căn bản có ảnh hưởng thực tế đến sự cứu rỗi con người.

III. Vấn đề lễ bái

1. Sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật đơn giản. Không bàn thờ, ảnh tượng, hương đèn. Chỉ lấy lòng thành mà thờ phượng bằng những bài Thánh ca ngợi khen Chúa, nghe giảng giải Kinh Thánh, và cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. (Giăng 4:23-27).

2. Đối với Tổ tiên: Do tập quán từ xưa người Việt Nam chúng ta thờ cúng ông bà, nên nhiều người cho rằng những người theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm là bỏ ông bỏ bà. Thật ra, cách thức bày tỏ lòng hiếu thảo của những con cái Chúa theo quan điểm khác.

Kinh Thánh dạy rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho người được sống lâu trên đất…” (Xuất 20:12)

Luật pháp trong Cựu ước còn định tội con bất hiếu như sau: “Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình sẽ bị xử tử.” (Xuất 21:17).

Trong Tân ước dạy: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình … hãy tôn kính cha mẹ ngươi … “ (Ê-phê-sô 6:1,2).

Thế nên, không hương đèn cúng bái, không phải là bất hiếu. Hiếu đạo là phải tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống; cả khi cha mẹ chết rồi cũng không làm điều bất nghĩa, cờ bạc, rượu chè… để cha mẹ, ông bà được tiếng tốt, ấy là sự hiếu kính đúng nghĩa, chứ không cần tế tự mâm cao cổ đầy.

Tư Mã Đàm là cha của Tư Mã Thiên, (người viết bộ Sử-ký nổi tiếng) định nghĩa chữ hiếu:

– “Hiếu là phụng dưỡng cha mẹ”

– “Lập sự nghiệp lưu danh tốt làm vẻ vang cho cha mẹ.”

Quan điểm nầy phù hợp với những điều trình bày ở trên qua Kinh Thánh.

IV. Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm từ đâu mà có?

Có nhiều người cho rằng Cơ Đốc Phục Lâm là đạo Mỹ, vì họ thấy các giáo sĩ da trắng. Sự thật, các giáo sĩ đến Việt Nam trước đây gồm nhiều dân tộc như: Trung Hoa, Anh, Canada, Pháp, Úc, Mỹ…

1. Có phải đạo Mỹ không?

Nước Mỹ mới lập quốc đến nay hơn 200 năm, còn Chúa Giê-su đã giáng thế rao giảng nước trời đến nay đã 2.000 năm rồi.

Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm truyền đến Việt Năm từ năm 1929, do một nhà truyền đạo người Trung Hoa. Nguồn gốc đạo Chúa ra từ trời.

Sách Nho có câu: “Đạo là lớn, nguồn gốc từ trời.” (Đạo chi đại nguyên xuất ư thiên).

Theo Kinh Thánh, Chúa Giê-su được mệnh danh là Đạo. (Giăng 1:1,2 Theo Bản Nhuận chánh) Chúa Giê-su phán: “Ta là đường đi…” (Giăng 14:6). Chữ Đạo cũng có nghĩa là đường đi, thế nên thờ phượng Chúa Giê-su là-hướng đến Đạo; là thờ phượng Thượng Đế, mà người Việt Nam chúng ta ai cũng hướng về Trời.

Nói về lãnh thổ, thì Chúa Giê-su giáng sinh tại Châu Á, thuộc xứ Do-Thái, nhưng đạo Chúa lại không phải là đạo của người Do Thái.

2. Có phải thuộc Hội Thánh Tin Lành không?

Chữ “Tin lành” trong Kinh Thánh có nghĩa là: “Tin tức tốt lành” “Tin tức vui mừng.” Cho nên “Giảng tin lành” là giảng về tin tức chính thiên sứ rao báo cho những kẻ chăn chiên ngoài đồng Bết-lê-hem: “Đừng sợ chi, vì nầy ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; Ấy là hôm nay tại thành Đa-vít (Bết-lê-hem) đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế…” (Lu-ca 2: 10, 11)

Các giáo phái Cải chánh đi rao giảng về Chúa Giê-su, tức là rao giảng về “tin tức tốt lành” đó. Riêng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam lấy hai chữ “Tin Lành” để đặt tên riêng cho giáo phái mình, mà tên gốc được gọi là Hội Phúc Âm Liên Hiệp. Do vậy, nhiều người ngỡ rằng ai rao giảng về Chúa Giê-su đều là người thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Ngày nay, người ta cũng thường gọi chung tất cả các hệ phái thuộc Cải chánh giáo là Tin lành, hiện tại có đến vài trăm hệ phái thuộc Cải chánh giáo.

Tin lành là tin tốt, là tin Đức Chúa Giê-su ra đời để chuộc tội thế gian. Không phải như nhiều người tin tưởng rằng tin lành là “tin để làm lành.”

Thật ra, Chúa Giê-su chết chuộc tội, dẫn đem con người đến chỗ Chân-Thiện-Mỹ. Ai tin vào Chúa thì được tha tội; được biến cải trở thành người tốt và được sự sống đời đời. Điều đó không có nghĩa là làm lành để được cứu, mà người được tha tội rồi mới có năng lực sống đời sống đạo hạnh phù hợp với mười điều răn của Chúa. Cũng giống như cây cam được trồng, nghĩa vụ của nó là phải ra trái. Kinh Thánh chép:

“…Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” (Ê-phê-sô 2:8,9).

3. Cơ Đốc Phục Lâm có một quan điểm khác với các tôn giáo truyền thống ở Việt Nam.

Các tôn giáo như Phật, Khổng, Cao Đài v.v… có chủ trương con người tự mình tu thân để vươn lên Chân-Thiện-Mỹ. Tuy Chúa Giê-su cũng dạy và dẫn dắt con người đến Chân-Thiện-Mỹ, nhưng không phải tự mình, mà bởi một năng lực được ban cho từ Đấng Toàn năng. Vì các lẽ sau đây:

a. Con người không thể tự làm nên trọn lành. Kinh Thánh chép: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23) Phao lô lại nói: “Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành nhưng không làm trọn, vì tôi không thể làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” (Rô-ma 7:18,19)

b. Tự trong tiềm thức, mỗi chúng ta đều tin tưởng phải có một Đấng Thượng Đế dựng nên muôn vật, yêu thương loài người và bảo toàn muôn vật, là Đấng thưởng thiện phạt ác. Do đó, phải có sự báo đáp cuối cùng, kẻ thiện cũng như kẻ ác. (Châm 11:31)

c. Hầu hết nhân dân ta, cho đến bây giờ đều nghe đến Chúa Giê-su trong lịch sử loài người, và biết đến một thập tự giá mà các quốc gia đều dùng làm biểu tượng ở các bệnh viện, xe cứu thương v.v… Điều ấy không phải là ngẫu nhiên mà có một sự sắp đặt siêu nhiên, hầu nhắc nhở cho mọi người về tình yêu và sự hy sinh của Chúa Giê-su.

Con người ai cũng tự biết rằng hành động đến tư tưởng không bao giờ toàn thiện cả. Mà đã không toàn thiện tức là phải chịu đoán phạt trong ngày chung cuộc. Như vậy, tự mình không thể làm cho mình sạch tội được. Cũng như một lực sĩ cân nặng 100Kg CÓ thể cử tạ 200Kg nhưng anh ta không thể tự nhấc mình lên khỏi đất được. Vì vậy, cần có giải pháp.

Chính Giê-su là Đấng từ trời đến, chết thay tội lỗi con người, làm của lễ chuộc tội, như xưa nay ông cha ta thường giết một sinh vật để dâng cúng. Sinh vật ấy vô tri nên vô tội, lại bị giết vì con người, đó là biểu tượng báo trước Chúa Giê-su cũng là đấng vô tội đã chịu chết vì loài người có tội vậy.

4. Tại sao những người tin Chúa chỉ là số ít?

Mặc dầu Đạo Chúa đến Việt Nam khá lâu, nhưng số lượng tín hữu khá ít. Truy nguyên ra bởi một số lý do:

a. Hội Thánh của Chúa đi theo rất sát sự dạy dỗ của Kinh Thánh, nên có khác biệt đối với tập quán cổ truyền, bị cho là bỏ ông bỏ bà.

b. Cũng có thể do phương pháp truyền giáo; sự thiếu tích cực của người truyền giáo; sự hạn hẹp tài chánh, làm cho sự phát triển bị hạn chế.

c. Có một lý do thuộc vô hình mà quan trọng nhất: Sa-tan luôn dùng quyền lực vô hình của nó mà ngăn trở công việc khai triển Đạo, làm cho con người thiếu tích cực rao giảng; cố chấp; chia rẽ, ham mê vật chất; che khuất tin lành của Chúa v.v…

5. Sự gia nhập Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm.

Việc đến với Chúa Giê-su xuất phát từ sự giác ngộ, bởi sự cảm hóa của Thánh Linh mà bạn nhận ra chính mình là kẻ có tội trước mặt Thượng Đế. Cũng nhận ra rằng chính mình không thể tự cứu mình. Cảm nhận rằng Chúa Giê-su là Đấng chết thay chuộc tội. Thế rồi bạn đến với Ngài và cầu nguyện rằng:

“Kính lạy Thượng Đế, con nhận biết con là kẻ có tội, và Chúa Giê-su đến chết thay đền tội cho con. Con ăn năn về những lỗi lầm và tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của con. Xin Chúa chiếm hữu lòng con và biến cải con, để con bước theo đường lối Ngài. Con cầu nguyện qua Danh Đức Chúa Giê-su. A-men!”

Thật đơn giản, chỉ bằng tấm lòng thành của bạn, Chúa sẽ nhận bạn làm con cái Ngài. Sau đó, bạn liên lạc với Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm để nghiên cứu thêm và chịu phép Báp-têm gia nhập Hội Thánh.

6. Những tin đồn không có cơ sở.

a. Có những tin đồn lâu nay rằng ai tin nhận Chúa thì có sự giúp đỡ vật chất. Thật ra, cùng là con cái Chúa, các tín hữu có thể trợ giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn, đó là thiện tâm cần phải có. Trong tình yêu của Chúa, chắc chẳng có ai lại không giúp đỡ cho anh em đồng đức tin và cho cả đồng bào mình nữa.

Riêng Hội Thánh thì không dùng vật chất để mua chuộc ai, mà sự thật cũng không có khả năng để làm điều đó. Vả lại, như trong cuộc hôn phối, nếu không tự nguyện thì cuộc hôn phối đó khó bền vững. Người được mua chuộc cũng không thể trung thành với tổ chức nào đã mua chuộc họ.

b. Con cái Chúa khi được cảm động bởi ơn cứu chuộc của Chúa, mỗi người có bổn phận chia xẻ nguồn phước hạnh họ đã nhận lãnh cho bà con, bạn bè, đồng bào, đồng loại mình. Thấy vậy, có kẻ cho là dụ dỗ.

Thật tình, nếu muốn dụ dỗ, trước hết phải có vật chất, hoặc là thế lực… hơn nữa, trên đời nầy có ai lại dễ để cho người khác dụ dỗ mình. Người làm chứng đạo chỉ chia sẻ bằng lời Kinh Thánh, vì chính Lời Chúa mới có năng quyền cảm động được lòng người mà thôi.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của tập nhỏ nầy, chúng tôi xin giải đáp một ít điều thắc mắc, chắc các bạn đã được rõ một phần nào. Mong bạn hãy sẵn sàng tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa cho chính bạn, và tiếp tục liên lạc với Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm để tìm hiểu thêm.

Chúng tôi cầu xin để bạn nhận được ơn phước của Chúa Cứu Thế Giê-su.

Truyền thông mục vụ Cơ Đốc Phục Lâm

Nguồn: codocphuclam.org