Trái tim người mục tử - Nữ tu Mai Thành

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1873 | Cật nhập lần cuối: 8/21/2016 10:54:41 PM | RSS

Nhập đề

Với phong độ của một con người hiền hòa, đơn sơ, bình dị, vị Chủ chăn mà chúng ta cùng nhau kính niệm hôm nay, mang trong tim ngài một nguồn lực YÊU THƯƠNG bát ngát, vừa nồng nhiệt, vừa sáng suốt và đầy tế nhị.

Có thể nói Trái Tim Ngài được nuôi dưỡng bằng một Dòng máu Chủ, rực hồng, chảy qua hai động mạch lớn. Hai động mạch này không chuyển động song song mà lại đồng quy, đồng nhịp, hòa quyện lẫn nhau. Đó là Động mạch Tình Yêu Giáo hội Nhiệm Thể của Đức Kitô và động mạch thiết tha gắn bó với quê hương trần thế. Tuy hai mà một, tuy một mà hai.

Vì giới hạn thời gian, với chương trình có nội dung đa dạng phong phú do nhiều diễn giả chia sẻ hôm nay, bài này chỉ xin gợi lên vài tia sáng cực mạnh xuất phát từ trái tim vị Mục tử khả kính trong giai đoạn Đổi đời của Miền Nam Việt Nam, sau biến cố lịch sử: VN thống nhất từ 30.4.1975.

Điểm sáng thứ nhất: Mục Tử của chúng ta có một trái tim thiết tha gắn bó với vận mệnh của quê hương

Giữa những ngày sôi động đầy hoang mang lo lắng, đại đa số dân miềnNamtrong đó có người công giáo, không khỏi băn khoăn lo sợ cho tương lai: Nên ở hay ra đi? Ngồi yên chịu đựng cho đến bao giờ? Trước tình hình bất an đó, vị Chủ Chăn Phaolô Nguyễn Văn Bình dũng cảm gởi một bức thư cho linh mục, tu sĩ, giáo dân, ngày 12/6/1975:

“Nhiệm vụ chúng ta lúc này là ở giữa đồng bào, xây dựng quê hương đổ nát về tinh thần cũng như vật chất sau mấy chục năm chiến tranh tàn phá. Chúng ta sẽ sống như những chứng nhân, loan báo một trời mới đất mới.Chúng ta đón nhận cuộc giải phóng như một hồng ân”.

Để cùng nhau nhận định những tình thế hầu tìm những giải pháp thỏa đáng, theo ánh sáng Tin Mừng, qua những buổi họp thường xuyên hàng tháng của nhóm Liên tu sĩ nam nữ ở Tu viện Phanxicô Đakao, Đức Tổng luôn có mặt để góp nhặt thông tin, hướng dẫn, khuyến khích, động viên và mạnh mẽ vạch nên một định hướng tích cực:

“Bây giờ hơn bao giờ hết, người công giáo, giáo dân, linh mục cũng như tu sĩ, phải nhìn về phía trước, kết hợp mọi cố gắng của mình với dân tộc để xây dựngmột Việt Nam giàu mạnh, đầy Tình thương”.

Trong bài phát biểu nhân ngày Lễ Quốc khánh đầu tiên sau ngày giải phóng, Ngài nhấn mạnh “Người công giáo gặp Chúa trong lòng dân tộc. Đức tin không góp phần xây dựng trần thế là một đức tin chết”.

Lời này đã được đón nhận như một châm ngôn được ghi lòng tạc dạtrong số đông người công giáo của Giáo phận.

Điểm sáng thứ hai: Trái tim gắn bó với người nghèo

Để đáp lời kêu gọi của Chính quyến là nên xa rời đô thị đông dân để đi khai hoang, đến các vùng khô cằn hẻo lánh, lao động sản xuất để “xóa đói giảm nghèo”, Đức Tổng đã lập 2 ban mục vụ làm việc ngay trong phòng ăn của ngài: Mục vụ “Kinh tế mới” và “Mục vụ Lao động sản xuất”, kêu gọi sự tham gia của mọi đồng bào công giáo.

Kết quả: có không ít giáo dân cũng như tu sĩ, tích cực “đổi đời”, dấn thân hòa nhập vào xã hội mới. Chỉ xin gợi lại nơi đây vài ví dụ tiêu biểu nhất trong nhiều gương mặt khác đã “tìm gặp Chúa trong lòng dân tộc”, đó là:

  • 3 nữ tu Tiểu muội theo tinh thần Charles de Foucault tình nguyện ra đi 3 vùng kinh tế mới.
  • Nữ tu dòng kín Cát Minh Sài Gòn -đường Tôn Đức Thắng- đã phá vườn hoa của Tu viện để trồng rau, bí, bầu và mỗi sáng một chị nữ tu đạp xe đạp ra khỏi nội vi đi cung cấp rau tươi cho Hợp tác xã phường. Vì số rau có giới hạn nên người mua chen chúc nhau để giành mua cho được rau xanh Nhà Kín.
  • Còn nhà Kính Bình Triệu? Một chị nữ tu khỏe mạnh và lanh lợi (chị Thu Hương), được cử là đại diện cộng đoàn, làm công nhân xí nghiệp đan len và mây tre lá phường Bình Triệu. Với tinh thần phục vụ hăng say và đầy sáng kiến, chị được tập thể tín nhiệm, giao công tác Tổ trưởng Mây tre lá rồi Phó ban điều hành xí nghiệp, kiêm Trưởng phân xưởng và Trưởng công đoàn!
  • Một nữ tu (Ánh Tuyết) dòng Phanxicô Thừa sai Đức Mẹ được giao chức Tổng phụ trách các trường Mẫu giáo toàn quận Phú Nhuận. Để đóng góp những dụng cụ thô sơ giúp các lớp cháu nghèo dễ tiếp thu bài học, chị kêu gọi người công giáo cũng như không công giáo cho các giẻ vụn, lon bia, bao thuốc lá, bình nước nhựa…rồi chị đi xe đạp lếch kếch thu lượm mọi thứ vụn vặt ấy đem về cho các lớp mẫu giáo nghèo từ sáng sớm, khiến nhiều người trong quận rất thương cảm, tưởng chị là nữ tu ngày ngày chuyên bán ve chai. Riêng chị rất tự hào làm công nhân miễn phí cho các lớp Mẫu giáo quận nhà.

Một bước đột phá trong giới nữ tu nữa là: vào đầu năm 1979, một cơn lũ lớn gây nhiều tai hại cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước lời kêu gọi của chính quyền và sự vận động của vị Chủ chăn giáo phận TP.HCM, một nhóm nữ tu Liên dòng đã mạnh dạn “phá rào” bước lên sân khấu Nhà hát lớn TP. Đây là lần đầu tiên trong đời tu, các chị đã “bạo phổi” biến thành những “diễn viên đột xuất”, trình bày những vũ khúc, hợp ca, hoạt cảnh, kể cả những trò ảo thuật “mê hồn” như những con chim bồ câu bay ra từ một chiếc ví lép xẹp… Các “tài tử nghiệp dư” này đã được những tràng pháo tay hoan hô vang lên từ một kháng trường chật ních mà trên hàng ghế danh dự là Đức Tổng Giám mục ngồi bên cạnh Bí thư Thành Ủy Võ Văn Kiệt và các cán bộ cao cấp của TP.

Kết thúc buổi Văn nghệ, bản hợp ca sau đây nói lên mối dây kết chặt tình Chúa tình người, làm nên:

Mùa Xuân Dân Tộc

Người nữ tu hôm nay vui với Xuân dân tộc

Lửa Tin Yêu mạnh mẽ bốc lên cao,

Đây quê hương, Tình Chúa, nghĩa đồng bào,

Niềm hy vọng dạt dào dâng sức sống.

Đã cống hiến đời mình cho Tình lớn,

Quyết tâm vì mọi người ta phấn đấu không ngơi.

Từ nông trường, nhà máy, khắp nơi nơi,

Chung khối óc, bàn tay xây đời mới,

Cho người người hạnh phúc sống bên nhau,

Cho non sông xuân về thêm sáng chói,

Cho Tình người thêm thắm thiết bền lâu.

Bài hát trên đã làm ấm lòng vị Chủ chăn, giữa bầu khí chan hòa tình nghĩa của những trái tim đồng cảm với đồng bào, với dân tộc, những trái tim đã thấm nhuần lời của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của Công đồng Vatican II: “Vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là người nghéo và đau khổ là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của môn đệ Đức Kitô và không gì thực sự là con người mà lại không gieo âm hưởng trong họ.”

Trong tinh thần chia sẻ thân phận của người gặp khó, vị chủ chăn của chúng ta, không chỉ dạy bảo bằng lời huấn đức mà tạo điều kiện cụ thể để các linh mục có cơ hội thông cảm với người nghèo, tôn trọng giá trị của lao động tay chân.

Để hiệp thông với đồng bào chân lấm tay bùn, Đức Tổng Bình đã có sáng kiến tổ chức một cuộc tĩnh tâm linh mục tại nông trường Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Những ngày vất vả lao nhọc nhưng mang đầy ý nghĩa.

Trong buổi họp kết thúc 5 ngày cày sâu cuốc bẩm đó, Đức tổng đã phát biểu:

“Trước kia chúng ta cấm phòng trong nhà cửa khang trang, xa cách dân nghèo, chúng ta không thiếu gì. Cấm phòng nơi đây, chúng ta nhìn xung quanh, nào cày bừa, cuốc đất, gánh phân, dưới trời nắng chang chang hay trời mưa ẩm ướt, 8 tiếng một ngày, linh mọc nếm một chút nhọc mệt để ý thức phần nào công việc đồng áng, để đồng lao cộng khổ với dân nghèo, hiểu được giá trị của đồng tiền xin lễ, tiền dâng cúng nhà thờ hoặc cha sở. Còn chúng ta, chúng ta sử dụng đồng tiền như thế nào?

Nhờ lao động, chúng ta chia sẻ tình trạng thiếu thốn của đất nước, chấp nhận khó nghèo, không xây cất nhà thờ đồ sộ khi chưa cần đến, đừng tổ chức lễ lạc quá hao tốn.

“Tại nông trường chúng ta chia sẻ miếng cơm, bát nước, chỗ ở chật chội, chiếc chiếu tập thể, ăn uống không nhiều mà vui, cùng làm cùng hát, cùng chia sẻ Lời Chúa trong khung cảnh chật hẹp, vây quanh chủ tế, cùng nhau hiệp nhất trong Thánh Thể…Còn gì quý giá bằng!

“Thấy linh mục xông xáo lội bùn, bốc đất hăng hái không thua ai, chẳng chút gò ép miễn cưỡng nhưng vui vẻ đơn sơ, tôi mừng lắm!”

Trên đây chỉ là một vài cố gắng “nhập cuộc” trong bao nhiêu cuộc đổi đời và dấn thân đa dạng khác, được vị Lãnh đạo giáo phận hướng dẫn thực hiện. Còn về phía lãnh đạo chính quyền, họ có những cảm nghĩ gì trước những nỗ lực của người công giáo?

Chúng ta hãy lắng nghe Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu để mừng Lễ Giáng sinh với người công giáo năm 2005 cũng là kỷ niệm 30 năm đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất:

“Ngày Quốc khánh 30 năm trước, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã viết trong thư gửi cho linh mục, tu sĩ, giáo dân; “Là người công giáo, chúng ta gặp Chúa trong cuộc sống của dân tộc. Và đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết.”

“Nhớ lại những ngày ấy, thật nhiều hình ảnh đẹp: trên những công trường lao động xây dựng vùng kinh tế mới, làm thủy lợi, tăng gia sản xuất, dân TP trong đó có các vị chức sắc, tu sĩ nam nữ công giáo cùng chia sẻ miếng ăn, viên thuốc và nhiệm vụ lao động. Giới công giáo còn yêu cầu Thành Ủy tạo điều kiện để xây dựng nông trường Củ Chi và tham gia lao động tại nông trường Lê Minh Xuân. Chính nơi đây các linh mục tu sĩ và có cả cố Tổng Giám mục đến tăng gia sản xuất, chia sẻ cuộc sống với nhau, với dân nghèo xung quanh.

Những ngày chiến tranh biên giới, đồng bào công giáo cũng tình nguyện tòng quân hoặc tham gia phục vụ biên giới. Tuyến phòng thủ ở Hóc Môn, Quang Trung là những công trình thể hiện tấm lòng của đông đảo giáo dân, tu sĩ và linh mục.

Dịp Giáng sinh này, đọc lại bức thư của cố Giám Mục, tôi có điều kiện suy gẫm đầy đủ về ý thức dân tộc làm nên tầm vóc của Bậc Chân tu yêu nước ấy. Về phần mình, có dịp gặp gỡ và kết bạn với Cụ, tôi nhận ở Cụ được nhiều tâm tình. Giữa biết bao mặc cảm và ngộ nhận, Cụ đã chia sẻ với một người cộng sản không phải để chiều thời mà để xây dựng trần thế.

Thực sự 30 năm qua, người công giáo, linh mục, tu sĩ đã hòa mình bằng thi hành trách nhiệm người công dân nghiêm túc và chân thành. Đó là một cuộc hòa mình không phải không có khó khăn. Tôi có cảm tưởng Giáo hội Công giáo chưa đánh giá đúng mức công lao của cụ Tổng Giám mục.”

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định rất chính xác: ĐứcTổng Giám mục Bình dấn thân cho đất nước không phải để “chiều thời” mà để “xây dựng trần thế”. Mặc dầu có lúc bị nghi kỵ hay chống đối vì hiểu lầm thái độ hòa nhập vào xã hội XHCN, vị Chủ chăn của giáo phận không hề nản chí, thối lui hay giận hờn trách móc mà vẫn kiên trì kêu gọi đàn chiên “Gặp Chúa trong lòng dân tộc”. Những nỗ lực lớn lao đó quả là tiền đề của bức thư lịch sử của HĐ GMVN phát hành năm 1980 với châm ngôn Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. Quê hương này là nơi chúng ta được mời gọi để sống làm con Người. Đất nước này là lòng mẹ đã cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa.

Điểm sáng thứ ba: Một trái tim “đại kết” hiệp thông với các tôn giáo bạn

Tia sáng này xuất phát từ trái tim Đức Tổng Phaolô Bình đã được mô tả trong bài "Một tâm hồn lớn" của nhà báo Chu Trọng Nguyên đăng trong Tập san “Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình”, Công giáo và Dân tộc 1995, tr 116-117.

Xin trích dẫn và tóm lược: Giữa năm 1988, nhà báo đến thăm Đức Tổng Giám mục, trong lúc ngài đang trò chuyện thân mật với một nhà sư trẻ, thư ký của Hòa thượng Thích Trí Thủ, vừa chăm chú lắng nghe vừa đặt cả hai tay lên đầu gối Đức Cha.

Thấy rõ mối tương quan cởi mở thân tình giữa nhà sư Phật giáo và vị Giám mục công giáo, tác giả Chu Trọng Nguyên thường đến trao đổi với ngài về các tôn giáo bạn. Theo Đức Tổng Giám mục, Thiên Chúa toàn trí toàn năng mà cũng toàn ái không bao giờ lại hạn chế sự hiện hữu vĩ đại của ngài chỉ trong một tôn giáo chủ đạo là Kitô giáo…Ở đâu có tình yêu, ở đấy có Thiên Chúa, mà Tình yêu thì được thể hiện muôn hình muôn vẻ, ở muôn thời và muôn nơi, trong câu kinh Bát Nhã cũng như trong người nữ tu nghiêng cả cuộc đời mình trên nỗi đau của một bệnh nhân phong cùi”.

Tinh thần hòa hợp liên tôn trong tâm người mục tử đã được đào sâu nhờ ánh sáng của Công đồng Vatican II.

Năm 1973, Hồng y Paul Marella, chủ tịch Ban Liên tôn của Tòa Thánh đã gửi cho Đức Tổng Bình cuốn “Chỉ nam đối thoại” với những lời sau: “Chúng tôi không chỉ viết cho Phật tử mà nhắm các Kitô hữu, mong họ thoát khỏi thế cô lập mà họ sống từ lâu để gặp gỡ anh em khác tín ngưỡng nhưng cũng là con cái Thiên Chúa và cũng là anh em với nhau”.

Đức Tổng vui mừng và nhanh nhẹn phổ biến sách thủ bản này với lời dặn dò: “Trong các cuộc hội họp, giáo sĩ và giáo dân phải cùng nhau nghiên cứu tập Chỉ Nam này. Phải tập sự và tập sự lâu dài để cuộc đối thoại với anh em Phật giáo thực sự đem lại kết quả tốt cho xứ sở. Phải bắt tay vào việc ngay.

Đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, tình yêu của chúng ta đối với quê hương đòi chúng ta cố gắng.

Xin Chúa Thánh Thần giúp sức.”

Tổng GM Phaolô Nguyễn Văn Bình, ngày 05-04-1973

Trái Tim Hiệp thông nhạy bén, vị Lãnh đạo chính phủ Cộng sản Võ Văn Kiệt rất cảm phục và kính cẩn gọi ngài là một bậc “Chân tu yêu nước” . Ngài đã ghi dấu ấn trong lòng Giáo Hội ViệtNam cũng như trong ký ức các vị lãnh đạo chính quyền.

Tại TP và Trung tâm Giáo phận, đã có những lớp Thần học Liên tu sĩ Nguyễn Văn Bình, khóa hè cũng như khóa chính quy, đặc biệt nhất là ở trung tâm TP chúng ta, quận I, có con đường mang tên Nguyễn Văn Bình bên cạnh Nhà thờ chính tòa, nối liền Công xã Paris đế đường Hai Bà Trưng.

Còn đông đảo chúng ta hiện diện nơi đây phần đông là thành viên của Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình từ 2005, hoạt động năng nổ không ngơi nghỉ.

Con xin kết thúc với một ước mơ:

Ước gì trong năm thánh của Giáo Hội Việt Nam cũng là năm lịch sử đánh dấu một thế kỷ tròn vị Chủ chăn sáng giá được sinh ra trong lòng đất mẹ Việt Nam, con xin mạo muội ước mơ là CLB Nguyễn Văn Bình cùng với tấm lòng nhiệt tình ủng hộ của Hồng y kế vị Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình sẽ cùng nhau hợp lực phác thảo dự án mở một trường Trung học Nguyễn Văn Bình dành ưu tiên cho học sinh nghèo. Dự án này nếu được nhiều người trong chúng ta góp phần nghiên cứu và phác họa, với sự cầu bầu và hỗ trợ, đồng hành đắc lực của vị Cố mục tử của chúng ta trên Thiên quốc, lẽ nào chính quyền lại không quan tâm đáp trả.

Ngài sẽ sẵn sàng cùng chúng ta lội bùn, bốc đất xây dựng một mái trường mới nhưng với niềm hào hứng và hân hoan vượt hẳn những ngày nào cha con lao động ở Nông trường Phạm Văn Cội.

Dưới mái trường này, vị mục tử không nhằm trồng cây mà trồng người, những con người không chỉ có tri thức mà có nhân phẩm tốt, đao đức cao, là hạt giống tốt cho cánh đồng màu mỡ của quê hương Việt Nam yêu dấu.

Xin cảm ơn sự lắng nghe và thông cảm của tất cả quý vị.

Nữ tu Mai Thành