Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 296 | Cật nhập lần cuối: 11/29/2021 4:01:58 PM | RSS

Đứa trẻ của loài người

Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (2)Thế thì đâu là ý nghĩ của Đức Giêsu khi Ngài nêu lên sự cần thiết trở nên con trẻ để được cứu độ và bước vào Nước Trời? Chắc chắn rằng vấn đề không phải là lý tưởng hóa tuổi thơ của loài người để biến nó thành một vườn địa đàng (dù đã mất) hoặc thêu dệt vẽ vời cho trẻ những đức tính mà nó không có (và sẽ không bao giờ có) vì nó đang sống ở giai đoạn trước lúc nó đi vào thời kỳ tập luyện các đức tính có ý thức và tự do; dù vậy có một lĩnh vực nơi mà mọi người sinh ra đều chiếm hữu một luật cơ bản có sẵn như một mẫu gương để khuôn theo mà định hướng trong cuộc sống có ý thức của mình; chắc rằng cuộc đời con người phải hướng về tương lai phía trước, nhưng bằng cách nhớ đến nguồn gốc của mình trước đây; nếu Omega là biểu tượng của cứu cánh nơi mình đang hướng tới thì Alpha chỉ có thể làm biểu tượng cho điểm xuất phát nơi con người đón nhận phương tiện đáp lại những khát vọng của mình.

Giữa người mẹ và trẻ mà bà cưu mang có một "đồng nhất tính-mẫu", một thể thống nhất tuyệt nhiên không chỉ thuộc phạm vi "tự nhiên" "sinh lý" "vô ý thức" vì trẻ đã thật sự là mình, nghĩa là một ai khác, do xuất thân từ tinh trùng của người nam, ngang hàng như mẹ. Người mẹ phải thụ thai, để đứa trẻ tăng trưởng trong bà, nhờ vào tương quan mật thiết sâu thẳm nhất đó. Cũng thế, người cha một cách nào đó "phải thụ thai từ vợ mình, để có được khả năng sinh sản, nơi bà". "Cả hai sẽ phải nên một xác thể", hiến dâng cho nhau để vượt xa hơn giới hạn bản thân, họ truyền sinh trong tình yêu, một sự sống mới; trong đó họ chịu ơn nhau, nhưng về sự sống mới đó, họ phải tạ ơn cho quyền năng sáng tạo hoàn toàn vượt quá bản thân họ. "Con cái hẳn là một gia nghiệp do tự Giavê, hoa quả lòng dạ là một phần thưởng" (Tv 127, 3). Cả cha lẫn mẹ chớ rồ dại mà tưởng rằng do chuyện chung chăn chung gối mà họ đã ban cho con họ tinh thần, sự tự do cùng tương quan tức khắc với Thiên Chúa đâu.

Bên sau cái "đồng nhất tính-mẫu này giữa mẹ và con, thì được vẽ lên một đồng nhất tính khác sâu xa hơn trong cái phần bất đồng nhất sẽ vĩnh viễn hiện ra, ngày mà trẻ chào đời - đó là đồng nhất tính nơi trẻ bây giờ đã trở nên một đứa trẻ theo ý Thiên Chúa, với những gì Ngài muốn thể hiện nơi nó. Ý niệm và ý muốn đó là chính Thiên Chúa, tuy thế không phải là Ngài trong chừng mực chúng liên quan đến thụ tạo. Và chính trong cái đồng nhất tính-mẫu còn nguyên thủy xa xưa hơn nữa, mà lối phê phán mới về trẻ theo quan điểm Kitô giáo, lại càng khác xa: lần đầu tiên trong Đức Kitô cho thấy, nơi Thiên Chúa bên trong sự hiệp nhất bất khả phân ly đã có sự tách biệt giữa Thiên Chúa Cha Đấng ban trao và quà tặng là chính Thiên Chúa Con - nhưng trong sự hiệp nhất của Thánh Linh.

Và đó là mầu nhiệm Kitô giáo lúc ban sơ được phản ánh lại, là sự hiệp nhất giữa mẹ và con được duy trì ngay cả khi trẻ đã rời khỏi cung lòng mẹ nó, lý do là chính vì cuộc sống con người lúc nào cũng bị đe dọa và tỏ ra mỏng manh. Có thể nói rằng trẻ được mẹ cho bú mớm tái lập lại dây liên kết ràng buộc nó với mẹ trong bào thai. Và sự hiệp nhất đó vẫn được duy trì ngay cả khi người mẹ từ đàng xa mỉm cười với con mình. Phép lạ diễn ra ở đây: một ngày nọ, đứa bé an tâm vững dạ, nhận ra được trên gương mặt của mẹ tình thương của bà đối với nó, và nở nụ cười đầu tiên để đáp lại; đó hoàn toàn là trực giác - đi trước mọi phán đoán và suy tưởng - thật đáng cho ta ngạc nhiên, cái ngạc nhiên dành cho phép lạ. Tình yêu, bước khởi đầu của mọi sự, được trẻ nắm bắt, đã bỗng chốc vuốt thẳng cánh hoa của lương tâm đang vò nhàu ngủ lìm trong những nếp gấp của nó. Tình yêu giữa anh và tôi có khả năng mở ra các nếp gấp của thế giới, và sâu hơn nữa, của bản thể con người vô biên và sung mãn tuyệt đối. Chính tình yêu đã hé mở được, bản thể vô biên tỏ ra là cái hài hòa, cái đúng đắn, nói tóm là cái Chân đồng nhất với cái Thiện. Nguyên nhân lại là trực giác chứ không phải những phán đoán rút ra từ suy luận - (nụ cười của người mẹ chỉ phải được giải thích sau đó như là sản phẩm của tình yêu). Đó cũng là trực giác vì đối với tinh thần đang thức tỉnh, từ lâu đang chờ phút chốc nắm hiểu được bản thể nói chung trong biến cố cụ thể, nhờ các giác quan đang chăm chú ngóng đợi.

Trực giác ấy xuất hiện ngay từ sự gặp gỡ cụ thể đầu tiên (do đó không sản sinh một khái niệm trừu tượng về bản thể); tuy nhiên nó tuyệt đối vô hạn, và có thể lần đến tận cùng trời đất, đến cả Thiên Chúa; do đó mà trước mắt trẻ, tình thương của cha mẹ được thể hiện cụ thể, không hề khác tình yêu nơi Thiên Chúa, điều mà nó sẽ lần mò ra từ từ. Nếu mọi sự diễn ra bình thường thì trẻ sẽ phân biệt được, qua lòng khiêm tốn của cha mẹ và sự lệ thuộc của họ đối với Thiên Chúa. Nếu tiến trình tỏ ra tốt đẹp, nó sẽ chứng kiến rằng, trong sự tách biệt, đồng nhất tính mẫu được khẳng định và sẽ được mở ra trên một bình diện rộng lớn hơn. Lúc đó nó sẽ thấy rằng tình yêu thật sự chỉ được thể hiện trong cái "diện đối diện" mà Thánh Linh Tình Yêu duy trì được ngay cả trong sự khác biệt, không hề bị đe dọa mà lại được củng cố. Cũng chính tình yêu sẽ tránh cho trẻ sống tuyệt đối độc lập như một sự đe dọa vì nó cảm nghiệm như tình trạng trong đó tình thương của mẹ luôn tiềm tàng và không ngừng được thể hiện.

Đồng nhất tính-mẫu, do đó được thực hiện nơi thụ tạo, trong khuôn khổ tách biệt thật sự của những con người mà tình yêu duy trì được sự hiệp nhất: đây chính là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi thụ tạo, một hình ảnh bị che khuất nhưng không hoàn toàn vô hình. Đức Giêsu đã ám chỉ đến khía cạnh này khi nói rằng các thiên thần của trẻ "không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy" (Mt 18, 10) và cách nào đó họ là những đại biểu sống động của chúng nơi Thiên Chúa. Để điều đó thể hiện rõ ràng đầy đủ, hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa, giữa người cha, người mẹ và đứa con phải hoàn toàn trong sáng. Một xáo trộn được trẻ cảm nhận - giữa cha và mẹ, hoặc giữa một trong hai người với chính nó - tức khắc làm cho chân trời của bản thể tuyệt đối bị khuấy động và tối sầm lại, đánh bại cả sự dâng hiến của trẻ, và cả bản thể bao trùm nơi các thụ tạo là một quà tặng của Thiên Chúa: đúng vậy, sự dâng hiến đó trẻ chỉ thực hiện được trong dây liên kết thân thương rất cụ thể đối với mẹ cha, nơi bến bờ bình yên và ấm cúng của gia đình. Mọi bất hòa chia rẽ bên trong gia đình sẽ gây nên những vết thương ít khi hàn gắn được trong trái tim của trẻ.

Thường thường, chính trẻ con gánh chịu nhiều nhất hậu quả của những vụ ly hôn (hoặc ngay cả những vụ kết hôn giữa hai phối ngẫu khác tôn giáo). Ít khi người lớn đo lường hết những tai hại vô cùng to lớn mà họ gây nên cho trẻ, và đến mức nào đó họ xứng đáng lãnh búa rìu khủng khiếp nhất về phía Đức Giêsu: "Ai làm cớ cho một trong những tín hữu bé mọn của Thầy sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn…" (Mt 18, 6).

Trên đây chúng ta đã vắn gọn nhắc lại đến mức nào thế giới vô tội ban đầu của trẻ bị đe dọa từ trong trứng nước. Người mẹ không phải lúc nào cũng có mặt, nhất là vào những lúc mà trẻ tưởng là không thể thiếu được. Cảm tưởng an toàn làm cho ta có sức trèo núi vượt non lại bị đe dọa từ bên trong bởi nỗi lo sợ rằng tình yêu có thể chấm dứt, một nỗi lo sợ làm trẻ run rẩy bị bầm dập tận đáy lòng tựa hồ như nơi một trẻ bị lạc giữa đám đông thành phố, bất thần cảm thấy bị bỏ rơi và không nơi nương tựa. Chừng nào trẻ em cảm thấy được sự giúp đỡ làm nó an tâm, thì nó biết chắc sẽ tìm nơi trú ẩn bên ngoài, nhưng trong sự an toàn đó, trẻ ý thức được rằng sự chăm sóc ân cần của mẹ và của người khác đòi nhiều hy sinh mệt nhọc: một mặt nó ý thức được sự chăm sóc nó nhận được là một quà tặng, mặt khác nó bắt đầu cảm nhận được những lầm than khốn đốn đang vây hãm cuộc sống dưới thế.

Trẻ ghi nhận rằng cha mẹ nó cũng vâng theo một nhiêm vụ khi chăm sóc nó (vả lại trong Đức hai từ này có cùng một gốc) nhất là nơi người mẹ, nhưng cả nơi người cha nữa, nhiệm vụ đó được đưa lên hàng ưu tiên trong lĩnh vực của sự Thiện cụ thể đối với trẻ: họ vâng phục bởi một sự vâng phục dành cho bậc cha mẹ mà sự hiệp nhất với tình phụ tử và mẫu tử là tức khắc. Tuy vậy cũng còn một phần tự nguyện mà họ phải quyết tâm thực hiện từ một quyết định tự do. Chúng ta đang đứng trước một số mâu thuẫn chỉ có thể đánh tan được ở bình diện siêu nhiên, khi đem quy chiếu với Đức Kitô… trong sự yếu ớt của nó, trẻ có một quyền lợi thiêng liêng, là được hưởng nhờ sự chăm sóc nhưng xét về mặt cơ bản (mà nói) thì chỉ có tình yêu mới có thể đáp lại một cách đầy đủ. Thế nên, quyền lợi của trẻ vượt xa hơn cả chiều kích pháp lý và chỉ thật sự được thỏa mãn qua một sự dâng hiến tự do và một sự quên mình tự do. Nhưng vì ở giai đoạn đầu trẻ không đủ khả năng phân biệt giữa cái Thiện tối thượng là chính Thiên Chúa và sự thiện nơi thụ tạo mà nó khám phá được qua cha mẹ, nên quyền được chứng kiến sự thiện của nó là thiêng liêng và cha mẹ chỉ có thể đáp lại khi mặc lấy một cách thâm sâu những tâm tình của Thiên Chúa. Vì nơi Thiên Chúa, khi tạo dựng một thụ tạo, trước yêu cầu của nó về phía Ngài chắc chắn là "một nhiệm vụ" và một tình yêu tự do phát xuất từ ân sủng Ngài ban. Thánh Thần không thể làm ngơ và giấu mặt khi chúng ta kêu van: "Abba" Cha ơi!" (Lc 11, 13).

Tin mừng ghi nhận rằng ngay cả những người ác xấu (và "các ngươi là những người ác xấu") cũng không khước từ những yêu cầu của trẻ, yêu cầu do tình yêu thúc đẩy chúng nói lên. Nhưng vì ác xấu có thật, nên sự đáp ứng các yêu cầu đương nhiên phải có, những được tình yêu thúc đẩy, đến lượt nó lại bị đe dọa sâu xa.

Về những thái độ nguyên thủy của trẻ cũng vậy, thường được cuốn hút trong sự giao lưu trao đổi giữa tình thương của mẹ, cơ bản là hiến dâng và tình thương của trẻ cơ bản là đón nhận. Đối với trẻ, tất nhiên là nó phải nhận được những thứ ngon lành. Sự mềm mỏng tuân phục và lòng tín nhiệm của trẻ chưa hẳn là những đức tính được thực hành có ý thức, nhưng đó chỉ là những thái độ không suy nghĩ mà đương nhiên là vậy. Điều đó đúng đến độ trước mắt trẻ, khi mẹ ban cho nó một món gì, thì đó là thái độ duy nhất đúng đắn; và khi có một cái gì để cho, là trẻ cho ngay không chút hậu ý. Trẻ trưng bày những kho tàng nhỏ bé của nó và không hề tìm cách cất giấu; trẻ muốn san sẻ chia sớt vì bản thân nó đã từng có kinh nghiệm được tham dự vào cái thiện cái hảo. Có được một thái độ như thế giả thiết rằng đối với trẻ, không phải phân biệt giữa người tặng và quà tặng vì khi ở trong bụng mẹ, và cả sau này nữa trong tất cả những gì nó nhận về phía khác thì hai điều đó chỉ là một và như nhau. Chỉ cần nó nhận ta tính ích kỷ của người tặng ("các ngươi là những người ác xấu") để quà tặng không còn được coi như hình ảnh của người trao tặng nữa, và chỉ lúc đó mà thôi nơi đứa trẻ được nhận quà, xu hướng chiếm dụng cho riêng mình mới tách ra khỏi khả năng biến nó thành quà tặng trở lại. Lúc đó cũng biến mất tính hồn nhiên bộc phát đi tìm sự che chở nơi an toàn, trong vâng phục để đáp lại tức khắc với "nguồn ngọn" làm tăng trưởng; và cũng chỉ lúc đó mà thôi mới xuất hiện "quyền bính" trừu tượng, hợp pháp, nghĩa là "tính cấp thiết được tăng trưởng" trong cụ thể (augere (lat) = quyền bính nghĩa là cổ vũ, làm tăng trưởng).

Một câu hỏi nóng bỏng được đặt ra ở đây: liệu quyền bính cụ thể của cha mẹ đối với con cái, đang ngự trị trong gia đình, mang tính tạm thời, sẽ phải triển khai, chuyển thành quyền hành cấp Nhà nước và xã hội, mang tính bao trùm và vĩnh viễn, trong đó tính cấp thiết tăng trưởng được thể hiện trong việc đóng góp cho xã hội đến thay thế tính cấp thiết của gia đình chăng?

Trong cuốn "Triết học về quyền lợi" Hegel quả quyết rằng việc thay thế đó là cần thiết; thật vậy ông chỉ gán cho gia đình, một tinh thần đạo đức "tự nhiên", đó là "tình yêu" dưới khía cạnh một "mối luyến ái" và chỉ trong một đơn vị to lớn hơn là Nhà nước, nó mới trở thành cái "cho mình" và ý thức về mình, dựa trên nền tảng của sự bứt ra khỏi nguồn gốc, nơi đó nguồn gốc sẽ biến mất. Nhưng đối lại với việc Nhà nước tịch thu cá nhân như vậy, thì có giới răn thứ tư trong thập giới được Đức Giêsu nhắc lại: giới răn buộc cả những người trưởng thành yêu thương kính trọng cha mẹ mình. Ngay cả khi chiều kích giáo dục trong quyền bính của cha mẹ đã mất đi tầm quan trọng của nó, đối với những đứa con đã trưởng thành. Tình thương giữa con cái và cha sinh mẹ đẻ, bên cho bên nhận lẽ nào "như bóng phù du - sớm còn tối mất công phu lỡ làng". Nó chỉ mặc một màu sắc mới, chăm sóc cha mẹ già là một nhiệm vụ của tình con đầy lòng biết ơn. Đúng thế cha sinh mẹ dưỡng, nợ nào bằng món nợ này. Với ý nghĩa đó, về tương quan ban đầu này, ký ức nhân loại đã ghi lại biết bao kỷ niệm, làm sao nhiệm vụ báo đền có thể tiêu tan trong phút chốc được. Lẽ nào có thể phủi cánh như chim rời tổ được: xa hơn vấn đề thuần túy pháp lý, được lưu lại một phần còn nguyên vẹn của "tính đồng nhất mẫu khi phân biệt mẹ với con", vì đây là một chiều kích của tình yêu vượt ra ngoài vòng pháp lý (nó chứa đựng cả pháp lý).

Tất cả sẽ được thời sự hóa khi những đứa con trưởng thành, đến lượt chúng lại trở thành những người cha, người mẹ. Chúng sẽ tích cực tiến hành kinh nghiệm về 'đồng nhất tính mẫu" mà không tài nào chúng lột bỏ được từ sự đồng nhất đầu tiên mà chúng đã thụ động kinh qua: giờ đây, từng cá nhân một, chúng được dìm trong dòng sông vĩ đại của ký ức các thế hệ mà chúng không thể không đội ơn, mà quá khứ là hiện tại mà chúng trong chính chừng mực con cái từ lòng chúng sinh ra cho chúng chiêm ngưỡng tương lai. Sự phản chiếu qua lại của quá khứ và tương lai hướng về hiện tại cũng là một mảnh còn rớt lại của tuổi thơ - mẫu lý tưởng, trong đó sự chờ đợi cái thiện cái tốt trong tự tin và tín nhiệm lại dựa trên kinh nghiệm đã hưởng nhờ ân thâm nghĩa trọng.

Cấu trúc thời gian trong nhân loại tội lỗi thật mong manh (chúng ta hãy nhớ: "Các ngươi là những người ác xấu"); dù mong manh thế đó, nó thật vẹn tròn mười mươi, khi đưa về với tuổi thơ đối diện với Cha vô cùng tốt lành mà Đức Giêsu đã nói đến; thật vậy, niềm cậy trông đầy tín nhiệm nhận được cái Thiện mình yêu cầu được nhậm lời hoàn toàn đến độ nó được thời sự hóa tức khắc: "Tất cả những gì anh em xin khi cầu nguyện, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý" (Mc 11, 24). "Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta xin Người, những cái gì, là chúng ta có những cái đó" (1 Ga 5,14-15).

HY. Hans Urs Von Balthasar
Nguyên tác: "Si vous ne devenez comme cet enfant" ("Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này"), 1989, Des Clée Brouwer

* Bài liên quan:

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (1)