Bị nhiễm... tôi mới hiểu bệnh nhân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 216 | Cật nhập lần cuối: 11/21/2021 7:56:20 AM | RSS

Bị nhiễm... tôi mới hiểu bệnh nhânTôi đã lạc quan khi bác sĩ Duy Minh chia sẻ một cách vui vẻ: “Nhiễm à? Chẳng có gì phải sợ. Tôi bị nhiễm hai lần rồi. Nhiễm thì lên đây điều trị, hết nhiễm thì đi làm tiếp, bất tử rồi...”

Với lời kêu gọi tha thiết chung tay “chống dịch”, nhà dòng chúng tôi được tham gia cộng tác. Và tôi là một trong 91 Tình Nguyện Viên (TNV) đăng ký tham gia chống dịch đợt IV tại bệnh viện dã chiến Ung Bướu cơ sở II - Thủ Đức. Không phải chỉ có TNV tôn giáo mà còn những người có chuyên môn như các Bác sĩ, các anh chị Điều dưỡng từ Quảng Nam, Hà Nội, Bình Đình,... vào trong Nam để làm TNV.

Nhóm chúng tôi bắt đầu từ ngày 22.08.2021. Các TNV chúng tôi được phân chia theo ca, theo kíp, theo nhóm và theo khoa. Tại đây, mỗi tuần bệnh viện sẽ lên lịch cho mỗi khoa được test để kiểm tra sức khỏe, đảm bảo an toàn để chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ được.

Chưa thể về nhà cùng người thân

Chị điều dưỡng Thu Phương chia sẻ: “Thương bệnh nhân lắm em ơi, đáng lẽ chị về cùng với đoàn vào ngày 20/08 rồi, nhưng thấy tình hình ở đây thiếu nhân lực quá, chị đã đăng ký ở lại thêm một tháng nữa”. Bác sĩ Uyên tiếp lời: “Từ đầu mùa dịch đến giờ, chị đã ở lại bệnh viện chưa về thăm gia đình lần nào. Chị nhớ các bạn nhỏ ở nhà lắm! Nhưng mà thôi, lâu lâu chị gọi điện hỏi thăm chút xíu, biết mọi người ở nhà vẫn an toàn là mừng rồi. Vì ở đây thiếu người quá nên chị không đành về, ở lại luôn”

Tôi cũng thấy có các bạn trẻ độ tuổi 18 - 20 rất hăng hái, đầy nhiệt huyết, nhiệt tâm trong công tác chống dịch. Tôi được quen 6 bạn nữ đã dám hy sinh mái tóc đẹp của một người con gái để tham gia TNV. Các bạn chia sẻ: “Chúng con đâu có quen biết nhau đâu Sơ, người thì ở Huế, người thì ở Bình Dương, bạn thì ở Củ Chi, Miền Tây, Đồng Nai, TPHCM. Chúng con rủ nhau “xuống tóc” để cho dễ làm việc.

Và còn biết bao nhiêu con người đã, đang và sẽ tiếp tục âm thầm phục vụ tại các bệnh viện dã chiến trên khắp các tỉnh thanh, chỉ vì muốn “cho đi” cái mình có, đó là tình thương yêu. Họ cũng vì “tình người”, tình tương thân, tương ái mà đã đến và ở lại nhiều đợt để chung tay chống dịch.

“Nhiễm” mới “cảm”...

Tôi phục vụ khoảng được một tuần và trong lần test thứ 2 của khoa, tôi bị... nhiễm. Tôi phải ngưng công việc để lên khoa 8b, dành cho các nhân viên và TNV bị nhiễm. Nơi đây cũng có bác sĩ và điều dưỡng bị nhiễm nữa. Vì làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân F0, chúng tôi hầu hết không biết nguyên nhân lây nhiễm từ đâu, chỉ biết sau test, khoa báo mình bị nhiễm thì lên đây thôi.

Ở đây, chúng tôi được các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng quan tâm chăm sóc rất tận tình: lấy máu đi xét nghiệm, chích thuốc, phát thuốc, chụp X-quang phổi... nhất là luôn hỏi thăm tình hình sức khỏe. Nếu chúng tôi có biến chuyển tốt thì vui mừng, bình an nhưng nếu ai đó có triệu chứng gì bất thường thì tức tốc sẽ tìm mọi cách, mọi phương án để điều trị.

Tôi nhận ra nơi tập thể này một tinh thần mang đậm nét đồng đội, đầy tình bằng hữu, tình anh chị em. Tôi đã lạc quan khi bác sĩ Duy Minh chia sẻ một cách vui vẻ: “Nhiễm à? Chẳng có gì phải sợ. Tôi bị nhiễm hai lần rồi. Nhiễm thì lên đây điều trị, hết nhiễm thì đi làm tiếp, bất tử rồi...” Vâng, những con người vì “tình người” không nghĩ cho mình nhưng tất cả là vì bệnh nhân và vì nhau.

Khi tôi bị nhiễm, tôi mới hiểu và thương các bệnh nhân. Tôi nghĩ ngay đến những ngày đầu phục vụ bệnh nhân: đến thăm, làm vệ sinh, giúp bệnh nhân uống sữa, đút cháo họ ăn... Hầu như các bệnh nhân không muốn ăn và cũng chẳng muốn uống vì.... ăn không nổi, uống không được. Có những lúc chúng tôi phải ép các bệnh nhân ăn để có sức, để uống thuốc. Lúc ấy, các TNV chúng tôi làm đủ trò: nào là năn nỉ, kể chuyện tiếu lâm, nào là hứa hẹn đủ điều để giúp bệnh nhân có thể ăn thêm được muỗng nào hay muỗng nấy hầu có sức chống lại loại virus này.

Virus Corona nhỏ bé mắt thường không thể nhìn thấy nhưng rất tinh vi, nó len lỏi vào tận phổi để phá hủy lá phổi, nơi trao đổi khí cho con người. Virus này còn làm cho bệnh nhân không ngủ được. Tôi nhớ lại: có những bệnh nhân không ngủ được, trằn trọc, bứt rứt... Tôi khuyên họ: “Cô, chú chịu khó ngủ đi”. “Không ngủ được soeur ơi, mấy bữa rồi không ngủ được”.... có Bác chia sẻ: “Tôi vào đây 2 tuần rồi mà không ngủ được ngày nào hết”…

Nói và khuyên là một chuyện nhưng khi là bệnh nhân thì mới hiểu được thế nào là không ăn được, không ngủ được. Với căn bệnh này nó làm cho các bệnh nhân mau mất sức, dễ suy sụp tinh thần. Cứ như thế bệnh tình của bệnh nhân sẽ dễ xuống và xuống rất nhanh... Thời gian này, tôi đã đồng cảm với các bệnh nhân.

Bài học quý báu

Tôi cảm nhận được hạnh phúc khi được tham gia đợt TNV này. Nơi đây đã dạy cho tôi nhiều bài học: về tình người, về sự bình đẳng không phân biệt tôn giáo hay bằng cấp và nhất là bài học về việc trân quý sự sống. Tuy chúng tôi đã ra về nhưng trong lòng mỗi TNV chúng tôi đều chất chứa rất nhiều những kỷ niệm, những dấu ấn khó quên. Sau những tháng ngày bên nhau, hầu hết các TNV đều cảm nhận: bệnh viện là ngôi nhà thứ hai và tất cả chúng tôi đều là anh chị em với nhau.

Riêng tôi, đã trải qua căn bệnh nên tôi còn biết, còn hiểu thấu, và còn đồng cảm với các bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV 2, căn bệnh của thế kỷ hôm nay.

Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành CMR
Nguồn: tgpsaigon.net