Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (4)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 310 | Cật nhập lần cuối: 12/3/2021 2:46:04 PM | RSS

Trở nên con trẻ của Thiên Chúa

Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (4)Người ta có thể nhận ra được sự khác biệt chủ yếu giữa trẻ của loài người và Người Con Thiên Chúa đã hóa nên con trẻ; còn hiểu rằng con người có thể trở nên con trẻ của Thiên Chúa như Đức Giêsu đã là Con Ngài, thì không thể được. Là những con người, chúng ta sẽ hiểu ngay, khi có người ghé đến và thân yêu vẫy gọi "Này! Các con!" Như Phaolô đã gọi người đồ đệ và bạn mình, Timôthêu: "Người con của tôi" (2 Tm 2, 1). Quá lắm thì chúng ta hiểu được rằng Cha vì yêu Con đã lập chúng ta làm con nuôi bằng cách chuộc lại chúng ta, những người đang sống dưới ách nô lệ của lề luật (Gl 4, 5) hoặc sâu sắc hơn nhờ đón nhận Thần Khí đang linh hoạt trong Người Con vĩnh cửu, (Rm 8, 15). Mặc dù vậy, khi nghiên cứu kỹ, thì không hề thấy, nơi nào có thể hiểu "việc tiếp nhận" như một thủ tục pháp lý mà thôi. Mối hoài nghi, nếu có, sẽ tan biến ở đoạn nói rằng nơi biến cố này, chúng ta không cò là con cái sinh ra bởi xác thịt nữa ("không do khí huyết, cũng chẳng phải do ý muốn tự nhiên của con người, hoặc do ý muốn của phái nam") (Ga 1, 13), nhưng "chính Thiên Chúa đã sinh ra họ". Và để cho điều không tưởng ấy trở thành hiện thực, Thiên Chúa đã ban cho Người Con từ muôn thuở ấy, "quyền phép" (Ga 1, 12). Cha đã ban cho Con quyền năng cách nào để chúng ta được truyền sinh từ Thiên Chúa hoặc cùng với Ngài được Thiên Chúa sinh ra. Trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Đức Giêsu gọi đó là "sinh ra một lần nữa" hoặc "sinh ra từ Trời" (Ga 3, 3).

Làm sao hình dung được? Nếu không phải, nhờ nhập thể, Người Con đã sáp nhập chúng ta với Ngài, đồng hóa với chúng ta nhờ tiến trình mầu nhiệm của cái gọi là "thế vào" "hiện hữu cho". Một sự thay thế không chỉ diễn ra khi "Ngài mang lấy tội lỗi chúng ta" (Is 53, 12; 1 Ga 3, 5) vì như thế thì chúng ta cũng chỉ là những người được thứ tha, nhưng sâu hơn, khi Ngài "hóa thân" nơi chúng ta để biến chúng ta thành "một con người mới" (Ep 4, 24; Cl 3, 10). Nếu biến cố đó được hoàn tất vĩnh viễn trên Thập Giá và trong Thánh Thể, thì cái "hiện hữu-trong" đã có trong hoạch định của Thiên Chúa trước khi tạo thiên lập địa "bởi chưng, Người đã chọn ta trong Ngài, từ trước tạo thiên lập địa" (Ep 1, 4…) Chắc chắn rằng, tính theo thời gian, thì chúng ta được sinh ra trong thân xác trước (1 Cr 15, 41) nhưng trong ý định, thì cái nào được hướng về cái kia mang tính quyết định đó là "cùng làm một thân thể" (Ep 3, 6). Đây chính là "thân thể Đức Kitô", tức là Giáo hội: còn hơn một kiểu nói hoặc một ẩn dụ, cụm từ này nhắm đến một thực tại trong tính toàn bộ của nó, trong đó Đức Kitô là đầu và các chi thể khác liên kết với Ngài là thân thể. Đó là một cơ thể trong đó cái đầu không thể và không muốn hoạt động xé lẻ với thân thể. Đó là điều xảy ra khi Ngài ban cho gia nhân Ngài "quyền phép để trở nên con cái của Thiên Chúa vì Ngài đã cho Giáo hội công khai tham dự vào công việc này: "Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3, 5). Không còn nghi ngờ gì nữa, Ngài đang đề cập đến phép thanh tẩy: bí tích này là cửa đi vào trong cộng đồng các chi thể của Đức Kitô, nơi mà Cha và Con sẽ ban Thần Khí cho: hai việc này là bất khả phân ly, ở giếng rửa tội trẻ sơ sinh nhận Thiên Chúa là Cha và Giáo hội là mẹ vì Giáo hội rửa tội trong quyền năng của Đức Kitô, và chỉ như vậy thôi mà chúng được liệt vào trong cộng đoàn các con cái thánh thiện của Chúa - những anh chị em. Thời Nguyên thủy công việc này là của Ba Ngôi Thiên Chúa: Giáo hội phải rửa tội "nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần" (Mt 26, 19) vì những ai được rửa tội thì cùng với Đức Kitô một trật trở nên con cái Thiên Chúa; chính là trạng thái trẻ thơ mà Ngài ban cho họ, được Thần Khí Thiên Chúa bảo đảm trong tâm trí họ.

Thay vì nói, là Người Con, cho ta tham dự vào việc Ngài sinh ra, muôn thuở, từ Cha thì truyền thống Giáo hội nói rằng Cha sinh ra Con trong lòng chúng ta, nhưng từ ngữ "sinh ra từ Thiên Chúa" thì hoàn toàn đồng nghĩa khi sáp nhập chúng ta vào trong cương vị làm Con của Ngài, Đấng Phục sinh sau khi hoàn tất công trình "thế vào" này, thì đã có thể gọi chúng ta là "anh em" (Ga 20, 17).

Đó là ân huệ không hiểu nổi, nhưng cũng là yêu cầu cao nhất, vì từ nay Thần Khí Đức Kitô không ngừng kêu lên, tận đáy lòng chúng ta: "Abba! Cha ơi!" Ga 4, 6, Rm 8, 15). Thánh Phaolô không ngừng nhắc rằng cả cuộc sống con trẻ của chúng ta phải tương ứng với tiếng gọi đó. Nó đòi chúng ta thường xuyên duyệt lại ý tưởng của Thiên Chúa về chúng ta "từ trước tạo thiên lập địa" và cả những gì ta đã sống qua về "đồng nhất tính-mẫu" sau khi tượng hình, sinh ra và tách khỏi mẹ. Không rơi vào chuyện trẻ con, nhưng trong tâm tình đầy yêu thương là chính tâm tình của Người Con vĩnh cửu đối với "lệnh" của Cha, bằng cách tìm nương tựa tín nhiệm, cầu nguyện và tạ ơn với Đức Kitô trước mặt Cha. Trong đó hoàn toàn giống như Đức Kitô, từ một cuộc đời hết sức trưởng thành và chịu trách nhiệm hoàn toàn về bài sai của mình.

Càng đồng hóa với sứ mệnh được giao, theo gương Ngài, chúng ta càng trở nên con cái của Cha trên Trời: toàn bộ bài Giảng trên núi làm chứng về điều ấy. Nơi các thánh, người ta nhận thấy ngay là tinh thần trẻ thơ và đời sống trưởng thành cùng tồn tại với nhau hài hòa không chút căng thẳng. Và ngay cả trong tuổi già, họ vẫn giữ được một sự trẻ trung tuyệt vời.

Ở đây chúng ta cũng có thể biện minh cho việc rửa tội trẻ sơ sinh, nhưng tranh luận sẽ vượt quá khuôn khổ của bài suy niệm. Chúng ta sẽ nói đơn giản như thế này: trẻ sơ sinh được rửa tội, tự căn đã được sáp nhập vào cộng đoàn lớn lao và vững mạnh của các thánh. Cộng đoàn đó không phi thời gian, nó trường tồn qua các thế hệ, do đó tự bản chất, nó đảm đang việc giáo dục trẻ nên người trưởng thành. Thật là bất công khi đưa chúng vào đó như những chú ngoại đạo tí hon hoặc là những người đi học đạo, với luận điệu là, sau khi am hiểu về đức tin, chúng sẽ tự mình chọn lựa, vào một lứa tuổi chưa biết trước được.

Một mặt, để đạt tới sự chín chắn đó chúng đã phải cần đến ân sủng đi liền với bí tích thanh tẩy, mặt khác Giáo hội, sự hiệp thông trong đức tin hoàn toàn có quyền ủy thác cho một số tín hữu trách nhiệm và ưu tư giáo dục trẻ có được đức tin trưởng thành.

Đừng quên rằng nơi trẻ, ngay từ phút mở mắt chào đời, đã có tựa như một bản năng không cưỡng được, hướng về đức tin. Ngay cả khi có xung đột nứt rạn giữa bậc thang giá trị của Thiên Chúa và của loài người, bản năng này là một vốn quý, vô giá để giáo dục đức tin Kitô giáo nơi trẻ. Nói cho cùng, Giáo hội không tan bí tích thanh tẩy để nhìn thấy số thành viên của mình tăng thêm nhưng để hiến dâng một người và truyền đến họ ân huệ được từ Thiên Chúa sinh ra, mạnh dạn hiến dâng người ấy cho Chúa, ký thác cho sự che chở đặc biệt của Ngài. Sự giúp đỡ cần bồi thêm, không chỉ có Giáo hội với những quy định của mình có thể quyết đoán được, nhưng còn là tư duy của những người có liên quan đến vấn đề.

HY. Hans Urs Von Balthasar
Nguyên tác: "Si vous ne devenez comme cet enfant" ("Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này"), 1989, Des Clée Brouwer

* Bài liên quan:

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (1)

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (2)

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (3)