Sự hiện diện của tình yêu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 318 | Cật nhập lần cuối: 10/31/2021 4:06:06 PM | RSS

Sự hiện diện của tình yêuCô là phật tử am hiểu đạo phật, cô có nghe nhiều về đạo Công giáo nhưng giờ cô đã hiểu rõ hơn, làm sao các sơ, các thầy có thể làm cho những người không quen biết cách không nề hà như vậy, phải là người có cái ‘TÂM’ lớn và đẹp lắm...”

Đây lời chia sẻ của một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện dã chiến số 1 - nơi chúng tôi được có cơ hội phục vụ. Vâng, chính Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi lên đường và tiếp tục bừng cháy trong trái tim tôi niềm vui khi nói về Ngài.

Tôi đã chia sẻ với cô về đạo Công giáo; về một người tên có tên là Giêsu, Chúa của tôi. Người đến không phải để được phục vụ nhưng là đề phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 22, 28). Người mời gọi chúng tôi yêu thương nhau và yêu cả kẻ thù (Mt 5, 43). Người không chỉ nói nhưng Người đã luôn hành động. Chúng tôi chỉ tiếp tục công việc của Người đang làm dang dở nơi trần gian này. Và quan trọng hơn hết Người luôn hiện diện với chúng tôi và cho chúng tôi sức mạnh để có thể làm những việc nhỏ bé với tình yêu lớn lao của Người.

Cách riêng, là nữ tu dòng Chúa Giêsu Hài Đồng, tôi và các chị em vẫn luôn xác tín vào mầu nhiệm này với lời cam kết “Để Chúa Giêsu sống trong con sự hiện diện tình yêu của Ngài đối với Cha và đối với anh chị em”. Quả thật khi có tình yêu, có sức mạnh được kín múc từ Thiên Chúa, nhóm chúng tôi đã làm được những việc mà chính tôi cũng không ngờ được, nhất là trong thời gian phục vụ ở Bệnh viện dã chiến này.

Được tình yêu Đức Kitô thúc bách, chúng tôi đã dám ra khỏi chính mình, ra khỏi vùng an toàn của bản thân để cho đi, để sống cho người khác. Chúng tôi-nhóm C20 đã tham gia vào việc chăm sóc bệnh nhân nặng với tình yêu của người thánh hiến, Ngay ngày đầu tiên ra quân ai cũng hăm hở với việc được giao và quyết tâm giữ nhiệt huyết đến cùng. Tôi cũng mang nơi mình sự nhiệt tình ấy với hy vọng có thể giúp chút gì đó cho bệnh nhân.

Ngày đầu vào ca, một chút sợ len lỏi vào tôi, sợ nhiễm bệnh, sợ chết và thấy mình cũng yếu đuối như bao người. Khi được hỏi: “Sơ có biết tắm xác không, vào phụ một tay vì có người mới ‘đi’”. Tôi hơi sợ khi đáp lời: “Con chưa tắm xác bao giờ, nhưng thầy cứ làm đi, con phụ ạ!”. Chân tay tôi cứ run lên nhưng chẳng ai thấy vì đang mặc đồ bảo hộ. Tôi xin Chúa cho tôi sức mạnh và tôi bắt đầu lấy can đảm và bình tâm trở lại để phụ thầy giặt khăn, xịt cồn lau xác, thay đồ và bó xác. Chúng tôi làm và âm thầm đọc kinh dâng linh hồn cho lòng Chúa khoan nhân…và đợi đội an táng đến mang xác đi.

Tôi cũng nhìn thấy trong đôi mắt các bệnh nhân ánh lên nỗi lo sợ, hoang mang, nhất là khi có một thi thể cạnh họ chờ được đưa đi vào sáng hôm sau, thậm chí có bệnh nhân không vượt qua được nỗi sợ đã tụt oxy và chết sau khi thi thể được mang đi... Chúng tôi thường ngồi cạnh họ để nâng đỡ tinh thần, có nhiều bệnh nhân chưa được chuẩn bị tâm linh để ra đi bình an. Thầy Vũ chia sẻ “Suy nghĩ về cái chết, đối diện với nó và cần đón nhận nhưng trong phòng bệnh thật là khó nói lắm, nhất là đối với những con tim yếu đuối, thiếu đời sống tâm linh!” Lời Thánh vịnh “họ tắt hơi là trở về cát bụi, dự định bao điều ngày ấy tiêu tan” (Tv 146, 4) tiếp tục vang vọng trong tôi…

Khi các tu sĩ nam nữ hiện diện ở đây, người ta nhận ra chúng tôi qua những cử chỉ, lời nói, những công việc chúng tôi làm cho họ. Khi chúng tôi cho họ uống một ngụm nước; kiên nhẫn với những đòi hỏi của họ nhất là những bệnh nhân khó tính; nói những lời động viên, khích lệ, nâng đỡ sự mệt mỏi của họ; giúp họ tập thở sâu để họ phục hồi nhanh nhịp thở; thay tã, giặt đồ,…

Lúc đầu khi nghĩ về việc mình cần ghi tên nhóm, tên khẩu hiệu của nhóm và giới thiệu: “Tôi là tu sĩ công giáo thiện nguyện!” mà nhóm C20 đề nghị tôi cảm thấy ngại và không muốn làm vì tôi nghĩ: “Mình cứ làm âm thầm như một thiện nguyện viên thôi, hà cớ gì mà phải khoa trương lên làm gì, lỡ người ta ghét mình thì sao?” Tôi đã không làm gì để thể hiện cho người ta thấy bản thân mình là một tu sĩ thiện nguyện nhưng sau khi tham gia vài ngày, tôi thấy mình cần làm gì đó để thể hiện và cho người ta nhận biết căn tính của người công giáo.

Tôi bắt đầu viết khẩu hiệu của nhóm C20 lên áo Khẩu hiệu ghi trên áo: “HÃY LUÔN HY VỌNG”- C20- TÊN… kèm với một trái tim có hình thánh giá ở trên, không chỉ giúp chúng tôi thể hiện mong ước của mình nhưng còn là phương cách loan Tin Mừng. Các bác sĩ hỏi tôi: “chữ gì sau lưng vậy? Nó có nghĩa là gì?” Họ bắt đầu thắc mắc đây là ai? Tu sĩ công giáo là như thế nào?... Một số người gọi tên tôi và muốn tôi nói cho họ biết về ý nghĩa của những gì tôi viết. Tôi có cơ hội giải thích và nơi họ ánh lên niềm vui.

Nơi đây, chúng tôi có dịp trở thành những tay thợ không chuyên: cắt tóc, cạo râu, gội đầu…; làm bạn đồng hành với họ qua những câu chuyện cuộc đời. Tuy còn nhiều vụng về, nhưng những ‘khách hàng’ của chúng tôi vui lắm. “Chú cảm ơn các con nhiều nhé, không có mấy con chắc Chú chết sớm rồi. Con chú có làm tổng thống cũng không vào đây chăm sóc chú được”; “kiếp trước chắc cô tu tốt, Mẹ cô làm phước giờ mới gặp được tụi con!”. Thật sự, tôi thấy mình được nhận nhiều hơn là cho đi. Những cái bắt tay, những lời cảm ơn trong nước mắt, niềm hy vọng của ngày mai được xuất viện, và cả niềm tự hào “Sơ chăm sóc mẹ đó, các con hãy cảm ơn các sơ đi, các sơ dễ thương lắm luôn!” khích lệ tôi rất nhiều.

Tạ ơn Cha vì tất cả những ân sủng chúng con được lãnh nhận từ nơi Cha. Chúng con biết rằng chúng con chỉ làm việc bổn phận của con cái cha và ý thức rằng chúng con chỉ đang tiếp tục công việc mà Cha đang làm dang dở…

Cảm ơn nhóm C20 nơi tôi có DUYÊN được gặp gỡ, được có cơ hội nối kết với nhau giữa các dòng, cùng nhau xông pha để làm việc hết mình và hết tình, cùng nhau sát cánh với bao vui buồn và có những tình bạn thật đẹp và thân thương, có thêm kinh nghiệm sống đức tin và chia sẻ công việc trong mùa hè này. Cảm ơn Cha Loan - trưởng nhóm, một người rất nhiệt tình dẫn dắt để cả nhóm làm việc hết mình. Ước gì mỗi chúng ta là nắm men luôn gieo hy vọng khắp nơi nơi.

Nguyễn Thị Lý
(Dòng Chúa Giêsu Hài Đồng)
Nguồn: tgpsaigon.net