Mọi nút thắt đều có cách tháo gỡ - Tâm sự của một người khiếm thị

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1044 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Có lẽ tôi là một trong số những người khuyết tật may mắn nhất trong cộng đồng người khuyết tật ở Việt Nam. Vì thế, những gì tôi viết ra ở đây, có thể nhiều bạn khuyết tật sẽ không đồng ý với tôi, nhưng tôi hy vọng các bạn sẽ đọc kỹ để hiểu điều tôi muốn nói với các bạn.

 

Đầu năm 1982, tôi được các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường type I, nghĩa là tôi sẽ phải phụ thuộc Insulin suốt đời. Lúc đó tôi đang học lớp 11, mấy tháng liền tôi đã không đọc được chữ, tôi biết rồi đây mình sẽ trở thành một người mù với một đống bệnh tật. Cũng còn may, nhờ vào việc kiểm soát lượng đường trong máu tốt, tôi lại có thể đọc được chữ dù rằng thị lực bấy giờ rất kém. Tôi may mắn hơn nhiều người mù khác, vì tôi có thêm 11 năm nữa để tích lũy cho mình những vốn sống và làm việc. Những ngày đó, tôi đã sống như ngày mai mình sẽ chết, tranh thủ học tập và làm việc với một tốc độ đến nỗi tôi quên hẳn mình là một bệnh nhân. Sau khi ra trường, tôi đi dạy môn Toán ở một trường cấp II, và phải nghỉ dạy khi không còn có thể chấm bài cho học sinh được nữa. Năm 1991, tôi về phụ cha mẹ làm ăn kinh doanh quần áo, cũng gọi là có chút ít thành công. Giữa năm 1993, mắt trái của tôi mù hoàn toàn, mắt phải thị lực còn 1/10, nghĩ chắc cũng còn có thể kéo dài thêm vài năm nữa, tôi lao vào học và mở pharmacy bán thuốc Tây cho đỡ buồn. Nhưng chỉ đến cuối năm 1993, tôi không còn nhìn thấy gì nữa, cả hai mắt đã mù hoàn toàn, tôi đành rút lui vào hậu trường.

 

Những ngày tháng sau đó, tôi vừa làm quen với cuộc sống mù lòa, vừa phải vật lộn với những cơn đau dồn dập. Chẳng hiểu sao, kể từ lúc bị mù hoàn toàn, các biến chứng của bệnh tiểu đường cứ đổ ập xuống đời tôi. Suốt tám năm liền, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà phụ giúp trông nom các cháu nhỏ, họa chăng có ra khỏi nhà thì cũng chỉ để đi gặp bác sĩ mà thôi. Danh sách liệt kê các bệnh của tôi cứ dài thêm ra: thoái hóa cột sống, rối loạn hệ thần kinh ngoại biên, rối loạn hệ thần kinh thực vật, tắc nghẽn tĩnh mạch chân, thoái hóa khớp, Basedow, những cơn thiếu vắng ý thức xảy ra trong chớp nhoáng... còn nhiều thứ bệnh vặt khác mà tôi không tiện kể ra, các bác sĩ thường nói với tôi “Bệnh tiểu đường lâu năm nó vậy!” hoặc là “No medicine!”... Những đêm trắng không ngủ vì đau đớn đã bào mòn cơ thể tôi, có lúc tôi cảm thấy mình giống như một chiếc mền rách nằm trên giường, đêm nào cũng là một đêm mong cho trời mau sáng...

 

Thế rồi như một phép lạ thần kỳ, Noel năm 2001 tôi đến tham dự thánh lễ dành cho người khuyết tật ở nhà thờ Đức Bà, lần đầu tiên tôi được nghe một người mù đọc sách thánh bằng chữ Braille. Ngưỡng mộ cô bé đọc chữ nổi quá lưu loát, tôi đã tìm đến mái ấm Thiên Ân để học chữ Braille và cách sử dụng computer theo kiểu người mù. Việc học cách sử dụng computer thì không có gì trở ngại, song việc học chữ Braille đối với tôi quả thật nhiêu khê! Phần đông người mù thường có cảm giác ở đôi tay rất nhạy bén, họ có thể sử dụng cả hai tay để rà trên hàng chữ nên đọc tương đối nhanh. Còn tôi, bệnh tiểu đường đã khiến cho cảm giác ở tứ chi rất kém, tôi đã suýt khóc vì tưởng chừng mình không thể rờ được những chấm nổi đó. Cuối cùng, tôi cũng còn may là có thể sử dụng ngón trỏ trái để đọc. Tất nhiên, tôi đọc rất chậm, nhưng dù sao thế cũng là tốt lắm rồi... Sau đó, tôi gia nhập vào hội người mù ở quận Tân Bình, để tìm hiểu cách thức sinh hoạt đi lại của những người đồng cảnh ngộ.

 

Chỉ một thời gian ngắn, tôi tự tin trở lại và bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi muốn sống một cách đúng nghĩa. chứ không đơn thuần chỉ là một sự tồn tại trên cõi đời mà thôi! Tôi đã tìm đến sinh hoạt với một vài nhóm anh chị em khuyết tật vận động, có cả những người câm điếc, thiểu năng trí não... Và tôi nhận ra rằng, những người khuyết tật Việt Nam gặp quá nhiều thiệt thòi, điều đó khiến phần đông trong số họ thường sống tự ty mặc cảm. Cái thiệt thòi lớn nhất đó là cái nhìn không đúng của những người bình thường đối với người khuyết tật. Người ta thường cho rằng, người khuyết tật là những người tàn phế khó có thể làm được gì, và với lòng nhân ái người ta thường mau mắn giúp những người khuyết tật về mặt vật chất tiền bạc. Chính vì vậy, dưới cái nhìn của mọi người, thì mù lòa quả là cái gì đó đầy u ám. Thú thật, khi chưa bị mù hoàn toàn, tôi cũng đã từng quan niệm như thế! Đáng buồn hơn nữa, trong quan niệm của một số người còn cho rằng, người bị khuyết tật là do bị “quả báo”. Người khuyết tật sống trong những gia đình có quan niệm đó thường bị hất hủi, bị coi thường. Ngược lại, cũng có một số ít người khuyết tật được gia đình thương yêu bảo bọc quá mức, lại trở nên bướng bỉnh ương ngạnh, sống hoàn toàn ỷ lại vào người thân và cho rằng mình có quyền như vậy. Những điều tôi viết ra trên đây, được đúc kết từ tâm sự đau đớn của một vài người bạn khuyết tật. Theo suy nghĩ của riêng tôi, những quan niệm trên đây của cả hai phía, người bình thường và người khuyết tật, là những rào cản rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho một người khuyết tật. Nếu như những người khuyết tật được trả về đúng giá trị của họ, thì xã hội sẽ không có những người khuyết tật sống trong mặc cảm tự ty. Nếu như gia đình và xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho những người khuyết tật, thì xã hội sẽ bớt đi gánh nặng, trái lại sẽ có thêm nhiều bàn tay và khối óc phục vụ cho đời.

 

Như tôi đã viết ở phần mở đầu, tôi là một người khuyết tật may mắn, bởi vì trời đã ban cho tôi những điều kiện thuận lợi hơn nhiều bạn khuyết tật khác. Tôi có được sự hết lòng yêu thương giúp đỡ và sự tôn trọng từ rất nhiều người thân, bạn hữu chung quanh. Chính vì vậy, tôi rất sợ mình sẽ trở thành một con người lười biếng, ỷ lại vào người khác, một khi mình đã quá quen với việc nhận sự giúp đỡ của họ. Không phải là cha mẹ, anh chị em ruột hay bạn hữu đã chuẩn bị tâm lý để tôi làm quen với cuộc sống mù lòa; mà chính lại là tôi đã chuẩn bị tâm lý cho họ phải sống với một người mù như thế nào! Người ta thường sợ hãi trước cảnh tượng mù lòa, để xóa tan đi sự sợ hãi đó, tôi đã viết một bài thơ với tựa đề: “CÔ GÁI MÙ VỚI LY CAFE TRẮNG”. Không ngờ, sau này bài thơ đó đã bắc một nhịp cầu cho tôi được quen biết với rất nhiều bạn bè tốt. Và chính nó đã mở ra cho tôi một cái nhìn tươi sáng về cuộc đời. Tôi đã không ngại ngùng nhận mình là cô gái mù trước đám đông, tôi có thể đi dạo trong công viên để lắng nghe tiếng chim hót, tôi có thể cảm nhận được vẻ đẹp của một bông hồng bằng những ngón tay của mình... Bạn biết không, bố tôi còn cười khi thấy có người vẽ tranh tặng cho tôi, ông bảo “Ai lại đi tặng tranh cho người mù bao giờ!”. Vậy mà tôi quý bức tranh ấy lắm, nó vẽ nên phong cảnh trong một bài thơ tôi đã viết sau chuyến đi du ngoạn ở Đà lạt vào mùa hè 2004... Những yếu tố đó đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên phong phú hơn! Ai cho rằng người mù thì chỉ sống trong bóng tối là lầm to!

 

Những rào cản chung quanh tôi đã được tháo gỡ đi hết, những kinh nghiệm sống cho một người mù đang được tôi tích lũy dày thêm lên. Tất cả, tôi đã phải tự phấn đấu lấy cho mình, vì chính người thân trong gia đình tôi cũng không biết phải giúp gì cho tôi, ngoài việc giúp đỡ về mặt vật chất. Cái tôi nhắm đến thì xa hơn, cao hơn! Tôi muốn chứng minh cho mọi người rằng: “Người khuyết tật vẫn có thể sống và làm một số việc như những người bình thường.” Cuối năm 2003, tôi đăng ký học “course” đầu tiên với Hadley School for the Blind. Khi mới bắt đầu việc học, chỉ một lá thư ngắn của nhà trường gởi đến, tôi đã phải tra từ điển English-Vietnamese hết 80% số từ. Trong lúc ngồi học, nhiều khi tôi đau cột sống đến phát ói, nhưng điều đó không cản trở được quyết tâm của tôi. Computer thì tôi chỉ mới biết sử dụng sơ sơ khi còn học ở mái ấm Thiên Ân, bây giờ tôi phải mày mò học qua chương trình học từ xa,để biết thêm những trình ứng dụng khác. Một lần tôi đã bật cười, vì đứa bạn thân của tôi hỏi “Mày định học thế để làm gì?” Tôi biết nó không coi thường tôi, có điều nó cũng cho rằng người mù thì chỉ có việc “ngồi chơi xơi nước”... Ai đời nó cũng từng đi dạy học như tôi mà còn quan niệm thế!


Quả nếu như các bạn gặp tôi, nếu như các bạn biết rõ tình hình sức khỏe của tôi, thì có lẽ cũng sẽ hỏi thế. Hiện nay, tôi không thể cúi đầu, không thể ngồi xổm, không thể với cao; thậm chí, nhiều lúc tôi đứng không vững vì những chứng bệnh ở hệ thần kinh. Một lần, tôi chỉ cúi xuống để lượm cái kẹp tóc, chưa kịp tìm thấy cái kẹp tôi đã phải lao về phía giường vì đau đến phát ói. Hôm đó, tôi đã ói đến không còn gì trong bao tử...


Cho dù có thế nào đi nữa, tôi vẫn khẳng định, tôi là một trong số những người mù hạnh phúc nhất, vì tôi được trang bị đầy đủ để học tập theo ý mình. Hiện giờ tôi đang học “course” ECONOMICS của Hadley School, và là “course” thứ 14 tôi được học với họ. Tôi nhớ, có lần giáo viên của tôi đã trừ 2 điểm, vì tôi đã chọn lựa sai trong phần trả lời cho một câu hỏi trắc nghiệm. Câu hỏi đó nói về đồ thị, mà người mù thì làm sao nhìn thấy được. Nhưng, tôi đã trao đổi với Vileen về cách mô tả đồ thị trong textbook, tôi vạch ra cho ông thấy sự thiếu sót của giáo trình, tuy rằng lỗi này rất nhỏ. Thầy giáo người Mỹ gốc Ấn độ phải trả lại cho tôi 2 điểm mà ông đã trừ, và còn cảm ơn tôi nữa.


Những “courses” như: Elements of Poetry, Punctuations, Going Places, Management Diabetes, Glaucoma...  của Hadley School đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống. Dù không phải là nhân viên y tế, tôi có thể tự chăm sóc cho mình mỗi khi gặp những căn bệnh vặt vãnh. Dù không phải là nhà văn, tôi có thể viết văn, làm thơ một cách dễ dàng... Bằng những hiểu biết của mình, tôi đem lại những lời khuyên, lời an ủi cho bạn bè... dạy học cho mấy cháu nhỏ của mình...

 

Cuộc sống hiện nay của tôi chẳng có gì để phàn nàn, tôi cảm thấy mình rất ung dung tự tại. Mỗi buổi chiều, tôi cùng một người bạn mắt kém đi bộ tập thể dụng trong công viên khoảng 60-75 phút, để tăng cường sức khỏe. Lúc rảnh rỗi, tôi thường rủ người bạn mắt kém ấy chơi Dominoes như một bài tập thể dục cho trí óc. Lạ một điều là cho dù bác sĩ nói “no medicine!”, cho dù tôi chỉ sống với phương châm “học và làm việc để quên bệnh”, một vài chứng bệnh của tôi tự nhiên lặn đâu mất. Chứng mất ngủ lâu năm cũng không còn! Đôi khi tôi nghe người ta phàn nàn về những tiêu cực trong cuộc sống, và rồi người ta đổ lỗi cho xã hội về những khó khăn trong cuộc sống của họ. Nhưng ai sẽ cứu bạn thoát ra khỏi khó khăn của đời bạn, nếu không phải là chính bạn? Tôi không phủ nhận những tiêu cực đang tràn lan trong cuộc sống, nhưng tôi cũng tin rằng với nỗ lực của mỗi người thì xã hội sẽ ngày càng bớt đi những tiêu cực đó.


Mọi nút thắt đều có cách tháo gỡ - Tâm sự của một người khiếm thị


Bạn hãy tin rằng: tương lai luôn chờ bạn ở phía trước, mọi nút thắt sẽ luôn có cách tháo gỡ của riêng nó, chỉ cần bạn kiên nhẫn một chút!

 

                                    17/4/2012

Vũ Thủy