Bầu giáo hoàng: một dấu chỉ lớn của thời đại

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 490 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Một người giáo dân bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy trong những ngày qua, báo chí Việt Nam liên tục đưa tin về việc bầu giáo hoàng. Người khác lại nói họ không thể không đưa tin vì khi hòa vào mạng truyền thông của thế giới, ai cũng thấy đây là sự kiện lớn được cả thế giới quan tâm. Đúng thế, quan tâm đến độ Brandon Vogt, tác giả cuốn The Church in the New Media, phải thốt lên: “Thật là nghịch lý”! Nghịch lý bởi vì một đàng các cơ quan truyền thông lớn thường xuyên phê phán chỉ trích Giáo hội công giáo, cho rằng Giáo hội chẳng còn ý nghĩa gì với con người ngày nay; đàng khác, cả thế giới lại hướng nhìn về Rôma, chăm chú theo dõi những gì xảy ra khi Hồng y đoàn tiến hành việc bầu cử vị giáo hoàng mới. Hơn 5.000 phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Rôma để đưa tin trong những ngày này.


Chính Đức tân Giáo hoàng Phanxicô cũng ghi nhận sự kiện này khi ngỏ lời với Hồng y đoàn tại hội trường Clêmentê, ngày 15.3.2013 vừa qua. Ngài nói: “Trong những ngày này, chúng ta cảm nghiệm rõ ràng mối thân tình và tình liên đới của Giáo hội hoàn vũ, cũng như sự quan tâm của nhiều người, dù không cùng tôn giáo với chúng ta, nhưng vẫn hướng về Giáo hội và Tòa thánh với niềm kính trọng và ngưỡng mộ”. Chưa hết, hôm sau, 16.3, khi tiếp xúc với giới truyền thông, ngài cảm ơn họ và nói: Trong những ngày qua, “cả thế giới công giáo, và không chỉ người công giáo mà rất nhiều người trên thế giới đã hướng nhìn về Kinh thành muôn thuở, lãnh thổ nhỏ bé với tâm điểm là mộ thánh Phêrô”.


Hóa ra Giáo hội công giáo vẫn có một vị trí đặc biệt trong thế giới ngày nay, một thế giới được mô tả bằng những tính từ rất tiêu cực đối với niềm tin tôn giáo: tục hóa, vô tín, phi chuẩn. Nhìn từ bên ngoài, Giáo hội bị phê phán và công kích nặng nề về nhiều mặt. Thế nhưng hàm chứa trong những công kích ấy, có khi lại là nỗi sợ hãi của những kẻ muốn lèo lái nhân loại theo hướng đi của tên phản-Kitô, và họ thấy Giáo hội là lực cản lớn nhất cho mưu toan của mình, cho nên phải ra sức tấn công. Chính vì thế, một trong những điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các hồng y là: “Đừng bao giờ rơi vào chủ nghĩa bi quan và chua chát mà ma quỷ bày ra trước mặt chúng ta mỗi ngày. Đừng bi quan và nản chí”.


Đàng khác, sự chăm chú theo dõi những gì đang diễn ra ở Rôma lại cho thấy con người ngày nay vẫn mong chờ nơi Giáo hội sự hướng dẫn tinh thần. Người ta khám phá ra nơi việc bầu giáo hoàng một cái gì đó siêu việt chứ không thuần túy thế tục. Cho dù người ta không tin rằng có Thiên Chúa hiện diện đằng sau những diễn tiến ấy, cho dù người ta không tin rằng có Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn các hồng y khi bầu chọn giáo hoàng mới, thì họ vẫn cảm nhận một cái gì đó thật lớn lao, trang trọng, đẹp đẽ và thuần khiết đang diễn ra ở đây. Tự thẳm sâu tâm hồn, con người khao khát Chân, Thiện, Mỹ. Càng sống trong thế giới của gian dối, độc ác, xấu xa, người ta càng khao khát Chân, Thiện, Mỹ, và họ khám phá ra phần nào hình bóng của Chân, Thiện, Mỹ đang diễn ra ở “lãnh thổ nhỏ bé với tâm điểm là mộ thánh Phêrô”.


Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta biến cố đặc biệt này như một dấu chỉ lớn của thời đại, để cảm nhận bàn tay quan phòng và sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa rõ nét hơn. Tuy nhiên, sẽ thật đáng tiếc nếu người công giáo chỉ dừng lại ở đây với tâm trạng tự hào và tự mãn về Giáo hội của mình. Đúng hơn, khi chiêm ngắm dấu chỉ ấy, nhất là trong Mùa Chay, cần phải nghe được lời mời gọi thanh tẩy và sám hối để trở về với Chúa và sống trung tín với Tin Mừng nhiều hơn. Phong thái dung dị và lối sống khó nghèo của vị tân giáo hoàng là lời nhắn gửi cụ thể của tiếng gọi Tin Mừng. Có như thế, Giáo hội công giáo mới sống đúng với sứ mệnh của mình là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.

 
HTT
Nguồn: hdgmvietnam.org