Nói ít nghe nhiều

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1270 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Có lần Ơn Trên dạy các bậc Thiên ân hướng đạo Cao Đài mỗi khi đi liên giao nên nói ít, nghe nhiều. Ơn Trên dạy điều gì, thảy đều có lý do. Vậy nên mỗi người chúng ta cần tự xét, tìm lý do, tự cảm nhận xem phải chăng chính mình là đối tượng được Ơn Trên dặn dò, dạy bảo?

Mở túi khôn của loài người ra mà xem lại, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, vấn đề nói được xem là vấn đề mà con người phải thận trọng quan tâm tới để tránh hậu quả bất lợi, không chỉ bất lợi cho chính bản thân người nói, mà còn gây tai tiếng cho tập thể.

Nói mà thiếu thận trọng thì lắm khi lỡ lời làm mất lòng người nghe, thế cho nên xưa nay loài người dặn nhau phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Cũng có trường hợp lời nói vụng về, kém khôn ngoan, gây nên tai họa, vì vậy sách vở có câu Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất.[1]

Muốn nói điều hữu ích, nhưng nếu nói không đúng lúc, không đúng chỗ, hoặc nói dai quá, người nghe cảm thấy bực mình và không sẵn lòng tiếp thu.

Có điều trớ trêu là người ham nói nhiều lại ít chịu nghe ý kiến của người khác. Người khôn ngoan sau khi nói, biết thăm dò dư luận, và thái độ muốn nghe sẽ khuyến khích bạn bè phê phán một cách nhẹ nhàng rằng bạn ơi, nói là bạc, nín là vàng.

Tục ngữ Nói là bạc, nín là vàng” rõ ràng không ngụ ý khuyên chúng ta cứ nín thinh chẳng nói gì, mà khuyên bảo loài người so sánh, cân nhắc để biết không ham nói nhiều.

Suy cho cùng chúng ta sẽ thích thú nhận rằng nói nhiều hơn nghe là làm ngược lại với thiên nhiên, là làm trái ý Trời.

Thật vậy, các bộ phận trên thân thể con người được Đấng Tạo Hóa tạo nên với một định chuẩn có ý nghĩa rõ ràng. Ngài ban cho chúng ta một cái miệng để nói và hai cái tai để nghe. Một miệng, hai tai, thế thì đơn giản, nói ít nghe nhiều theo tỷ lệ một nói, hai nghe.

Nhưng xét tỉ mỉ hơn, miệng không chỉ để nói, mà còn để ăn nữa, vậy nên tỷ lệ trở thành nửa nói, hai nghe, hay là một nói bốn nghe. Đó là chúng ta tránh phân tích quá tỉ mỉ để bảo rằng miệng còn dùng để uống nước nữa! Vậy thì có một cái miệng mà tới ba chức năng, tỷ lệ biến thành một phần ba nói, hai nghe, hay là một nói và sáu nghe!

Đấng Tạo Hóa lại còn cực kỳ chu đáo, không những cung cấp cho loài người đủ phương tiện, mà lại còn tạo đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho cuộc sống. Nhu cầu nghe nhiều còn hàm súc ý nghĩa nghe đủ hai tiếng chuông chớ không nghe một chiều, vì thế hai tai được đặt hướng về hai phía khác nhau, chớ không cùng nhau xoay về một hướng!

Tin rằng đạo hữu độc giả sẵn lòng chia sẻ những cảm nghĩ trên đây về chuyện một miệng hai tai, và thấm thía ghi khắc lời nhắc nhở nói ít, nghe nhiều của Ơn Trên.


ĐƠN TÂM

CTCTATKSCĐ, Xuân Hòa Đồng, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 55-56.



[1] Bệnh theo miệng vào, họa theo miệng ra. (Cho vào miệng các thức ăn thức uống không trong lành, mất vệ sinh... sẽ gây nên bệnh; miệng thốt ra những lời lẽ không khôn ngoan, vụng về... sẽ gây ra tai họa.)