Mẹ của muôn người - Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1041 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Có dịp ngắm nhìn những bộ sưu tập về Đức Trinh nữ Maria ở những thể loại khác nhau như tượng, ảnh và tem, chúng ta sẽ khám phá những điều rất thú vị. Thật là kỳ diệu khi thấy Đức Trinh Nữ thành Nadarét được diễn tả qua mọi nét văn hóa của hầu hết các dân tộc trên thế giới. Các tín hữu ở bất cứ nơi đâu cũng muốn Đức Mẹ mang trang phục đặc trưng của dân tộc mình. Đức Mẹ mang danh xưng của mọi quốc gia, mọi đất nước. Người ta gọi Đức Mẹ là Mẹ Việt Nam, Đức Mẹ Mễ Tây Cơ, Đức Mẹ Ái Nhĩ Lan, Đức Mẹ Áo Quốc. Đặc biệt, có những địa danh đã trở thành nổi tiếng như Fatima, Lộ Đức, La Vang… vì đó là những nơi đã vinh dự được Đức Mẹ tỏ mình ra với dân chúng. Những nơi không được đón Đức Mẹ hiện ra, các tín hữu công giáo khắp nơi vẫn tin rằng Mẹ đang hiện diện nơi xứ sở của mình. Khi tặng cho Đức Mẹ những nét riêng của nền văn hóa, các tín hữu muốn tôn nhận Đức Mẹ là Mẹ của mọi con dân trong đất nước của họ. Vì thế, Đức Maria trở nên gần gũi với mọi người mọi nhà. Đức Mẹ đã trở nên người thân và là Mẹ của muôn người.


Giáo Hội từ thời sơ khai đã sớm nhận ra Đức Trinh Nữ Maria qua nhân vật người phụ nữ mà Thánh Gioan được chiêm ngưỡng và ghi lại trong sách Khải Huyền. Mẹ được giới thiệu như một người phụ nữ vũ trụ (une femme cosmique):“Mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú được một số dân tộc và bộ lạc cổ xưa tôn thờ như những vị thần linh, đặc biệt là các nền văn hóa láng giềng của xứ Palestina. Nếu mặt trăng được tôn thờ như một vị thần với tên gọi là thần Isis nơi dân tộc Ai Cập, thì chỉ xứng đáng làm bệ kê dưới chân Đức Mẹ mà thôi. Nếu mặt trời được thờ phụng nơi các sắc dân vùng nông nghiệp Đông Nam Á, thì nay, mặt trời chỉ được coi là chiếc áo khoác của Đức Mẹ. Những vì tinh tú được gán cho những danh xưng và tôn thờ như những vị thần, nay trở nên những viên ngọc đính vào chiếc vương miện của Đức Maria. Dưới ngòi bút của Thánh Gioan, những gì mà con người thờ phượng trước đây, nay chỉ là những đồ trang điểm cho Đức Mẹ. Việc diễn tả người phụ nữ trong Khải Huyền cho chúng ta thấy khuynh hướng tẩy chay việc thờ ngẫu tượng nơi người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu.


Đức Mẹ như người phụ nữ vũ trụ. Điều đó nói lên quyền năng cao cả mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ. Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc. Đức Mẹ là Trung gian để thông chuyển các ơn ấy. Điều đó có nghĩa là mọi ơn lành mà Thiên Chúa ban cho con người, đều qua trung gian Đức Mẹ. Vì thế, các tín hữu công giáo tôn vinh Đức Mẹ là Nữ Vương, là Trạng Sư, là Đấng Cầu Bầu, là Máng Thông Ơn. Họ tin rằng, đến với Chúa thì cao cả xa vời, nên nếu qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ thì những lời cầu nguyện dễ được chấp nhận hơn. Sự cầu bầu của Đức Mẹ được coi như có hiệu lực tuyệt đối, đến nỗi có thể nói rằng “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không” (Lời bài hát kính Đức Mẹ).


Khi tôn vinh Đức Mẹ như người phụ nữ vũ trụ, tác giả cũng liên hệ đến tình mẫu tử của Mẹ đối với mọi loài. Thiên Chúa không chỉ cứu rỗi con người, Ngài còn cứu rỗi cả vũ trụ đã nhuốm màu tội lỗi do con người gây ra. Thiên Chúa cũng không chỉ yêu thương những người được rửa tội, mà Ngài yêu thương hết thảy mọi người. Được trao quyền để thông chuyển các ơn cho nhân loại, Đức Mẹ không chỉ là Đấng Cầu Bầu của người công giáo, nhưng là của mọi sinh linh trong vũ trụ này. Tại những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ, ta thấy có rất nhiều chứng từ về những người ngoài công giáo đã nhận được ơn lạ nhờ Đức Mẹ cầu bầu. Đức Mẹ là Mẹ của muôn người, muôn loài. Mẹ là người Việt Nam với người Việt Nam, là người Trung Hoa với dân tộc Trung Hoa. Mẹ có vẻ đẹp của mọi nền văn hóa. Mẹ lắng nghe lời khẩn cầu bằng mọi ngôn ngữ. Mẹ chia sẻ và cảm thông nỗi đau khổ của mọi người.


Khi vui mừng cất lên bài ca tạ ơn (magnificat), Đức Maria đại diện cho cả nhân loại và cả vũ trụ để tán dương Thiên Chúa, vì những kỳ công Ngài đã thực hiện trong suốt bề dày lịch sử. Đức Maria đã gắn bó cuộc đời mình với vận mệnh dân tộc. Niềm vui của Mẹ là niềm vui của cả nhân loại. Ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa sắp thực hiện có sự đóng góp của Mẹ và là ơn cứu rỗi được gửi đến cho mọi người và mọi tạo vật. Chính vì thế, trong ngày Truyền tin, Mẹ cất cao tiếng hát ca ngợi và tôn vinh Chúa. Lời ca không chỉ dừng lại ở môi miệng, mà đó là tâm trạng vui mừng, tạ ơn được thể hiện bằng con người trọn vẹn, thân xác, thần trí và linh hồn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở nhảy mừng...”. Hình ảnh Đức Mẹ trong ngày truyền tin có thể so sánh như một nghệ sĩ, vừa ca hát, vừa vũ điệu, trong tâm tình tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa.


Người viết bài này có biết một người công giáo trước đây rất đạo đức và đã từng tham gia ban hành giáo. Bẵng đi một thời gian, ông không đi lễ, không đi nhà thờ và rồi ông ta đã trở thành một người chuyên nghề bói toán và gọi hồn. Qua một người trung gian liên hệ, ông tâm sự: “Tôi thấy trong nhà thờ của mình toàn thờ người Tây xa lạ, nên tôi tìm đến việc thờ những người Việt Nam và gọi hồn về gặp con cháu”. Cách hiểu Đạo của người giáo dân này khiến chúng ta suy nghĩ. Có thể cách chúng ta trình bày về Chúa, về Đức Mẹ và các thánh quá xa lạ với cuộc sống con người. Trong lịch sử, đã có nhiều người ác cảm với Đạo Công giáo và cố ý tuyên truyền rằng đó là Đạo của Tây, Đạo từ bên Tây cho nên theo Đạo là mất gốc, là theo người Tây.


Thiên Chúa không mang một quốc tịch nào. Ngài là Chúa của muôn loài vì Ngài tạo dựng vũ trụ, thiên nhiên và con người. Chúa Giêsu sinh ra từ dân tộc Do Thái, nhưng Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ của cả nhân loại. Giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng đã chứng minh điều đó. Cũng thế, Mẹ Maria là Mẹ của hết thảy chúng sinh, như một Evà thứ hai, sinh ra một nhân loại làm thành gia đình của Thiên Chúa. Mẹ là Mẹ của muôn loài.

 
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: hdgmvietnam.org