Cảm nghiệm đầu tiên về Đức giáo hoàng Phanxicô

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 538 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Như bao người giáo dân khác, tôi thức đêm theo dõi, háo hức chờ đợi Vị Cha chung mới của Giáo hội Công giáo. Và khói trắng đã bay lên trên nóc Nhà nguyện Sistina vào lúc 01g09 phút giờ Việt Nam, ngày 14-03-2013… Hơn một tiếng sau, vị Hồng y đảm trách công bố Đức hồng y Bergoglio đã được các Hồng y bầu làm Tân giáo hoàng, với danh hiệu Phanxicô. Cả quảng trường im phăng phắc thay vì một tiếng hò reo ngay tức thì… vì ai cũng ngỡ ngàng với cái tên “Bergoglio”, hình như cả thông dịch viên tiếng Ý – Anh trên truyền hình trực tiếp của trang web CNN.com cũng ngập ngừng và không phát âm chuẩn tên của ngài ngay lần đầu… vì tên nghe lạ quá? Lại càng bất ngờ hơn nữa với những người giáo dân bình thường như chúng con. Nhưng chỉ ít phút sau, tiếng hô “Viva Papa” vang dậy.

 

Con được nhận biết ngài…

 

Trong khi chờ đợi Đức tân Giáo hoàng xuất hiện, tôi tranh thủ tìm kiếm thông tin trên internet với từ khóa “Cardinal Bergoglio”, và những chuyện kể về ngài. Hình ảnh của ngài được lần giở ra… Ngài là Hồng y, Tổng giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires, Argentina, bây giờ ngài là Đức Thánh Cha của chúng con.

 

Báo chí, sách vở nhắc tới ngài là một con người đơn sơ, khiêm nhường, khó nghèo và chuyên cần cầu nguyện.

 

Đó là vị Hồng y Tổng giám mục đã từ bỏ dinh thự sang trọng để sống trong một căn hộ bình thường, không muốn có người phục vụ mà tự nấu ăn, không cần tài xế riêng vì tự đi đến văn phòng bằng xe buýt…

 

Đó là vị Giám mục đã từng gây sốc cho cả Giáo hội vào Mùa Chay năm 2001, khi tìm đến một Trung tâm HIV (như Trung tâm Mai Hòa ở Sàigòn) để rửa chân và hôn chân 12 bệnh nhân HIV.

 

Đó là “Padre Jorge” (Cha Jorge) (tên đầy đủ của ngài là Jorge Mario Bergoglio) mà giáo dân nghèo thường gọi, vì ngài thường xuyên lui tới các khu xóm nghèo, các khu ổ chuột của thủ đô Argentina, kể cả khi đã là Hồng y Tổng giám mục.

 

Đó là một tu sĩ dòng Tên luôn cổ võ anh em mình học theo linh đạo của Thánh Inhaxiô là quay trở lại công tác mục vụ giúp các giáo xứ, hơn là tham gia vào các hoạt động chính trị.

 

Đó là một tiến sĩ và giáo sư Thần học nhưng không đặt trọng tâm nơi thành trì giáo lý mà ở lòng thương xót của Chúa. Ngài quả quyết “một khi được gặp gỡ lòng Chúa xót thương, chúng ta luôn được hạnh phúc và an vui”. Và ngài kêu gọi mọi người hãy ra đi, đi để gặp gỡ lòng thương xót Chúa nơi người nghèo, nơi các bệnh nhân.

 

Đó là một người bạn đồng hành của dân Do Thái, và của dân ngoại: ngài luôn sẵn sàng gặp gỡ và mời gọi sự đối thoại với các tôn giáo khác trong yêu thương, tôn trọng, nhất là Hồi giáo.

 

Đó là một con người được kể lại là đã từng bật khóc xin các Hồng y đừng bầu cho mình trong Mật tuyển viện năm 2005, và ngài là người có số phiếu bầu đứng sau Hồng y Ratzinger – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

 

Con được ngắm nhìn ngài…

 

Và giờ đây… Đức Thánh Cha của chúng con vừa bước ra ban công để chào đón và chúc lành cho thành Roma và toàn thế giới, lần đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng. Con thấy ngài có khuôn mặt rất dễ mến, nụ cười hiền hòa, và bàn tay vẫy chào nhẹ nhàng nhưng có phần hơi lúng túng… thật đơn sơ.

 

Ngài trông nhỏ nhắn như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, với vầng trán cao, và nét mặt ngài làm con nhớ đến hình ảnh Đức Thánh Cha Gioan XXIII.

 

Con thấy ngài chỉ mặc chiếc áo trắng giản dị, không có áo choàng đỏ viền lông, cũng không thấy mang dây stola của Giáo hoàng. Chỉ đến khi ban Phép lành cho giáo dân, ngài mới mang dây stola vào. Sau khi ban Phép lành Tòa Thánh xong, ngài lại cởi dây ra, và hướng đến toàn thể Giáo hội chỉ với chiếc áo màu trắng đơn sơ và thanh khiết.

 

Nhưng lạ lùng hơn cả đối với chúng con là hình ảnh ngài cúi đầu thật sâu trước hàng trăm ngàn giáo dân tại quảng trường Thánh Phêrô và hàng trăm triệu giáo dân đang theo dõi qua màn hình… trong khoảng 30 giây. Ngài cúi đầu để xin giáo dân cầu nguyện cho ngài khi lãnh nhận sứ vụ Chúa trao ban, trước khi ngài ban phép lành cho giáo dân. Một hành vi thật khiêm nhường.

 

Khi ngắm nhìn ngài, chúng con cảm thấy ngài thật gần gũi, đơn sơ và khiêm hạ.

 

Con được lắng nghe ngài…

 

Tại ban công đền Thánh Phêrô, Đức tân Giáo hoàng ngỏ lời với hơn 100.000 người tại quảng trường và với cả 1,2 tỷ giáo dân Công giáo. Diễn từ đầu tiên được chờ đợi như là một thông điệp về triều đại Giáo hoàng của ngài.

 

Chúng con còn nhớ lời đầu tiên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là “Các con đừng sợ!”; lời đầu tiên của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Cha chỉ là người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa”.

 

Còn ngài bắt đầu bằng câu “Buanosera!”, tiếng Ý, con hiểu là “Cha chào các con!”, một lời chào thân mật, bình dị, và gần gũi… để chúng con hiểu rằng “Cha đã ở đây với chúng con!” và “Chúng con đã được ở bên Cha”.

 

Diễn từ rất ngắn bằng tiếng Ý, Anh, mà nội dung chúng con hiểu chỉ với một thông điệp chính: “Chúng con hãy cầu nguyện!”, cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cầu nguyện cho Hội Thánh, cầu nguyện cho hàng giáo phẩm, cầu nguyện cho thế giới, và cầu nguyện cho nhau! Hình như diễn từ của ngài lặp đi lặp một lời mời gọi: “Hãy cầu nguyện thật nhiều, các con nhé!”

 

Diễn từ của ngài cũng có một khoảng thời gian thinh lặng của cầu nguyện. Ngài nhắc nhở mọi người thinh lặng mới nghe được tiếng nói của Chúa.

 

Và thật bất ngờ, ngài mời gọi toàn thể mọi người cùng cất tiếng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh để cầu nguyện, một cách rất bình dân và ai cũng đọc được. Thật vinh dự cho chúng con vì chúng con được đọc kinh cùng với Đức Thánh Cha của chúng con!

 

Như thế, ngài đâu có đọc diễn từ, ngài đang khuyên bảo chúng con và Giáo hội, ngài mời gọi Giáo hội sống trong tinh thần cầu nguyện. Chỉ cầu nguyện mới có thể giúp chúng con đến với Thiên Chúa và Mẹ Maria.

 

Và con được cảm nghiệm rằng…

 

Sau khi được nhận biết ngài, được nhìn ngắm ngài và lắng nghe ngài… dường như con cảm nghiệm sâu xa là Đức Thánh Cha Phanxicô đang ở với và ở trong chúng con. Một cảm xúc quá tuyệt vời và con đã quỳ xuống, và thốt lên từ tận trong đáy lòng: “Tạ ơn Chúa đã ban ngài làm vị tân Giáo hoàng! Chúc tụng Chúa vinh hiển muôn đời. Amen”.

 

Sài Gòn, 4g30 sáng 14/3/2013

Phaolô Vũ Bảo Quốc

(Nguồn: hdgmvietnam.org)