Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (4)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1816 | Cật nhập lần cuối: 4/4/2016 3:56:10 PM | RSS

(tiếp theo)

CHƯƠNG IV. SỐNG KHIÊM NHƯỜNG

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (4)Khi chúng ta chiêm ngắm Thiên Chúa trở thành con người trong Đức Giêsu, chúng ta thường nghĩ đến lời thánh Phaolô trong thư Philip: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự." (Pl 2,6-8). Hình ảnh khiêm nhường này của Chúa Giêsu được đề cập rất nhiều. Nhiều bài giảng đầy những lời ca tụng sự từ bỏ như thế.

Tôi nghĩ rằng sự ngạc nhiên của chúng ta khi đứng trước sự khiêm nhường của Thiên Chúa bị đặt sai chỗ, bởi vì chúng ta hiểu lầm không chỉ điều thực sự xảy ra, nhưng còn cả lý do ở sau nữa. Việc sai lỗi nằm ở hệ thống các giá trị của chúng ta. Chúng ta đặt tầm quan trọng vào trong của cải, quyền lực, và ảnh hưởng và làm thế nào chúng có thể giúp chúng ta trong việc đạt được mục đính của mình. Ai có những điều này bằng Thiên Chúa? Nhưng Thiên Chúa lại bỏ tất cả và trở thành một hài nhi. Khiêm nhường biết bao! Hy sinh biết mấy! Một gương mẫu cho chúng ta.

Quyền lực, danh dự, giàu có, ảnh hưởng, tất cả những thứ này không thật sự là quan trọng trong cuộc sống. Chúng không đáng giá để bám chặt vào. Chúng không cho chúng ta bất cứ cái gì có giá trị. Điều quan trọng đích thật là sự phong phú trong đa dạng và cá tính riêng biệt. Chúng đáng để chúng ta đánh giá cao và tôn trọng. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: "coi người khác hơn mình" (Pl 2, 3). Nếu chúng ta muốn thăng tiến cộng đoàn trong bình an và công chính, chúng ta hãy đầu tư vào những con người, chỉ những con người mới có thể tạo ra một cộng đoàn như thế. Tiền bạc và quyền lực chỉ đem đến chia rẽ và phản tác dụng. "Tin tưởng vào con người, ở với họ, trao quyền cho họ, và giúp họ sáng tạo". Đây là sứ điệp của Thiên Chúa làm người.

Thánh Augustino nói: Thiên Chúa tạo dựng nên con người thì không cần hỏi ý họ, nhưng Thiên Chúa không thể cứu độ họ nếu không có sự cộng tác của họ. Đó là lý do tại sao Con Thiên Chúa trở thành con người, để cho con người trở thành con Thiên Chúa. Hình ảnh về Thiên Chúa của chúng ta thường là: một Đấng có mọi sự và ban phát rộng rãi mọi ơn lành cho con người. Ngay cả hoạt động của độ của Thiên Chúa cũng được xem như sự phân phát công nghiệp mà Chúa Giêsu đã tích lũy trong cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài. Hay chúng ta nghĩ về Thiên Chúa Toàn Năng, giàu lòng thương xót, sẽ cứu chuộc người ta bất kể họ như thế nào.

Điều chúng ta nghĩ về mình và vai trò của mình trong thế giới còn tệ hại hơn. Chúng ta trao ban, chia sẻ điều chúng ta có một cách rộng rãi. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể thực hiện những công việc lớn lao nhờ quyền lực và ảnh hưởng của mình. Chúng ta làm bạn với những người giàu có, và quyền lực thì có lẽ đây là con đường tốt nhất. Nhưng đây không phải là con đường đúng đắn, nếu chúng ta có mục đích là giúp người ta tạo ra một cuộc sống mới cho chính họ và cho những người khác.

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy con đường đúng đắn, con đường nhập thể: bạn tôn trọng những người khác và sự tự do, óc sáng tạo của họ; bạn ở với những người khác và tạo ra một mạng lưới liên đới. "Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (PL 2, 4). Bạn "đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh" (PL 2, 3). Bạn yêu thương và dâng hiến bản thân ngay cả đến cho đến chết, một lối diễn tả tình yêu: " Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15, 13). Đây là con đường nhập thể: không hành động từ trên cao, từ vị trí của quyền lực và ảnh hưởng, sẵn sàng xoay sở, trao ban, nhưng luôn ở với họ và giúp đỡ họ. Sự khiêm nhường đích thực thì không giả vờ như không có tài năng nào, trong khi thực sự có, nhưng tôn trọng những người khác và đánh giá cao những tài năng họ có, và làm cho người ta sinh hoa trái và đặt những người có tài năng vào chỗ để phục vụ.

Bất hạnh thay, chúng ta kiêu ngạo về nhiều thứ: đức tin, tiền bạc, ảnh hưởng, ngay cả việc chọn lựa đứng về phía người nghèo. Một dấu chỉ chắc chắn của sự kiêu ngạo là cách chúng ta nhìn và phê bình những người khác. Khi chúng ta không ích kỷ, chúng ta kiêu ngạo. Xin Thiên Chúa làm người dạy chúng ta sống khiêm nhường đích thực.

(còn tiếp)

Lm. Michael Amaladoss S.J.

Nguyên tác: Creative Conflict: Theological Musings on Life
Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (1)

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (2)

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (3)