Những phụ nữ tiêu biểu trong Kinh Thánh Tân ước

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 922 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Có một bài hát bình dân cổ xưa của Kitô giáo có một vài dòng thế này, “nếu Kinh Thánh được viết ra vào ngày hôm nay, tôi muốn trở thành một người mà Thiên Chúa sẽ viết về.” Tôi thường nguyện cầu rằng Thiên Chúa sẽ làm cho tôi thành một kiểu phụ nữ mà Ngài sẽ viết về (người phụ nữ ấy).


Các phụ nữ trong Kinh Thánh, như các vị thánh của Giáo hội, dạy chúng ta cách đi theo Đức Giêsu. Trong khi Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu, mẫu gương cho mọi nhân đức, là kiểu mẫu hoàn hảo cho các phụ nữ, thì vẫn có những phụ nữ khác trong Kinh Thánh là những gương mẫu tốt lành cho chúng ta noi theo. Bà Êlisabét, chị em Maria và Mácta, và cô Maria Macđala là bốn khuôn mặt trong Tân Ước, hiện thân của các nhân đức, như đức tin, sự khiêm tốn, phục vụ và yêu thương, cũng như hiện thân của một tương quan sống động với Thiên Chúa hằng sống. Cuộc đời của họ, tuy đã sống hàng ngàn năm trước đây, vẫn có thể dạy các phụ nữ trong thế kỷ 21 cách thức sống trung tín và trở nên những phụ nữ mà Thiên Chúa muốn viết về.


Bà Êlisabét, Vị nữ ngôn sứ tràn đầy lòng tin


Bà Êlisabét được biết đến là người chị họ của Đức Maria và là mẹ của Gioan Tẩy Giả. Chẳng may chúng ta thường lướt qua đức tin xuất chúng của bà trong khi lại bận rộn trong việc nghiên cứu về người em họ rất thánh (Đức Maria) và cậu con trai của bà (Gioan Tẩy Giả). Chúng ta được bảo rằng, bà Êlisabét cùng với chồng là người “công chính trước mặt Thiên Chúa” và “không có gì đáng trách” (Lc 1, 6). Tuy nhiên, theo truyền thống lâu dài về những người vợ của các tổ phụ (Sara, Rêbecca, và Rachel) và những bà mẹ của Samuen và Samson, hai thủ lãnh nổi tiếng, bà không thể mang thai con trẻ mà không có sự trợ giúp thần linh cách đặc biệt. Trong tuổi già của mình, bà đón nhận một người con là người được tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trong khi vẫn còn trong dạ mẹ. Khi Đức Maria nghe biết bà Êlisabét mang thai, ngài mau chóng đi giúp đỡ người chị họ cao tuổi của mình. Trong cuộc gặp gỡ của họ, bà Êlisabét được tràn đầy Thánh Thần, và trong đức tin bà đáp trả Maria bằng lời chào nổi tiếng được ghi lại trong Luca 1,42-45. Bà cất cao tiếng ca ngợi phúc lành của Đức Maria, vinh dự của ngài đang là mẹ của Đấng Mêsia, và những lý do khiến ngài được chúc phúc vì đã tin rằng Thiên Chúa có thể thực hiện những gì Người đã nói.


Những phụ nữ tiêu biểu trong Kinh Thánh Tân ước

Bà Êlisabét và Đức Maria


Những lời của bà Êlisabét nói với Đức Maria về phúc lành của cả hai người phụ nữ. Trong lòng tin, Bà Êlisabét đáp trả đối với sự thúc đẩy của Thánh Thần trong đức tin. Bà đã nói thật táo bạo và tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng Mêsia đang đến trước khi Người được sinh ra. Bà là mẹ của một ngôn sứ cao cả, và là một nữ ngôn sứ đúng vị trí của bà. Bà Êlisabét hạ mình trước người em họ trẻ tuổi hơn mình, bà xác tín rằng Đức Maria là người diễm phúc nhất trong số các người phụ nữ mặc dù con trẻ đang lớn lên trong lòng bà là một phép lạ. Như Đức Maria, bà tin rằng Thiên Chúa có thể hoàn tất những gì Người đã hứa, và vì thế, trong đức tin bà đã chào Đức Maria em họ của mình như người mẹ của Đấng Mêsia được chờ mong lâu nay.


Bà Êlisabét chào đón Đức Maria và Đức Giêsu còn trong dạ mẹ bằng lòng tin và sự khiêm tốn. Bà là người công chính và không gì đáng chê trách và như thế bà bén nhạy và đáp ứng với những tác động của Thánh Thần trong tâm hồn bà. Êlisabét, -tên của bà có nghĩa là “Thiên Chúa là lời thề của tôi-”, dạy chúng về tầm quan trọng của việc chào đón Thiên Chúa cách tận tình bằng lòng tin và sự khiêm tốn.


Vì thế, thường thường trong nền văn hoá của chúng ta, người tin bị coi là lạ thường, ngây thơ. Và thậm chí có thể là hơi cấp tiến hay “liều mạng”. Có vẻ là quá đơn giản trong một thời điểm khi mà tất cả mọi người tôn thờ vị thần khoa học. Bà Elisabét thách thức chúng ta nhận biết các công trình của Chúa Thánh Thần, do chấp nhận chúng trong đức tin và trong sự khiêm tốn mà hiểu ra rằng chúng ta là những thụ tạo của Người chứ không phải là các tạo hoá, và rằng “với Thiên Chúa thì không có gì là không thể” (Lc 1, 37).


Mácta và Maria: Phải chăng là đời sống hoạt động và chiêm niệm


Hai cô Maria và Mácta, những người bạn của Đức Giêsu và được Người thương mến, các ngài phục vụ như các mẫu gương độc đáo của Kinh Thánh và sự thống nhất ẩn tàng của đời sống hoạt động và chiêm niệm mà nhiều phụ nữ ngày nay trực diện với nó. Luca 10,38-42 thuật lại cuộc thăm viếng của Đức Giêsu tại nhà của họ. Chúng ta được biết rằng cô Mácta “đã đón tiếp Người vào nhà mình” (Lc 10,38) và bắt đầu phục vụ Người. Trong khi đó, Maria, em của cô, thì ngồi dưới chân Đức Giêsu mà chăm chú lắng nghe. Bực tức do không được cô em giúp đỡ, cô Mácta yêu cầu Đức Giêsu bảo cô Maria giúp mình. Ắt hẳn cô Mácta hoàn toàn đoan chắc rằng Đức Giêsu sẽ đồng ý với cô một lời cầu xin hợp lý như thế. Đức Giêsu trả lời, “Mácta, Mácta, con băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá; chỉ có một điều cần, Maria đã chọn phần tốt, phần ấy sẽ không ai có thể lấy khỏi cô ấy” (Lc 10,41-42).


Những lời Đức Giêsu nói với cô Mácta ắt là khó hiểu đối với cô. Có lẽ cô ấy đã tự hỏi: “‘Một điều’ cần đó là điều gì ? Đâu là phần tốt mà Maria đã chọn? Điều gì không thể lấy khỏi Maria và tại sao ?” Chúng ta tự vấn mình cùng những câu hỏi này.


Những phụ nữ tiêu biểu trong Kinh Thánh Tân ước


Đa số chúng ta bị kẹt cứng trong thế giới bận rộn này đều có liên hệ tới một Mácta cách nào đó. Chúng ta cũng thường bối rối băn khoăn về nhiều chuyện. Chúng ta để cho mình bị bận rộn về vừa cái tầm thường vừa cái quan trọng. Đức Giêsu bảo cô Mácta— và cả với chúng ta—rằng chỉ có một điều cần. Một điều cần ấy là chính Đức Giêsu. Thực ra, trước đây Người đã bảo với chúng ta điều này rồi. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Cô Maria đã chọn lấy cơ hội về sự có mặt của Đức Giêsu để chú tâm vào một điều thực sự quan trọng trong cuộc đời—Đức Giêsu. Sự biến đổi sẽ diễn ra trong cô do trái tim trong sạch của cô có thể không bao giờ bị lấy mất. Hơn nữa, những hành động được làm chỉ là để “duy trì hoạt động” và tránh né yêu thương, và mục tiêu thiêng liêng thì sẽ bị “thiêu huỷ” (x.1 Cr 3,13-15).


Phải chăng điều này có nghĩa là bản thân cô Mácta không nên bận tâm tới việc chăn sóc Đức Giêsu hay chúng ta nên tránh các công tác từ thiện ? Chắc chắn là không ! Mà điều ấy có nghĩa là các việc tốt lành của chúng ta không nên chỉ vì lợi ích của họ, nhưng đúng hơn vì sự sống thiêng liêng của chúng ta và nghĩ đến mục đích thiêng liêng của họ. Chúng ta phải ngồi dưới chân Đức Giêsu và rồi hành động theo sự thúc đẩy của lòng mến đối với Người.


Maria Macđala: người yêu mến Đức Giêsu tận tình


Cô Maria Mácđala hẳn phải được xếp vào trong số các phụ nữ diễm phúc nhất của Kinh Thánh và là một trong những vị thánh lớn nhất của Giáo hội. Cô Những phụ nữ tiêu biểu trong Kinh Thánh Tân ướcMaria là người được Đức Giêsu trục xuất khỏi 7 quỷ và chỗ trống do quỷ chiếm đóng bây giờ hẳn phải được lấp đầy bởi lòng mến đối với Đức Giêsu (x. Lc 8,2). Cô đã qua những ngày đời còn lại của mình là bước theo Đức Giêsu và các tông đồ và phục vụ các nhu cầu của các ngài. Thực ra, cô Maria yêu mến Đức Giêsu hết lòng đến nỗi cô đã liều mình theo Người đến tận dưới chân thập giá và đến tận ngôi mộ.


Trình thuật về lòng mến của cô Maria được kể trong Gioan chương 20 hết sức cảm động. Maria đã đến mộ trong khi trời hãy còn tối. Hầu như bạn có thể tưởng tượng ra sự chờ đợi bồn chồn của cô cho mau tới thời điểm sớm nhất để cô có thể đến mồ được. Khi đến nơi, cô thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ và vì thế cô nhanh chóng đi báo cho Phêrô và Gioan tin đau buồn này. Hai tông đồ chạy đến mộ, thấy ngôi mộ trống, và rồi quay về nhà mình. Trong khi đó, cô không trở về nhà mà lại đứng bên ngoài mồ mà khóc Chúa của cô. Cuối cùng, cô nhìn vào bên trong mộ thấy hai thiên thần, các ngài hỏi tại sao cô lại khóc. Cô trả lời, “vì họ đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20, 13). Sau cùng, Đức Giêsu hiện ra với cô, nhưng cô tưởng lầm đó là người làm vườn. Không trả lời câu hỏi của Người vì cô đang khóc, cô van xin Người , “Thưa ông, nếu ông mang Người đi rồi, thì cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ mang Người về” (Ga 20, 15). Nhưng Người mạc khải cho cô và cô đã ôm chầm lấy Người. Thế rồi cô chạy về và kể cho các tông đồ: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20, 18), và tất cả mọi sự Người đã bảo cô đi nói với họ. Như thế, Maria Macđala được biết như là vị “tông đồ cho các tông đồ”.


Cô Maria yêu mến Đức Giêsu bằng một tình yêu sâu lắng và mang màu sắc hiến tế. Sự đau khổ mà cô trải nghiệm do mất Chúa rõ ràng là sâu đậm. Cô gợi hứng cho chúng ta quảng đại đáp trả tình yêu của Đức Giêsu. Cô Maria đã đi một khoảng rất dài để diễn tả lòng mến của cô đối với Đức Giêsu, và cô đã nhận được phần thưởng là sự hiện diện của Người. Cô khích lệ chúng ta lấy những quyết định khó khăn cần thiết để bản thân được gần Đức Giêsu và trải nghiệm sự hiện diện của Người trong cuộc đời chúng ta.


*  *  *


Bà Êlisabét, cô Maria và Mácta, và cô Maria Macđala tất cả đều là những phụ nữ diễm phúc nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu. Họ đáp trả bằng một cuộc đời sống động mà tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta là những người đã có kinh nghiệm về sự cư ngụ của Thánh Thần trong tâm hồn và của Đức Giêsu trong Thánh Thể, nhờ sự hiện diện của Người, chúng ta được chúc phúc không kém những “bà chúa” này được Kinh Thánh gợi lên-mà thực ra còn hơn thế nữa!



Stacy Mitch *

Lay Witness Magazine, Jul/Aug 1999

Chuyển ngữ: Antôn Vũ Hữu Lệ, OFM

Nguồn: ofmvn.org

----------------------------------

(*) Stacy Mitch là tác giả của khóa Kinh thánh mang tên “Tình Yêu Quả Cảm”, một giảng khoá Kinh Thánh nói đến sự Thánh thiện của các Phụ Nữ trong Kinh Thánh.