Nhanh sẽ hỏng, chậm sẽ chắc?

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 696 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Blog WGPSG (4.2.2012) -- Sáng thứ sáu ngày 3-2-2012, báo điện tử Vnexpress đưa tin: “trên đường đón khách đi lễ, xe khách 16 chỗ băng qua đường sắt Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội) đã bị đoàn tàu tông phải. Ôtô nát bươm, tài xế tử vong tại chỗ, 6 hành khách bị thương.”


(vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/02/co-vuot-duong-sat-xe-khach-di-le-bi-dam-nat/)


Tin buồn này vừa được đăng lên lập tức có rất nhiều độc giả phản hồi ý kiến, phần lớn họ quy trách nhiệm cho người tài xế quá chủ quan, thiếu kiên nhẫn đợi chờ. Họ nói:


Mọi người hãy cẩn thận hơn! Thà mất đi vài phút trong cuộc đời còn hơn mất cả cuộc đời trong vài phút. Mọi người ơi hãy thật cẩn thận nhé, đừng để những chuyện thương tâm như thế này xảy ra nữa. (Nguyễn Thúy)


Ý thức giao thông! Nhà tôi cùng gần đường giao nhau. Nhiều lúc tôi cũng như những người chứng kiến cứ thót tim và la lên vì thấy cảnh nhân viên đường sắt đã kéo rào mà vẫn có người cố lách vượt bằng được qua. Tôi không hiểu liệu như vậy có đi nhanh được hơn không mà phải bất chấp tính mạng vậy. Ý thức tệ quá. (Thu Huong)


Quá chủ quan. Hoàn toàn la do lỗi của người lái xe thôi! Chờ 1 lúc thì có sao đâu, có quá nhiều vụ tai nạn như vậy mà họ không hề biết cảnh tỉnh, phải chăng những người này không hề coi sách báo loa đài? (Hoang Quang)


… vấn đề là người tham gia giao thông không ý thức được nguy hiểm khi đến gần đường sắt, cố tình vượt để rồi gây ra nỗi buồn cho người thân. DỪNG LẠI, CHỜ ĐỢI CÓ MẤT MÁT GÌ KHÔNG? (caobinh)


Ngày nay, người ta ưa chuộng tốc độ cao: hết mì ăn liền lại tới thức ăn nhanh (fast food); cây có trái thu hoạch quanh năm rồi lại đến gia súc gia cầm có trọng lượng cao hơn và thời gian chăm sóc, vỗ béo ngắn ngày hơn… nhờ thuốc tăng trưởng!


Nhu cầu thực phẩm khiến người ta lai tạo ra rất nhiều giống cây giống vật nuôi ngắn ngày mau thu hoạch. Họ bất chấp những tác hại do hóa chất được sử dụng trong chăn nuôi cấy trồng, dễ hiểu tại sao ngày nay bệnh ung thư trở nên phổ biến đến vậy!


Tốc độ giao thông cũng được đẩy lên rất cao, người ta so đo nhau từng giây một. Chuyện kể: một thanh niên đi xe môtô luồn lách bên phải rồi bên trái, bất cứ chỗ nào trống trên đường là anh cũng tranh thủ tận dụng mà lao tới. Tại ngã tư, đèn đỏ phần đường của anh chưa kịp tắt, anh đã nhấn còi inh ỏi thôi thúc những người phía trước. Nhiều người tỏ vẻ bực mình vì sự nóng vội của anh, nhưng cũng có một số người thông cảm khi nghĩ có lẽ anh ta đang có chuyện rất cần kíp nào đó. Đột nhiên anh lao tới phía trước với tốc độ rất cao, và cũng đột ngột tấp vào lề đường nơi quán cà phê có các bạn của anh đang chờ. Mọi người đều thốt lên đầy bực dọc: “Trời, vậy mà cũng tranh thủ…!”


Thế đấy, người ta tranh nhau từng giây một để kịp giờ ngồi uống cà phê tán dóc tới tận trưa trầy trưa trật.


Trở lại tin tai nạn đầu bài, chúng ta có thể khẳng định: Nhanh sẽ hỏng!


Vậy “chậm là chắc” mới đúng?


Tôi chợt cười một mình khi nhớ đến câu nói của một cụ già nọ: Người đi chậm thì đi được lâu, nhưng… không bao giờ tới đích!


Điều cụ già nói đó, cũng đúng trong câu chuyện sau đây:


Danh là một vận động viên điền kinh giỏi, thường đoạt giải cao trong các kỳ thi. Trong đời thường, mỗi khi được ai đó nhờ vả công việc, Danh đều nói: “Xin đợi tôi một phút thôi!”. Người cần phải nhờ vả nhiều khi cũng bực mình khi Danh rảnh rỗi nhưng luôn muốn người khác phải chờ đợi một phút rồi mới đáp ứng yêu cầu của họ.


Kỳ thi chạy marathon nọ, Danh được đánh giá rất cao, và quả thật anh chỉ về đích sau người đầu tiên đúng 1 phút!


Một phút lúc này đối với Danh sao quý quá đi, nó làm anh tiếc xót cho vị trí quán quân quá đi!


Thế đấy, chậm chưa phải là chắc, chậm không đồng nghĩa với thành công!


Nhanh cũng hỏng, chậm thì chưa chắc thành công, vậy chúng ta phải như thế nào?


Thưa rằng, chỉ có đúng lúc đúng giờ, đúng thời đúng buổi mới là chọn lựa đúng và khôn ngoan! Đúng thời thì khỏi phải “dục tốc bất đạt”! Đúng giờ thì không phải chậm chân làm vuột mất thành công, vuột mất chiến thắng!


Phúc cho ai lắng nghe và hiểu được ý nghĩa lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).


Vâng, giờ đã điểm, thời đã tới! Phúc thay!


Chiengia

Nguồn: tgpsaigon.net