Tôn giáo trong thơ Hàn Mạc Tử

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3431 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Phượng Hoàng bay trong một tối trăng sao

Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa…

(Hàn Mạc Tử, Đêm Xuân cầu nguyện)

 

I. TÊN PHƯỢNG HOÀNG


Cái tên đẹp của Hàn Mạc Tử có gốc từ Kinh thánh. Phượng Hoàng, con chim thần có tầm phóng trổi vượt các loài chim, hình ảnh biểu tượng của Thánh sử Gioan Tông đồ, “người môn đệ được Chúa yêu”, vị thánh được Giáo hội Công giáo xem là bay cao nhất khi người viết Phúc âm thứ tư và sách Khải huyền trong bộ Kinh thánh Tân ước.

 

Mở đầu Tin mừng thứ tư, Thánh sử đã khai bút bằng thi khúc trang trọng, vượt mọi tầng không chạm đến cung lòng Thiên Chúa “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” [1]. Tín đều đó là bản tuyên ngôn về “lời” hoàn tất công cuộc cứu thế, cứu chuộc nhân loại… Phượng Hoàng – Thánh Gioan đã khám phá những bí nhiệm nơi Thiên Chúa, từ Thiên Chúa, trong lúc các Thánh sử khác phải bắt đầu con người nhập thể của Lời trong thế gian… Không gian vô tận và nguồn suối Thánh kinh, nguồn mặc khải bắt đầu từ đó, ta có thể hiểu rằng, trang Thánh kinh đã làm cho nhà thơ bao lần say sưa…


Bởi ao ước tuôn tràn vô pho sách

Bởi Thánh kinh no chán nghĩa sâu xa.

(Hàn Mạc Tử, Say thơ)

 

II. TÔN GIÁO VÀ THIÊN NHIÊN


Thơ tôn giáo của Hàn Mạc Tử - không ai phủ nhận thi nhân đã mở rộng biên giới thơ nhờ sáng tạo độc đáo, và nhất là đời sống tôn giáo mà Hàn Mạc Tử đã lặng chìm vào đó trong những ngày cầu nguyện như một vị tu sĩ, đặc biệt là những năm cuối đời, tạo vật chung quanh mình… Chúa luôn luôn có trong những bài thơ hay của thi sĩ:


Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu.

(Hàn Mạc Tử, Đà Lạt trăng mờ)

 

Lặng chìm vào sao, sương, trong một đêm êm ả, sông Ngân lặng lờ, thinh không bàng bạc, gió hôn tơ liễu, thời gian đắm đuối không bút tả ấy “để xem trời giải nghĩa yêu”. Trời: theo quan niệm Kitô giáo, mà lại là người Á Đông thì đó là Ông Trời, là Chúa Trời, chính là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài và vũ trụ. Vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” [2] nên Ngài đã trải rộng tình yêu Ngài trên muôn tạo vật… Thi sĩ thì thào bên tai ta “chớ nói nhiều”, để lặng nghe… Phải chăng giây phút thiêng liêng “ đã khởi đầu”, khởi đầu cho sự đắm chìm miên man trong tình yêu kỳ công của Đấng Tạo Hóa.


Cả trời say nhuộm một màu trăng

Và cả lòng tôi chẳng nói rằng

Không một tiếng gì nghe đụng chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.

(Hàn Mạc Tử, Đà Lạt trăng mờ)

 

Thiên nhiên là cả vũ trụ tạo thành, cả vận hành tinh tú không ngừng bên ta. Linh thiêng làm sao, mỹ miều làm sao một đêm diễm ảo! Trời-Trăng ở đây trở nên một thực thể, một hợp chất tinh khiết, lung linh, thi nhân ngập lặn và lặng chìm vào đó. Tịnh. Lắng đọng vào không gian, thiên nhiên tươi đẹp phủ lấy ta, như nhắc nhở con người rằng: cuộc sống này tuyệt vời và đáng yêu biết bao!

 

Có rất nhiều đoản thi sáng đẹp cao sang của Hàn Mạc Tử đượm tinh thần Kitô giáo. Vũ trụ, chẳng những giữ được vẻ trinh nguyên của trời đất, mà còn khoác lên vẻ huyền bí thiêng liêng, mà cho đến mãi mãi con người cũng chưa thể khám phá hết được! Thế nhưng Hàn Mạc Tử đã cảm nghiệm được hạnh phúc vì vai trò “đế vương” của người Kitô hữu, con người là vua vũ trụ, nên thi nhân đã tận hưởng hết mình khi đắm chìm vào vũ trụ thiên nhiên, vốn là gia sản Thiên Chúa đã trao tặng con người.

 

Trăng, sao, hoa, hương, mây gió, cây cỏ, ngập tràn lai láng trong các vần thơ của Hàn Mạc Tử, nào có phải vì bệnh hoạn, tâm thần hay ám ảnh gì đâu; Trong “Đau thương” thi nhân lại còn nâng lên một bậc nữa, đó chính là hơi thở, là linh hồn, là sự sống thiên linh dẫn dắt người thơ trong hành trình dương thế. Thiên nhiên thơ và thi sĩ như là đôi bạn hiểu nhau hòa nhập thẩm thấu vào nhau trong hơi thở.


Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm

Chúng tôi nói chuyện bằng hơi thở

Dần dần hoa cỏ biến ra thơ.

 

Hay:


Cỏ trăng nước đều lặng nhìn nhau…

Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực

Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức,

Rồi bay lên cho tới một hành tinh.

(Hàn Mạc Tử, Hồn là ai?)

 

Trăng đối với Hàn Mạc Tử là đôi bạn thân từ hồi trẻ. Bãi trăng Sa Kỳ “trăng dày đặc, cử động hay di chuyển như kéo cả trăng theo”. Bài Chơi giữa mùa trăng đẹp quá, tuyệt vời quá, tinh tuyền quá! Tôi chẳng phải biết trích ở đoạn nào, câu nào… Có lẽ ta nên đứng xa xa, lặng thinh dõi theo chiếc thuyền trăng đang nhẹ lướt, trong thuyền đang có hai người trăng. Hai chị em Như Lễ, Nguyễn Trọng Trí, đã bơi lạc vào sông trăng rồi! Hãy để hai chị em hưởng những phút thần tiên của thế giới trăng sao giữa trời đêm ngọc ngà ấy! “A ha, Chị Lễ ơi, chị là trăng và em đây cũng là trăng nữa”. Rồi Hàn Mạc Tử khát khao “em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi…”


Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm

Xin ban ơn bằng cách ánh thêm lên…

(Hàn Mạc Tử, Vầng trăng)

 

Lời thơ cầu nguyện bộc phát từ con tim ngây thơ trong sáng của anh, tự nhiên như làn hơi, như nhịp rung đập từ lồng ngực anh. Nơi khác, anh tha thiết:


Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió

Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao…

(tựa Xuân như ý)

 

III. NGUỒN THƠ


3.1 Nguyễn Trọng Trí xác tín “Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm phép tắc của Đấng chí tôn…”. Bởi thế “loài thi sĩ” được ra đời, là “bông hoa quý hiếm, phải làm tròn nhiệm vụ, là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu lưu danh muôn đời” [3]. Luôn luôn, Hàn Mạc Tử muốn vươn cao lên, ước mơ xa hơn, toàn bích hơn trong sáng tạo để trút vào người khác nguồn khoái cảm thơm tho tinh sạch. Khát vọng ấy nung nấu anh, bỏng cháy nguồn thơ anh vì “người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn năng, một Đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự - Đấng ấy là Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm thương đau với Người, dâng cho người những bài thơ sáng láng anh hoa, thế mới mãn nguyện” [4].

 

3.2. Từ mùa Xuân đầu tiên đó là vẻ đẹp diệu huyền thơ mộng Hàn Mạc Tử rất hay tưởng đến:


Khi càn khôn mới dựng nên,

Gió căng hơi và nhạc lên trời,

Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm,

Òn mặt trời kia tựa khối vàng…

 

Cái thời xa như huyền thoại, giữa vườn diệu quang tinh khôi thơ mộng ấy, chiều chiều gió hiu hiu thổi. Thượng Đế vẫn thường bách bộ đến trò chuyện với con người… Nhưng rồi mây mù bóng tối đã chụp xuống, trái cây “bằng ngọc” kia đã trở thành “trái cấm”, con người phá vỡ tình yêu Đất-Trời trinh nguyên vì “hương cám dỗ mê người trong khoái lạc”… Từ đó, cánh cửa địa đàng khép lại, dấu chân con người phải lang thang tìm kiếm trong nuối tiếc vô biên! Thi phẩm Ra đời được viết trong khát vọng tìm về miền địa đàng tuyệt vời mùa Xuân nguyên thủy ấy, hoàn hảo và chan chứa niềm vui thánh thiện. Từ trong “thiên địa đắm hoang mang” niềm hy vọng đã bừng lên rộn rã mãnh liệt, vì từ thiên đàng bay những tiếng tung hô thánh đức.


… Ánh hào quang chan chói lưu ly

Ôi Thánh, Thánh, Thánh!

 

Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc

… Rất phương phi trên hết cả anh hoa.

(Ra đời)

 

Bài Ra đời kết tinh câu chuyện lịch sử Kinh thánh từ Cựu đến Tân ước… Trái táo Eva đã đi vào văn hóa thế giới bất phân tôn giáo. Trái táo hồng tươi mọng chín là hương cám dỗ, là sự quyến rũ và đồng thời cũng là sự gãy đổ do khoái lạc gây nên; nhưng chính nó cũng là căn nguyên của tình yêu cứu chuộc, tình yêu tái tạo. Vì thế, nghệ thuật trưng bày đêm Giáng sinh, người ta không ngần ngại đặt Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, trong hình hài một thơ nhi mới sinh nằm đơn sơ trên trái táo, hoặc những hình thức nghệ thuật tương tự…


Chàng ơi! Chàng ơi, sự lạ đêm qua!

Mùa Xuân tới mà không ai biết cả…

Hẳn là thi nhân đã được xuất thần trong nhiều lần cầu nguyện!

Ta chắp hai tay, lạy quỳ hoan hảo

Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian

(Đêm Xuân cầu nguyện)


vì,


Phượng Hoàng bay trong một tối trăng sao

Đương cầu xin, ọc thơ ra dường sữa

Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau…

(Đêm Xuân cầu nguyện)

 

Sự lạ đã chiêm ngắm, đã tận hưởng, vì Phượng Hoàng đã đáp xuống một miền xa lạ, diễm ảo, ngất ngây. Mùa Xuân đã vây bọc lấy chàng, vỗ về yêu thương chàng mà chẳng ai hay biết! Phải chăng mùa Xuân vĩnh cửu đã hé mở cho chàng cánh cửa nghìn thu, Mùa Xuân đợi chàng neo bến… nhưng mùa Đông se thắt bệnh hoạn, xác thân mỏi mòn vẫn đang giam giữ chàng một ít thời gian nữa!

 

Với tư cách là một nhà thơ tôn giáo, với tất cả tinh thần của chữ ấy, nghệ thuật trong thơ được Hàn Mạc Tử nâng lên đến tuyệt đỉnh. Thi nhân mách bảo với Bích Khê: “Sáng tạo là điều cần thiết tối thiểu của thơ, mà muốn tìm cảm xúc mới lạ, không chi bằng đọc sách về tôn giáo cho nhiều, như thế thơ văn mới trở nên trọng vọng, cao quý, có một ý nghĩa thần bí” [5].

 

Trong bài tựa Xuân như ý thi nhân viết: “Lạy Chúa Trời ôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả. Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chang vô vàn phước lộc…” [6].


Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu

Cho đê mê âm nhạc và thanh hương

 

để:


Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ

Sẽ ngất ngây bởi chưng thơ đầy ứ…

(Hàn Mạc Tử, Ave Maria)

 

1. Thơ thiên nhiên - nghệ thuật tôn giáo cách chung


Những văn thơ có màu sắc tôn giáo đậm nét đa phần đều hội tụ trong hai tập thơ “Xuân như ý” và “Thượng thanh khí”, nhiều bài đọc lên không hiểu hết được, chẳng những thế ta lại thấy mông lung phiêu dạt vào một không gian xa lạ đâu đâu ngoài thời gian… “Thuở sinh thời Hàn Mạc Tử, đã có người không hiểu thơ và mượn chính tác giả cắt nghĩa. Hàn Mạc Tử trả lời: “giải nghĩa văn thơ thực là vấn đề to lớn phức tạp quá, và cứ như lời thơ tôi làm đó thì phải giải nghĩa bao nhiêu trang giấy!... “Thấy một cành hoa mà mường tượng ra mùi hương, thất một làn tinh trắng mà hình dung được cái gì thanh sạch ở thế giới khác là đủ rồi. Vì tất cả thi vị là ở đấy… Người ta cảm biết một cách tự nhiên” [7].

 

Thật ra, quan niệm của Hàn Mạc Tử không tuyệt đối. Đành rằng thơ được thưởng thức cách tự nhiên, nhưng nếu thơ sử dụng nhiều điển tích, hay thơ thuộc lãnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thì việc giải thích thơ là điều cần thiết để có thể cảm nhận sâu sắc thâm thúy tứ thơ và những rung cảm nghệ thuật thơ đem lại.

 

Thi nhân có hướng đi rõ rệt cho thơ là tìm nguồn thơ nơi Thánh Kinh, và cả trong lời kinh cầu nguyện:


Trăng tờ mờ một trời thơ sớm nở,

Bao Hoa Hồng mầu nhiệm Nữ Vương xưa

Ôi đây là Đền cao ngự nhà vua

Dòng Đa-vít thuở xưa trời sáng cả…

Hãy quỳ lạy nhìn xem cho sướng đã

Quê hương thơ đằm thắm biết chừng nào…

Quyến rũ biết bao kinh cầu nguyện

Và kết tinh thành hào quang kim tuyến

(Hàn Mạc Tử)

 

Những dòng thơ hầu như đã in vào tâm trí, kinh cầu Đức Bà mà người tín hữu Công giáo vẫn đọc sớm hôm trong gia đình: “Đức Bà như Hoa hường mầu nhiệm vậy. Đức Bà như lầu đài Đavít vậy. Đức Bà như đền vàng vậy. Đức Bà như tháp ngà báu vậy. Đức bà là cửa Thiên đàng”… Cũng theo thi nhân “Đấy là vườn nên hoa lá xôn xao, gió đổi mới và thêm hương cho ánh sáng”… [8] lại một vườn Eden mùa rộng rãi trái trăng phong nhiêu và thơm ngon. Trong kinh kệ Phật giáo nữa. Phượng Hoàng – Hàn Mạc Tử vỗ cánh bay lên, bay từ phương trời này tới phương trời khác như cõi bao la ngập hương. “Bay từ Đao Ly đến trời Đâu Suất” (Hai cõi trời hạnh phúc của Phật giáo). Hàn Mạc Tử là người cởi mở, hòa đồng, hội nhập… Mở đầu bài “Huyền ảo” anh viết lời thơ trong sáng khi anh có dịp gặp gỡ một nữ chân tu trong thơm và rộng lớn [9]:


Mới lớn lên trăng đã thẹn thò

Thơm như tình ái của ni cô…

 

Hay:


Cho tôi hoa Đền Ngự

Cho tôi lòng ni cô.

(Cao hứng)

 

Sự đơn sơ trong suốt của tâm hồn làm cho anh nhạy bén đọc được ngôn ngữ vạn vật, trăng sao và đồng loại. Được hỏi, thì thi sĩ trả lời: “Tôi lợi dụng văn chương và triết lý nhà Phật để mà làm thơ thôi, tôi dung hòa cả hai thể văn chương tôn giáo Thiên Chúa và nhà Phật. Đó chỉ là muốn làm giàu cho nền văn chương chung” [10]. Thi nhân nghe ngóng từng đụng chạm nhỏ, từng sự run rẩy của lá hoa, từng vi tế giao thoa của hai làn ánh sáng:


Hãy quỳ nán lại tiếng sao rơi

Khua ánh trăng xanh động khí trời

Gió thổi hay là hoa thở nhỉ

Ô hay người ngọc biến ra hơi

(Mơ hoa)

 

Sầu lắng qua:


… Những nét buồn tơ liễu rũ

Những lời năn nỉ của hư vô

(Hàn Mạc Tử, Huyền ảo)

 

Hòa nhập vào:


Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ

Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu

Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu

Não nề lòng viễn khách giữa cơn mơ

(Hàn Mạc Tử, Hãy nhập hồn em)

 

Cứ như thế, những dòng thơ tràn ngập cả vũ trụ, biến vào vũ trụ, là tiếng nói của vũ trụ… Hàn Mạc Tử đặt thiên nhiên vào thế giới nội tâm của thi nhân, và cả hai vũ trụ đó có một sự tương quan hòa điệu nhịp nhàng:


Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió loãng