Giáng sinh 390: Giám mục Ambrosio và Hoàng đế Théodose

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 327 | Cật nhập lần cuối: 12/22/2022 11:26:56 AM | RSS

Giáng sinh 390: Giám mục Ambrosio và Hoàng đế ThéodoseSau lễ Giáng sinh năm đó và rất lâu về sau, mọi sự đã thay đổi. Giáo hội mừng đón vị vua vinh quang là một trẻ bé nghèo nàn sinh ra trong máng cỏ, còn hoàng đế Théodose thì sám hối, thừa nhận trước vị giám mục của mình rằng mình không phải là kẻ sở hữu mọi thứ quyền lực.

Vào ngày vọng lễ Giáng Sinh năm 390, vương cung thánh đường Portia ở TP Milan bừng lên ngàn ánh sáng. Rèm, màn và thảm nhuộm màu tím đỏ được trưng ra; những bình hương tỏa lên vòm trần những cụm khói hương thơm ngát và cộng đoàn đang cất lên những khúc thánh ca mà Đức Giám mục Ambrosio đã đưa vào nghi thức nhằm ca ngợi Chúa. Cảnh tượng tuyệt mỹ này có vẻ như đang cho ta nếm thử một chút hương vị của thiên đàng. Đấng Cứu Thế đã ra đời, Ngôi thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã hạ mình đến mức mang lấy bản tính con người. Giữa một bối cảnh hân hoan như thế, Đức Giám mục Ambrosio nghiêm trang tiến về phía cửa nhà thờ đóng kín và ra hiệu mở cửa.

Quỳ trên sân nhà thờ

Ở đó, trên sân nhà thờ, một người đàn ông khiêm tốn quỳ gối, cúi đầu, khoác một chiếc áo dài đơn giản, mang dáng vẻ thường có của những hối nhân đến xin Giáo Hội gỡ bỏ những hình phạt phải chịu để tái hòa nhập với cộng đoàn Kitô hữu. Vào cái thời mà việc xưng tội chưa được biết tới, cảnh tượng này là thường xuyên. Một người phạm tội trọng chỉ có thể được tha thứ với cái giá là phải làm những việc đền tội nặng nề, lâu dài và khó khăn, lại còn phải làm công khai nữa. Thử thách đó kéo dài hàng năm, thậm chí đôi khi cả một đời.

Người đàn ông đang quỳ gối trên sân nhà thờ đó là một người phạm tội rất nặng, thủ phạm của hàng ngàn cái chết vô tội, những nạn nhân của một cá tính dễ nổi cơn lôi đình mà ông ta không bao giờ thừa nhận hoặc tìm cách che đậy; một cố tật càng được củng cố thêm từ khi ông ta nắm được quyền hành tuyệt đối. Với uy quyền tối cao đó, ông ta đã lạm dụng nó một cách tàn ác, cho rằng mình có quyền làm thế. Ông đã sai và bất chấp những sự quá quắt của mình, vì là một người công giáo thật lòng, ông chấp nhận phải trả giá cho điều này.

Nhìn thì có vẻ bình thường, nhưng cảnh tượng đang diễn ra trên sân vương cung thánh đường thành Milan lúc ấy lại là một trong những cảnh tượng mang tính quyết định nhất của lịch sử; nó sẽ ấn định cho hơn 15 thế kỷ quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền trần gian, đặt nền móng cho chế độ quân chủ Kitô giáo. Vì người đàn ông quỳ trước mặt Ambrosio chính là Théodose, mệnh danh Đại Đế, đang nắm giữ vai trò Chấp Chính. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một ông vua độc tài chuyên chế đến nỗi bắt thần dân phải làm mọi việc chiều theo ý thích cho dù là tệ hại nhất của mình, đã phải thừa nhận ở trên mình vẫn còn một quyền lực mà một ngày kia ông ta phải đối mặt để trả lời cho những việc làm của mình. Chiến thắng của Đấng Kitô trước César chính là khúc khải hoàn của Ambrosio, một ông già tuổi ngũ tuần ốm yếu, hao mòn vì những đêm ngày canh thức, cầu nguyện, âu lo, lao lực, nhưng rất linh hoạt chăm lo cho phần hồn các tín hữu khiến ngài bất chấp tất cả.

Nói thẳng những việc ông ta đã làm

Câu chuyện bắt đầu vào mùa Xuân năm trước tại thành phố Thessalonica xứ Hy Lạp, nơi hai người đàn ông đang tranh giành một... cậu trai xinh! Một bên là tay đua chiến xa ngựa kéo nổi tiếng, thần tượng của đám đông, bên kia là Boutherikos - quan toàn quyền thành phố; ông quan này, nhằm loại địch thủ, đã dùng một điều luật mới của hoàng gia trấn áp sự đồng tính để bắt giam nhà vô địch, ném anh ta vào tù và nhốt trong đó bất chấp kiến nghị của các "fan" hâm mộ.

Coi thường đam mê thể thao của đám đông xem ra là điều nguy hiểm, Boutherikos học được điều này bằng chính mạng sống của mình. Việc từ chối thả người đua xe ngựa đã gây ra những vụ bạo động đường phố và cuối cùng, vào tháng Bảy, đám người cá độ quá bất mãn, đã giết ông để sau đó giải thoát cho nhà vô địch của họ.

"Tôi không giảng lễ để chống lại ngài, mà để giúp đỡ ngài đấy!" Một ngày nọ, ngài đã trả lời với Théodose như thế khi ông trách ngài đã phê phán chính sách tôn giáo của ông ta trong một bài giảng.

Tin về vụ giết người này bay đến Milan, một trong những thủ đô hoàng gia, nơi ở của Théodose vào đầu tháng Tám. Những vụ việc như vậy không phải là hiếm có. Quyền lực hoàng đế thường thích ứng cách thực tiễn để các chế tài, nếu có, chỉ giới hạn trong việc bồi thường thiệt hại. Điều đó sẽ giúp cho những căng thẳng và bất bình không trở nên nặng nề thêm.

Nhưng Théodose lại không chịu đi theo con đường đó. Ông ta nổi cơn thịnh nộ. Là sĩ quan cao cấp, ông không thừa kế chức nhiếp chính mà đoạt lấy nó, đầu tiên là ở phương Đông, sau thảm họa quân sự tại Andrinople năm 378, sau đó ở phương Tây khi lợi dụng sự yếu đuối của hoàng đế nhỏ tuổi Valentinien 2, một thiếu niên phải đối mặt với những kẻ chuyên quyền mà cậu không khuất phục nổi; sau đó Théodose gia nhập hoàng gia khi cưới em gái của Valentinien 2 là công nương Galla.

Khi trở thành nhân vật trọng yếu, Théodose là ông chủ của trò chơi chính trị mà không ai dám đương đầu. Chỉ trừ Đức Giám mục Ambrosio, một nhà quý tộc Rôma thế hệ cũ với quá khứ là công chức cao cấp của hoàng đế, người đã quá quen thuộc với guồng máy quyền lực và hành chánh.

Rất nhiều lần, với sự thẳng thắn trong cách nói và sự can đảm của người đặt niềm tin vào Thiên Chúa chứ không vào con người, Ambrosio đã nói thẳng với Théodose những sự thật về việc ông ta đã làm, và nói một cách công khai. Từ lúc đó, vị hoàng đế, mất thể diện, không giấu sự căm ghét đối với giám mục thành Milan, người mà ông ta buộc phải sống chung hòa bình.

Ambrosio biết điều đó nhưng cũng chẳng vì vậy mà thay đổi thái độ."Tôi không giảng để chống lại ngài mà là để giúp đỡ ngài!" - một hôm nọ, ngài đã trả lời Théodose như thế khi ông trách ngài đã phê phán chính sách tôn giáo của ông ta trong một bài giảng. Một cách nói nhẹ nhàng nhưng người đối thoại làm như không hiểu. Là chúa tể của đế chế, phải chăng ông không cần nhận bài học của bất cứ ai kể cả của Giáo hội? Rất đa nghi, ông cấm mọi người không được gợi nhắc trước mặt Ambrosio những vấn đề được bàn thảo trong hội đồng bộ trưởng.

Một quyết định khủng khiếp

Đúng vào ngày 10/8/390, vị hoàng đế muốn nhắc lại việc đó. Thay vì cho qua, ông ta tiến hành những biện pháp trả đũa nặng nề chưa từng thấy: các toán quân được gởi đến đã dùng vũ lực tàn sát một phần mười dân số Thessalônica, bất kể người già, phụ nữ, trẻ con, kể cả lữ khách và du khách...

Théodose đang trong một cơn thịnh nộ lớn đến nỗi không ai trong đám cận thần dám lên tiếng về quyết định bất công và khủng khiếp của ông ta, cũng không dám cãi lời ông để báo cho Ambrosio - người duy nhất dám đương đầu với ông ta.

Vị giám mục này chỉ được biết vào ngày 18, nhờ tin bị lộ. Khi đó lệnh vua đã ban ra được 8 ngày rồi. Théodose chẳng tỏ ra hối tiếc gì. Ông ta là nạn nhân của ubris, tiếng Hy lạp nghĩa là ‘quá mức’, căn bệnh của quyền lực tuyệt đối làm người ta mất đi cảm thức về thực tế, càng nặng nề hơn khi ông ta chấp nhận những danh hiệu hoàng gia ngoại giáo cổ xưa, điều mà Giáo Hội không thể chấp nhận được. Cứ buộc người ta ngày ngày phải tôn xưng mình là hoàng đế "thần thánh" đến nỗi quên luôn mình cũng chỉ là người trần như bao người khác, khiến mình có nguy cơ mất linh hồn mà không hề hay biết.

Trước mặt hoàng đế, ngài nói với sự đau đớn rõ rệt: "Phải chăng ngài đã quên mình là một Kitô hữu?"

Chuyện đó đã khiến Ambrosio hoảng hốt đến mức vội vã chạy đến cung điện nhà vua. Trước mặt hoàng đế, ngài nói với sự đau đớn rõ rệt: "Phải chăng ngài đã quên mình là một kitô hữu?"

Đúng, Théodose đã quên mất điều đó. Đột nhiên bình tĩnh lại, ông lượng định được hành động của mình là quá khủng khiếp, nên ký ngay một mệnh lệnh ngược lại để đưa đi ngay, nhưng phải tới 2 ngày sau mệnh lệnh này mới được ban ra vì một số bộ trưởng từ chối, không muốn thấy hoàng đế bỏ ý riêng để làm vừa lòng Giáo Hội... Khi lệnh mới này đến được Thessalônica, điều tồi tệ đã xảy ra rồi, cuộc thảm sát đã được thực hiện. Một số sử gia đưa ra con số 70 ngàn người chết, con số có lẽ hơi quá, nhưng chắc chắn đã có hàng ngàn người thiệt mạng trong các cuộc trả đũa bất công và không tương xứng đó.

"Nếu ngài là kitô hữu..."

Tin về cuộc thảm sát về đến Milan khi Ambrosio đang chủ trì một công đồng các giám mục Ý và Pháp, khiến các ngài sững sờ. Lịch sử Rôma chưa từng có một sự việc nào khủng khiếp đến thế, mà thủ phạm lại phải là một hoàng đế công giáo! Vì dính máu người vô tội, Théodose xứng đáng bị dứt phép thông công; ông ta phải làm việc đền tội. Chỉ có điều ai là người sẽ nói với ông ta, việc này thì không vị giám mục nào đủ can đảm. Ngoại trừ Ambrosio, người không bao giờ lùi bước nếu liên quan đến Đấng Kitô, đến Giáo hội hay sự sứu rỗi các linh hồn. Dù ý thức rằng mình có nguy cơ mất đầu trong trường hợp tệ nhất, bằng không thì ít nhất là mất sứ vụ giám mục thành Milan, ngài vẫn viết cho hoàng đế một bức thư đáng khâm phục:

"Tại Thessalônica, đã diễn ra một điều khủng khiếp, chưa có tiền lệ. Tôi đau khổ khi nhìn thấy ngài - một tấm gương đạo đức vẫn còn ẩn kín, ngài đã ban hành sự khoan hồng ở tầm cao nhất, đã không chịu nổi khi phải chứng kiến việc hành hình một tội nhân - thế mà ngài lại chấp nhận cái chết của nhiều người vô tội như thế mà không hề xúc động... [...] Vô số chiến công đã giúp ngài nhiều lần được vinh danh nhưng chính lòng sùng đạo mới là tột đỉnh vinh quang của ngài và của những gì tốt nhất trong lòng ngài khiến cho qủy dữ phải ganh tị. Tội ác ghê tởm đó cũng sẽ đè nặng trên vai tôi nếu cả tôi và mọi người không nói với ngài rằng: ngài cần phải hoà giải với Chúa. Ngài cũng chỉ là con người thôi mà. Tỗi lỗi đã đến. Vậy xin ngài hãy xua đuổi nó đi!

Tôi sẽ không dám dâng thánh lễ nếu ngài đến nhà thờ với ý định tham dự. Tôi không được phép cử hành thánh lễ khi có mặt kẻ đã làm đổ máu dù chỉ một người vô tội. Vậy thì làm sao tôi có thể dâng lễ trước mặt kẻ đã làm đổ máu chừng ấy người? Tôi nghĩ tôi không có quyền làm như thế. Chính tay tôi viết bức thư này và ngài là người duy nhất đọc nó. Nếu đúng là kitô hữu, xin ngài hãy làm điều tôi yêu cầu. Bằng không, xin hãy tha thứ cho những gì tôi sẽ buộc phải làm. Xin dâng về Chúa, Đấng con yêu mến trên hết mọi sự."

Mặc dù lời lẽ vô cùng tế nhị, nhưng đây rõ ràng là một lá thư nói về hình phạt dứt phép thông công và Ambrosio sẽ không rút lại chừng nào mà hoàng đế chưa chịu làm việc đền tội. Théodose biết rõ điều đó, hơn nữa ông ta thừa nhận là vị giám mục này nói đúng. Do đó ông đã công khai xin ơn tha thứ.

Sau dịp Giáng Sinh năm ấy, mọi sự thay đổi khi luật thiêng thánh chiến thắng những quyền lực thất thường của loài người. Tất cả là nhờ ơn Chúa!

Anne Bernet (Aleteia)
Lê Hưng (chuyển ngữ)

Nguồn: tgpsaigon.net