Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (7)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 256 | Cật nhập lần cuối: 12/16/2021 11:15:56 AM | RSS

Người Mẹ và 'khả năng sinh sản" nơi trẻ của Thiên Chúa

Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (7)Có nhiều truyền thuyết nói về tuổi thơ của Đức Maria.

Truyền thuyết được biết đến nhiều nhất, là việc Người (1) dâng mình vào Đền Thờ. Nhưng chúng ta không cần đến biến cố bên ngoài đó, vì đức tin đảm bảo với chúng ta rằng ngay khi chào đời Đức Maria đã đặc biệt dâng mình cho Chúa và trong mọi khoảnh khắc đời mình người luôn là Đấng "thánh vô nhiễm" được Thiên Chúa chọn trong hoạch định muôn đời nhằm cứu rỗi mọi người (Ep 1, 4). Một mình Người, nhân vì vị trí đặc biệt được dành riêng trong hoạch định: người phải đóng góp vào việc nhập thể của Đấng là Chúa-Cứu-tất cả mọi người khác, và vì Ngài sẽ trở nên một trẻ loài người, Người cũng phải có khả năng trở nên cho Ngài một mẫu gương về phía loài người. Nhưng Người sẽ không là mẫu gương được nếu không được thụ giáo từ Thánh Thần và không biết đến tuổi thơ muôn đời của Người Con trong cung lòng Cha.

Với tư cách là người mẹ, Người đã phải dạy dỗ trẻ sinh ra trong thời gian, đứa trẻ mà trước đây Thánh Thần đã cho Người biết là Con Thiên Chúa.

Hơn mọi thụ tạo khác, Người đã được đưa dẫn vào trong mọi mầu nhiệm của tuổi thơ; vậy mà điều lạ lùng nhưng thiết yếu, là nơi Người, dù với sự trưởng thành về thể xác và tinh thần, Người không sao vượt được tuổi thơ của Thiên Chúa. Khi lớn lên Người đã sống như thế nào tương quan với cha mẹ trần gian của Người vì đã được đặc ân vô nhiễm? Chúng ta không biết được; chỉ có điều là quan hệ con trẻ của Người với Thiên Chúa không hề bị ảnh hưởng. Vì thế, với ơn Chúa, Người đã có thể, trong tư thế con trẻ, có được khả năng sinh sản của người mẹ, và trong tư thế là mẹ, vẫn vĩnh viễn là trẻ.

Cần nhắc đến trước rằng, rồi đây khi đứng dưới chân Thập Giá, Đức Maria sẽ được Con Người phong làm Mẹ Giáo hội ("Đây là Con Mẹ") với tư cách là mẫu-Giáo hội, Người cũng sẽ mang lấy những nét trẻ thơ mà Người đã có từ đầu, nếu không, Người không thể biến các Kitô hữu thành con cái Thiên Chúa nhờ vào các bí tích và giáo huấn của Người.

Mọi sự đã bắt đầu với người thiếu nữ mà Thần Sứ Thiên Chúa đến chào dưới danh xưng là Mẹ "Con Đấng Tối Cao". Nhờ đó mà Đức Maria biết được rằng Cha, Đấng Tối Cao từ muôn đời đã có trong cung lòng một đứa Con, và rằng Người Con đó đã chọn lòng mình để cư ngụ. Nếu Người chỉ dựa vào khả năng riêng của mình mà lý luận như người lớn, kết quả sẽ là "không thể được". Làm sao cân xứng được giữa Cung lòng của Cha và lòng dạ chật hẹp tối tăm của một con người? Nhưng, với tư cách đứa trẻ tuyệt hảo của Thiên Chúa, Người không suy nghĩ theo quan điểm riêng của mình: từ vị trí nhỏ bé của người "tôi tớ khiêm hèn" mà Thiên Chúa đã đoái nhìn tới (Lc 1, 48). Người để Thiên Chúa sử dụng: "Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói". Lời lẽ ấy giả thiết rằng trước đó nơi Người đã có sẵn tinh thần trẻ thơ tinh ròng tín nhiệm nơi Cha trong mọi sự, ngay cả để mặc Ngài can thiệp nếu Ngài muốn trong tương quan giữa Người và Giuse, vị hôn phu.

Trong kết quả của tiếng "Xin Vâng" này, lần đầu tiên, một cái gì đó đang được bày tỏ trong thiên tình sử giữa Thiên Chúa và lòng người và tức khắc dưới dạng một mẫu gương tuyệt hảo: cái từ trẻ con được thốt lên vô tư, đầy tín nhiệm, tin tưởng nơi Cha trong mọi sự, tức khắc, làm cho Ngôi Lời Thiên Chúa trong cung lòng Đức Maria, được tượng hình. Ngôi Lời đó chính là Người Con Vĩnh Cửu của Cha. Trong Cựu Ước việc thụ thai về mặt con người, giả định con người phải trưởng thành về tinh thần và thể xác: thế nên Cựu Ước cũng chưa quảng diễn được chân lý trên đây, cả những dụ ngôn của Đức Giêsu cũng chưa làm gì hơn được vì thường chúng vay mượn những ví dụ trong tương giao bình thường của con người như "Một người có hai con…". Nhưng điều đã xuất hiện lần đầu tiên nơi Đức Maria rồi đây trong Giáo hội Đức Kitô sẽ là một khả năng có hiệu lực: đó là khả năng sinh sản của đứa trẻ, không kể đến tính trưởng thành hoàn chỉnh về giới tính, có thể mang hoa quả cho Thiên Chúa từ sự hiệp nhất thể xác và tinh thần: cởi mở với Thiên Chúa đến tận đáy lòng là điều kiện tiên quyết duy nhất cần thiết.

Nhưng đứa trẻ đó cần thụ giáo. Trong suốt thời gian mang thai, Đức Maria sẽ phải qua một trường lớp nghiêm khắc mà ông giáo chính là Thánh Thần.

Không phải thể xác của Người cần học làm mẹ, nhưng tất cả con người, bản thân người, cần học những gì phải "là" và phải "làm" khi mình là Mẹ Thiên Chúa. Là Đấng Vô Nhiễm, Thánh Thần luôn ở với Người và Người không hề học điều gì cần thiết từ bên ngoài cả. Người sẽ phải tiến hành hai công việc: đưa con của Người vào trong nhân loại, và điều đó không chỉ có nghĩa tập cho Ngài biết đi, biết nói, mà còn đưa Ngài vào trong tôn giáo của Cha Ngài, mặt khác học từ đứa con của mình, ngày lại ngày, làm sao hành xử với tư cách là con của Thiên Chúa.

Ngay từ khi mang thai, Người đã phải học chế - ngự những sợ hãi của việc làm mẹ, đảm đương việc sinh nở, nắm được các bổn phận của người mẹ, không tưởng tượng trước nổi đối với một trẻ như vậy. Trực giác đã mách bảo Người rằng người Con này sẽ bị nhận chìm trong đau thương kinh hoàng: Người Mẹ lúc đó đã tách rời khỏi Con, sẽ có khả năng chịu đựng những biến cố đó không? Và nếu đứa con này thật là "Con Đấng Tối Cao" thì Cha sẽ xử sự như thế nào với Ngài và với người, nữ tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa, với sứ mệnh thần-nhân mà Con Ngài được ủy thác? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập mà không có giải đáp sẵn: những đáp án sẽ đến từ Trường học của Thánh Thần, nhưng vẫn luôn là những câu hỏi cần đảm nhiệm như vậy. Việc Thánh Thần giáo dục một người con Thiên Chúa không bao giờ hoàn tất cả.

Sự hiện diện lâu dài của người mẹ bên cạnh đứa con đang lớn đối với Đức Maria là một cuộc đời đức tin; Người không thấy Thiên Chúa nơi Con của Người. Người chỉ cảm nghiệm từ xa tương quan của trẻ với Cha. Người không hiểu câu nói của trẻ trẻ Giêsu ở tuổi 12. Bị đẩy lùi đàng sau, Người đã hiểu gì về hoạt động công khai của Ngài? Con trai Người sẽ bỏ rơi Người và sẽ gần như không nhận ra Người "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi" (Ga 2, 4). Khi Người muốn gặp Ngài, thì Ngài không có thì giờ vì Ngài bận rộn với gia đình mới của Ngài; khi một phụ nữ trong đám đông cất tiếng ngợi ca Người, thì tức khắc Người bị đồng hóa với đám đông vô danh tiểu tốt: "Đúng hơn là phúc cho ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành". Một bên Người trở nên mẫu gương tinh ròng của đức tin mới, bên kia vì là đại biểu cho khía cạnh hoàn toàn thể lý của việc xảy đến, Người bị đưa về với quá khứ đã trôi mất. Đó là Trường học của Người Con, học đi vào dần trong sự phó thác mà Người cũng dự phần vào dưới chân Thập Giá.

Người ta quen gán sự tham dự này của Đức Maria vào việc chia ta giữa Chúa Cha và Chúa Con, cần thiết trong lịch sử cứu độ, cho việc thụ thai trinh khiết của Người. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng còn phải nhớ rằng nét độc đáo có một không hai của Đức Maria là ở tình trạng cũng không kém duy nhất của Người Con Thiên Chúa, và tình trạng đó bắt nguồn từ mẫu lý tưởng của tình trạng trẻ thơ nơi Người Con Vĩnh Cửu.

Một lần nữa chúng ta được đưa trở về với sự hiệp nhất được thánh Gioan nhấn mạnh ở hai cực:

- sự lệ thuộc giữa Con và Cha luôn được duy trì. "Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi" (Ga 7, 16).

và - sứ mệnh mà Ngài hoàn toàn ý thức trách nhiệm và được Ngài đón nhận như một quà tặng của Cha.

Nói cách khác, đó là sự hiệp nhất giữa tình trạng trẻ thơ và tuổi trưởng thành. Khi người Kitô hữu cầu nguyện với Đức Giêsu qua Đức Maria, nhất thiết họ phải, theo gương Người, buông theo thái độ của Người Con đảm trách vị trí con trẻ của mình. Vì rằng, nếu, theo chân Đức Kitô các Kitô hữu được Ngài đưa vào cung lòng Cha, việc nhập cuộc đó đương nhiên bao hàm tương quan con trẻ mà Đức Maria đã có đối với Cha trong Thánh Thần.

Về quan điểm này, cũng không có gì thay đổi, khi Đức Maria (được gọi đơn giản là "Bà" trong Tin mừng Gioan) đến đứng dưới chân Thập Giá, như vị hôn thê, bên cạnh Ađam mới, và khi theo kiểu loài người của mình, qua sự ưng thuận hoàn toàn, đã khai sinh ra Giáo hội, cũng từ trái tim bị lưỡi gươm đâm thủng của Người. Được liên kết với người môn đệ từ nay sẽ là người con mới của mình, Đức Maria không những là người-mẹ-mẫu-lý tưởng của Giáo hội - sau khi sinh ra Đầu Giáo hội, thì nay cho ra đời các chi thể khác của thân thể (Kh 12, 17) và tiếp tục là mẹ của họ - nhưng Người còn là chi thể-mẫu-lý tưởng của Giáo hội nữa, được tham dự, nơi tất cả các chi thể, vào ân huệ tuổi thơ trong cung lòng của Cha, trong Đức Kitô, nhờ vào lời và các bí tích. Mọi việc nối gót Đức Kitô trong Giáo hội, sinh ra từ Đức Maria, mọi chức vụ tư tế của hàng giáo phẩm và của giáo dân, nói cho cùng đều hướng về ân huệ tối hậu của tình trạng trẻ thơ, như chúng ta đã nói ở đầu bài suy niệm này. Nơi Đức Maria, là mẫu lý tưởng, mọi Kitô hữu đều thấy tỏ tường rằng tính trẻ thơ đó nơi Thiên Chúa là nơi mà khả năng sản sinh, được đón nhận từ Nguyên Thủy, cũng hoàn toàn có thể ăn khớp, trong thế giới loài người với một khả năng sinh sản từ ân sủng.

Kết quả dẫn đến một điểm sau cùng. Người phụ nữ trong Khải Huyền sinh Đấng Messia trong quằn quại đau đớn, giữa Trời và Đất, chắc hẳn cũng đã mang nặng tất cả những đau khổ của Israel cũng đã phải sinh ra Đấng Messia từ cung lòng của mình, vừa đầy lòng tin vừa đầy tội lỗi. Nếu Israel không bất trung cỡ đó với Thiên Chúa mình thì đâu cần đến bao nhiêu đau khổ. Tuy vậy, đã có lòng tin của Abraham và sự trung tín của các ngôn sứ: không thể nào họ lại không dự phần vào việc ra đời của Đấng Cứu Thế. Nhưng làm sao sáp nhập di sản thần học pha tạo này vào trong vận mệnh của người con gái Nadarét khiêm tốn và vô tội này? Chỉ bằng cách nghĩ rằng, việc chọn thiếu nữ này để sinh ra Đấng Cứu Thế phải có trước hết mọi khía cạnh đến sau của bài sai. Cũng như đối với Chúa Con, trước hết phải là con trẻ của Cha, để có thể sau đó khi trở thành người, mang trên đôi vai gánh nặng của thế giới tội lỗi, cũng vậy trong hoạch định cứu rỗi của Thiên Chúa, người mẹ phải là tư tưởng trước nhất để rồi, như Con mình, có khả năng gánh vác chiều kích muôn mặt của lịch sử cứu độ. Lời hứa với người phụ nữ ngay sau khi bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng đã ám chỉ đến một cách lờ mờ: "dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi" (Kn 3, 15). Càng thấy rõ hơn, nhân cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và Isave khi trẻ Messia ít tháng tuổi hơn, ban phúc lành cho người anh họ già tháng tuổi hơn, vị tiền hô của Ngài (và nơi người anh họ, Ngài chúc lành cho cả trào lưu ngôn sứ trong Cựu Ước). Trong hoạch định của Thiên Chúa, người đi sau lại là kẻ đến trước, và nhân danh người này khoảng cách giữa hai người được khẳng định. Chính như vậy mà được chọn giữa mọi phụ nữ để trở thành Mẹ của Người Con vĩnh cửu, Con Trẻ Maria đã đem lại ý nghĩa cho toàn bộ lịch sử từ Ađam và Abraham cho đến thời của Người, và Thiên Chúa cũng đòi hỏi chính Người, bên trong công trình của Con Ngài, hoàn tất lịch sử hòa giải.

HY. Hans Urs Von Balthasar
Nguyên tác: "Si vous ne devenez comme cet enfant" ("Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này"), 1989, Des Clée Brouwer

_____________________

Chú thích: