Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (5)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 294 | Cật nhập lần cuối: 12/9/2021 10:15:28 AM | RSS

Sống như con trẻ của Thiên Chúa

Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (5)Đòi hỏi người Kitô hữu giữ gìn thật sống động bản sắc trẻ thơ của Thiên Chúa trong mọi lãnh vực của cuộc sống, có thể ngày càng khó hơn, khi con người kỹ thuật toan tự mình tổ chức và quản lý hết mọi sự. Không chỉ có chủ nghĩa duy vật mới tưởng bở rằng sẽ cứu vớt được con người nhờ vào giáo điều của thuyết vô thần, nhưng cả chủ nghĩa thực chứng nữa khi tự cấm mình đặt ra bất cứ vấn đề triết học thiết thực nào, và thu hẹp chân trời tư tưởng, chỉ còn chấp nhận những điều mắt thấy tai nghe. Con người muốn bao quát và hiểu được nguồn gốc mầu nhiệm của mình, giờ đây chỉ còn hiểu được như là mình tự sản sinh ra mình một cách điềm tự. Và thế là chúng ta đã mạnh dạn bước đi trên con đường tự sinh sản của con người. Làm như vậy, mầu nhiệm trẻ thơ tuyệt vời tự căn bị tước bỏ đi, hơn bao giờ cả, giá trị của nó. Nhưng vì lý tưởng của con người, tự sáng chế nhất thiết dẫn đến sự tự hủy - nó biến thành "golem" mẫu gương của người Kitô hữu đối ngược lại - sinh ra từ Thiên Chúa mẫu gương của tình trạng trẻ thơ, ngay cả khi con người đã trưởng thành, tỏ ra hoạt động và sáng tạo - giữ nguyên giá trị của nó và lại là một giá trị có tầm cỡ.

Bây giờ vấn đề là vẽ lên những nét chính của con người được mời gọi sống một cách trưởng thành, địa vị đứa trẻ của Thiên Chúa. Chính nơi Đức Kitô mà chúng hiện lên rõ ràng nhất: được sai đi để chu toàn một công việc khó khăn vượt quá sức người là "quy tụ mọi loài trên trời dưới đất mà đưa về cùng Thiên Chúa", Ngài vẫn giữ được hết mọi đường nét của đứa trẻ Thiên Chúa.

Mọi lời lẽ hành động đều để lộ cái nhìn của Ngài hướng về Cha trong sự ngạc nhiên muôn thuở của trẻ: "Cha cao trọng hơn Thầy" (Ga 14, 28). Vâng, cao trọng hơn Thầy, vô song không chừng mực vì Cha là nguồn gốc mọi sự, kể cả của Con, và không bao giờ Người Con lại tìm xóa bỏ nguồn gốc đó: vì đơn giản là lúc đó, nó sẽ tự hủy chính mình. Ngài biết mình là quà tặng và quà tặng sẽ không còn, nếu bị tách khỏi Người tặng quà, và tuy vậy Ngài tự hiến mình nơi Người. Quà Cha tặng chính là "bản thể-tự nó", sự tự do, và từ đó sự tự chủ, không thể hiểu cách nào khác hơn là được ban trao. Khi Đức Giêsu tỏ mình ra, đã vén mở cho thấy sự hiệp nhất trọn vẹn giữa 2 đối cực; một, là sự tự do quá đáng gây vấp phạm cho người Do Thái vì nó tự khẳng định tính hơn hẳn đối với cả quyền bính tối cao của họ là Luật, để rồi đẩy nó trở về với nguồn gốc là Thiên Chúa và hai, là cái nhìn của Ngài thường trực hướng về Cha: "Người Con không thể tự mình làm gì, mà chỉ làm điều đã thấy Chúa Cha là" (Ga 5, 19). Bên trên Luật trừu tượng thì Thánh Thần cụ thể hoạt động, chung con Cha và Con; đó là Thánh Thần tự do; Ngài cho Chúa Con-làm-người biết, từ bên trong sự tự do thâm sâu nhất của Ngài, điều tuyệt đối đúng đắn mà ánh sáng được phát ra từ sự tự do không tên của Cha. Nhưng điều tuyệt hảo đó lại được truyền đạt đến nơi thâm sâu nhất của Chúa Con: "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10, 30), vì nếu Chúa Cha chuyển cho Chúa Con "tất cả", thì trong đó cũng có sự tự do của Cha, và chính đó là lý do gây ngạc nhiên, thán phục và tạ ơn muôn đời. Sự chuyển giao từ muôn đời đó lại là một hiện tại không bao giờ là một quá khứ, là một biến cố đang diễn ra, một món "nợ" của tình yêu được tự do ban trao. Cho dù đó là một thông điệp trước giờ không nghĩ đến, hành động đó vẫn là cái luôn được đề nghị, cái được mong ước cách nào đó trong sự tín nhiệm vô biên của tình yêu. Chắc hẳn rằng trẻ Giêsu ngạc nhiên về mọi sự: về sự hiện hữu của người mẹ đầy yêu thương qua sự hiện hữu của chính mình và từ hai sự hiện hữu đó đến tất cả mọi hình tượng của thế giới chung quanh, từ cánh hoa mong manh cho đến bầu trời bao la. Nhưng sự ngạc nhiên đó bắt nguồn từ sự ngạc nhiên vô cùng sâu xa của đứa trẻ vĩnh cửu trong Thánh Thần tình yêu tuyệt đối. Ngài ngạc nhiên trước chính Tình Yêu đang chi phối mọi sự và vượt lên trên mọi sự. "Cha cao thượng hơn Thầy": chúng ta đang ở cấp so sánh (comparatif) nói lên được nhiều điều hơn là cấp cao nhất (superlatif). "Cha là Đấng cao trọng nhất" sẽ dẫn đến một cứu cánh tột cùng, mà không còn cái ở "đàng kia" nữa. Cấp so sánh là hình thức ngôn ngữ của sự ngạc nhiên.

Duy trì được sự ngạc nhiên trong thế giới loài người, không dễ, vì ngày nay bao nhiêu khía cạnh của ngành giáo dục lại nhắm luyện tập những phản xạ quen thuộc, cái bị chế ngự, cái vận hành tự động. Việc chuyên môn hóa, các trò chơi điện tử cho trẻ em, chỉ làm tăng thêm cái thú vị được thống trị này. Nhưng ở mọi lứa tuổi, trong cuộc sống vẫn tồn tại, cái vô phương thống trị, thống trị "người khác", thống trị "em": đối với người Kitô hữu - giới răn thứ hai là cơ hội làm nảy sinh ra sự tôn trọng đầy ngạc nhiên trước tự do của người khác, chính vì mình chỉ đi đến được với sự tự do kia dưới điềm lành của tình yêu - Vào tuổi dậy thì, khi quan hệ hứng dục bắt đầu bộc phát nơi người thanh niên, một lần nữa sự ngạc nhiên được đánh thức dậy, như vào thời nguyên thủy, lúc này nhiệm vụ của người Kitô hữu là đẩy tình cảm bồng bột này xuống tận đáy con tim: ở đây, ngay cả sau khi xung năng dục tính đã biến mất, sự thán phục đầy kính trọng đối với người phối ngẫu đã hiến than, vẫn có thể sống động, bên trong những lề thói của đời sống chung. Nhưng đối với người mà trái tim được mở ra trước tuyệt đối thì thiên nhiên muôn hình vạn trạng cũng gây ngạc nhiên: hạt giống nẩy mầm vươn lên, cảnh tươi sáng của mùa xuân "xuân-quang cả bốn mùa trời, gió đưa, trăng rước, hoa mời, tuyết khuyên" (1), đố ai biết được bao nhiêu đố ai biết được bao nhiêu loài động vật. Nhưng còn phải tiếp tục ngạc nhiên tại sao, sự tình lại là thế? Ánh sáng ngời lên từ một cánh hoa, cái nhìn van lơn biết ơn của một chú cún, không đáng cho chúng ta ngạc nhiên, ngang với sự vận hành của một chiếc máy bay đời mới? (vả lại, ở đây chúng ta thán phục khả năng phát minh của trí tuệ con người hơn là vật liệu dễ khiến).

"Cha cao trọng hơn Thầy", sự thán phục ngạc nhiên được duy trì một cách mầu nhiệm trong tất cả các kinh nghiệm loài người. Thiên Chúa vẫn cao trọng hơn tất cả những gì Ngài giao cho thụ tạo làm của riêng. Không bao giờ sự dâng hiến yêu thương từ phía một thụ tạo tự do hay của một sự vật (nếu nó có khả năng tự hiến) lại bị người đón nhận, tước đoạt.

Kế đến là lòng biết ơn, như một kết quả tức khắc, một lòng biết ơn mà chúng ta tìm thấy mẫu - lý tưởng nơi trẻ Giêsu. Lòng biết ơn hay việc tạ ơn - trong tiếng Hy Lạp là Eucharistia - là nguyên lý nơi bắt nguồn thái độ của Đức Giêsu đối với Cha. "Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhậm lời con", Đức Giêsu đã nói, đứng trước ngôi mộ của Ladarô, với ý thức là Cha đã ban cho Ngài quyền phục sinh kẻ chết (Ga 11, 14). Ngài ngước mắt lên trời, cầu khẩn và tạ ơn lúc hóa bánh ra nhiều (Mc 6, 41 và //): đó là việc tiên báo một lời tạ ơn khác vĩnh viễn, khi Ngài ban phát bánh và rượu trong một lời tạ ơn chuyên nhất vì đã cho phép Ngài hoang phí vung vãi tấm thân Ngài vô biên (Mc 14, 23; Mt 26, 27; Lc 22,17-19; 1 Cr 11, 24).

Chính vào giờ Ngài tự nộp mình mà diễn ra lời tạ ơn quyết liệt nhất - điều mà tất cả những ai mở miệng thốt lên từ Eucharistia cần phải nhớ. Mọi thánh lễ về phía cộng đồng Giáo hội, tự bản chất là một lời tạ ơn Cha, nơi đó mọi thành viên đến tạ ơn Chúa Con vì bữa "tiệc lớn": Họ không chỉ tham dự, họ còn có thể biến mình cùng với Chúa Con. Biết bao lần Phaolô đã nhắc nhở các giáo đoàn của ông về lòng biết ơn này đối với Thiên Chúa và cũng bấy nhiêu lần; chính ông đã cảm tạ Ngài vì được ơn hiến thân tra tay vào công trình của Đức Kitô: "Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp dành cho những ai thuộc về Người…" (Col 1, 12) và "chúng tôi không ngừng tạ ơn Chúa" (1 Th 2, 13).

Mọi lúc và trong mọi sự trẻ loài người đều lệ thuộc vào sự hào phóng tùy tiện của người lớn; nơi trẻ, việc xin xỏ và sự biết ơn vẫn còn là một, chưa phân biệt. Chính vì nó đang còn ở trong tư thế "xin" nên đồng thời cũng ở trong tư thế "biết ơn" - cả trước khi nó có được một quyết định tự do và đạo đức. Và khi người lớn dạy trẻ phải " thưa bẩm" hay "cám ơn" thì họ đâu có dạy nó điều gì mới mẻ, họ chỉ toan đưa cái đã có sẵn từ nguyên thủy vào trong lĩnh vực của một lương tâm chín chắn. Khi dạy trẻ cám ơn, người lớn không nên chỉ giới hạn, cho những quà tặng, nhưng còn phải dành cho ý thức nguyên thủy được là thành phần của món quà nhận được, với tư cách là chủ thể và tạ ơn vì ân huệ ấy. Ý thức đó phải được đưa vào lĩnh vực của lương tâm đang biệt lập. Là trẻ thơ tức là "cám ơn", và vì không bao giờ có thể thôi tạ ơn mình là mình trong cuộc sống trưởng thành, nên chúng ta cũng không bao giờ thôi là trẻ thơ cả và cùng với bổn phận cám ơn không bao giờ thoát được nhu cầu xin xỏ. Loài người thường quên điều đó, dù là trong những cá nhân, dù là trong các nền văn minh và thể chế. Chỉ có Kitô giáo, mà Giêsu, đứa trẻ muôn đời, là trung gian thiết yếu, còn giữ được sống động trong lòng tí hữu, suốt đời, ý thức trẻ con về nhu cầu nguyện xin và tạ ơn. Đức Giêsu cũng căn dặn: "Hãy nói: thua… dạ" và "cám ơn" không phải vì sợ không nhận được quà - nhưng để nhận ra ở đó là quà tặng. "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở cho" (Mt 7, 7), với xác tín chắc chắn rằng khi xin thì đã có thể tạ ơn vì đã nhận được điều mình xin. "Tất cả những gì anh em xin khi cầu nguyện, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý" (Mc 11, 24).

Từ đó đã có lệnh cấm, trong bài giảng trên núi, không được lo lắng cho ngày mai, và kinh Lạy Cha, trong đó mình chỉ xin lương thực cho mỗi ngày. Chỉ có những trẻ của Thiên Chúa mới hiểu được hai khía cạnh trên: vì khi trẻ xin một cái gì, là xin cho ngay "tức khắc", và khi chúng ngồi vào bàn ăn đã dọn sẵn, chúng chẳng bao giờ nghĩ đến ngày mai chúng sẽ ăn gì. Người lớn phải lo cho trẻ và cho bản thân mình, không làm thế nào khác hơn là tiên liệu dự trù. Đức Giêsu cũng đã kể dụ ngôn về người quản gia bất lương (Lc 16,1-8): bị nhà phú hộ cất chức, người quản gia tự hỏi rồi đây hắn sẽ làm gì: "À, mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà". Đức Giêsu khen con người đó, chắc chắn chỉ vì cách xử sự khôn khéo của hắn trong thế gian, hắn tỏ ra khôn khéo hơn "con cái ánh sáng". Vì đối với những người này, sự khôn khéo phòng xa không nhắm đến chuyện đời: "Hãy dùng tiền của bất chính (tên Mammon khéo đánh lừa) mà mua lấy bạn bè, phòng khi hết bạc tiền, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu" (Lc 16, 9). Sự phòng xa đối với họ mang một ý nghĩa rõ ràng: "Hãy về bán tài sản mà bố thí cho người nghèo, anh em sẽ được một kho tàng trên Trời" (Mt 19, 21).

Cần nhắc lại một lần nữa, đó là một thái độ của trẻ vì trẻ luôn sẵn sàng cho đi và chúng là sự bù đắp cần thiết cho những ai hoài công tìm dự trữ cho ngày mai. Đức Giêsu không hề chủ trương một trật tự xã hội trong đó các nước giàu phải giúp đỡ các nước nghèo, Ngài chỉ xét là những kẻ thiếu thốn và những người có của phải họp thành một cộng đồng trong đó Ngài can dự vào như tiêu chuẩn tối hậu đánh giá một thái độ con trẻ thật sự: "Xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù…", và các ngươi đã cho hoặc không cho, đã là những trẻ hào phóng hoặc là những người lớn ích kỷ và chính dựa vào đó mà các ngươi sẽ bị xét xử sau cùng" (Mt 25,37-46). Tính vô tư và niềm vui được cho đi của trẻ bổ túc cho nhau, trong ý niệm về thế giới được Người con Cả của Cha đề nghị.

Có một điều thứ ba mà tinh thần con trẻ giữ được sống động trong đời sống Kitô hữu: đó là bản chất nhiệm mầu và thâm sâu của Giáo hội. Chắc chắn rằng trong Giáo hội tình huynh đệ ngự trị không gián đoạn như lời Đức Giêsu đã nói: "Chúng ta tất cả đều là anh em, do đó đừng bắt ai gọi mình bằng "Cha" hoặc bằng "Thầy" vì anh em chỉ có một Cha, là Cha rên Trời và chỉ có một Thầy là Đức Kitô" (Mt 23,8-10). Thế nên có tình huynh đệ, nhưng chỉ với một Cha Chung và là Thầy mọi người, nhưng cũng là Đấng đã trao quyền làm Thầy của mình cho một đại biểu, nhằm xây dựng Giáo hội: "Ai nghe anh em là nghe Thầy" (Lc 10, 16), và qua Ngài, nghe lời Chúa, nghe Cha. Đối với tinh thần con trẻ của người Kitô hữu, ở đây một khoảng cách mới được mở ra: đó là sự lãnh nhận các bí tích do Đức Kitô ban phép qua Giáo hội, việc tiếp thu lời Ngài và sự chỉ giáo mà Ngài muốn.

Chính bí tích chỉ cho thấy rõ nhất. Một mình Thiên Chúa trong Giáo hội tổ chức "đại yến", bữa tiệc tạ ơn, tất cả chúng ta là con cái được mời tham dự; trong bí tích hòa giải, chỉ mình Ngài ban ơn tha thứ và ban Thánh Thần; một mình Ngài lập lại lời hứa hôn giữa Đức Kitô và Giáo hội, phong chức cho một người và trao cho mọi quyền ban bí tích hoặc hiến đời mình qua lời khấn dòng vĩnh viễn.

Mỗi người tiến lên lãnh nhận bí tích ví thể một đứa trẻ, nghĩa là thụ động như một máy thu, mặc dù người ấy cũng phải đóng góp phần mình: phần đó không là gì hơn là tâm trạng đầy đủ của một trẻ thơ.

Đứng trước lời giảng dạy, cũng phải có thái độ tiếp nhận cơ bản đó, đó chính là thái độ của trẻ (ai có thể bác khước được lời của Thiên Chúa). Chỉ có điều là người nghe có quyền nhận định với ơn Chúa Thánh Thần được trực tiếp ban cho họ, đâu là lời Chúa, đâu là lời lẽ con người làm hoen ố lu mờ lời giảng dạy. Nhưng khi đối diện với Lời Chúa, chúng ta luôn là những đứa trẻ không hiểu thấu đáo mọi sự, nhưng cần cảnh giác đừng biến giới hạn chủ quan của mình thành ranh giới khách quan, khi đón nhận lời giáo huấn được ban phát. Ở trường học, trong một quãng thời gian dài, trẻ phải học những điều chúng chưa biết. Chúng ta cũng cần nhắc lại điểm đó đứng trước mục vụ giảng dạy của Giáo hội: hình ảnh trong Kinh Thánh, của Người Mục Tử tốt lành dắt chiên ra đồng, không có nghĩa là việc dẫn dắt này chỉ dành cho trẻ vị thành niên, nhưng mà là cho cả những Kitô hữu trưởng thành. Điều quan trọng là nơi những ai theo Đức Kitô, sự sẵn sàng này phải sâu sắc hơn mọi chỉ trích về cách quản trị của Giáo hội thường chỉ liên quan đến những khía cạnh bên ngoài. Vì rằng, dù tất cả những khuyết điểm về phía con người, người mang gánh nặng điều khiển, trước hết cũng bị ép buộc vâng phục trong khiêm tốn: "Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy" (Ga 21, 17) và như thế "Không vì lộng quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên" (1 P 5, 3). Chính bằng việc đối chiếu với sự sẵn sàng, và lòng tuân phục của Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, mà người Kitô hữu có thể và phải phản công trước lời chê trách bên ngoài, cho rằng họ bị xử sự trong Giáo hội như một vị thành niên, và cũng cách đó mà họ thoát ra được khỏi cám dỗ luôn dai dẳng đưa đẩy lẫn lộn, trong Giáo hội giữa tình huynh đệ và tính dân chủ theo người đời.

Một điểm thứ tư và cũng là điểm chót. Đứa trẻ luôn luôn có giờ. Thì giờ của trẻ là thì giờ không tính toán, không bị đánh cắp một cách ích kỷ, thì giờ được đón nhận trong thanh thản. Thì giờ để đùa giỡn. Tuyệt đối nó không biết gì về những kỳ hạn, những khoảng ngày giờ, làm cho mỗi khoảnh khắc bị biến trước thành một món đồ được buôn đi bán lại. Khi Phaolô cảnh giác chúng ta: "Hãy tận dụng thời buổi hiện tại" (Cl 4, 5; Ep 5, 16) ông muốn nói điều ngược lại nghĩa là đừng phí phạm thời giờ như những vật dụng không có giá trị, nhưng hãy tận dụng ngày giờ được ban cho, không phải để "hưởng thụ" kiểu Ai ơi! Chơi lấy kẻo hoài, cũng không phải để "lợi dụng", nhưng chỉ đón nhận thời giờ với lòng biết ơn như chén nước đầy được trao tay. Phút hiện tại luôn đầy đặn vì toàn bộ thời gian có thể cô đọng được nơi phút chốc ấy không khó khăn chi. Kỷ niệm về những gì đã nhận được từ muôn đời, nơi phút hiện tại, được xen lẫn với hy vọng rồi đây sẽ có thì giờ. Thế nên trẻ không bao giờ hoảng sợ trước tính phù du của phút chốc, một phút phù du mà khi nhận thức được có thể ngăn cản ta đón tiếp với đôi tay mở rộng, và thưởng thức lấy nó.

Chỉ có trong cuộc sống tại thế, mà con người mới có thể đánh tráo chơi trò "chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi", cũng có thể buông thõng, chìm mình trong giấc nồng, không chút cảnh giác phòng vệ. Và cũng chính ở trong cuộc đời này mà người Kitô hữu có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi sự cũng như Đức Kitô đã gặp Cha trong mọi sự. Con người gấp vội (nghĩa là bị dồn ép) luôn dời cuộc 'hẹn" với Thiên Chúa vào một lúc rảnh rỗi luôn bị hoãn lại, vào một "giờ cầu nguyện" được khó nhọc "đánh cắp" từ cuộc sống thường nhật bề bộn.

Đứa trẻ quen biết Thiên Chúa có thể gặp Ngài bất cứ lúc nào, vì mọi phút chốc đều tiếp giáp với nền tảng của thời gian nghĩa là vĩnh cửu. Và vĩnh cửu này tiếp tục tiến bước không thay đổi, quq thời gian đang thấm thoát thoi đưa. "Ta là Đấng hằng hữu" (Ta có sao Ta có vậy), Thiên Chúa tự định nghĩa mình như thế, điều đó có nghĩa là trong mọi phút chốc của tiến trình cách nào đó, Ta luôn luôn hiện diện.

HY. Hans Urs Von Balthasar
Nguyên tác: "Si vous ne devenez comme cet enfant" ("Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này"), 1989, Des Clée Brouwer