Sơ Neloumta: Hãy cố gắng hiểu Châu Phi như Đức Giáo hoàng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 148 | Cật nhập lần cuối: 4/17/2023 7:28:47 PM | RSS

Sơ Neloumta: Hãy cố gắng hiểu Châu Phi như Đức Giáo hoàngSơ Paola Neloumta, Bề trên Giám tỉnh của Dòng Nữ Tu Bác Ái Thánh Jeanne Antide Thouret, mô tả cuộc khủng hoảng xã hội nơi giới trẻ Gabon, khi quốc gia Châu Phi này đang vật lộn với việc khai thác rừng và nhu cầu theo đuổi tăng trưởng kinh tế bền vững.

Gabon, ở phía tây Trung Phi, là một trong sáu quốc gia thuộc lưu vực sông Congo. 88% lãnh thổ của nước này được bao phủ bởi khu rừng được coi là một trong những lá phổi xanh lớn nhất thế giới, trên thực tế lớn đến mức vào đầu tháng 3, thủ đô Libreville của nước này đã tổ chức Hội nghị cấp cao Một Khu rừng, do Tổng thống Pháp Macron đề xướng.

Hội nghị thượng đỉnh, với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia Mỹ Latinh và Đông Nam Á, cho thấy vấn đề bảo vệ rừng và phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực không mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, đánh giá từ các điều kiện sống của phần lớn dân số, người ta có ấn tượng rằng giữ mọi thứ kết nối với nhau là một khó khăn cần nỗ lực nhiều. Do đó, thật có lý khi lo sợ rằng những lo ngại mà Đức Giáo hoàng đã bày tỏ trong chuyến Tông du mới đây của ngài ở Châu Phi sẽ không được lắng nghe.

Sơ Paola Neloumta, Bề trên Giám tỉnh của Dòng các Nữ tu Bác ái Thánh Jeanne Antide Thouret, dường như cũng bị thuyết phục về điều này. "Khoảng cách giàu nghèo quá lớn", sơ giải thích và lưu ý rằng ở trường, các nhà truyền giáo tìm cách giúp thanh thiếu niên hiểu rằng họ "cần phải đấu tranh, phải tìm ra giải pháp khác cho nghèo đói, không được nản lòng".

Theo Sơ Paola, cách đây 20 năm, Gabon có thể được coi là một trong những quốc gia phát triển nhất của Châu Phi, nhưng "gần đây, đã xảy ra một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng". Người dân tập trung ở bờ biển, nơi các nữ tu có một cộng đoàn nhỏ. Các nữ tu bắt đầu sứ vụ ở đây vào năm 2001. Đầu tiên các nữ tu được sai đến một vùng đầm lầy mà không hội dòng nào muốn đến; sau đó các chị chuyển đến Port Gentil, nơi họ điều hành một trường giáo xứ, làm việc với Caritas và giảng dạy trong một trường Công giáo.

Sơ Paola nhận xét: "Sự rút lui của người Pháp đã làm suy yếu đất nước". Sơ than thở: "[Người dân] không sẵn sàng đối mặt với khoảng trống; bây giờ có người Trung Quốc, cũng như một số người Tây Ban Nha. Ai cũng cố lấy những gì mình cần mà không để ý đến người dân địa phương." Theo sơ, "hiện tại, Gabon không thể tự mình phát triển. Nghèo đói đến một cách dữ dội. Theo tôi, điều cần thiết là có một chính phủ biết lo lắng cho lợi ích của người dân, chứ không phải tham nhũng và giả hình."

Những lời của sơ không quá mang tính hoài niệm nhưng là sự thừa nhận về sự thiếu phát triển xã hội và không còn sự hiện diện của người nước ngoài. Sơ Paola nói với chúng tôi về Chad, trụ sở của sơ, "nơi mà tình hình còn tồi tệ hơn nhiều do bất ổn chính trị". Sơ nhớ lại những sự kiện bi thảm vào tháng 10 năm ngoái: lũ lụt tàn khốc và sự đàn áp khắc nghiệt các cuộc biểu tình phản đối quá trình chuyển đổi của Chad. Sơ chia sẻ với sự tin tưởng: "Chúng tôi nghĩ rằng, bất chấp mọi điều xấu này, Chúa không bỏ rơi chúng tôi". Và sơ nhấn mạnh rằng "sức mạnh nằm ở phụ nữ và tình liên đới giữa những người nghèo. Ví dụ, những người bị mất nhà cửa vì lũ lụt là một trong những người đầu tiên đến nhà thờ để cho những người khác biết rằng sự tiếp đón luôn sẵn sàng dành cho những người sơ tán".

Sơ Paola giải thích rằng ở Gabon, "người nữ tu dạy học cũng hoạt động về mục vụ giới trẻ. Có một cuộc khủng hoảng đang phá hủy các gia đình và gây ra quá nhiều bạo lực. Có quá nhiều việc phải làm; chúng tôi có ít người”. Từ câu chuyện của sơ, cốt yếu nhưng cụ thể, một hiện tượng “mới” và đầy thách thức cũng được đưa ra ánh sáng: “nhiều người trẻ trở nên ‘điên rồ’ và sống trên đường phố. Thật là một cú sốc khi thấy mọi người mất trí thực sự. Các sơ và giáo dân cố gắng làm điều gì đó, nhưng thật khó. Đó dường như là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn ở đất nước”.

Sơ nói về sự hiện diện của các giáo phái “đang đặc biệt lôi cuốn giới trẻ; họ quyến rũ người trẻ”. Sơ nói về tình trạng mất phương hướng được nuôi dưỡng chính bởi các nhóm thao túng lương tâm, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng và bất ổn xã hội. Đó là những tình huống rất tế nhị cộng thêm bởi dấu vết của nạn buôn người, vốn “tiếp tục là vết thương lớn và cũng gây ra hận thù nội bộ giữa những người sống trên bờ biển và những người sống trong đất liền”. Về vấn đề này, sơ giải thích rằng những người bị bắt làm nô lệ đã bị bắt từ các khu vực đất liền bởi những kẻ tìm cách "kết bạn" với những kẻ buôn người.

Sơ Paola khẳng định rằng ký ức về sự hiện diện của Đức Giáo hoàng ở những nơi gần gũi như Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn còn rất sống động: “Toàn bộ Châu Phi, đặc biệt là Châu Phi cận Sahara, cảm thấy gần gũi với Đức Giáo hoàng. Chúng tôi cảm thấy ngài là người hiểu chúng tôi. Bây giờ chúng tôi biết rõ hơn rằng tài nguyên của chúng tôi làm tổn thương chúng tôi. Đó là một nghịch lý. Khi ngài nói, 'Đừng bóc lột Châu Phi', cụm từ này theo một cách nào đó đã giải phóng chúng tôi khỏi ai đó. Nó như thể đã cho chúng tôi sức mạnh để ngẩng cao đầu. Đúng là chúng tôi tiếp đón ngài, nhưng thực ra chính ngài mới là người tiếp đón chúng tôi. Chúng tôi thấy rằng ngài rất quan tâm đến Giáo hội ở Châu Phi và điều này mang lại nhiều điều tốt đẹp cho chúng tôi. Chúng tôi phải tiếp tục làm chứng cho Chúa Kitô ở đây, chúng tôi là những người thánh hiến, các linh mục và giám mục. Chúng tôi cũng phải thanh luyện bản thân một chút, và điều này rất tốt cho chúng tôi”.

Sơ Paola nhắc lại lời kêu gọi một lần nữa: "Hãy cố gắng tìm hiểu Châu Phi, đưa ra một lời an ủi”. Sơ nói: "Phương tiện truyền thông của chúng tôi không chia sẻ mọi thứ; khi ai đó nói về chúng tôi, chúng tôi thấy rằng chúng tôi không đơn độc”.

Antonella Palermo
Nguồn: vaticannews.va