Hạnh phúc ai bán mà mua

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 634 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

“Il faut s’imaginer Sisyphe heureux”

(Phải tưởng tượng Sisyphe hạnh phúc)

Albert Camus

 

1. Sisyphe là nhân vật thần thoại Hy Lạp. Chàng phát hiện hành vi mờ ám và tồi bại của một ông thần chóp bu (Egine, con gái của Asope, bị thần Jupiter, tức thần Zeus bắt cóc) và bị trả thù. Hình phạt dành cho chàng (tại sao chống tiêu cực không được thưởng mà bị phạt?) là phải không ngừng hì hục vần một tảng đá lên đỉnh núi, rồi tảng đá lăn xuống, và lại hì hục! Thần linh có khác: họ có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái công việc vô ích và vô vọng. Họ có lý ở chỗ tạo ra được một cái cực phi lý! Khi kể lại thần thoại này bằng giọng văn cảm khái, văn hào Albert Camus viết: “Ta biết từ lâu rằng Sisyphe là một nhân vật phi lý. Chàng tỏ ra phi lý bởi cả những nỗi đam mê lẫn nhục hình của chàng. Thái độ coi thường thần linh của chàng, lòng căm thù cái chết (chàng đã từng bắt trói thần Chết khiến Diêm Vương suýt thất nghiệp!) và lòng ham mê cuộc sống của chàng đã khiến cho chàng phải chịu cái nhục hình khó tả như vậy, cái nhục hình bắt con người ra sức làm mà chẳng làm xong được việc gì. Đó là cái giá phải trả cho những nỗi đam mê trần thế của chàng”.

 

Nhưng câu chuyện không chỉ liên quan đến số phận riêng của một nhân vật thần thoại. Camus lập tức liên tưởng đến thân phận hiện thực của “người công nhân ngày nay, suốt tháng ngày trong cuộc đời của mình, luôn phải làm việc với cùng một nhiệm vụ, và cái số phận cũng chẳng kém phần phi lý”. Những người Pháp đồng hương với Camus mô tả sống động dòng đời buồn chán, vô nghĩa ấy là “métro, boulot, dodo” (tàu điện, quần quật, lăn ra ngủ, rồi cứ thế lặp lại). Nhịp sống ấy, suy rộng ra, đúng cho mọi kiếp người!

 

Vậy, hạnh phúc ở đâu, hay, hỏi như Camus và như… muôn thuở: cuộc đời có đáng sống không? Trước câu hỏi “hiện sinh” ấy, tác giả đáng yêu của chúng ta đề nghị ba giải pháp: tự tử, tín ngưỡng và nổi dậy phản kháng. Trước hết, tự tử để chết quách cho xong (Camus là tác giả của luận đề nổi tiếng: “Tự tử là tối đại vấn đề của triết học!”), là thừa nhận rằng cái phi lý mạnh hơn con người. Không được! Tiếp theo, tín ngưỡng hứa hẹn mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, nhưng bằng cách triển hạn niềm “an ủi” ấy và kiếp sau, không ai có thể kiểm chứng được. Nghĩa là, cái phi lý chỉ được treo lại, được “bỏ trong dấu ngoặc”.

 

Sau cùng, chỉ còn giải pháp thứ ba: nổi dậy phản kháng. Con người không thể chấp nhận, mà phải kiên quyết chống lại, không cho phép cái phi lý thống trị kiếp người. Nhưng, sự phản kháng này chỉ có thể bắt đầu khi nào? Camus viết: “Chính trong thời gian chàng được nghỉ ngơi khi quay xuống chân núi là lúc khiến tôi quan tâm (…). Tôi nhìn thấy chàng quay xuống núi và bước đi nặng nề nhưng bình thản để đến với khổ hình không biết bao giờ kết thúc. Thời điểm này là lúc hít thở. Nó thuộc về chàng cũng chắc chắn như nỗi bất hạnh của chàng: thời điểm của ý thức. Tại mỗi thời điểm như vậy, chàng vượt cao hơn số phận; chàng mạnh hơn tảng đá của đời chàng”.

 

Sisyphe trở thành một huyền thoại: con người đạt được hạnh phúc vào chính lúc nổi dậy phản kháng sự phi lý, biết rằng nỗ lực của mình là vô vọng, nhưng có thể vượt qua nó bằng sự kiêu hãnh và khinh miệt. Tuy không thể xóa bỏ bản thân sự phi lý như xóa bỏ nhưng khó khăn, bất hợp lý vặt vãnh, tuy biết rằng nhiệm vụ rất gian nan, nhưng khi dám đương đầu và thách thức với số phận, cuộc chiến đấu ấy “đủ sưởi ấm và làm viên mãn trái tim người”: Cần phải tưởng tượng rằng Sisyphe hạnh phúc!”.

 

2. Trở lên là một trong những thái độ mà con người có thể lựa chọn trước câu hỏi về khổ đau và hạnh phúc. “Phải tưởng tượng Sisyphe hạnh phúc!” là câu nói sâu thẳm của Camus, vì ông biết đặt hạnh phúc vào trong khuôn khổ hữu hạn của thân phận con người. Mọi nỗ lực định tính, tức đi tìm một định nghĩa nhằm xác định nội dung cho hạnh phúc, buồn thay, đều là công dã tràng, không khác mấy việc làm của Sisyphe! Không phải do con người kém thông minh (từ ngàn đời nay, có biết bao nhiêu nhà tư tưởng!), mà do đặc tính kỳ lạ của bản thân sự việc. Hạnh phúc, cũng như nhiều khái niệm hệ trọng khác đối với con người, chẳng hạn: chân, thiện, mỹ…, xét đến cùng, đều trượt khỏi bàn tay con người. Hãy lấy một ví dụ. Ta có thể định nghĩa hay đề ra năm tiêu chuẩn của chân lý: nó phải nhất quán, hiển nhiên, được đồng thuận rộng rãi, hữu ích và là mục đích tối hậu của mọi sự tìm tòi. Nhưng, câu hỏi còn lại vẫn là: nó có phải là… chân lý không? Tấm vé số nào cũng đáp ứng năm điều kiện ấy cả, nhưng không phải ai cũng có thể trúng số! Ông triết gia hoài nghi Sextus Empiricus (200-250) thấy điều ấy từ lâu: “Trong hang tối mò có nhiều người đi tìm vàng. Người nào cũng tìm được một thỏi, tin là vàng, nhưng không ai dám chắc, dù đang nắm trong tay! Cũng thế, hàng đàn những triết gia sinh ra đời như trong hang tối để đi tìm chân lý. Khôn ngoan là: ngay người nào đã nắm được chân lý trong tay, cũng nên nghi ngờ rằng có chắc thế không”. Cái gì là chân, thiện, mỹ, hạnh phúc… thì phải tự thân nó là như thế chứ không phải do mình tin là như thế! Cái trượt ra khỏi bàn tay con người ấy thường được gọi là tính trội (supervenient) của sự việc và nằm ngoài tầm với của con người.