Nỗi đau của Lòng Thương Xót

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2114 | Cật nhập lần cuối: 3/25/2016 9:22:45 AM | RSS

Qua bài viết này, tôi xin phép được chia Nỗi Đau thành hai phần. Thứ nhất: Nỗi Đau Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thứ hai: Nỗi Đau của Lòng Thương Xót giữa con người và con người. Và, thứ ba: Hạnh phúc.

1. Thứ nhất: Nỗi Đau Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Tại sao Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (hay còn gọi là Ông Trời, Ông Thiên, Đấng Tạo Hóa, Đấng Thượng Đế) lại bị đau như thế nhỉ? Thưa, có phải chăng vì Thiên Chúa đã và đang bị phần đông loài người trên thế giới xếp vào hạng đáng bị xa lánh và đáng bị bỏ rơi??? Chỉ vì nếu có Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người, tức là loài người phải rước vào tâm não các cuộc đối thoại không ngừng nghỉ. Đó là:

- Đối thoại với các ánh sáng chân lý từ các mối đạo do con người lập ra, cũng nhằm mục đích phục vụ hạnh phúc cho con người.

- Đối thoại với cái chung lớn hơn nữa, như đối thoại với Lịch sử, Văn Hóa, Tôn Giáo trên toàn cầu. Trong đó, người Kitô hữu phải lấy Con Người - Thần Linh của Đức Giêsu Kitô (Logos) làm bảng qui chuẩn chính, để nhắm tới mục đích sau cùng là đạt được bầu trời Hạnh Phúc của Thiên Chúa Cha (Thượng Đế). Ngài chờ đợi để được ôm ấp và yêu thương ta. Ngài hứa ban cho ta sự sống hạnh phúc liên lỉ bên Ngài, ngay trên con đường mà ta đang đi tìm kiếm Ngài.

- Sau cùng là đối thoại với chính mình, mới là vấn đề nan giải, với nhiều câu tự vấn, đại loại như: Không, tôi không thích Thiên Chúa (hay còn gọi là Ông Trời, Ông Thiên ...) Vì nếu tôi có Ngài, con người của tôi không thể bay nhảy tự do như ý muốn. Và nếu tôi có Ngài, Ngài sẽ buộc chân buộc tay tôi vào các Điều Răn và các Giới Cấm của Ngài. Ôi, phiền toái cho tôi biết dường bao!!! Thế nhưng, nếu tôi đi hiến đời tôi vào những cuộc ăn chơi xả láng sáng về sớm, thì chẳng may thình lình tôi bị chết đi, và trước khi tôi trút hơi thở sau cùng đó, tôi biết gọi tên ai để Người ấy đến Cứu lấy linh hồn tôi? Vì tôi không phải là kẻ vô thần. Chẳng lẽ tôi sẽ gọi: Ba ơi, má ơi, anh ơi, em ơi, vợ ơi, chồng ơi...à? Không, tất cả họ đều là những con người mang nặng nề tội lỗi như tôi. Hay cho dù họ là một Thánh sống đi nữa, họ cũng sẽ bị hoàn toàn bất lực trước “nghiệp lực” cần phải trả, của tôi mà thôi.

Sau cùng, may thay, tôi bỗng nhớ đến Anh Trộm Lành, người cùng bị chết treo trên cây thập giá với Chúa Giêsu trên Đồi Sọ xưa, và dấu ấn tôi không bao giờ quên: đó là cảnh trước một đám đông người hô to lên án bôi nhọ nguyền rủa Chúa Giêsu thậm tệ, trái lại Anh Trộm Lành thì hết lòng Tin Yêu Người và ngoái nhìn qua Người, Anh thành khẩn:

-“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (x. Lc 23, 42)

Thế là, Anh Trộm Lành đã chiếm lấy hầu hết Trái Tim của Chúa Giêsu. Anh đã làm cho lòng dạ Người bị lung lay xao xuyến... Và, vèo một cái, qua cái Chết nhục hình của Thiên Chúa Ngôi Hai, Thiên Chúa Cha đã cho Anh Trộm Lành này làm người đầu tiên lên mở cửa Nước Thiên Đàng, đúng như Lời hứa hẹn của Chúa Giêsu: -“Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (x. Lc 23, 43)

Lời Kinh Thánh trao đổi ngắn gọn nhưng chân thành giữa Anh Trộm Lành và Chúa Giêsu bên trên cho tôi sự tán tụng vút cao tâm linh và đặc biệt chiêm ngưỡng Mối Tình của Thiên Chúa Tôi! Một Mối Tình ai cũng có thể ôm trọn gói theo cách riêng, nhờ Tin Và Yêu Người hết lòng hết trí khôn, và Yêu Người trên hết mọi sự. Hình như điều này không khó cho lắm???

Lạy Chúa Giêsu! Đời con cũng đã có biết bao nhiêu lần Lầm rồi lại Lỗi... Nay con xin trở về cùng Ngài. Vì con biết chỉ có mình Ngài mới là nguồn Hạnh Phúc bậc nhất đời con. Từ nay Ngài sẽ không còn cô đơn nữa. Và xin Ngài hãy nhận lấy sự đau đớn tận cùng ẩn sâu trong nỗi niềm ăn năn thống hối của con cùng nhiều Đấng Bậc là ông bà cha chú thiện lành của con, cũng như hãy còn đó biết bao nhiêu anh chị em con bạn bè con quyết một lòng vác thập giá đi theo chân Chúa, mà xoá hết đi Nỗi Đau dai dẳng trong Trái Tim Ngài. Lạy Chúa! Xin Ngài đừng bao giờ từ chối khối tình chung thủy mà chúng con dâng hết lên Ngài. Lạy Đức Mẹ Maria Diễm Lệ Phước Lành Đồng Trinh, cúi xin Mẹ hãy cầu bàu cho chúng con với, Mẹ ơi....

2. Thứ hai: Nỗi Đau của Lòng Thương Xót giữa con người với nhau

Con người và vạn vạn vật trong vũ trụ đều do Ông Trời, tức là Thiên Chúa tạo dựng nên. Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào do chính tội lỗi con người gây ra, Thiên Chúa cũng đều sẵn sàng hy sinh, chịu lụy, chịu khổ đau, chịu nhục hình và còn chịu nhiều cảnh trái ngang hơn nữa, để Cứu lấy các “tác phẩm” do chính tay Ngài nắn nót vun đắp mà thành.

Và, thương thay! Và, hãy cùng khóc đi! Hỡi toàn thể nhân loại!! Trước “Những lời cáo biệt” của Chúa Giêsu, do Thánh Gioan ghi lại: -“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

(x. Ga 13, 34-35). Bởi vì nếu ngày xưa ấy các ông môn đệ sống sát cạnh bên Chúa Giêsu mà biết đoàn kết và yêu thương nhau hết lòng thì trước những ngày sắp Biệt Ly, Chúa Giêsu đã không cần nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”. Chúa nói: “...điều răn mới...” nhưng hoàn toàn không mới, vì con đường Cứu Rỗi nhân loại của Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu là con đường Tình Yêu. Một thứ Tình Yêu bao phủ và chiếu sáng trên muôn tạo vật, mà con người là con cái của Ngài, mang hình ảnh giống như Ngài, đương nhiên con người phải được tận hưởng nhiều nhất.

Thế nhưng, có lẽ do mang cái ách của gánh Tội Tổ Tông, mà hầu hết con người từ ngàn xưa mãi cho đến hôm nay đã bị đánh mất sự tinh tuyền ban đầu, hóa thành một động vật có lý trí, có tâm linh, có tình cảm mật thiết, nhưng trong thâm tâm sâu kín lại hay tìm cách chống phá nhau, bài trừ nhau, cự cãi nhau, có khi còn tuyên bố một cách ngon lành mà không biết giữ lời hứa. Điển hình như Thánh Phêrô vô cùng yêu kính của chúng ta. Xin mời xem lại đoạn Tin Mừng dưới đây:

-“Ông Phêrô thưa:-Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (x. Ga 13,37-38).

Thử hỏi Chúa Giêsu bị ông Phêrô “chối Thầy” những ba lần như vậy, Chúa có bị Đau Lòng không? Thưa, có chứ. Chúa bị Đau nhiều lắm! Cho dù Chúa biết trước vụ việc này sẽ xảy ra. Rồi thử hỏi, chính ông Phêrô người môn đệ hay chứng tỏ lòng nhiệt thành của mình đối với Thầy Giêsu, ông có bị Đau hay không, khi ông đã “chối Thầy” mình một cách nhục nhã như thế??? Thưa, xin lấy tình Yêu Thương cùng lòng Tôn Kính Chúa Giêsu một cách mãnh liệt trong mỗi người chúng ta ra để chìm sâu vào Nỗi Đau của Thánh Phêrô, sẽ biết khi ấy ngài bị Đau khổ đến cỡ nào! Nếu Chúa Giêsu bị Đau đến mười lần, thì Thánh Phêrô đã bị Đau đến gấp trăm ngàn lần hơn Chúa Giêsu. Vì đó chính là Nỗi Đau của người lỡ tay đánh rơi một viên ngọc quý xuống đáy biển sâu. Nói rõ hơn, đó là Nỗi Đau của người ăn năn thống hối suốt cuộc đời còn lại, vì trót lỡ làm Đau Lòng Người mà mình yêu quý nhất trên đời!!

Trở lại đời thường, ngay trong thời buổi Đỏ Đen - Sáng Tối hôm nay, hằng ngày lượng thông tin gọi chung là rất rất Xấu ... đang như làm nổ tung trên truyền hình, truyền thanh, và mạng internet. Tôi, bạn, ông bà chú bác anh chị em, là những người cùng Tin vào Một Ông Trời duy nhất, cho dù chúng ta đang ở các mối Đạo khác nhau đi nữa, thì chúng ta cũng cố gắng “Sống có khác” những người có đời sống thường hằng vô cảm, vô tâm.

Không nói những điều điêu ngoa gian dối. Không thực hiện những hành vi ác tâm. Không chủ mưu trong chuyện làm cho người khác bị oan ức và đau khổ. Cộng thêm một mực trung thành với Lời Chúa dạy, đó chính là ba KHÔNG, và đó là Tấm Lòng sắt son cùng Chúa, thiết nghĩ đủ làm Chứng Nhân tích cực cho Thiên Chúa và đủ làm cho lòng dạ Đức Chúa Cha, hay còn gọi là Đấng Thượng Đế vui thỏa lắm rồi.

Nỗi đau của Lòng Thương Xót

3. Thứ ba: Hạnh Phúc

Hạnh Phúc là ánh sáng đối nghịch với bóng tối của Nỗi Đau, và là niềm mơ ước lớn nhất trong từng nhân sinh trên toàn cầu. Nói về Hạnh Phúc, tôi cũng xin phép được chia ra thành 3 trạng thái đặc trưng như sau:

* Hạnh Phúc chớp nhoáng: Đây là thứ Hạnh Phúc nhằm đáp ứng tại chỗ nhu cầu dục vọng của thể xác. Như chuyện ái ân thường ngày giữa vợ và chồng chưa có một ngày hòa bình bên nhau; hay chuyện vụng trộm ân ái thần tốc giữa một nam và một nữ.

* Hạnh Phúc vô thường: Hạnh Phúc vô thường còn có tên là Hạnh Phúc chóng qua, nay còn mai mất, và thường đi chung với hệ lụy của Tam Khổ, đó là Tham, Sân và Si.

Vì Tham, nên tôi càng thu lợi lộc về cho bản thân tôi càng nhiều tôi càng cảm thấy mình được Hạnh Phúc. Cho dù các lợi lộc đó được lấy từ mồ hôi nước mắt của người khác, hay không.Vì Sân, nên tôi nghe mình rất Hạnh Phúc, khi tôi được ném đá giấu tay trong việc trả đũa; hay chửi rủa và đánh đập tàn nhẫn cái người mà họ vốn là kẻ thù của tôi.Vì Si, nên tôi trầm mình vào các cuộc tơ vương không chính đáng, làm hại trí huệ và thân xác tôi. Nhưng đời không Si, đời mất ý nghĩa của cuộc đời. Và Si, cũng là bước đầu để tiến tới những thành công của nhân loại. Tuy nhiên, việc cần phải phân định rõ ràng: Si đúng, Si sai trong từng cảnh đời xuôi ngược, là điều mà tôi không thể xem thường cho được.

* Hạnh phúc tâm linh: Hạnh Phúc tâm linh là Hạnh Phúc siêu việt, vượt hẳn ra bên ngoài tất cả những ràng buộc của tinh thần và thể xác. Hạnh Phúc tâm linh càng tách ra xa hệ lụy của ngũ giác quan. Như thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, và khứu giác. Thị giác: Nhìn bầu trời đẹp, người đẹp, đồ vật đẹp, bông hoa đẹp, biết là đẹp. Nhưng không để cho mọi sự đẹp cuốn hút và gây say mê.Thính giác: Nghe âm thanh thanh thoát, nghe lời nói ngọt ngào êm ái, biết là điều hay. Nhưng không bị vấn vương, không lưu luyến. ...v...v... Và, chỉ có các Vị ẩn tu chân chính, những Đấng đã được hoàn toàn giác ngộ mới đạt tới Hạnh Phúc tâm linh mà thôi.

Tôi: Phận cát bụi trần gian, tôi đi xây dựng và góp nhặt Hạnh Phúc đơn sơ nhỏ bé trong lòng tôi, qua câu Tin Mừng mà tôi vẫn sống với chính tôi và ứng xử với mọi người chung quanh:

Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng...” (x. Mt 11, 29).

Quả thật vậy, khi tôi trở nên hiền hậu và khiêm nhường tôi sẽ không bao giờ dám làm cho bất cứ ai bị đau đớn khổ sở vì tôi, huống chi Người ấy chính là Thiên Chúa của đời tôi. Hơn nữa, đức tính hiền hậu và khiêm nhường không những không hề làm cho tôi bị yếu đuối. Ngược lại, nhờ vậy mà Chúa Thánh Thần luôn ban cho tôi sức mạnh nội tâm phi thường, để tôi hoàn toàn tự tin trong việc tự bảo vệ bản thân, trên con đường tôi quyết vác thập giá đi làm Chứng Nhân của Chúa Tôi. Amen.

Mônica Têrêsa Túy Nga