Thánh Phanxicô Assisi, con người của hòa bình

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2664 | Cật nhập lần cuối: 10/5/2016 4:25:55 PM | RSS

Thánh Phanxicô Assisi, con người của hòa bìnhCách đây 30 năm (*), thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã làm một cử chỉ độc đáo khiến nhiều người trong và ngoài Giáo Hội phải ngạc nhiên: đó là mời tất cả các đại diện của các giáo hội Kitô cũng như các tôn giáo ngoài Kitô giáo gặp nhau một ngày tại Assisi (ngày 27.10.1986), quê hương của Thánh Phanxicô, để cầu nguyện cho hòa bình. Tất nhiên các vị đại diện ấy cầu nguyện ở những chỗ riêng dành cho tôn giáo của mình, nhưng trong bài diễn từ bế mạc, Đức Thánh Cha muốn cho các vị ấy ý thức tới một bản tính chung, một nguồn gốc chung và một định mạng chung của loài người, từ đó ý thức tới trách nhiệm chung là phải xây dựng hòa bình để cứu vãn thế giới. Trong bài diễn từ ấy Đức Thánh Cha đã nhắc tới Thánh Phanxicô là “con người của Hòa bình” và mời gọi mọi người đi theo lý tưởng của thánh nhân (1). Từ ngày đó người ta thường nói tới “Tinh thần Assisi”, tức là tinh thần hòa bình mà Thánh Phanxicô đã khơi dậy.

Vì đang phải sống trong bầu khí bất ổn, đầy chiến tranh và bạo lực, con người của thời đại hôm nay khao khát hòa bình có lẽ mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhưng chắc chắn không phải mọi người đều đồng thuận với nhau khi phải xác định hòa bình là gì, và đâu là những nẻo đường dẫn đưa tới đó.

Trong bài này chúng tôi muốn nêu ra một vài suy nghĩ về quan niệm của thánh Phanxicô về hòa bình và những yếu tố tạo nên tinh thần ấy. Để dễ dàng đạt được mục tiêu đó, chúng tôi nghĩ phương pháp đơn giản là theo dõi Thánh Phanxicô từ lối sống bên ngoài, đến kinh nghiệm nội tâm, được diễn tả qua các lời người dạy anh em và qua chứng từ của các Truyện ký thời đầu.

I. Trong lòng một thế giới đầy bạo lực

Thánh Phanxicô sinh ra (1181) và lớn lên vào một thời đại đầy chinh chiến: hoàng đế chống lại với giáo hoàng, dân thành thị chống lại với giai cấp quý tộc; mỗi thị trấn đều có quân đội riêng, sẵn sàng giao chiến với thị trấn bên cạnh; các Kitô-hữu tổ chức các cuộc thập-tự-chinh để chiếm lại Đất Thánh mà những người Hồi-giáo đã chiếm đóng.

Năm 1197, lúc Phanxicô lên 16 tuổi, hoàng đế Henri VI tại Đức qua đời. Lợi dụng thời gian trống ngôi hoàng đế, các thị thành tại Italia đã nổi dậy chiếm lại các tài sản của đế quốc, xua đuổi những người đại diện, phá hủy các pháo đài. Thành Assisi cũng đã nổi dậy, phá hủy pháo đài La Rocca, rồi lấy đá của pháo đài xây nên một chiến lụy để bảo vệ thành.Người ta nghĩ rằng chàng thanh niên Phanxicô, với nhiệt tình của tuổi trẻ, cũng đã tham gia vào cuộc nổi dậy ấy.

Bốn năm sau lại xảy ra cuộc chiến giữa thành Pê-ru-gi-a láng diềng với thành Assisi: Pê-ru-gi-a, được giới quý tộc Assisi trú ngụ tại đó yểm trợ, đã đánh bại giới thị dân Assisi! Phanxicô đã tham gia tích cực trong cuộc chiến này.Khi thành Assisi thất bại trong trận đánh tại Ponte San Giovanni, thì chàng bị bắt làm tù binh.Sau một năm bị giam trong chốn ngục tù chàng đã được tha, nhờ tiền chuộc của người cha là ông Béc-na-đô-nê, một thương gia giàu có.

Nhưng cậu ấm Phanxicô vẫn nuôi giấc mộng trở thành một hiệp sĩ, vẫn khao khát một cuộc sống đầy vinh quang và quyền lực.Vì thế năm 1205 Phanxicô lại sắm sửa một bộ chiến bào lộng lẫy để gia nhập đội Thập-tự-quân của Đức Giáo hoàng In-nô-xen-xi-ô III, dưới quyền chỉ huy của tướng Gauthier de Brienne.Chàng thanh niên đã lên đường ra chiến trận giữa những tiếng hoan hô của dân thành Assisi. Nhưng chính trong thời gian này mà Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc đời của chàng trai. Trong một giấc mộng Thiên Chúa đã cho Phanxicô hiểu rằng phục vụ Người thì có lợi hơn là phục vụ một ông tướng ở trần gian. Khi đã nhận thức được đó là lời mời gọi của Thiên Chúa, Phanxicô đã quay ngựa trở về, lần này thì giữa tiếng chê cười của những người đồng hương.

Từ nay Phanxicô quyết tâm theo ông chủ mới là Chúa Giêsu với những lời chỉ bảo cụ thể trong sách Tin Mừng. Sau 4 năm tập sự trong đời sống hoán cải, vào ngày lễ Thánh Ma-thi-a (24.2.1209), khi nghe bài Tin Mừng trong thánh lễ (Mt 10,1-16) nói về việc Chúa Giêsu sai các Tông đi rao giảng và khi đã được vị linh mục giải thích, Phanxicô khởi sự cuộc đời đi rao giảng. Theo đúng chị thị của Chúa (Mt 10, 12), từ nay khi gặp ai, khi vào nhà nào hay khi bắt đầu một bài giảng, Phanxicô đều nói: “Xin Chúa ban Bình an cho quý vị”. Người xem đó như là một mặc khải mới của Chúa. Sau này Người ghi lại trong Di-chúc: “Chúa đã tỏ cho tôi phải chào bằng lời này: Xin Chúa ban Bình an cho quý vị” (x. Di Chúc, 23). Phanxicô nói câu ấy một cách rất chân thành, đến nỗi nhiều người chẳng những là ngạc nhiên, mà còn bị đánh động tận đáy lòng và được biến đổi nhờ ơn hòa bình của Chúa.

Con đường hoán cải của Phanxicô đã bắt đầu như thế. Từ nay, Người chỉ muốn noi gương Đức Kitô, sống nghèo khó, khiêm hạ, yêu mến mọi thụ tạo, phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ: theo cách đó, Người đã trở thành con người của hòa bình, người anh em của mọi người. Các truyện ký thời xưa đã nêu lên hơn một chục lần Người đã làm trung gian hòa giải cho các đối thủ kình địch nhau. Người ta vẫn thường nhắc tới vài trường hợp tiêu biểu sau đây:

- Nhờ ảnh hưởng của Phanxicô mà hai giai cấp quý tộc và thị dân (majores et minores) đã ký hiệp ước hòa giải với nhau vào ngày 9.11.1210, sau mười năm chinh chiến (2);

- Nhờ Phanxicô mà cuộc nội chiến tại hai thành Arezzo (3) và Bolonia cũng được giải quyết êm thắm;

- Phanxicô đã hòa giải Đức Giám mục và ông thị trưởng Assisi (4);

- Người ăn nói dịu dàng, ôn hòa đến nỗi một con sói đã được thuần hóa và trở về làm hòa với dân thành Gu-bi-ô. Ở đây chúng ta không bàn cãi đến nòng cốt lịch sử của câu chuyện, nhưng trong tâm trí của những người bình dân, khi kể câu chuyện này, họ đã xem Phanxicô là mẫu người hòa bình, có khả năng thu phục được cả những sinh vật độc ác nhất (5).

- Một biến cố khác nữa đã xảy ra, tuy không đạt được kết quả như lòng Phanxicô mong ước, nhưng đã để lại một ấn tượng lớn lao trên những người đương thời. Năm 1219, trong cuộc thập-tự-chinh thứ năm, Phanxicô cùng một số anh em (trong đó có anh Illuminatô) đã theo tàu của các thập-tự quân sang Ai-cập. Mục đích của Phanxicô hoàn toàn là mục đích hòa bình: Người muốn đi rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho những người Hồi-giáo. Trong lúc các thập-tự quân chuẩn bị trận đánh thứ ba tại Đa-mi-ét (hai trận đầu đã thất bại!), Phanxicô, với hai bàn tay không, cùng với Anh Illuminatô đã đến gặp vua Hồi giáo Melek el Kamil.

Trước khi ra đi Người đã xin phép Đức Hồng y Pêlagiô Ganvao, lãnh đạo tối cao của Thập-tự-quân, đồng thời đề nghị cho ngưng cuộc chiến tranh, vì người được Chúa soi sáng cho biết là trận đánh thứ ba cũng sẽ kết thúc tồi tệ như hai lần trước. Sau khi đã nhiều lần từ chối, và nhất là khi thấy lời tiên tri của Phanxicô đã ứng nghiệm (trận đánh thứ ba là một thất bại nặng nề cho phía thập tự quân với 4000 người chết và 2000 bị bắt làm tù binh), cuối cùng Đức Hống Y cũng cho phép Phanxicô ra đi. Ai cũng cho rằng Phanxicô là ngông cuồng, vì đang lao mình vào chỗ chết!

Phần Phanxicô thì ao ước hoặc là cải hóa được vua Hồi giáo, hoặc là được phúc tử vì đạo.Nhưng cả hai việc đã không xảy ra. Melek el Kamil thấy Phanxicô vừa hiền lành, khiêm tốn, lại vừa rất nhiệt thành trong đức tin Kitô giáo, thì lấy làm cảm phục và đã mời hai tu sĩ ở lại đàm đạo ba ngày. Sau thời gian ấy, thấy công việc không có kết quả, Phanxicô đã xin cáo lui. Vua Hồi giáo trao nhiều quà tặng, nhưng Phanxicô chỉ nhận một cái tù và (6).

Sau biến cố ấy Phanxicô đã cho viết ra chương 16 trong bản luật không sắc chỉ (Lksc): chương ấy dạy anh em, khi được ơn Chúa thì hãy đến với những người Hồi giáo, và phải đến với họ trong tinh thần hòa bình (7). Có thể nói Thánh Phanxicô là người đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội đã khai trương cuộc đối thoại liên tôn, đặc biệt là đối với các tín đồ Hồi giáo.

II. Những yếu tố tạo nên tinh thần hòa bình của Thánh Phanxicô

1. “Phúc thay ai hiền lành”

Từ cuộc hoán cải của Phanxicô, chúng ta đã có thể nêu ra vài yếu tố cơ bản trong tinh thần hòa bình của Người.Điều đáng nói đầu tiên là, để bước vào con đường mới này, Phanxicô đã từ khước chiến tranh, bạo lực và óc thống trị. Con đường Người đi từ nay là bước theo Chúa Kitô “hiền lành và khiêm nhường”. Người dặn dò anh em trong bản luật hiện hành:

“Tôi khuyên bảo, lưu ý và khuyến khích anh em trong Chúa Giêsu Kitô, khi anh em đi ra giữa đời, thì đừng gây sự và cãi cọ, cũng đừng xét đoán ai; nhưng hãy tỏ ra dịudàng, hiền hòa và từ tốn, khả ái và khiêm nhường, nói năng tử tế với hết mọi người sao cho thích hợp. Anh em không được đi ngựa, trừ trường hợp rõ ràng cần thiết hoặc bệnh tật. Khi vào nhà nào, trước tiên anh em hãy chào: “Chúc nhà này được bình an” (x. L III,10-13).

Một chi tiết ta cần lưu ý là vào thời thánh Phanxicô, chỉ những người giàu sang và có quyền lực mới đi ngựa. Người anh em hèn mọn sẽ không bắt chước hai lớp người ấy, nhưng chỉ dùng những phương tiện của người bình dân.

Trong bản luật không sắc chỉ, thái độ bất bạo động, hiền lành và khiêm tốn đã được Phanxicô giảng giải một cách chi tiết hơn nữa: không vu khống ai, không cãi cọ, không nóng giận, không thóa mạ ai, không xét đoán ai, nhưng hãy ăn ở khiêm tốn, nhân từ với mọi người (Lksc XI); không chống cự người ác, nhưng ai vả anh em má này, thì hãy giơ cả má bên kia; ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản họ lấy áo trong, đúng theo lời Chúa dạy trong Mt 5, 39 và Lc 6, 29 (x. Lksc XIV, 2-5).

Đọc những đoạn văn trên, người ta có cảm tưởng là Phanxicô, tuy không trích dẫn cách minh nhiên, nhưng đã thấm nhuần một cách sâu xa mối phúc thứ hai mà Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc thay ai hiền lành,vì họ sẽ được Đất hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4). Riêng mối phúc thứ bảy, dành cho những người xây dựng hòa bình, thì Phanxicô đã giải thích cho anh em mình trong hai huấn ngôn: Huấn ngôn 13 và 15.

Huấn ngôn 13:

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (x. Mt 5, 9) (8). Người tôi tớ Thiên Chúa không thể biết mình kiên nhẫn và khiêm nhường đến mức nào, bao lâu còn được mọi sự như ý. Nhưng đến lúc những kẻ đáng phải làm vừa lòng mình, đều làm ngược lại, bấy giờ người ấy tỏ ra kiên nhẫn và khiêm nhường được chừng nào, thì đó là mức độ nhân đức kẻ ấy có, không thể hơn được”.

Theo huấn ngôn này thì, để xây dựng hòa bình, con người phải có lòng kiên nhẫn và khiêm nhường, nghĩa là chịu đựng tha nhân, ngay cả khi họ hành động trái với ý muốn của ta.Huấn ngôn sau xác định rõ hơn kiên nhẫn là gì.

Huấn ngôn 15:

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (x. Mt 5, 9). Những ai chịu đựng mọi gian khổ trên đời này vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, mà vẫn giữ được tâm hồn và thân xác bình an, họ mới thật là những người xây dựng hòa bình”.

Huấn ngôn này cho thấy thêm là, đối với Phanxicô, thái độ kiên nhẫn không phát xuất từ một ý chí mạnh mẽ theo kiểu các triết gia khắc kỷ, nhưng là “chịu đựng mọi gian khổ vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô”. Đó là một thái độ tình yêu, hay nói rõ hơn một thái độ đáp trả cho tình yêu của Thiên Chúa, vì Phanxicô đã nhìn thấy thái độ ấy trước hết nơi Thiên Chúa. Trong kinh “Ngợi khen Thiên Chúa”, một lưu bút gửi cho Anh Lê-ô, Phanxicô đã viết:

“Ngài (Thiên Chúa) là Tình yêu, là Bác ái; Ngài là hiện thân của sự khôn ngoan, của đức khiêm nhường và của lòng nhẫn nại ”.

Vì đã chiêm ngắm Thiên Chúa tỏ mình ra nơi Đức Giêsu một cách khiêm nhường và kiên nhẫn qua mầu nhiệm Nhập thể, qua Bí tích Thánh thể và trong cuộc Khổ nạn, nên Phanxicô đã quyết sống khiêm nhường và nhẫn nại như một sự đáp trả cho Tình Yêu của Thiên Chúa: thái độ ấy là một yếu tố tạo nên tinh thần hòa bình của thánh nhân. Chính vì đã noi gương Chúa Giêsu trong lối sống khiêm nhường và nhẫn nại, mà Thánh Phanxicô đã có thể trở thành người anh em của mọi người và mọi thụ tạo.

(còn tiếp)

Norbertô NGUYỄN VĂN KHANH, OFM
(2011)

___________________
Chú thích:

(*) BBT Hiệu đính thời gian

(1) Xem “Address of John Paul II to the Representatives of the Christian Churches and Ecclesial communities and of the World Religions”, số 9.

(2) X.O.Englebert, Vie de Saint Francois d’Assise, Paris 1956, p. 143.

(3) Tôma Celano, Hạnh Thánh Phanxicô, Quyển II, số 108.

(4) X.Gương Toàn thiện, số 101.

(5) X. Những cánh hoa đơn, ch. 21. Cũng vì Thánh Phanxicô đã trở thành mẫu người hòa bình , nên người ta đã gán cho ngài Kinh Hòa bình (“Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa…), một lời kinh được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, nhưng bản văn lâu đời nhất được viết bằng tiếng Pháp, đằng sau một tấm hình (thánh Phanxicô?) năm 1917, x. Th. Desbonnets & D. Vorreux, Saint Francois d’Assise. Documents. Paris 1968, p, 176-177.

(6) Người Hồi giáo dùng tù và để kêu gọi các tín hữu cầu nguyện.

(7) Biến cố Thánh Phanxicô gặp Vua Hồi giáo được kể lại trong nhiều tài liệu, đặc biệt trong : x. Tôma Celano, Hạnh Thánh Phanxicô, Quyển I, số 57; Bonaventura, Đại Truyện, ch. IX.

(8) Theo ấn bản phê bình của Carolus Paolazzi, Francisci Assisiensis Scripta, Grottaferrata 2009, thì câu Lời Chúa này không có trong Huấn ngôn 13.Tuy nhiên cũng có đến 4 bản sao ghi lại câu ấy. Như vậy là nhiều anh em đã nhận thấy tương quan giữa huấn ngôn này với mối phúc về hòa bình Chúa dạy, vì huấn ngôn 13 này cũng như huấn ngôn 15 (dạy về lối sống hòa bình) đều nói tới sự kiên nhẫn chịu đựng các gian khổ.