Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (6)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1627 | Cật nhập lần cuối: 4/8/2016 10:20:27 AM | RSS

(tiếp theo)

CHƯƠNG VI. MỘT VỊ ANH HÙNG TRÊN THẬP GIÁ

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (6)Mùa Chay thường mang đến trong tâm trí chúng ta những đau khổ trong Chúa Giêsu, đặc biệt việc Ngài bị đóng đinh trên thập giá. Đây là thói quen chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu ít nhất trong ngày Thứ Sáu. Một số người đi Đàng Thánh Giá mỗi ngày với lòng sùng kính sâu xa. Vậy ảnh hưởng của những đau khổ của Chúa Giêsu trên chúng ta là gì? Chúng ta nhìn nó như thế nào? Đâu là thái độ của chúng ta đối với Chúa Giêsu trên thập giá?

Nếu chúng ta nhìn vào các kinh nguyện và các thánh thi, các việc thực hành đạo đức, chúng ta có thể thấy những cái nhìn khác nhau và những cảm xúc khác nhau. Thái độ chung chung là thương hại, xót xa. Ở đây, có ai đó giống như sâu bọ, chứ không phải con người. Có thể nhận ra một loạt những đau đớn khủng khiếp về thể lý và tinh thần của Chúa Giêsu. Con người này khốn khổ biết chừng nào! Lòng thương xót dẫn đến thương cảm. Người ta ước ao ngắm nhìn Ngài, chia sẻ nỗi đau của Ngài, thương xót Ngài. Người ta còn tự hành xác (đánh tội) để cảm thấy nên một trong sự đau đớn với Chúa Giêsu. Người ta muốn đền tội.

Thương xót Chúa Giêsu có thể dẫn đến tự thương hại mình. Người ta nghĩ tội lỗi của bản thân đã đưa đến bao đau khổ cho Chúa Giêsu. Ngài chịu đau khổ vì tội lỗi của tôi. Chuá Giêsu đau khổ thay cho tôi. Ngài chịu đau khổ vì sự bất công, vì Ngài là người công chính. Dĩ nhiên, đau khổ bị xem là hình phạt và Chúa Giêsu đã chịu hình phạt mà lẽ ra nó phải giáng xuống trên tôi. Chúa Giêsu đã chịu đau khổ thay cho tôi.

Đức tin của một số người bị lung lay khi thấy một Thiên Chúa chịu đau khổ. Đau khổ bị xem như sự yếu đuối. Những người khác thấy trong nó có một mầu nhiệm, và mầu nhiệm này cho những đau khổ của Chúa Giêsu một giá trị vô biên.

Tất cả những quan điểm trên đây đều hợp pháp theo kiểu của nó. Một số người tìm thấy sự biện minh trong Kinh Thánh. Nhưng tôi tự hỏi: liệu họ có cái nhìn của con người về đau khổ hay không. Nếu tất cả ở đây là đau khổ, thì Đức Phật đã đúng khi đặt mục tiêu là diệt khổ.

Nhưng có một mặt khác của đau khổ. Nó có thể là biểu lộ của lòng can đảm, của tình yêu, của sự hi sinh, của sức mạnh nội tâm. Một người mẹ ngồi bên cạnh đứa con đang đau khổ của bà, và bà bỏ cả ăn uống ngủ nghỉ để ở bên con. Chúng ta không thương hại bà, nhưng thán phục tình yêu của bà. Trong chiến tranh, vị tổng tư lệnh yêu cầu những người tình nguyện tiến lên phía trước. Những người tình nguyện tiến lên, mặc dù họ biết rằng điều đó có nghĩa là chắc chắn cái chết dành cho họ. Chúng ta không thương hại họ. Mặc dù họ chết để bảo vệ tự do của chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn họ như con dê thế tội. Chúng ta thán phục sự can đảm của họ. Chúng ta đánh giá cao sự hi sinh của họ. Chúng ta ca ngợi họ như những vị anh hùng. Chúng ta tôn vinh tình yêu của họ đối với tổ quốc.

Chúng ta biết rằng họ cùng vui mừng với chúng ta về chiến thắng, ngay cả khi họ mất mạng sống vì cuộc chiến. Cuộc sống của họ tìm thấy sự thành toàn trong cuộc sống của chúng ta. Nếu không có cảm giác về sự liên đới, những đau khổ của họ vô nghĩa. Không có sự liên đới đích thực nếu không có tình yêu.

Đau khổ giống như ngọn lửa. Nó đốt cháy những gì cặn bã. Nó làm cho vàng ròng sáng hơn. Đau khổ, khi tự do chịu đựng trong bối cảnh một cuộc chiến đấu vì công lý, là một sức mạnh, không phải sự yếu đuối. Nó gợi lên nơi người khác sự hoán cải. Đó là sức mạnh mang tính ngôn sứ của bất bạo động.

Nếu chúng ta nhìn đau khổ theo cách này, Chúa Giêsu trên thập giá dương như không phải là nạn nhân nhưng là vị anh hùng. Điều Ngài đáng lãnh nhận không phải sự thương hại của chúng ta, ngược lại chúng ta phải thán phục lòng can đảm của Ngài, nhận biết quyền năng của tình yêu Chúa, ca ngợi hồng ân tự hiến của Chúa, đón nhận thách đố của Chúa để hoán cải.

Chúa Giêsu không muốn những người than khóc. Ngài muốn những người cộng tác với Ngài. Chúa muốn những người theo Ngài đau khổ với Ngài, hy sinh bản thân vì lợi ích của việc chiến thắng sự dữ.

Đau khổ giống như khó nghèo, không cần được tôn vinh. Nó không tốt và xinh đẹp. Không ai thích thú và hưởng thụ đau khổ và đau đớn. Nhưng mục đích của người chịu đau khổ là vì lợi ích của người khác nên đã biến đổi nó. Đó là lý do tại sao chiến lược bất bạo động giả thiết rằng người ta sẵn sàng chịu đau khổ còn hơn là thấy người khác đau khổ. Nhưng tự gây ra đau khổ cho mình thì vô ích trừ khi trong bối cảnh của một cuộc tranh luận, người ta đấu tranh vì công lý và hòa bình.

Nếu chúng ta nhìn đau khổ theo cách này, chúng ta sẽ thấy tại sao Thiên Chúa lại chịu đau khổ, vì nó là một dấu chỉ của tình yêu, của tự hiến, của sức mạnh và của chiến thắng.

(còn tiếp)

Lm. Michael Amaladoss S.J.

Nguyên tác: Creative Conflict: Theological Musings on Life
Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (1)

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (2)

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (3)

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (4)

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (5)