Nhân ái Việt Nam

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2406 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Nhân ái Việt NamNói đến lòng nhân ái - lòng thương người, điều khiến mọi người liên tưởng trước tiên chắc chắn là phạm trù chữ NHÂN. Về phương diện học thuật, chữ NHÂN có một bề dày lịch sử cổ kính và một nội hàm tư tưởng rất phong nhiêu. Bài viết này chỉ đề cập đến một bình diện của chữ NHÂN là lòng NHÂN ÁI, và chủ thể được nhắc tới đó là người Việt Nam.

n lòng

Theo dòng lịch sử, cùng với sự du nhập của Nho học, các phạm trù lễ giáo Trung Hoa đã dần dần đi vào nước ta: ban đầu là bị áp đặt, nhưng sau đó thì ta chủ động tiếp nhận vì nhu cầu xây dựng đất nước. Nét độc đáo trong giao lưu văn hoá Việt với các dòng văn hoá ngoại lai là ta luôn tiếp nhận một cách có chọn lọc, rồi sau đó cấu trúc lại theo cách của ta. Chữ NHÂN của Nho giáo Trung Hoa cũng đi vào văn hoá Việt Nam theo lộ trình như thế.


Trong “Ngũ Thường” của Trung Hoa (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) thì “người Việt Nam tâm đắc hơn cả với chữ NHÂN và chữ NGHĨA. Nếu Nho giáo Trung Quốc nhấn mạnh chữ Trung, Nho giáo Hàn Quốc nhấn mạnh chữ Thuận thì Nho giáo Việt Nam nhân mạnh chữ Nghĩa” [1].


Thuật ngữ đạo đức này xuất hiện rất nhiều trong tục ngữ ca dao:


Đường dài ngựa chạy biệt tăm,

Người dưng có nghĩa, trăm năm cũng chờ.

hay:

Tình thương quán cũng như nhà,

Lều tranh có nghĩa hơn toà ngói cao.


Con cái thì phải biết ơn “công cha nghĩa mẹ”, nếu “ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”…


Và cha mẹ đối với con cái cũng chờ đợi lòng nghĩa hiếu:


Trai mà chi, gái mà chi,

Sinh ra có nghĩa có nghì thì hơn.


Chữ nhân và chữ nghĩa cũng gắn kết với nhau thành “nhân nghĩa”. Mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi nói “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, còn Nguyễn Đình Chiểu đã đặt lên miệng nhân vật Ngư Ông một lời nhân nghĩa tinh khôi như vàng ròng: “Ngư rằng tôi chẳng trông ơn, cho tròn nhân nghĩa thời hơn bạc vàng” (Truyện Lục Vân Tiên). Nguyễn Công Trứ thì xem nhân nghĩa như là “tước trời ban” (“Nhân nghĩa, nhân chi thiên tước”): “Nhân nghĩa tước trời thì phải giữ, lợi danh đường nhục cũng nên khinh”…


Chữ
nghĩa như thế là đã diễn tả lòng nhân! Người nào thực thi được cái nghĩa ấy là người sống có tình nghĩa! Vì vậy, “ở Việt Nam, chữ nhân và chữ nghĩa còn đi đôi với chữ tình: nhân tình, tình nghĩa. Ở Trung Hoa, Nhật Bản thêm chữ dũng, còn Việt Nam thì thêm chữ tình” [2]. Chữ tình này, đối với người bình dân Việt Nam: đó là “tình thương người” (= lòng nhân). Chẳng thế mà Nguyễn Du tiên sinh đã nói: “Tấm thành đã thấu đến trời, bán mình là hiếu cứu người là nhân” (Truyện Kiều).


Chính cuộc sống quần cư trong làng xóm đã hun đúc nên tình nghĩa giữa con người với nhau. Đối diện với thiên tai và giặc ngoại xâm gần như liên tục, những con người trong những xóm làng bé nhỏ không còn cách gì khác hơn là phải liên kết với nhau, đùm bọc yêu thương nhau. Cái tình nghĩa “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng” ấy đã trở thành phương châm sống mỗi ngày. Yêu thương quý trọng người thân đến “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, hạnh phúc bên người ruột thịt là “nhất con nhì cháu, thứ sáu người dưng” đã đành…, nhưng nhiều khi cũng phải “bán anh em xa mua láng giềng gần”; bởi vì đó là nguyên tắc thích nghi “nhất cận thân nhì cận lân”, và cũng là “nguyên tắc” của lòng nhân ái! Người ta sống bên nhau lâu rồi thì “thương người như thể thương thân”, không câu nệ chấp nhứt mà sẵn sàng “chín bỏ làm mười”…


Lòng nhân của những con người xuất thân từ nông nghiệp lúa nước là thích ứng xử theo tình cảm, không quan tâm lý luận: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình!”. Thậm chí, với người con gái Nam Bộ chân chất thì “anh có thương em đem bạc với tiền, chuộc duyên em lại kết nguyền với anh”, chứ đừng dông dài lý luận là… buồn ngủ.


Chữ NHÂN không hoàn toàn mới mẻ đối với người Việt Nam ta. Dung nạp chữ nhân là để làm cho phong phú thêm vốn sống, làm cho tương quan cuộc đời thêm đẹp hơn mà thôi. Trước khi tiếp thu nó từ bên ngoài, dân tộc Việt đã sống triết lý chữ NHÂN này rồi! Tổ tiên ta thừa biết sống cho nhân hậu thì “
đức nhân thắng số”, dù có đầy đủ vật chất thì cũng phải tích lũy lòng nhân: “Có tiền thì hậu mới hay, có trồng cây đức mới dày lòng nhân”…


Nhân ái Việt NamBởi có truyền thống “thương người như thể thương thân”, nên ngay trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, người Việt Nam một mặt luôn nghĩ đến bảo toàn sinh mạng cho mình; mặt khác, ta vẫn không bao giờ đẩy đến cùng tư tưởng diệt sạch kẻ thù. Yêu người là mở cho họ con đường sống. Yêu người là phải chứng tỏ lòng độ lượng. Càng yêu chân thật, khi mà trong một trận chiến dù đã nắm chắc thắng trong tay, nhưng dân tộc ta vẫn quyết định mở cho kẻ thù con đường sống. Trong trận đánh quân Tống năm 1077, Lý Thường Kiệt khi đang ở thế thắng trận chẻ tre, nhưng nhìn quân thù chống đỡ yếu ớt và thương vong hơn một nửa, ông liền cho người sang nghị hoà, mở đường cho quân Tống lui binh về nước… Bờ cõi Đại Việt vẫn được giữ vững, giang san bốn bề vẫn toàn vẹn, mà máu không phải chảy thêm trên nhân mạng sĩ tướng hai bên [5].


Sau này trong lần đánh Minh, Lê Lợi cũng chấp nhận cho giặc giảng hoà, thậm chí còn cấp lương thực, tàu bè cho bọn Mã Kỳ, Phương Chính… rút về nước. Nhưng cốt yếu, chủ trương của vị anh hùng Lam Sơn dấy binh khởi nghĩa là “Ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi” (Bình Ngô Đại Cáo).


Nhân ái không những là quý trọng nhân mạng, mà còn là đề cao nhân phẩm, gìn giữ thể diện cho tha nhân. Đức vua Trần Nhân Tông, sau đó còn là một Phật Hoàng, khi bình định xong giặc Mông-Nguyên lần thứ ba năm 1288, vua xét thưởng những người có công, đồng thời cũng sai người đem đốt cả mấy thùng thư của những kẻ phản bội liên lạc đầu hàng giặc. Tấm lòng nhân của bậc quân vương thật đáng khâm phục: Vua đã nghĩ rằng khi rằng đất nước điêu linh, có những kẻ lầm lạc, cũng không ít kẻ hèn nhát, và chắc cũng chẳng thiếu kẻ gian tham... Nhưng xử trảm hàng loạt, hay giữ lại tang chứng để bêu diếu thanh danh thì cũng giết chết như nhau! Việc làm độ lượng của vua là nhằm đưa kẻ lầm lạc hoà nhập trở lại với dân tộc[6]. Trần Nhân Tông còn dạy người kế vị mình là Trần Anh Tông về việc bổ quan, thăng chức: Nước ta chỉ nhỏ như bàn tay, quan nhiều như thế làm sao dân sống nổi?... Một tấm lòng ưu dân ái quốc như thế của một bậc quân vương chính là nhân ái Việt Nam!


Còn đối với Nguyễn Trãi thì nhân nghĩa phải gắn với yên dân. Tác giả đã rất khéo léo mặc chiếc áo Việt cho một khái niệm Nho: nhân nghĩa phải đi liền với dân, phải “điếu dân phạt tội”. Mà dân với nước là một, cho nên Nguyễn Trãi lại cũng gắn nhân nghĩa với nước: “Nhân nghĩa duy trì thế nước yên” (x. “Hạ Quy Lam Sơn”). Thật là rõ ràng với Nguyễn Trãi nhân nghĩa phải gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, với tấm lòng ưu ái thương dân, vì nước và dân là một thể thống nhất. Dưới con mắt của Ức Trai, nhân nghĩa không dừng lại ở tương quan giữa người với người, mà còn là một cái đạo của kẻ đứng đầu dân. Họ phải làm sao cho dân yên, nước bình; họ phải gắn kết “tướng sĩ một lòng phụ tử” để chống kẻ xâm lăng: Làm như thế là việc nhân nghĩa!


Trong một cái nhìn thống nhất, ta thấy tất cả những ứng xử nhân bản như trên là hoa trái của một dân tộc đã chọn chữ nhân làm đầu:

Sinh ra trong cõi hồng trần,

Là người phải lấy chữ Nhân làm đầu.


Không phải chỉ trong ứng xử ngoại giao, nhân ái mới cần thiết; nhưng tiên vàn lòng thương người phải phát xuất từ những sinh hoạt cụ thể thường ngày:

Kẻ ăn người ở trong nhà,

Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn.

Thương người đày đoạ chút thân,

Chớ nên ngược đãi lòng nhân mới là.


Cái lòng nhân không cho phép người ngược đãi người ấy có nền tảng từ triết lý nhân sinh “người không nhân như cây bàng không rễ”, cho nên ông bà ta đã dạy con cháu phải “thương người như thể thương thân”! Và người đối nhân xử thế khôn ngoan là người tìm trao thân gởi phận nơi các bậc nhân đức: “Tìm nơi có đức gửi thân, tìm nơi có nhân gửi của”…


Nhân ái Việt Nam


Tóm lại, đã từ lâu lắm rồi trong cội nguồn lịch sử, dân tộc ta đã biết sống nhân ái với nhau, đã biết trân trọng người nhân nghĩa, đã biết dạy nhau lấy chữ nhân làm đầu. Và ngày nay cũng vậy, người Việt Nam vẫn thường khuyên nhau “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Trịnh Công Sơn)… Tất cả những điều đó nhằm giúp mỗi người sống nhân ái hơn, sống vì người khác hơn: “Ông thầy tu bạc lông tai, không bằng người lượm cây gai giữa đường!”. Đạt đến phép ứng xử này, nhân ái Việt Nam đã không còn dừng lại ở phạm vi đồng tộc, đồng hương, đồng bào… nhưng nó đã mở ra đến tầm vóc đồng loại, yêu đến cả kẻ thù của mình. Đó là cái triết lý “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của lịch sử nước nhà. Tại điểm này, nhân ái Việt Nam đã đang bước vào biên cương của vương quốc Tin Mừng!


Lm. Stêphanô Nguyễn Xuân Dinh, OFM

Nhịp Cầu Tâm Giao 5, NXB Phương Đông (06.2011), tr. 47-54.

 



[1] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB TP. HCM, 2004, tr.498.

[2] Trần Phổ (OFM), Tam giáo Việt Nam, Học Viện Phan Sinh XB, 2006, tr.111-112.

[3] Sơn Nam, Văn minh miệt vườn, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1992, tr.202-203.

[4] “Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.” (Bình Ngô Đại Cáo) - “bên tả” được coi trọng!

[5] Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Hà Nội, NXB Văn hoá - Thông tin, 2007, tr.60-61.

[6] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Trung tâm học liệu Sài Gòn XB, 1971, Tập 1, tr.159-161.