Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (4)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 653 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

YÊU THƯƠNG BẰNG HÀNH ĐỘNG

"Bấy giờ Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: 'Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm'."
(Lc 23,34)


Tân Ước đã ghi lại lời cầu nguyện của Ðức Giêsu trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm". Không một đoạn văn nào trong Tân Ước đã nói lên một cách rõ ràng và trang trọng nhất tâm hồn cao thượng của Ðức Giêsu cho bằng đoạn văn này. Ðây đích thực là đỉnh cao của tình yêu.


Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của lời cầu nguyện này một khi ghi nhận đoạn Tin Mừng bắt đầu bằng hai chữ "Bây giơø". Trong câu trước, chúng ta đọc: "Khi đến nơi gọi là 'Ðồi Sọ', họ đóng đinh Người vào thập giá cùng hai tên gian phi, một tên bên phải một tên bên trái. Bấy giờ Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: 'Lạy Cha, xin tha cho họ '" (Lc 22,33-34). "Bây giờ" là lúc Ðức Giêsu đang ở tận đáy vực thẳm của cơn hấp hối. "Bây giờ" là lúc Con Người bị hạ nhục và chà đạp không chút tiếc thương. "Bây giơø" là lúc Ðức Giêsu phải chết nhục nhã trên thập giá. "Bây giờ" là lúc các thọ tạo là những con người tội lỗi đã dám đóng đinh Con Một Thiên Chúa trên thập giá. "Bây giờ" là lúc Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ... ". Cái thời điểm "bây giờ" có thể đã khác đi. Ðức Giêsu đã có thể cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin ra tay báo oán" hoặc "Lạy Cha, xin trút cơn thịnh nộ xuống trên đầu quân phản loạn và tiêu diệt chúng ...". Nhưng Ðức Giêsu đã không cầu nguyện như vậy. Mặc dầu phải chịu hấp hối lâu dài và đau đớn khôn xiết, bị khinh miệt và bị chối bỏ, nhưng Người cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ..."


Từ đoạn Tin Mừng này, chúng ta rút ra được hai bài học căn bản sau đây.


I


Thứ nhất, Ðức Giêsu đã nối kết một cách tuyệt vời lời nói và việc làm. Một trong các thảm kịch của cuộc sống là rất ít khi con người nối kết lý thuyết và thực hành, lời nói và việc làm. Trong chúng ta, nhiều người mắc chứng bệnh tâm thần phân lập mãn tính. Một mặt, chúng ta huênh hoang đưa ra một số nguyên tắc nào đó, vừa cao thượng vừa thanh cao; mặt khác, chúng ta hành động hoàn toàn trái với các nguyên tắc này. Rất nhiều khi chúng ta tỏ ra là những người thừa lời nhưng thiếu máu, nói nhiều nhưng làm ít. Chúng ta mạnh mẽ tuyên bố cần phải dấn thân sống theo các đạo lý Kitô giáo nhưng lại chạy theo các trò mê tín dị đoan của dân ngoại. Chúng ta gắn bó với nền dân chủ nhưng lại hành động trái với nguyên tắc dân chủ. Chúng ta lớn tiếng cổ võ hòa bình nhưng lại kiên trì chuẩn bị chiến tranh. Chúng ta hùng hồn biện minh cho công lý nhưng lại cố tình đi theo con đường dẫn tới bất công. Sự phân lập kỳ lạ, cái hố sâu giữa "cái phải có" và "cái hiện có" nói lên tính cách bi thảm của cuộc đời lữ thứ trần gian.


Nhưng trong đời sống Ðức Giêsu, chúng ta nhận thấy rằng cây cầu đã nối bờ bên này với bờ bên kia và, trong lịch sử nhân loại, sẽ không bao giờ có một điển hình nào sáng chói hơn về một con người đã nối kết lời nói và việc làm. Rảo khắp các làng mạc miền Galilê rạng rỡ ánh mặt trời, Ðức Giêsu đã khẩn thiết kêu gọi mọi người phải biết tha thứ và điều này đã gây thắc mắc cho ông Phêrô. Ông đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?". Ông Phêrô muốn trung thành với lề luật và tính số lần như luật dạy. Nhưng Ðức Giêsu trả lời: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy" (Mt 18,21). Nói cách khác, tha thứ không phải là vấn đề số lượng mà là vấn đề chất lượng. Một người có thể tha thứ 490 lần nhưng lại không để cho tha thứ thâm nhập vào lòng mình. Tha thứ không phải là một hành vi vào một thời khắc nhất định nhưng là một thái độ thường xuyên.


Ðức Giêsu cũng dạy các môn đệ phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi họ. Ðối với nhiều người, lời dạy này cũng xa lạ như một ca khúc đến từ một phương trời xa xăm. Người ta đã dạy họ phải yêu bạn ghét thù và xử sự theo luật báo oán là luật từ lâu đã chi phối lối sống của họ. Còn Ðức Giêsu dạy họ phải yêu kẻ thù và chỉ có tình yêu sáng tạo này mới làm cho họ trở nên con cái của Thiên Chúa là Cha, Ðấng ngự trên trời, đồng thời yêu thương và tha thứ là những yếu tố cần thiết cho sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng.


Khi đến giờ thử thách, Ðức Kitô, Con Một vô tội của Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh trên thập giá, hấp hối lâu giờ, đau đớn khôn xiết. Vào giờ này hỏi còn có yêu thương và tha thứ nữa không? Ðức Giêsu sẽ phản ứng thế nào? Người sẽ nói gì? Câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ vang dội trời đất khi Ðức Giêsu, đầu đội vòng gai, ngẩng đầu lên và cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ chẳng biết việc họ làm". Ðây là giờ đẹp nhất của Ðức Giêsu, là câu trả lời của Ðấng từ trời xuống thế khi phải đương đầu với định mệnh trong cuộc sống trần gian.


Chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa cao cả của lời cầu nguyện này khi so sánh nó với thiên nhiên. Ðược cấu trúc để hướng tới mục đích của nó, thiên nhiên không tha thứ. Trước lời kêu van thống thiết của một con người rơi vào tâm bão hay tiếng kêu thét não nùng của người công nhân rơi từ giàn giáo xuống đất, thiên nhiên vẫn dửng dưng bình thản, lạnh lùng không chút cảm thương. Thiên nhiên mãi mãi trung thành với các quy luật tất định. Khi các quy luật này không được tuân thủ, thiên nhiên không có cách nào khác là đi theo con đường đã định. Thiên nhiên không tha thứ vì không biết tha thứ. Hay chúng ta hãy so sánh lời cầu nguyện của Ðức Giêsu với sự chậm chạp của con người khi phải tha thứ. Chúng ta sống theo một thứ triết lý mà phương châm là báo oán và giữ thể diện. Chúng ta phủ phục trước bàn thờ Thần Báo Oán. Tại Gaza, ông Samson mù lòa đã tha thiết cầu nguyện cho kẻ thù ? nhưng để tiêu diệt họ. Giấc mộng báo oán luôn ám ảnh con người và không ngừng làm hoen ố vẻ đẹp của cuộc sống.


Hay chúng ta hãy so sánh lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với sự chậm chạp của xã hội khi phải tha thứ. Xã hội có các chuẩn mực và các quy định của riêng mình. Xã hội có các phương tiện kiểm soát và ngăn ngừa theo luật định. Kẻ nào ở dưới mức đã được quy định, kẻ nào vi phạm luật pháp thường rơi vào vực thẳm tối tăm, tức là bị kết án và không còn hy vọng có được một cơ may thứ hai. Hãy hỏi một người phụ nữ trẻ, trong một phút đam mê tột độ, đã làm mẹ một đứa con hoang. Cô sẽ trả lời bạn rằng xã hội tỏ ra chậm chạp khi phải tha thứ. Hãy hỏi một người công chức, trong một phút lơ đãng, đã phản bội niềm tin tưởng của người dân. Ông sẽ trả lời bạn rằng xã hội tỏ ra chậm chạp khi phải tha thứ. Hãy đến một trại giam và hỏi các tội nhân là những người đã viết những trang đáng hổ thẹn trong cuốn sách cuộc đời. Họ sẽ trả lời bạn rằng xã hội tỏ ra chậm chạp khi phải tha thứ. Hãy đến khu biệt giam dành cho các tử tù là những nạn nhân đáng thương của tội ác. Trong khi chờ đợi lên ghế điện, họ sẽ trả lời bạn một cách đầy thất vọng rằng xã hội tỏ ra chậm chạp khi phải tha thứ. Án tử hình là lời khẳng định cuối cùng qua đó xã hội nói lên rằng xã hội không tha thứ.


Lịch sử nhân loại là thế đó. Lịch sử nhân loại là một đại dương không ngừng bị khuấy động bởi các đợt sóng dâng cao là hận thù và báo oán. Con người không bao giờ vươn lên trên quy luật báo oán: "Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân" (Xh 21, 23). Lịch sử nhân loại cho thấy biết bao quốc gia bị tàn phá, biết bao con người bị tiêu diệt chỉ vì đi theo con đường hão huyền này!


Trên thập giá, Ðức Giêsu đã long trọng công bố một luật trổi vượt hơn. Người biết rằng luật cũ "mắt đền mắt" sẽ làm cho mọi người bị mù. Người đã không tìm cách thắng sự dữ bằng sự dữ nhưng thắng sự dữ bằng sự lành. Bị đóng đinh vì hận thù, Người đáp lại bằng tình yêu.


Ðây quả thật là một bài học cao quý! Các thế hệ có thể sinh ra và biến mất, con người có thể tôn thờ và phủ phục trước bàn thờ Thần Báo Oán, nhưng một lời mời gọi thống thiết luôn mãi đến với chúng ta từ bài học trên Ðồi Sọ: chỉ có lòng nhân ái mới có thể tiêu diệt tận căn sự dữ; chỉ có tình yêu mới có thể thắng được hận thù.


II


Thứ hai, Ðức Giêsu cho chúng ta thấy Người biết rõ con người quả thật mù quáng về nhận thức và đạo đức. "Họ không biết việc họ làm!". Sự dữ làm họ trở nên mù quáng và điều họ cần chính là ánh sáng. Chúng ta phải nhìn nhận rằng Ðức Giêsu đã phải chịu đóng đinh trên thập giá không chỉ vì tội lỗi mà còn vì sự mù quáng của con người. Những người đã gào thét: "Ðóng đinh nó vào thập giá!" thật ra là những người mù quáng hơn là những người xấu. Ðám đông dân chúng chế diễu Ðức Giêsu dọc theo đường lên Núi Sọ thật ra là những người mù quáng hơn là những người độc ác. "Họ không biết việc họ làm!". Ðây quả thật là một thảm kịch!


Lịch sử nhân loại cung cấp cho chúng ta nhiều ví dụ về thảm kịch này. Cách đây nhiều thế kỷ, triết gia Socrate đã phải uống thuốc độc. Những người kết án ông không phải là những người mang trong mình dòng máu ác quỷ nhưng là những công dân Hy Lạp đáng kính và trung thực. Họ xác tín rằng Socrate là một kẻ vô thần vì quan niệm của ông về Thượng Ðế trổi vượt quan niệm thông thường của họ. Socrate bị kết án tử hình bởi những con người mù quáng hơn là bởi những con người độc ác. Ông Saolô đã không có tà ý khi bắt bớ các Kitô hữu. Ông xác tín rằng ông đã đi đúng đường. Ông ngược đãi các Kitô hữu không phải vì ông thiếu ý ngay lành nhưng vì ông thiếu ánh sáng. Các Kitô hữu đã dấn thân vào con đường bách hại, lên án và giết hại những người lạc giáo không phải vì họ là những con người xấu nhưng vì họ không được hướng dẫn tốt. Các giáo sĩ nghĩ rằng họ có nhiệm vụ chống lại cuộc cách mạng Copernic hay thuyết tiến hóa của Darwin; họ không phải là những người hướng chiều về đường xấu nhưng là những người thiếu thông tin. Và như vậy, các lời của Ðức Giêsu đã được in khắc rõ nét trên một trong số các thảm kịch bi đát nhất của lịch sử: "Họ không biết việc họ làm!".


Ngày nay, sự mù quáng bi thảm này mang nhiều hình thức khác nhau. Một số người nghĩ rằng chiến tranh là câu trả lời cho các vấn đề của thế giới này. Họ không phải là những người xấu. Trái lại, họ là những công dân tốt, đáng kính trọng, có tinh thần yêu nước. Họ chủ trương dùng chính sách khủng bố để tạo thế quân bình lực lượng. Họ xác tín rằng chạy đua vũ trang sẽ đem lại nhiều hậu quả tốt hơn là hậu quả xấu. Vì thế, họ không ngừng đòi hỏi chế tạo nhiều bom đạn tối tân hơn, tăng thêm số kho dự trữ vũ khí hạt nhân và số hỏa tiễn có vận tốc nhanh hơn.


Nhưng kinh nghiệm thường làm chúng ta trở thành khôn ngoan hơn và nhận thấy rằng, ngày nay, chiến tranh đã lỗi thời. Có một thời chiến tranh được xem như là một phương tiện ít xấu hơn có khả năng hạn chế và ngăn ngừa sự phát triển của một sức mạnh xấu. Nhưng sức tàn phá của các vũ khí tối tân hiện nay đã loại trừ ngay cả khả năng này của chiến tranh. Nếu chúng ta nhìn nhận rằng cuộc sống là đáng sống và con người có quyền tồn tại, thì chúng ta phải tìm một giải pháp khác thay thế chiến tranh. Vào một thời đại mà các vệ tinh bay vào vũ trụ và các hỏa tiễn điều khiển từ xa có khả năng tìm các mục tiêu để hủy diệt, thì không một quốc gia nào dám chắc giành được chiến thắng. Một cuộc chiến tranh được gọi là "có giới hạn" cũng chỉ để lại đổ nát, đau khổ, xáo trộn chính trị và vỡ mộng. Một cuộc chiến tranh toàn cầu -- cầu xin Thiên Chúa gìn giữ chúng ta khỏi một cuộc chiến tranh như thế! -- cũng chỉ để lại một ngọn lửa cháy âm ỉ dưới đống tro tàn như một chứng tích của nhân loại điên rồ đang làm mình phải chết yểu.


Cũng có người xác tín một cách thành thực rằng giải trừ quân bị là điều xấu và thương thuyết trên chính trường quốc tế là điều ghê tởm, mất thời giờ. Thế giới chúng ta bị đe dọa bởi viễn cảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân, bởi vì có quá nhiều người không biết việc họ làm.


Ðoạn Tin Mừng này cũng cho chúng ta biết sự thật trong tương quan giữa các chủng tộc tại quốc gia này. Chế độ nô lệ đã tồn tại tại châu Mỹ không chỉ vì sự độc ác mà còn vì sự mù quáng của con người. Thật vậy, nguyên nhân căn bản của chế độ nô lệ, trong một mức độ rộng lớn, có thể là một nguyên nhân thuộc lãnh vực kinh tế. Nhiều người đã xác tín rằng một chính sách kinh tế hữu hiệu về mặt lợi nhuận như thế cần phải được biện minh về mặt đạo đức. Họ đã đề ra lý thuyết về tính ưu việt chủng tộc và đã mặc cho lý thuyết hiển nhiên sai lầm này một bộ áo lộng lẫy về mặt lý luận. Cố gắng biện minh về mặt đạo đức cho một hệ thống kinh tế đem lại lợi nhuận đã dẫn đến học thuyết ưu việt của chủng tộc da trắng. Tôn giáo và Sách Thánh đã được viện dẫn để duy trì tình trạng như hiện có. Người ta cũng vận dụng khoa học để chứng minh tính thấp kém của người da đen. Luận lý học cũng được "thao tác" để làm cho chế độ nô lệ có được tính khả tín về mặt lý luận. Có ai đó đã chứng minh tính thấp kém của người da đen bằng một công thức tam đoạn luận theo đúng quy cách của Aristote:


Mọi người đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa;
mà, như mỗi người đều biết,
Thiên Chúa không phải là một người da đen;
vậy người da đen không phải là một con người
.


Người ta đã khôn khéo liên kết các yếu tố tôn giáo, khoa học và triết học để biện hộ cho tính ưu việt của người da trắng. Sau đó, học thuyết này được đưa vào sách giáo khoa, và, trong thực tế, được giảng dạy trong các trường học, để cuối cùng trở thành một nhân tố của nền văn hóa châu Mỹ. Người ta xem học thuyết này như là một sự thật thay vì như một lời dối trá được hợp lý hóa. Người ta xác tín một cách thành thực rằng, do bởi bản chất, người da đen thua kém người da trắng và chế độ nô lệ chính là điều Thiên Chúa muốn. Năm 1857, các cuộc tranh luận tại các Tòa Án Tối Cao Hiệp Chủng Quốc và phán quyết Dred Scott đã "hợp thức hóa" chế độ nô lệ. Tòa Án Tối Cao đã tuyên bố rằng người da đen không có một quyền nào mà người da trắng buộc phải tôn trọng. Các thẩm phán đưa ra phán quyết này không phải là những người hư hỏng. Trái lại, họ là những người đáng kính và tận tụy. Nhưng họ là nạn nhân của sự mù quáng về trí tuệ cũng như về tinh thần. Họ không biết việc họ làm. Chế độ nô lệ đã tồn tại được phần lớn là do những người trung thực nhưng mù quáng.


Chúng ta cũng nhận thấy được sự mù quáng này nơi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là bà con họ hàng với chế độ nô lệ. Một số người hăng say bảo vệ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chứng tỏ họ là những người trung thực về xác tín và nghiêm túc về động cơ thúc đẩy họ hành động. Mặc dầu một số người theo chủ nghĩa này chỉ vì đây là cơ hội đem lại lợi ích chính trị và nhất là kinh tế, nhưng toàn bộ cuộc chiến chống lại hòa hợp chủng tộc không phải chỉ được điều khiển ở hậu trường bởi một nhóm người "ngoan đạo chuyên nghiệp". Người ta nghĩ rằng cố gắng duy trì phân biệt chủng tộc là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích của bản thân, con cái và quốc gia họ. Nhiều người trong số họ năng lui tới nhà thờ, bén rễ trong niềm tin tôn giáo của cha ông họ. Khi phải chứng minh rằng lập trường của họ có cơ sở về mặt tôn giáo, họ quả quyết rằng Thiên Chúa là "người phân biệt chủng tộc đầu tiên": "Chim đỏ không bay cùng đàn với chim xanh". Họ nhấn mạnh rằng lập trường của họ còn có thể giải thích được một cách hợp lý và còn có nền tảng luận lý nữa. Khi phải biện minh cho lập trường của họ về sự thấp kém của người da đen, họ không ngần ngại dựa vào một nghiên cứu nào đó gọi là có cơ sở khoa học để khẳng định rằng bộ não của người da đen nhỏ hơn bộ não của người da trắng. Họ không biết hay không muốn biết rằng khái niệm về một chủng tộc thấp kém hay ưu việt đã bị bác bỏ bởi khoa nhân học. Các nhà nhân học có uy tín như Ruth Benedict, Margeret Mead và Melville J. Herskovits đã nhất trí kết luận rằng có thể có những cá nhân thấp kém hay ưu việt trong một chủng tộc, chứ không có một chủng tộc thấp kém hay ưu việt so với chủng tộc khác. Các người phân biệt chủng tộc từ chối chấp nhận điều mà khoa học đã chứng minh: có bốn nhóm máu và nhóm máu này có thể tìm thấy trong bất cứ chủng tộc nào. Họ tin một cách mù quáng vào giá trị vĩnh cữu của một điều xấu có tên gọi là phân biệt chủng tộc, vào sự thật trường tồn của một huyền thoại là tính ưu việt của người da trắng. Ðây quả thật là một thảm kịch! Nhiều triệu người da đen đã chịu đóng đinh bởi những con người mù quáng. Cùng với Ðức Giêsu trên thập giá, chúng ta phải nhìn những người ngược đãi chúng ta với đôi mắt đầy tình thương và nói: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm!".


III


Từ những gì tôi đã cố gắng trình bày, điều rõ ràng là tính thành thực và sự hiểu biết tự chúng không đủ. Lịch sử đã chứng minh rằng những đức tính cao trọng này có thể biến thành những nết xấu tai hại. Trong thế giới này, không có gì nguy hiểm cho bằng thành tâm trong ngu dốt và ngốc nghếch trong hiểu biết. Shakespeare đã viết:


"Bởi vì khi hành động, những điều ngọt ngào nhất trở thành cay đắng. Mùi hoa huệ rữa thối còn thối hơn cả mùi cỏ dại".


Bổn phận thứ nhất của Giáo Hội là bảo vệ nền luân lý của cộng đồng, vì thế, Giáo Hội van nài mọi người phải sống tốt lành và ngay thẳng, đồng thời Giáo Hội đề cao các nhân đức làm cho chúng ta có được một con tim của trẻ thơ và một lương tâm nhạy bén. Nhưng vào một giai đoạn nào đó trong cuộc lữ hành, Giáo Hội cũng phải nhắc cho con người biết rằng sự thiếu hiểu biết, thiếu nhân ái và lương tri, có thể trở thành một sức mạnh tàn bạo dẫn đến việc đóng đinh nhiều người. Giáo Hội không bao giờ được phép ngừng nhắc nhở cho con người biết rằng họ phải là những con người thông minh.


Chúng ta phải nhìn nhận rằng phải chăng Giáo Hội thường sao nhãng bổn phận giáo huấn này? Và có khi Giáo Hội cũng đã nói như thể ngu dốt là một nhân đức, và thông minh là một tật xấu. Qua thái độ hẹp hòi, cố chấp đối với một sự thật mới, một cách vô ý thức, Giáo Hội thường khuyến khích các tín hữu có một thái độ lệch lạc về sự hiểu biết.


Nhưng nếu chúng ta nhận mình là Kitô hữu, thì tốt nhất chúng ta phải tránh đừng để mình trở nên mù quáng về hiểu biết và đạo đức. Toàn bộ Tân Ước nhắc cho chúng ta biết rằng hiểu biết là điều cần thiết. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không chỉ hết lòng, hết linh hồn mà còn hết trí khôn nữa. Sau khi nhắc lại sự mù quáng của các địch thủ, thánh Phaolô tuyên bố: "Tôi làm chứng cho họ là họ nhiệt thành đối với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt" (Rm 10,2). Sách Thánh không ngừng cảnh giác chúng ta về nguy cơ một lòng nhiệt thành không s&a