Thánh Phanxicô gặp gỡ người Islam - Một khởi đầu ý nghĩa cho ĐTLT (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 765 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Thánh Phanxicô gặp gỡ người Islam - Một khởi đầu ý nghĩa cho ĐTLT (3)Phần III. PHANXICÔ sau cuộc tiếp xúc với Vua Islam

Sau cuộc “Thập tự chinh truyền giáo” ở Cận Đông, các sinh hoạt của PHANXICÔ tại quê nhà tập trung vào một trọng điểm gồm hai mặt, đó là: điều chỉnh những lệch lạc trong Dòng Anh em hèn mọn do các Anh Đại Diện tạo ra trong thời gian ngài đi vắng; và củng cố đời sống Huynh đệ đoàn cho vững chắc bằng việc xây dựng nền tảng luật pháp phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của Dòng. Tuy nhiên tất cả các sinh hoạt ấy, không những không đẩy“kinh nghiệm Đamietta” vào quên lãng, mà trái lại chắc chắn chúng mang dấu ấn của cái biến cố hiếm thấy trong cả lịch sử Giáo Hội. Kinh nghiệm này đánh dấu một bước ngoặt quyết liệt trong sự phát triển nội tâm của PHANXICÔ, theo nghĩa một sự chín muồi về đời sống tâm linh, về đời sống kết hợp với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, mà Thánh Giá là con đường chắc chắn nhất dẫn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, và về đời sống dấn thân rao giang Tin Mừng cho mọi hạng người, trong đó người Islam chiếm vị trí ưu tiên. Sáu năm cuối đời (1220-1226) cũng là giai đoạn phong phú nhất của PHANXICÔ trong sinh hoạt sáng tác. Theo cha Carlo PAOLAZZI, OFM [1], hầu hết các văn bản làm nên tác phẩm của Thánh PHANXICÔ đều hình thành trong những năm tháng sau “kinh nghiệm Đamietta”. Trước khi đi tìm dấu ấn của kinh nghiệm này trên các di cảo, chúng ta nên biết hai cách đánh giá “cổ điển” và “hiện đại” về cuộc gặp gỡ giữa PHANXICÔ và Sultan Islam.


1. Quan điểm “cổ điển”:


1.1 Theo Celano (1 Cel 57) và Thánh Bonaventura (ĐT 9,9), sở dĩ Chúa không làm thỏa lòng PHANXICÔ đã từng ước muốn thiết tha được chết vì đạo bởi tay người Islam, là vì Chúa để dành cho thánh nhân một đặc ân khác: đó là sẽ mang dấu ấn và biểu tượng của sự tử vì đạo khi được in các Dấu Đinh của Đức Giêsu trên thân xác mình tại Núi Laverna. ĐHY de Vitry lý giải sự trì hoãn này như sau: "Khi Sultan nhìn thấy PHANXICÔ mang dáng dấp một người của Thiên Chúa, thì con thú dữ tợn (trong Sultan) cảm thấy được biến đổi thành một con người nhân hậu, và trong vài ngày Đức Vua rất chăm chú lắng nghe PHANXICÔ giảng về Chúa Kitô” (x. Vitry B, 14). ĐHY đã “làm văn” theo kiểu Trung Cổ khi ví von Sultan với “con thú dữ tợn”, nhưng thực ra chính ngài đã hết lời ca ngợi lòng nhân ái của Sultan đối với các tù binh Thập tự quân (xem trên đây).


1.2 Phần lớn các sử liệu Trung cổ (trừ câu chuyện huyền thoại trong Những bông hoa nhỏ, chương 24) đều nhấn mạnh rằng PHANXICÔ thất vọng vì việc rao giảng không đem lại kết quả gì cho sự cải đạo của người Islam (x. ĐT 9,9), hoặc chẳng mang lại lợi ích bao nhiêu (x. Vitry A,2). ĐHY de Vitry nói thêm rằng: Sultan sợ một vài lính thuộc hạ của mình bị lời giảng của PHANXICÔ lôi kéo cải đạo mà nhảy sang quân ngũ Kitô giáo chăng, bèn ra lệnh cho thuộc hạ tháp tùng hai vị tu sĩ về lại trại binh Thập tự quân một cách trọng thị và an toàn, với lời xin PHANXICÔ cầu nguyện, như chúng ta đã biết (x. Vitry B,14).


Cả hai khía cạnh trên đây tạo nên sự “thất bại” của PHANXICÔ trong kinh nghiệm Đamietta. Nhưng cách nhìn và đánh giá như thế có vẻ chỉ dừng lại ở sự nôn nóng của PHANXICÔ trong ước muốn tử vì đạo và lôi kéo người Islam cải đạo ngay. Những quyển tiểu sử hiện đại viết về Thánh PHANXICÔ trong thế kỷ XX của những tác giả tiêu biểu như Johannes JOERGENSEN năm 1909 [2]; Cha CUTHBERT, OFMCap năm 1912 [3]; Cha Omer ENGLEBERT, OFM năm 1947 [4]; và Cha Antôn TRẦN PHOÅ, OFM với một Nhóm Anh em Phan sinh Việt nam năm 1961 [5], cũng chỉ thuật lại cuộc gặp gỡ lịch sử ấy theo quan điểm cổ điển. Thực ra, kinh nghiệm Đamietta đã tác động sâu sắc trên đời sống tâm linh và quan niệm truyền giáo của PHANXICÔ sau đó, như một số tác giả của thời hiện đại đã nhìn thấy.


2. Quan điểm hiện đại


2.1 Nếu chúng tôi không nhầm, thì chính cha Giulio BASETTI-SANI, OFM là người đầu tiên đánh giá kinh nghiệm Đamietta của Thánh PHANXICÔ theo một nghĩa tích cực, khi viết những lời sau đây vào năm 1959 trong một quyển sách bằng tiếng Pháp: “Kinh nghiệm cá nhân này của PHANXICÔ là một khởi điểm, một bước chuẩn bị cho sứ vụ truyền giáo tương lai”. “Đó không phải là một thất bại như các sử gia Trung cổ đã nghĩ, nhưng là ‘bước đầu tiên của Kitô giáo’ tiến tới sự hoà giải với người Islam. Thánh PHANXICÔ đã làm bước đầu tiên ấy, nên ngài có thẩm quyền đưa ra cho anh em của mình những chỉ thị về cách làm việc tông đồ hữu hiệu tại các miền đất Islam. Đó là: trước tiên nêu chứng từ đời sống gương mẫu của một Kitô hữu, rồi sau đó rao giảng lời Chúa. Vì lẽ ấy, bản luật không sắc dụ (1221) được viết ra sau khi PHANXICÔ từ Ai Cập trở về, nhất thiết mang dấu ấn của kinh nghiệm Đamietta”[6]. Cũng chính tác giả này đã thấy mối liên hệ mật thiết giữa kinh nghịệm Đamietta với kinh nghiệm La Verna của PHANXICÔ: “Năm Dấu Đinh không chỉ là ân huệ hoặc phần thưởng do Chúa Chịu Đóng Đinh ban tặng cho cá nhân vị Thánh Sốt Mến vì đã dành một tình yêu nồng nhiệt cho Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa, nhưng Năm Dấu Đinh ấy có liên quan mật thiết và thầm kín với “maàu nhiệm Islam” [7].


2.2 Năm 1981, cha Anton ROTZETTER, OFM Cap, khi kể lại chuyến đi Cận Đông của PHANXICÔ, ghi nhận rằng những gì PHANXICÔ đã nghe, đã thấy trong thế giới Islam, để lại âm vang trong một số di cảo, đặc biệt trong các lá thư của ngài kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa biểu lộ công khai lòng tôn kính Thánh Thể [8]. Cha Rotzetter không quy chiếu về quyển sách của cha Giulio Basetti-Sani.


2.3 Từ ngày 5 đến 12 tháng 10 năm 1982 Dòng AEHM tổ chức một Hội Nghị về Islam, quy tụ 13 thành viên đến từ 10 quốc gia có dân chúng theo đạo Hồi. Hội Nghị đã viết một lá thư theo cung cách của Thánh PHANXICÔ để mô tả những thái độ phải có khi găp gỡ và đối thoại với anh em Islam. Lá thư ấy là một bài chú giải về chương XVI của bản Luật không sắc dụ 1221. Và cũng vào thời điểm này, cha Andreas MUELLER, OFM, người sáng lập Trung Tâm Truyền Giáo tại Bonn của các Tỉnh Dòng AEHM nói tiếng Đức (Missionszentrale der Franziskaner = MZF) đã có sáng kiến tổ chức một Nhóm soạn thảo 25 bài Học về Đặc sủng Truyền giáo Phan sinh, trong đó hai bài số 7 và số 16 được dành để phân tích các ý nghĩa sâu sắc về mặt truyền giáo của cuộc gặp gỡ giữa PHANXICÔ và Sultan el-Melek el-Kamel (sẽ được trích dẫn theo ký hiệu “MZF 7”, “MZF 16”). Nhóm soạn thảo do cha Anton ROTZETTER đứng đầu. Baøi “MZF 7”: “Công cuộc truyền giáo Phan sinh trong các Taøi lieäu nguoàn = The Franciscan Mission in the Early Sources “ không nói rõ ràng : “Chương XVI của Luật khoâng saéc duï laø moät trong những hoa quả của cuộc gặp gỡ giữa PHANXICÔ và thế giới Hồi giáo" (tr. 9). Baøi “MZF 16”: “Gặp gỡ người Islam = Encounter with Muslims” có nhắc tới quyển sách của cha Giulio Basetti-Sani trong thư mục. Bài học số 16 này triển khai cụ thể trực giác của cha Giulio và trình bày rất đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa tích cực của kinh nghiệm Đamietta đối với đời sống tâm linh của PHANXICÔ và nhất là đối với quan niệm của ngài về phương pháp truyền giáo.


2.4 Vào năm 1996, trong một quyển sách viết về Thánh Phanxicô và Thánh Bonaventura, cha Paul ROUT, OFM dành chương cuối cùng bàn về “Phanxicô, Sultan và cuộc đối thoại liên tôn”, trong đó tác giả cũng có một tầm nhìn tương tự như bài học số 16 của Nhóm soạn thảo do cha Rotzetter đứng đầu. Cha Rout không nhắc tới quyển sách của cha Basetti-Sani và MZF 16, [9] nhưng đã mượn của một tác giả người Mỹ ý niệm “hóan cải trở về với thế giới siêu việt” làm nền tảng chung cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo [10].


2.5 Năm 2002, Cha Carlo PAOLAZZI, OFM xuất bản lần thứ hai quyển sách bằng tiếng Ý về cách đọc các văn bản trong tác phẩm của Phanxicô Assisi, trong đó tác giả đề cập tới quá trình phát triển của bản luật không sắc dụ, do ảnh hưởng của một số biến cố và nhân vật như: - Công Đồng Latêranô IV (1215, thiết lập chức Bề trên Giám tỉnh, khiến Luật Dòng phải thêm những quy định về các mối tương quan giửa anh em với Giám tỉnh của mình: x. Lksd chương 4-6 và 18); sắc dụ Cum secundum của ĐGH Hônôriô III ban hành ngày 22/09/1220 ấn định năm tập tu bắt buộc cho cho các tu sĩ, và cấm các tu sĩ đã khấn không được rời bỏ Dòng (các quy định mới này được PHANXICÔ đưa vào Lksd, 2,8-12); kinh nghiệm cá nhân PHANXICÔ đã trải qua tại Cận Đông năm 1219-1220 chắc chắn được phản ánh vào trong các quy định về việc truyền giáo cho người Islam và các dân ngoại khác (x. Lksd chương 16); cuối cùng là việc PHANXICÔ nhờ anh Xêdariô thành Speyer chọn những câu Kinh Thánh thích hợp đưa vào bản luật nguyên thủy đã có sẵn một ít câu Kinh Thánh làm điểm tựa cho những “lời đơn sơ, ngắn gọn” của chính PHANXICÔ [11]. Cha Paolazzi cũng nói thêm rằng: vào năm 1220, dựa trên kinh nghiệm đã trải qua tại Cận Đông và tông thư Sane cum olim do ĐGH Hônôriô III ban hành ngày 22/11/1219 về việc tôn sùng Thánh Thể, PHANXICÔ viết mấy lá thư gửi cho các giới Kitô giáo để kêu gọi mọi người phát huy lòng yêu mến cụ thể đối với Bí Tích cực trọng ấy và dâng lời ca ngợi Thiên Chúa một cách công khai. Cha Paolazzi không nhắc tới quyển sách của Cha Basetti-Sani.


2.6 Vào năm 2006 ba tác giả: Jacques DALARUN, Michael CUSATO và Carla SALVATI viết chung quyển sách về Năm Dấu Thánh của PHANXICÔ [12], trong đó bài viết của cha Michael CUSATO, OFM đề nghị một cách giải thích khá mới mẻ về ý nghĩa của Năm Dấu Thánh mà PHANXICÔ nhận được trên Núi La Verna vào dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá tháng 9 năm 1224 [13]. Chúng tôi chưa được đọc trực tiếp tác phẩm tập thể này, đặc biệt bài của Cusato, nhưng chỉ mới được tham khảo bài trình bày tóm tắt của cha Paul ROUT [14]. Theo nhận định của chúng tôi, tác giả Cusato đã triển khai tối đa trực giác của cha Giulio BASETTI-SANI.


2.7 Nhìn lại thời gian 50 năm kể từ ngày xuất bản quyển sách đầy cảm hứng “tiên tri” của Cha Giulio Basetti-Sani đến nay (1959-2009), chúng ta thấy rằng cách đánh giá tích cực về Islam của những người như vị Linh mục Phan sinh này đã góp phần hình thành ra quan điểm tích cực và trân trọng của Công Đồng Vatican II (1962-1965) đối với Islam trong Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (số 3). Chắc chắn giáo huấn của Công Đồng là động cơ thúc đẩy những tác giả như Rotzetter, Rout, Paolazzi và Cusato (có thể có thêm những tác giả khác nữa mà chúng tôi chưa biết) nghiên cứu chuyên sâu về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa PHANXICÔ và Sultan el-Melek el-Kamel, nhờ đó họ khám phá ra những ý nghĩa mà truớc đây chưa được đưa ra ánh sáng. Những công trình nghiên cứu sau năm 1986 có thể còn được thúc đẩy bởi sáng kiến tuyệt vời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, chọn Assisi, quê hương Thánh PHANXICÔ làm nơi gặp gỡ giữa những đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới để cùng nhau suy nghĩ về việc xây dựng và bảo vệ hoà bình và để mỗi tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình theo cách thức riêng của mình, từ năm 1986 đáng ghi nhớ ấy. Việc chọn lựa Assisi tất nhiên làm mọi người nhớ lại cuộc đối thoại liên tôn đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội do sáng kiên của PHANXICÔ vào năm 1219, cách đây 791 năm!


------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú:

[1] Xem Carlo PAOLAZZI, Lettura degli “Scritti” de Francesco d’Assisi. Milano 2002. Đặc bịêt các trang 9-15: Profilo biografico e cronologia degli “Scritti” (lý lịch trích ngang của PXC và niên đại các văn bản làm thành tác phẩm của ngài). Bảng niên đại này được đưa hầu như nguyên si vào pho sách “Fonti Francescane. Nuova edizione 2004”, tr. 14-19, với hai dị biệt quan trọng: 1) Sắc dụ Cum dilecti của ĐGH Hônôriô III được Carlo Paolazzi định vị vào ngày 11/06/1218 trong ấn bản Lettura...năm 2002 (tr. 11), nhưng trong Fonti... thì ghi là ngày 11/06/1219 (tr. 15). Cách làm của Fonti đúng hơn, vì cuối Sắc dụ ấy ĐGH ghi rõ:”Ban hành tại Lateranô ngày 11 tháng 06 năm 1219” (x. Fonti, tr. 1709), và như thế Fonti đã đính chính Lettura. 2) Dị biệt thứ hai là Fonti thêm phần Niên đại tiếp theo sau sự kiện cải táng và di dời hài cốt Thánh PXC từ Nhà Thờ Thánh Giocgiô đến Đại Hoàng Đường Thánh Phanxicô ngày 15/05/1230. Phần mới của bảng Niên Đại trải dài từ năm 1230 đếnnăm 1337.
[2] Xem Johannes JOERGENSEN, Saint Francois d’Assise. Sa vie et son œuvre, traduit du danois par Teodor De Wyzewa. Nguyên bản xuất bản lần đầu vào năm 1909. Bản dịch tiếng Pháp, ấn bản thứ 43 xuất hiện tại Paris vào năm 1917. Tác giả thuật lại rất sơ lược cuộc gặp gỡ giữa PXC và Sutan, tr. 306-307.
[3] Xem CUTHBERT, OFM Cap, Vie de Saint Francois d’Assise, xuất bàn lần đầu bằng tiếng Anh năm 1912 ; bản dịch tiếng Pháp, ấn bản thứ hai, năm 1927, tr. 299-313.
[4] Xem Omer ENGLEBERT, Saint Francis of Assisi: A Biography. Xuất bàn lần đầu tiên bằng tiếng Pháp vào năm 1947. Bản dịch tiếng Anh của Eve Marie Cooper xuất bản lần đầu tiên năm 1956. Ấn bản Paperback (sách bỏ túi) chúng tôi đang tham khảo là “First Servant Books Edition 1979” in tại Mỹ. Cuộc gặp gỡ PXC-Sutan, ở tr. 176-178.
[5] Antôn và một nhóm Anh em, Thánh Phanxicô Assisi. Xuất bản lần đầu vào năm 1961. Xuất bản lần thứ năm có sửa đổi và bổ sung. Hoc Viên Phanxicô, 2005. Về cuộc gặp quốc vương Ai Cập, xem tr. 209-213.
[6] Xem Giulio BASETTI-SANI,OFM, Sđd, tr. 182.
[7] Như trên, tr. 183.
[8] Xem Anton ROTZETTER, OFMCap, Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di. Thân thế - Chương trình - Kinh nghiệm thần bí, Phần thứ nhất trong quyển sách được dịch sang tiếng Việt với đầu đề “Một Lối Sống Tin Mừng. Tinh thần Phan sinh hôm qua và hôm nay” của ba tác giả: Anton ROTZETTER, OFMCap, Wilibrord-Christian VAN DIJK, OFMCap và Thaddée MATURA, OFM. Bản dịch tiếng Việt: Du Sinh 2002, tr.52-53. Nguyên bản tiếng Đức: Franz von Assisi. Ein Anfang und was davon bleibt xuất bản lần đầu tại Zuerich năm 1981, chúng tôi có trong tay ấn bản thứ 4 năm 1993, tr. 44-45.
[9] Xem Paul ROUT, Francis and Bonaventure, pubished by HarperCollinsPublishers Ltd 1996, First U.S. Edition 1997, Chapter 7: Francis, the Sultan and Interfaith Dialogue, tr. 77-87 (quy chiếu về tài liệu này theo ký hiệu: Rout 1).
[10] Xem Paul ROUT, Sđd, tr. 82 và 90 quy chiếu về Bernard LONERGAN, Method in Theology. New York: Herder and Herder, 1973.
[11] Xem Carlo PAOLAZZI, Lettura degli “Scritti” di Francesco d’Assisi. Seconda edizione. Milano: Edizioni Biblioteca Francescana, 2002, tr. 295-296.
[12] Xem The Stigmata of Francis of Assisi: New Studies and new Perspectives (New York: Franciscan Institute Publications,2006).
[13] Xem Michael CUSATO, Of Snakes and Angels: The Mystical Experience behind the Stigmatization Narrative, trong Sđd tại chú thích 38, tr 29-74.
[14] Xem Bài học số 5 Inter-Religious Dialogue - Franciscan Insights, trong khóa bồi dưỡng về Thần Học Phan sinh, được tổ chức tại Học Viện Phanxicô Thủ Đức, kèm với bản dịch tiếng Việt của Anh Paul Nguyễn Đình Vịnh: Bài 5: Đối Thoại Liên Tôn - Những Nội-Trực-Giác Phan Sinh (quy chiếu về tài liệu này theo ký hiệu: Rout 2).


Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi (OFM)

Nguồn: Ban MVĐTLT