Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 334 | Cật nhập lần cuối: 11/26/2021 3:50:52 PM | RSS

Nước Thiên Chúa là của những trẻ thơ

Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (1)Thái độ của Đức Giêsu đối với trẻ quả là không mập mờ. Không ai được vào Nước Thiên Chúa, rất thiết thân với Ngài, nếu không hối cải mà tìm về với tinh thần của những bước đầu chập chững: "Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào" (Mc 10, 15). Nhưng làm sao một con người có thể dừng chân giữa dòng đời, để quẫy bước đi ngược trở lại, một ký lục Do Thái ngạc nhiên lên tiếng.

Vậy mà Đức Giêsu còn tỏ ra ngạc nhiên hơn nữa về ông ta: "Ông là bậc thầy trong dân Ítraen mà lại không biết những chuyện ấy!" (Ga 3, 9…). Những chuyện sơ đẳng đó mà mọi cái khác sẽ tùy thuộc vào!

"Một người có thể nào trở vào lòng mẹ để sinh ra lần thứ hai sao?" Nguyên nghĩ đến một tình huống như thế cũng đủ nhận ra tính phi lý của nó. Nhưng đối với Đức Giêsu thì chẳng có gì phi lý cả, vì bản thân Ngài, dù trưởng thành, cũng chưa hề rời bỏ "cung lòng Chúa Cha". Ngay cả bây giờ nữa, đã nên thân nên người, Ngài "hằng ở gần bên lòng Chúa Cha" (Ga 1, 18) và nhờ vậy, mới có thể vén mở một vài chân lý về Cha.

Về đứa trẻ mà người ta dẫn đến trước mặt Đức Giêsu trên đường Ngài đi, các môn đệ muốn gạt qua một bên như một nhãi ranh quấy phá, không đáng chú ý. Nhưng không, "cứ để trẻ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng" (Mt 19, 14). Bằng một bước nhảy vọt, chúng ta đã trẩy đến gần đứa trẻ duy nhất có một không hai này là chính Đức Giêsu. Thế mà Đức Giêsu không hề coi là một bước nhảy trên vực thẳm mà là một sự tiếp nối hoàn toàn: "Ai tiếp đón một trẻ như trẻ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy" (Mt 18, 5). Đối với Người Con Thiên Chúa hình ảnh con trẻ không phải là một lối so sánh xa vời: bất cứ ai, ân cần chăm hỏi đến một đứa trẻ như trẻ này (một trong hàng trăm nghìn đứa) và là thế nhân danh Đức Giêsu dù ý thức hay vô tình, mà kèm theo những cử chỉ thân yêu như Ngài, người đó tiếp đón nguyên mẫu của mọi trẻ đang ở nơi cung lòng Chúa Cha; mà vì trẻ cùng nơi chốn nó ở thì bất khả phân ly nên khi đơn sơ tiếp đón người nhỏ bé nhất trong những người nhỏ bé, chúng ta đón tiếp chính Chúa Cha: "Ai tiếp đón Thầy, thì không phải tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp Đấng đã sai Thầy" (Mc 9, 37).

Tuy nhiên, trong Tin Mừng không hề có vấn đề cứu tế xã hội, mà là một mầu nhiệm vô cùng sâu xa, đâm chồi bén rễ trong chính bản thể của Đức Kitô, một mầu nhiệm gắn liền với tình trạng trẻ thơ của Ngài trong cung lòng Cha, và từ đó cũng thiết thân với việc nhập cuộc dấn bước trở về với trạng thái trẻ thơ, với điều mà Đức Giêsu gọi là "sinh bởi Thánh Thần" hoặc tái sinh hoặc đơn giản là "sinh bởi Thiên Chúa" (Ga 1, 13), trở về với điều kiện mà Ngài dứt khoát đặt ra cho ai muốn vào Nước Thiên Chúa: "Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra một lần nữa. Không ai có thể vào được Nước Thiên Chúa". (Ga 3,3-5)

Vậy mà, trước tiên và trước hết, đây là một điều mà ai nấy đều có thể hiểu được, một kinh nghiệm mà mọi người đều đã kinh qua, thời thơ ấu (thời mà cách nào đó, họ phải trở về), mà mỗi người đều có thể cảm thấy khi đối diện với trẻ hay khi chính mình đã có những đứa trẻ. Đức Giêsu không chọn đưa ra một trẻ gương mẫu; bản văn thuật lại, gọn ghẽ: "Kế đó, Người dắt một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói" (Mc 9, 36…). Cách biểu lộ tình cảm với trẻ mà Ngài trìu mến ôm trong vòng tay, cũng rất đơn sơ giản dị; các môn đệ đang nghe Ngài nói, rõ ràng có thể và phải hiểu theo một lối dụ ngôn; tuy vậy, vì cử chỉ đơn sơ của Đức Giêsu ôm trẻ vào lòng, lại mang một ý nghĩa thật bất ngờ và chưa lường hết được. Đối với người Do Thái, Hy Lạp và La Mã tuổi thơ ấu chỉ là một giai đoạn tiền-thành-nhân; họ không coi trọng giá trị rất đặc thù của lương tâm trong sáng và rõ ràng của trẻ. Và tuổi thơ bị liệt vào cái "chưa tới" và không ai thèm lưu ý đến hình thái tinh thần của trẻ lại càng không coi nặng ký sự hiện hữu của thể xác và tinh thần can dự vào trong mọi quyết định đạo đức tự do.

Thế mà, đối với Đức Giêsu tuổi thơ không phải là tuổi vô thưởng vô phạt, không quan trọng xét về mặt đạo đức. Trái lại, những hình thái hiện hữu của tuổi thơ, thường bị chôn vùi mai một, lúc con người bước vào tuổi trưởng thành lại gợi nhắc đến một vùng đất nguyên thủy, nơi mà tất cả được bao bọc trong chân-thiện-mỹ, một vùng đất chưa bị xâm phạm, hết sức mầu nhiệm mà chúng ta không có quyền coi là "tiền đạo đức" hay "vô ý thức" (như thế tinh thần của trẻ hoàn toàn chưa được đánh thức hoặc tệ hơn nữa, đang ở trạng thái thú tính: ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ, đứa trẻ cũng chưa hề rơi vào tình trạng thú tính bao giờ); ngược lại cái vùng chưa bị xâm phạm này mách bảo một mảnh đất liêm khiết nguyên tuyền và cả một quãng thời gian thánh thiện nữa - dù chỉ vì trẻ chưa phân biệt được giữa tình thương của cha mẹ và tình yêu của Thiên Chúa.

Chắc chắn, Đức Giêsu biết rõ những hiểm nguy thường xuyên đe dọa vây hãm vùng nguyên thủy chưa bị xâm phạm này; một vùng không được phòng vệ, rất dễ bị tổn thương vì trẻ hoàn toàn bất lực, và ngược lại những người chăm sóc chúng thì vô cùng quyền năng trong tính tùy tiện của họ, và thay vì hướng dẫn chúng, họ dễ dàng dụ dỗ mê hoặc chúng bằng trăm nghìn kiểu ích kỷ và thường là bất ngờ, vì tinh thần của trẻ còn rất vô tư. Do đó mà có lời đe dọa khủng khiếp chĩa vào những tên dụ dỗ trẻ con: "Thà nó bị người ta buộc cối đá vào cổ và xô xuống biển, còn hơn là làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này sa ngã" (Lc 17, 2).

Đức Giêsu cũng quá rõ tính mỏng manh của vùng nguyên thủy chưa bị xâm phạm này, có thể dẫn đến những nứt rạn gãy đổ quyết liệt nhân vì tội tổ tông và sự hiện diện dai dẳng của cám dỗ. Cái chân-thiện "siêu luân lý" của thời ban đầu là những đối tượng cần được chấp nhận một cách hoàn toàn tự do, nhưng đối với ai cố tình xa rời chúng, thì chúng chỉ hiện ra như một phần của cái THIỆN-CHÂN nói chung. Chính cái THIỆN-CHÂN này mang tính chung chung, tính trừu tượng và pháp lý mà chúng ta cần được đặt trước mặt, như một "luật", để lựa chọn (luật Thiên Chúa và luật xã hội), được người Do Thái và dân ngoại coi là tình trạng lý tưởng cho phép có được một thái độ luân lý trưởng thành.

Cả ở điểm sau này nữa, Đức Giêsu cũng hoàn toàn am tường rằng khi trẻ lớn lên, việc thoát khỏi vùng nguyên thủy chưa bị xâm phạm này, là số phận không tránh được đối với con người. Nhưng điều mà con người còn phải thực hiện là sáp nhập vào trong tuổi chín chắn những điều thánh thiện "siêu luân lý" đã có mặt lúc ban đầu. Phaolô đã quảng diễn rõ đòi hỏi của Đức Giêsu: "Thưa anh em, về mặt phán đoán, thì đừng làm như trẻ con; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành" (1Cr 14, 20).

Làm sao dung hòa được những lời tuyên bố trên bề ngoài xem như mâu thuẫn? Chỉ bằng một cách là luật xem ra trừu tượng, thì lại được Thiên Chúa đặt trong lòng đứa trẻ và từ đó nó có một nguồn gốc cụ thể (Yr 31, 33) "Ta sẽ đặt luật của Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết trên tim chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng, sẽ là dân của Ta"

Muốn được vậy, cách thế duy nhất là chính Thần Khí Ngài đến trong lòng chúng ta. "Trong lòng các ngươi, Ta sẽ ban xuống Thần Khí của Ta" (Ez 36, 27). Thần Khí sẽ không hạ chúng ta xuống vị trí trẻ vị thành niên, nhưng sẽ quy tụ chúng ta lại, khiến lòng chúng ta nhảy mừng hớn hở mà gọi: "Abba" Cha ơi! Chúng ta sẽ tràn đầy cái mà thánh Tôma gọi là "bản năng của Thần Khí" (instinctus Spiritus Sancti): (ân sủng trong lòng chúng ta làm cho chúng ta ứng đối với điều mà tình yêu Thiên Chúa yêu cầu). Một người ở tuổi trưởng thành cỡ đó, đã tìm gặp lại, ở mức độ cao, tính bộc phát cụ thể của trẻ thơ, Novalis gọi đó là "đứa trẻ tổng hợp".

HY. Hans Urs Von Balthasar
Nguyên tác: "Si vous ne devenez comme cet enfant" ("Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này"), 1989, Des Clée Brouwer