Bóng lăn ở trời Tây, nỗi đau ở trời ta!

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 703 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Trái bóng lăn ở trời Tây (mùa bóng Euro 2012) đã khép lại vào rạng sáng 2/7, với chiến thắng 4-0 trước Ý, Tây Ban Nha đoạt cúp vô địch. Song, nỗi đau thì còn ở lại ở trời ta (Việt Nam) - chắc sẽ còn âm ỉ, trong lòng nhiều người về những hệ lụy đằng sau trái bóng…


Thảm cảnh.jpg

Người thân thắp hương trên bàn thờ anh Nguyễn Bá Sơn - Ảnh: Hà Đồng


Nỗi đau còn day dứt dư luận nhất có lẽ là vụ việc án mạng làm ba người chết trong một gia đình ở thôn Ngọc Trà 1 (xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Theo ghi nhận của PV Hà Đồng của báo Tuổi Trẻ, sự việc diễn ra hết sức đau lòng như sau: “Chiều 1-7, chúng tôi đến nhà Nguyễn Bá Sơn. Không khí trong ngôi nhà u ám, buồn thảm đến lạnh người. Trên chiếc bàn thờ được người thân làm vội, ba bát hương nghi ngút khói. Tấm ảnh cưới của vợ chồng Sơn - Hà nhỏ xíu đặt lọt thỏm giữa bàn thờ. Chiếc bát hương của cháu bé con gái Sơn chưa kịp có di ảnh.


Bà Nguyễn Thị Vân (60 tuổi, mẹ của Sơn) từ lúc nghe hung tin con, cháu chết thảm, ngất lên ngất xuống nhiều lần, khóc khô cạn nước mắt. Giọng bà Vân nghẹn ngào, đau đớn: "Có ai chết khổ chết sở như con, cháu tôi không...".


Bà kể: "Lúc khoảng 10g đêm 29-6, tôi còn thấy vợ chồng nó vui đùa với con gái, cười ríu rít. Tôi sang nhà anh trai của Sơn (Nguyễn Bá Thắng) để ngủ. Gần 1g sáng 30-6, tôi đang lơ mơ ngủ thì nghe tiếng gọi của thằng Sơn ở đầu hồi, tiếng gọi rất gấp: Mẹ ơi, mẹ sang nhà con nhìn con dâu và cháu lần cuối. Vợ và con gái con chết rồi. Mọi người trong gia đình ra đường 1A đưa xác con về chôn cất cùng vợ con của con". Tôi bật dậy thì Sơn đã chạy đi xa...". Nói đến đây, bà Vân nghẹn lời, ngã vật xuống chiếu rồi khóc nấc lên.


Kể tiếp câu chuyện về gia đình Sơn, ông Nguyễn Bá Loa (50 tuổi, chú ruột Sơn) cho biết thêm: Bố mẹ Sơn sinh được sáu người con, rồi bố mất sớm. Một mình bà Vân tần tảo nuôi con trong nỗi khó khăn, nhọc nhằn ở vùng quê nghèo. Lớn lên Sơn đi bộ đội, hết nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, rồi đi xuất khẩu lao động ở Malaysia hai năm.


Đến năm 2010, Sơn lấy Hà - người làng Ngọc Trà 2 (Quảng Trung). Đầu năm 2012, vợ chồng Sơn có con gái đầu lòng. Thời gian gần đây, Sơn làm việc cho một cơ sở chế biến hải sản ở xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương). Theo một số người làm cùng với Sơn cho biết vào mùa Euro Sơn có tham gia cá độ bóng đá ở nơi làm việc.


Cách đây bốn ngày, Sơn về nhà nói với mẹ và vợ là thua độ bóng đá hơn 10 triệu đồng, hiện đang rất túng quẫn, lo lắng vì một số chủ nợ đòi tiền rát mặt. Thấy Sơn nói vậy, bà Vân và vợ Sơn động viên, rồi đi vay được vài 3 triệu đồng cho Sơn trả nợ bớt đi. Có thể trong lúc quẫn trí, bế tắc mọi đường, Sơn đã hành động dại dột dẫn đến cái chết đau lòng cho cả gia đình”.


* * *


Đây là một trường hợp quá đau lòng, đặc biệt ghi dấu về sự nông nỗi, thiếu suy nghĩ, ham vui một phút chốc của những “tín đồ” đỏ đen.

Cá độ - thua - nghĩ quẩn - hành động thiếu suy nghĩ - mất mát thân mạng, vào tù, tan nhà nát cửa… là một chuỗi phản ứng tất nhiên, được cảnh báo rất nhiều từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng, dường như lần nào có bóng đá hoặc các sự kiện thể thao lớn cũng đều có tội phạm và sự vụ đại loại như vậy xảy ra. Điều đó nói lên rằng, xung quanh ta có rất nhiều cám dỗ, rất nhiều “thực đơn” cuốn hút, và nó hút được ta bởi trong ta có những ham muốn tương thích.


 Đồng thanh tương ứng là chỗ đó, cho nên không thể trách bóng đá mà phải tự nhìn lại nơi tự thân mình để đoạn trừ những lực hút từ bên ngoài bằng cách chăm sóc tâm mình, bồi dưỡng cho tâm hồn mình trở nên bản lĩnh, hiểu rõ nhân quả từ việc lao vào đỏ đen, cá độ.


Tất nhiên, những ai đủ tỉnh táo và chưa “dính” phải thứ ham mê cá độ, hoặc đã “dính” nhưng chưa đến mức gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vụ việc điển hình ở Thanh Hóa thiết nghĩ cũng cần nhận diện và xem đó như một bài học, một kết cục sẽ có thể xảy ra nếu mình còn dễ duôi với nó - nhất là khi tương lai trái bóng vẫn còn lăn nữa, trên khắp các đấu trường (thế giới, châu lục, khu vực, trong nước…).

 

Một vị thầy, sau khi nghe tôi kể về những vụ đau lòng liên quan tới cờ bạc, cá độ, dẫn tới những hệ lụy đau lòng như vừa qua đã chia sẻ rằng: “Trong tâm mình có năng lượng tham-sân-si và bị năng lượng này chi phối, dẫn tới những ý nghĩ-lời nói-việc làm vô minh, gây tổn hại cho mình và người. Tham lam, si mê không nhận biết được những hậu quả có thể xảy ra từ cá độ, cờ bạc nên mới lao vào. Và vì vậy, khi bị thua mới cay cú, sân si, dẫn tới thiếu kiềm chế ý-khẩu-thân mà tạo nghiệp dữ: trộm cướp, sát hại…


Hơn nữa, hành vi cá độ, bài bạc theo quy định của pháp luật cũng không được phép, có thể dẫn tới tù tội. Nếu được trang bị kỹ hiểu biết pháp luật, cũng như trang bị lời Phật dạy một cách đầy đủ thì có lẽ con người cũng đỡ lao vào vòng lao lý, hành xử nông nỗi… phải gánh chịu hậu quả nhãn tiền đau lòng đó”.


Vị thầy ấy cũng lưu ý, nếu đã đam mê cờ bạc, cá độ thì dù chưa xảy ra quả nhãn tiền thì theo luật nhân quả người ấy về sau cũng sẽ có quả báo nghèo khó, túng thiếu, thất bại, khổ đau… vì đã gieo tất cả nhân đó trong cuộc sát phạt, ăn thua!



Lưu Đình Long

Nguồn: giacngo.vn