Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1922 | Cật nhập lần cuối: 3/30/2016 10:30:33 AM | RSS

(tiếp theo)

CHƯƠNG III. CON ĐƯỜNG NHẬP THỂ

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (3)Tất cả chúng ta đều muốn trở thành những con người thiêng liêng. Nhưng thuật ngữ "thiêng liêng" hàm ý một xu hướng chống lại vật chất và thân xác. Nếu xét kỹ, nó là sai trái, hay ít nhất không hoàn hảo.

Cả trong truyền thống Kitô giáo và Ấn giáo, những "người thiêng liêng" được người ta trông đợi là những người từ bỏ thế gian và gia nhập một đan viện, hay trở nên tu sĩ hành khất. Ngay cả khi sống trong thế gian thì họ cũng được trông đợi là người không thuộc về thế gian. Thế gian được xem như chiến trường trong đó người ta phải chiến đấu để giải thoát mình khỏi thế gian.

Ở Ấn Độ, thái độ này đối với vật chất và thân xác thì phức tạp hơn bởi nguyên lý ô nhiễm của hệ thống chế độ đẳng cấp. Cuộc sống và công việc càng nối kết với thân xác và vật chất thì càng bị ô nhiễm. Người ta không muốn đôi tay bị dơ bẩn. Dĩ nhiên, trong chế độ đẳng cấp, người ta không có chọn lựa trong vấn đề vật chất. Trong nước Ấn Độ hiện đại, người ta có thể thấy giá trị của chế độ đẳng cấp hoạt động trong việc đua nhau tìm những công việc của công chức ăn trắng mặc trơn.

Chúng ta cũng thấy cách phân biệt giữa sự thánh thiêng và phàm tục. Vật chất và thân xác thuộc về phạm vi phàm tục, và vì thế được xem không chỉ là kém quan trọng, nhưng còn là hạ đẳng. Trong hệ thống giá trị này, những người dấn thân vào các nghề nghiệp của thế tục thì bị xem như thấp kém hơn các linh mục, tu sĩ.

Nhìn từ quan điểm của hệ thống giá trị này, việc nhập thể của Ngôi Lời được xem như việc hạ mình xuống của Thiên Chúa, không phải vì Ngài bỏ địa vị cao sang để trở nên một tôi tớ (x.Pl 2,6-8), nhưng vì Ngài đã mặc lấy thân xác vật chất của con người. Những người theo Ngộ Đạo thuyết đã suy nghĩ theo cách này.

Ngược lại, tôi nghĩ rằng việc nhập thể của Ngôi Lời đã đánh đổ hệ thống giá trị này, một hệ thống coi khinh thân xác và vật chất. Nếu Thiên Chúa đã chọn trở thành một con người bằng việc nhận lấy một thân xác như Gioan đã nói (x.Ga 1, 14), chứ không chỉ lấy hình dánh bên ngoài, thì lúc ấy thân xác và vật chất phải có một điều gì tốt và xinh đẹp.

Thân xác và vật chất không xấu hay tốt xét theo bản chất của chúng. Nó phụ thuộc vào việc chúng được sử dụng như thế nào. Chúng ta có thể dùng chúng cho việc tốt hay lạm dụng chúng. Như thế, trách nhiệm dồn trên chúng ta. Và nếu chúng ta là con người thiêng liêng thì thân xác và vật chất cũng không phải là điều gì đó ở ngoài chúng ta. Chúng là thành phần của chúng ta. Chúng ta không chỉ là thân xác. Nhưng thân xác là thành phần của chúng ta. Chính trong và qua thân xác mà chúng ta sống trong thế giới và hiện diện với những người khác. Chính qua thân xác mà chúng ta diễn tả bản thân mình. Thân xác là trung gian với tính cách là biểu tượng cho mọi điều chúng ta là và làm.

Chúa Kitô trở nên một con người để cứu độ chúng ta: không chỉ linh hồn nhưng cả thân xác chúng ta nữa. Cội rễ của tội không nằm trong thân xác nhưng trong chúng ta, trong hữu thể của chúng ta, trong tính ích kỷ, dục vọng lăng loàn, thích khoái lạc mà vô trách nhiệm, bóc lột mọi sự và mọi người vì mục tiêu riêng của mình. Chúng ta cần hoán cải, thay đổi chính mình, chứ không phải chạy trốn thân xác và thế giới. Ngược lại, một sự thay đổi thật sự trong chúng ta sẽ được tìm thấy trong thân xác và trong một thế giới được biến đổi.

Để thực hiện cuộc biến đổi này, Chúa Kitô đã chọn trở thành một con người bằng việc nhận lấy một thân xác, và trở thành một phần của thế giới. Đây là con đường nhập thể. Chúa Kitô chọn để đảm nhận điều Ngài sẽ biến đổi trong sự phục sinh của Ngài, và sự biến đổi không phải ưu tiên nơi thân xác nhưng là con người và cộng đoàn. Thân xác và thế giới chia sẻ trong sự biến đổi và trở nên biểu tượng và các bí tích của nó.

Một thi sĩ người Tamil đã nói: "Tôi đã xấu hổ về thân xác của tôi, rồi tôi nhận ra Thực Tại ở bên trong, và biết rằng thân xác là Đền Thờ của Thiên Chúa, bây giờ tôi chăm sóc cho nó."

Ơn cứu độ trong Chúa Kitô không phải là tránh né thân xác và thế giới, nhưng dấn mình vào để nhận trách nhiệm về chúng. Nếu vài người cảm thấy được gọi để từ bỏ chúng, thì sự từ bỏ là biểu tượng của việc họ từ bỏ tính ích kỷ của họ, chứ không phải là thân xác và thế giới.

(còn tiếp)

Lm. Michael Amaladoss S.J.

Nguyên tác: Creative Conflict: Theological Musings on Life
Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (1)

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (2)