Đầu năm bàn về chữ Thọ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5196 | Cật nhập lần cuối: 1/29/2017 9:19:25 AM | RSS

Tầm nguyên chữ THỌ

Chữ THỌ 壽 có nhiều nghĩa khác nhau, trong đó:

– Nghĩa thông dụng của chữ THỌ 壽 là sống lâu hay là tuổi. Tùy theo thuyết khác nhau, từ 60 tuổi đến dưới trăm tuổi gọi trung thọ 中壽, từ 100 tuổi trở lên gọi là thượng thọ 上壽. Khi nói đến chữ THỌ 壽 người ta không chỉ nghĩ là sống lâu mà phải là sống lâu dài trong hạnh phúc: phúc thọ song toàn 福壽雙全.

– THỌ 壽 nghĩa là ngày sinh nhật. Khi chúc mừng sinh nhật cho người trưởng thành, người ta thường dùng từ chúc thọ 祝壽. Nghĩa hẹp là chúc mừng sinh nhật, nghĩa rộng là cầu xin ơn trên – ban cho được sống lâu.

– THỌ 壽 nghĩa là cái chuẩn bị khi chết. Thí dụ: thọ y 壽衣 là quần áo mặc khi chết, thọ mộc 壽木 là quan tài chuẩn bị sẵn để dùng khi chết. Bởi vì có quan niệm cho rằng, chết mà không mất đi mới là thọ.

Đầu năm bàn về chữ Thọ

Chiết tự ch THỌtheo cách hiểu phổ thông

Chữ THỌ 壽 thuộc bộ sĩ 士, được ghép với các chữ công 工, nhị 二, khẩu 口, thốn 寸. Trong đó:

1. SĨ 士 là người có phẩm hạnh. Bàn rộng: Người có phẩm hạnh biết cách tiết chế và giữ mình để sống lâu, để lại tiếng thơm đến muôn đời sau. Người xưa đã nói: “Muốn cho nhị mộc thành lâm[1] / Trồng cây chi tử[2] tiếng tăm lâu ngày (trích ca dao)”.

2. CÔNG 工 là làm việc cách khéo léo. Bàn rộng: Người làm việc cách khéo léo luôn dựa trên sự công chính và nhân nghĩa, đó là một cách thức giúp người ta sống lâu. Bởi “Nhân nghĩa là chúa muôn đời / Bạc tiền là khách qua chơi bấy giờ (trích ca dao)”.

3. NHỊ 二 là thay đổi. Bàn rộng: Hữu tử vô nhị 有死無二 (Tả truyện 左傳) Có chết cũng không thay lòng đổi dạ. Kiên trung với luân thường đạo lý, có thay đổi chăng là đổi mới cách sống cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

4. KHẨU 口 là con đường cần để ra vào. Bàn rộng: Con đường ngay chính là đạo làm người, là cách ăn ở ngay lành, hiếu thảo: “Ở cho thỏa chí người xưa / Đền ơn trả nghĩa thuở xưa bế bồng / Nhất hiếu lập vạn thiện tòng[3] / Ông bồng cháu cháu lại nên ông / Hoàng thiên chẳng phụ tấm lòng hiếu đâu (trích ca dao)”.

5. THỐN 寸 nghĩa là ngắn ngủi. Bàn rộng: Ai hiểu đời sống này là ngắn ngủi thì người ấy đã trường thọ. Bởi lẽ: “Đời người có một gang tay / Ai hay ngủ ngày chỉ được nửa gang (ca dao)”.

Hiểu ch THỌtheo Đạo Đức Kinh

Theo chiết tự, người được gọi là THỌ 壽 khi hội đủ ý nghĩa từ năm từ: sĩ 士, công 工, nhị 二, khẩu 口, thốn 寸. Trong đó:

1. SĨ 士 là người có học. Bàn rộng: Người có học là người biết mình và biết người. Bởi lẽ: 知人者智,自知者明。Phiên âm: Tri nhân giả trí, Tự tri giả minh. Dịch Việt: Biết người là người khôn ngoan, tự biết mình là người sáng suốt (tríchĐạo Đức Kinh, chương 33). Biết người, mới chỉ là người khôn ngoan – yếu tố cần. Biết mình, đó chính là người sáng suốt – yếu tố đủ. Kẻ sĩ là người lĩnh hội được hai yếu tố cần và đủ: khôn ngoan – sáng suốt.

2. CÔNG 工 nghĩa là làm việc cách khéo léo. Bàn rộng: Người làm việc khôn khéo luôn thắng được người khác và tự thắng được mình. Chính vì: 勝人者有力,自勝者強。Phiên âm: Thắng nhân giả hữu lực. Tự thắng giả cường. Dịch Việt:Thắng được người là có sức mạnh, Thắng được mình là người kiên cường (trích Đạo Đức Kinh, chương 33). Thắng được người, đó chỉ là ngoại lực – yếu tố cần. Thắng chính mình, đó chính là nội lực – yếu tố đủ. Cân bằng được âm - dương, nội lực - ngoại lực, đó là phẩm chất của người làm việc khéo léo.

3. NHỊ 二 nghĩa là thay đổi. Bàn rộng: Con người cần biết thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh nhưng không được đánh mất chính mình. Vì: 知足者富。強行者有志。Phiên âm: Tri túc giả phú. Cường hành giả hữu chí. Dịch Việt: Kẻ biết đủ là người giàu có; Kẻ cố gắng là người có chí (trích Đạo Đức Kinh, chương 33). Cũng trong Đạo Đức Kinh, chương 46, Lão Tử nói: 禍莫大於不知足,咎莫大於欲得。故,知足之足,常足矣。Phiên âm: Họa mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư dục đắc. Cố, tri túc chi túc, thường túc hĩ. Dịch Việt: Họa không gì lớn bằng không biết đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều. Cho nên đủ là biết đủ, tất luôn luôn đủ. Trong bài thơ Chữ Nhàn, cụ Nguyễn Công Trứ cũng đã khẳng định: 知足便足, 待足何時足, 知閑便閑, 待閑何時閑? Phiên âm: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc, Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn? Dịch Việt: Biết đủ là đủ, mong đủ bao giờ mới đủ. Biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn.

Người biết tự mình thay đổi, tự mình cố gắng tất sẽ sống trường thọ.

4. KHẨU 口 nghĩa là con đường cần để ra vào. Bàn rộng: Ai biết đi con đường ngay chính, người ấy sẽ sống lâu. TrongĐạo Đức Kinh, chương 33, Lão Tử nói: 不失其所者久。 Phiên âm: Bất thất kỳ sở giả cửu. Dịch Việt: Không mất nơi chốn của mình thì được trường tồn. Nơi chốn đây chính là Đạo, là con đường dẫn đến Chân – Thiện – Mỹ. Vậy để trường thọ, con người phải luôn khao khát tìm kiếm Chính Đạo.

5. THỐN 寸 nghĩa là ngắn ngủi. Bàn rộng: Cuộc đời con người thật là ngắn ngủi. Đem ba vạn sáu ngàn ngày của con người so với sự trường tồn của đất trời thì có đáng gì đâu. Trong Đạo Đức Kinh, chương 33, Lão Tử nói: 死而不亡者壽。Phiên âm: Tử nhi bất vong giả thọ. Dịch Việt: Chết mà không mất là sống lâu. Chết không mất Đạo nghĩa là cùng trường tồn với Đạo. Đời người là hữu vi, Đạo là vô vi. Khi hữu vi hòa cùng vô vi thì vạn vật quy tụ về với Đạo.

Theo Đạo Đức Kinh, chương 33, THỌ là:

知人者智,

自知者明﹔

勝人者有力,

自勝者強。

知足者富。

強行者有志。

不失其所者久。

死而不亡者壽。

Phiên âm Hán Việt

Tri nhân giả trí,

Tự tri giả minh;

Thắng nhân giả hữu lực,

Tự thắng giả cường.

Tri túc giả phú.

Cường hành giả hữu chí.

Bất thất kỳ sở giả cửu.

Tử nhi bất vong giả thọ.

Dịch Việt

Biết người là người khôn ngoan,

Tự biết mình là người sáng suốt.

Thắng được người là có sức mạnh,

Thắng được mình là người kiên cường.

Kẻ biết đủ là người giàu có;

Kẻ cố gắng là người có chí.

Không mất nơi chốn của mình thì được trường tồn;

Chết mà không mất là sống lâu.

Dịch Tiếng Anh (Translated by Charles Muller, Tōyō Gakuen University)

Those who know others are wise.

Those who know themselves are enlightened.

Those who overcome others require force.

Those who overcome themselves need strength.

Those who are content are wealthy.

Those who persevere have will power.

Those who do not lose their center endure.

Those who die but maintain their power live eternally.

Hiểu ch THỌtheo niềm tin Kitô giáo

Theo chiết tự, người được gọi là THỌ 壽 khi hội đủ ý nghĩa từ năm từ: sĩ 士, công 工, nhị 二, khẩu 口, thốn 寸. Trong đó:

1. SĨ 士 là người có phẩm hạnh. Bàn rộng: Người có phẩm hạnh là người có nết tốt, có đức hạnh. Người có phẩm hạnh biết kính trên nhường dưới, biết thờ kính cha mẹ, biết tuân giữ đạo nghĩa. Với người có phẩm hạnh, phần thưởng của họ là được sống lâu và sống hạnh phúc: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi (Đnl 5,16)”. “Anh (em) phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh (em); như vậy anh (em) và con cháu anh (em) sau này sẽ được hạnh phúc, và anh (em) sẽ được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), vĩnh viễn ban cho anh (em) (Đnl 4,40)”.

2. CÔNG 工 nghĩa là làm việc cách khéo léo. Bàn rộng: Người làm việc khôn khéo luôn theo đuổi sự công chính và điều nhân nghĩa, biết khinh chê lợi lộc bất chính. Phần thưởng của người làm việc khôn khéo là được sống lâu trong vinh dự: “Người theo đuổi công chính và nhân nghĩa, sẽ được sống lâu và vinh dự (Cn 21,21)”. “Kẻ hám lợi làm tan hoang nhà cửa, người khinh chê quà hối lộ sẽ được sống lâu (Cn 15,27)”.

3. NHỊ 二 nghĩa là thay đổi. Bàn rộng: Con người cần biết thay đổi theo hướng tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh, không bị khủng hoảng trước sự đổi mới. Trong thư gửi tín hữu Híp-ri, Thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu về việc đổi mới cuộc sống và hãy tin tưởng rằng chúng ta luôn có Chúa ở cùng trong mọi hoàn cảnh: Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ(hoàn cảnh càng khó khăn, càng cần thắt chặt tình huynh đệ trong cộng đoàn). Anh em đừng quên lòng hiếu khách – ngày xưa việc đi lại khó khăn, người đi đường xa luôn cậy nhờ vào lòng hiếu khách. Ở làng quê Việt Nam ngày xưa, trước nhà thường có lu nước để chủ nhà tiện dùng và để khách qua đường uống nước, rửa mặt. Ngày nay, một số nơi đã tái hiện lại bằng bình nước hay bình trà miễn phí, bằng bánh mì hay bữa cơm miễn phí.

Thánh Phaolô còn dặn dò: “Anh em hãy nhớ đến những người bị xiềng xích… Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân… Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ (tri túc 知足: biết đủ), vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!, đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được? (Hr 13,1-6)”

4. KHẨU 口 nghĩa là con đường cần để ra vào. Bàn rộng: Ai biết đi con đường ngay chính thì người ấy sẽ sống lâu. Bởi vì: “Anh em hãy đi đúng con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu (Đnl 5,33)”. Trong sách Đệ Nhị Luật, con đường của Đức Chúa chính là Mười Điều Răn. Nơi Chúa Giêsu, con đường của Đức Chúa là chính Người: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6)”. Con đường của Chúa Giêsu được thể hiện qua Điều Răn Mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13,34)”. Đến với Chúa Giêsu và làm theo điều Người dạy để mưu cầu sự trường thọ, bởi lẽ: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi (Ga 10,27-28)”.

5. THỐN 寸 nghĩa là ngắn ngủi. Bàn rộng: Cuộc đời con người thật là ngắn ngủi, ai có cách sống chừng mực tất sẽ được trường thọ. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô kêu gọi mọi người cảnh giác với giá trị tương đối của cuộc đời ngắn ngủi: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi (1Cr 7,29-31)”. Người biết sống chuẩn mực thì dẫu có chết đi cũng không mất mà để lại cho cuộc đời tấm gương về lòng cao thượng và hình ảnh đáng nhớ về nhân đức (x. 2Mcb 6,31).

Đầu năm bàn về chữ Thọ

Lời kết

Sống thọ không phải là sống lâu ở trần gian mà sống trong niềm hạnh phúc và vinh dự vì có Chúa ở cùng. Xin được lấy ý trong sách Giảng Viên để kết thúc ý nghĩa của chữ THỌ: “Êm dịu thay ánh sáng, hạnh phúc thay cặp mắt được thấy ánh mặt trời! Người nào được sống lâu năm, tận hưởng đi cho sướng; nhưng phải nhớ rằng những chuỗi ngày đen tối sẽ dài lâu và những gì sẽ đến đều là phù vân cả. Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ: cứ chiều theo ước muốn của lòng mình và những gì mắt mình ưa thích. Nhưng bạn phải biết rằng: về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử. Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn, khử trừ đớn đau khỏi thân xác, vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả (Gv 11,7-10)”.

Trong Thánh lễ ngày mùng 2 Tết, Giáo hội Việt Nam đã thể hiện nét hội nhập văn hóa qua việc dành ý lễ kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ: xin cho những vị còn sống được phúc thọ song toàn trong niềm vui có Chúa ở cùng, cầu cho những vị đã qua đời được Chúa thương tha mọi hình phạt hầu được mau hưởng kiến vinh phúc muôn đời trong Nhà Thiên Chúa.

Chiều 30 Tết Đinh Dậu (27.1.2017)

Michel Nguyễn Hạnh