Lời khuyên của Tin Mừng về việc đối phó với các thế lực thù địch (CN Lễ Lá, Năm C)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 213 | Cật nhập lần cuối: 4/8/2022 8:42:36 AM | RSS

Lời khuyên của Tin Mừng về việc đối phó với các thế lực thù địch (CN Lễ Lá, Năm C)Trong hơn một tháng qua, chúng ta đã chứng kiến ​​các cuộc xâm lược và tấn công của Nga ở Ukraine với vô số người dân vô tội thiệt mạng. Đọc Tin Mừng hôm nay dưới góc nhìn của những hành động tàn bạo này, thu hút sự chú ý của chúng ta đến cách phản ứng của chúng ta với các thế lực thù địch, bạo lực vô cớ và các vấn đề liên quan đến những tuyên bố và thông tin sai lệch.

Hôm nay chúng ta nghe những lời tường thuật của thánh Luca về Bữa Tiệc Ly, về sự phản bội, việc Chúa Giêsu bị bắt tại Núi Ôliu, cuộc xét xử của Chúa Giêsu trước tổng trấn Philatô và vua Hêrôđê và việc Ngài bị đóng đinh và chịu chết. Trong đoạn Tin Mừng, thánh sử Luca nêu ra một số chi tiết độc đáo phần nào thể hiện khả năng lãnh đạo của Chúa Giêsu, đặc biệt là trong những thời khắc căng thẳng, và thánh Luca cũng nhấn mạnh đến nỗi đau và sự bất công liên quan đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Trong khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng một trong số họ sẽ phản bội Ngài, thì các môn đệ lại tranh cãi xem ai trong số họ là người lớn nhất, có lẽ họ nhận ra rằng họ cần phải dẫn dắt những người khác theo Chúa Giêsu sau khi Ngài chết. Chúa Giêsu chuyển sự tập trung của họ khỏi việc tranh luận xem ai là người lớn nhất, thay vào đó Ngài nhấn mạnh rằng sự lãnh đạo thực sự đòi hỏi phải phục vụ nhu cầu của cộng đoàn.

Khi các môn đệ - những nhà lãnh đạo tương lai có mặt lúc Chúa Giêsu bị bắt, các ông đã cố gắng bảo vệ Chúa Giêsu, các ông rút ​​gươm và thậm chí đã tấn công các thầy thượng tế và các quan chức dẫn đầu vụ bắt giữ. Một môn đệ đã chém đứt tai tên đầy tớ của thầy thượng tế, bênh vực Chúa Giêsu và sẵn sàng chiến đấu chống lại sự bất công. Nhưng trong lúc hỗn loạn, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Thôi, ngừng lại”, Ngài kêu gọi chấm dứt bạo lực. Theo thánh Luca, Chúa Giêsu sau đó chữa lành tai của người đầy tớ. Ngài đã làm gương cho việc chữa lành, phục hồi và tha thứ cho người khác trong bối cảnh thù địch và bị tấn công.

Rõ ràng, tình huống được nêu một cách chi tiết trong Tin Mừng không giống với các cuộc tấn công ở Ukraina, nhưng Tin Mừng đưa ra những hình ảnh phức tạp về sự sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù nhưng vẫn sẵn sàng thể hiện tình yêu thương, ngay cả khi bị tấn công. Việc người đầy tớ được chữa lành có thể cho thấy rằng Chúa Giêsu biết người đầy tớ không đứng đầu cáo buộc chống lại Ngài, vì vậy anh ta không bị trừng phạt vì có mặt lúc Chúa Giêsu bị bắt.

Sử gia Luca hướng sự tập trung của chúng ta vào tính bất công trong việc bắt giữ Chúa Giêsu khi Thánh sử tiếp tục tường thuật Cuộc Thương Khó. Chúa Giêsu bị chế nhạo và bị đánh đập. Ngài bị buộc tội về hành động sai trái và bị đưa ra trước mặt tổng trấn Philatô và sau đó là vua Hêrôđê, sự có mặt của Philatô và Hêrôđê trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê su là nét đặc trưng của thánh Luca. Cả hai nhà lãnh đạo đều kết luận rằng Chúa Giêsu vô tội và không có lý do gì để kết án tử hình Ngài, nhưng đám đông vẫn tiếp tục la to hơn “Đóng đinh nó đi”, điều này cho thấy sự khát máu từ nơi đám đông, họ chẳng quan tâm đến công bằng và cũng chẳng cần biết đến lý do Chúa Giêsu bị kết án.

Thật không may, nhiều người cố ý hoặc vô tình bị làm mù mờ bởi những thông tin sai lệch, bởi sự phẫn nộ và việc tuyên truyền. Chúng ta đang sống với một bộ phận những người không suy nghĩ thấu đáo và chín chắn. Chúa Giêsu nhận ra rằng sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến việc Ngài bị đóng đinh cách bất công, Ngài nói “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”, câu nói này xuất hiện trong một số bản thảo của thánh Luca nhưng không phải tất cả. Trong bối cảnh chiến tranh hiện nay, câu nói của Chúa Giêsu có sự tương đồng với những người đang sống ở Nga và chiến đấu cho đất nước này, họ được thúc đẩy để chiến đấu dựa trên sự dối trá và áp lực chính trị. Như chúng ta biết, sự thiếu hiểu biết nằm ở nhiều cấp độ và liên quan đến nhiều vấn đề gây tranh cãi khác nhau. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta đừng tán thành hoặc chấp nhận bạo lực một cách phi lý, nhưng hãy tìm kiếm sự thật và chống lại sự bất công.

Ngoài việc suy ngẫm về thực tế trong thời đại của chúng ta, việc Phụng vụ đặt bài Tin Mừng này vào Chúa Nhật lễ Lá mời gọi chúng ta đọc bài Thương khó với ý hướng liên kết với bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện về người phụ nữ mà Chúa Giêsu đã không kết tội, người phụ nữ đã được Chúa Giêsu đối xử xứng với phẩm giá và sự tôn trọng. Chúa Giêsu đã làm những điều trái ngược hoàn toàn với những gì Ngài đang phải trải qua, vì Ngài bị lên án, chế giễu và không được tôn trọng. Các nhà lãnh đạo Do Thái đã buộc tội người phụ nữ ngoại tình, và đây cũng là những nhà chức trách đã buộc tội sai sự thật về Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay. Có lẽ bài Tin Mừng hướng chúng ta suy nghĩ lại về người phụ nữ, vì chị ta, giống như Chúa Giêsu, có thể vô tội. Có lẽ Chúa Giêsu không kết án chị ta vì chị ta đã không làm một hành động đáng lên án.

Khi chúng ta chuẩn bị để tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta những cách thế để phản ứng và đối phó với bất công, chiến đấu, cầu nguyện và tạo điều kiện chữa lành. Chúng ta cũng được mời gọi để nhận ra tầm quan trọng của sự thật và công lý, điều này như là những phương thức để ngăn chặn và hàn gắn những bất công trên thế giới.

Jaime L. Waters
Jos. Đăng Vũ

Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (01.04.2022)
Nguồn: hdgmvietnam.com (07.04.2022)