Ánh sáng và bóng tối

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1131 | Cật nhập lần cuối: 4/13/2017 8:48:07 AM | RSS

Ánh sáng và bóng tốiNhiều điều chưa cần nói, nhưng nó cứ từ từ lộ ra. Tục ngữ có câu: cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra. Hoặc có lần Thầy Giêsu nói: những gì anh em rỉ tai ban đêm, sẽ được nói trên mái nhà. Bóng tối sẽ mãi là bóng tối và cũng chẳng biết mình là bóng tối, nếu không có ánh sáng. Điều tốt lành cũng thế, cứ tự động xạ liên hương, ví như chiếc đèn không để gầm giường mà được đặt trên giá để soi sáng cho mọi người. Ở đâu, đi tới đâu, Thầy Giêsu cũng trở thành ánh sáng phá tan bóng tối. Có những bóng tối được chuyển hóa, có những bóng tối chạy xa ánh sáng.

Câu chuyện về tiền bạc

Trong bài giảng trên núi, Thầy Giêsu nói: phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Thầy Giêsu cũng nói: phúc cho anh em là những người nghèo khó. Những điều này không hề dễ hiểu đối với nhiều người, nhưng chắc hẳn đã có nhiều người hiểu.

Anh thanh niên giàu có muốn hưởng sự sống đời đời, nhưng khi được Thầy Giêsu mời gọi bán hết tài sản để cho người nghèo rồi đến theo Chúa, thì anh buồn rầu bỏ đi. Vì tiền bạc đối với anh còn quá quan trọng. Anh không phải là người có tinh thần nghèo khó, vì với anh tiền bạc còn quá lớn.

Ông Nicôđemô là một bậc thầy trong dân, thế mà ông vẫn âm thầm học hỏi Thầy Giêsu. Vì sợ người Dothái nên ông gặp Chúa vào ban đêm. Người uy thế như ông mà khiêm tốn, đó là người có tâm hồn nghèo khó. Hoặc ông Giôxép Arimathe. Là người giàu có quyền thế và lương thiện công chính, ông can đảm xin Philato để hạ xác Chúa. Ông quả là người có tâm hồn nghèo khó.

Người nghèo mà sống hiền lành thẳng thắn thì là người có tâm hồn nghèo khó. Nhưng nếu người nghèo mà sống ghen ghét ham hố, thì chẳng có tâm hồn nghèo khó. Người nghèo được Chúa chúc phúc, chính là người giống như bà góa nghèo bỏ tiền dâng cúng vào Đền Thờ. Bà đã hiến dâng tất cả những gì bà có.

Truyện kể rằng, có doanh nhân giàu có nọ, đến gặp một nhà truyền giáo để trợ cấp cho công cuộc truyền giáo. Nhưng đi theo ông doanh nhân ấy, có thêm một nhiếp ảnh gia để chụp hình và một nhà báo để đưa tin. Thế nhưng, kỳ thực số tiền trong phong bì mà ông doanh nhân tặng chỉ có 10 đôla. Đúng thật là hình thức!

Ở một tỉnh kia, trong một huyện nọ không đến nỗi nghèo lắm. Ngày kia, huyện mở ra một ngày quan tâm người nghèo. Có một số người nghèo được chọn mời tham dự đại hội trên huyện. Khi ngày đại hội kết thúc, mỗi vị đại biểu quan chức được tặng một chiếc phong bì, bên trong có bao nhiêu tiền thì không biết. Còn mỗi trẻ em nghèo được tặng một chiếc áo. Về mở ra mới biết, đó là chiếc áo sơ mi cũ và hỏng hầu như không sử dụng được nữa. Đúng thật là giả dối!

Lại có một truyện khác xảy ra khi các nữ tu mang quà đi giúp người nghèo tại những vùng khó khăn. Các sơ bị chính quyền địa phương chặn lại. Họ ra điều kiện rằng: hoặc là các sơ phải rời khỏi địa phương và không được đến với người nghèo, hoặc là các sơ phải đưa quà cho họ và họ sẽ chuyển đến cho người dân, hoặc là các sơ có thể phát quà cho dân nhưng phải nói đây là quà của chính quyền trước sự hiện diện của chính quyền. Nghĩ đi nghĩ lại, các sơ chọn phương án cuối, vì dầu sao, quà cứu trợ đến được tay người dân là mừng rồi. Còn quà đó của ai thì Chúa sẽ biết.

Cũng có chuyện khác, đã xảy ra ngay từ thời Chúa Giêsu và các môn đệ. Có một chị phụ nữ tội lỗi sám hối nọ, chị mua dầu thơm để xức lên Chúa. Ông Giuđa thấy thế, cho rằng quả là phí phạm vì thà để số tiền đó lo cho người nghèo thì hơn. Nghe ra có vẻ đúng, nhưng hãy nghe Thánh Gioan Tông đồ nói về ông Giuđa rằng: ông ấy giả hình vì kỳ thực ông ta thường xuyên bớt xén tiền bạc mà người ta dâng cúng cho cả nhóm, để dùng cho bản thân.

Thế đó, và cũng chính từ thói gian dối và ham tiền ấy, đã dẫn ông đến chỗ bị sa vào cơn cám dỗ nhận tiền để bán Thầy, để tách khỏi nhóm anh em, để đi vào trong bóng tối, đi vào đêm đen.

Câu chuyện về quyền lực

Nói đến tiền bạc chẳng thể quên quyền lực. Trong những năm gần đây, thường thì các Đức Giáo hoàng ví như Đức Giáo hoàng Phanxicô, đều được bầu chọn là một trong những người quyền lực nhất thế giới. Quyền lực ở đây cũng có nghĩa là có ảnh hưởng trên người khác. Đương nhiên, khác với các nhà chính trị hoặc các tỷ phú, Đức Giáo Hoàng có quyền là để phục vụ và để ảnh hưởng tốt đến mọi người, để trở thành tiếng nói của lương tâm nhân loại.

Tuy nhiên, vị Giáo hoàng đầu tiên là Thánh Phêrô không hề dễ hiểu được như thế. Trong bữa tiệc ly, khi Thầy Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, ông Phêrô cản Thầy. Vì ông không thể chấp nhận được một bậc Thầy mà phải làm như thế cho các đồ đệ. Ông phản đối, vì nếu Thầy còn làm như thế, thì ông, ông chỉ là trưởng nhóm, có lẽ ông còn phải làm hơn thế. Chẳng lẽ ông cũng phải quỳ xuống mà rửa chân cho anh em sao! Không thể chấp nhận được.

Dù không hiểu, dù có nhiều yếu đuối và thậm chí là tội chối Chúa, nhưng ông là người ngay thẳng và tốt lành, nên ông dần dần hiểu. Điều quan trọng là ông hiểu được tình yêu mến vô điều kiện mà Thầy dành cho ông. Ông cũng hiểu được lòng tín nhiệm vô điều kiện mà Thầy đặt nơi ông. Để ông có thể đứng dậy sau khi té ngã, để sau khi đứng dậy, ông có thể trở thành điểm tựa nâng đỡ anh em, để ông có thể trở thành người làm đầu và là người phục vụ mọi người.

Lạy Chúa, Chúa vốn là Thiên Chúa quyền uy mà tự nguyện làm người và sống cùng chúng con, xin cho chúng con biết tự nguyện trở nên nghèo khó và bé nhỏ, để dùng tất cả những gì là của cải danh dự và quyền lực, chỉ là để phục vụ mà thôi, hầu sinh ích lợi cho con người, nhất là những ai bé nhỏ nghèo hèn. Amen.

Tứ Quyết
Nguồn: dongten.net