Sự sống con người theo lý Thiền (10): Cảm năng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 620 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)

PHẦN HAI: Đời sống tâm lý con người theo lý thiền


* * *

10. Cảm năng


Đến đây ta có thể đi sâu vào lãnh vực cảm năng ý thức, nghĩa là lãnh vực hiện tượng nội tâm qua đó ta cảm thấy vui thích hoặc khó chịu khi tiếp cận với thế giới bên ngoài. Vui thích hay khó chịu chỉ là 2 cực đổi thay khác nhau của một điều duy nhất là ý thức về cái tôi như một cá thể riêng biệt. Những gì nói đến cái khó chịu thì cũng có giá trị cho cái vui thích, nên để đơn giản, ta chỉ nói đến cái khó chịu.


Thoạt tiên xem ra như con người có 2 loại cảm giác, cảm giác thể lý (đau đớn phần xac, và cảm giác tâm lý (đau khổ tinh thần). Đối với tôi rõ ràng là cơn nhức đầu đau bụng rất khác biệt với nỗi đau đớn do cái chết của một người thân yêu để lại nơi tôi. Đau đớn thể xác bao hàm những cảm giác thích thú hoặc khó chịu, đau khổ tinh thần bao hàm những tâm tình vui thích hoặc buồn khổ.


Thế nhưng đó chỉ là hai mặt của một sự vật duy nhất là bản thân tôi, bản thân của một tạo vật được gọi là “tôi”, là một tiểu vũ trụ tổng hợp và duy nhất, là một biểu hiện cá biệt của Nguyên lý Tuyệt Đối. Nếu tôi đặt cái sóng của một tờ cứng trước mắt trái của tôi, thì mắt trái thấy đó là một đường thẳng, còn mắt phải thấy đó là một diện tích, thế nhưng tờ giấy cứng đó chỉ là một. Theo một nghĩa nào đó, tờ giấy cứng đó vừa là một đừng thẳng vừa là một diện tích, thế nhưng theo một nghĩa khác thì nó chỉ là một tờ giấy cứng mà thôi. Nếu thể xác và tinh thần là 2 mặt của một sự vật duy nhất, thì cảm giác thể lý và cảm giác tâm lý tất nhiên cũng chỉ là 2 mặt của một cảm giác duy nhất mà thôi.


Do việc nhìn cảm giác và tâm tình chỉ là hai mặt của một thực tại duy nhất, tôi có khuynh hướng kết luận rằng một mặt thì hiện thực, còn mặt kia thì hư dối. Kỳ thực tôi không phải là một thể xác, cũng không phải là một tinh thần, mà một trật tôi vừa là thể xác vừa là tinh thần. Cũng một thể ấy, cảm giác của tôi một trật vừa là thể lý vừa là tâm lý, nó không phải chỉ là thể lý, và cũng không phải chỉ là tâm lý.


Để có thể tìm hiểu chiều sâu của cảm giác và tâm tình, ta không dừng lại ở những biểu hiện khả giác của chúng, mà ta nhìn vào việc chúng hình thành.


Một ngày nào đó, tôi đang đau nhức khớp xương cánh tay, bỗng có một người bạn tâm đắc đến thăm và trao đổi về một vấn đề mà tôi quan tâm đặc biệt. Sau khi người bạn ra về, tôi cảm thấy cánh tay tôi đau, đồng thời cũng nhận thấy rằng lúc nãy đang khi hai người tâm sự với nhau thì cánh tay tôi như không cảm thấy đau. Và tôi kết luận rằng cơn đau vẫn có đó cả lúc nói chuyện với nhau, nhưng tôi không cảm thấy nó lúc đó vì lẽ tôi không chú ý đến nó mà chỉ chú ý đến câu chuyện. Thay vì đau khớp xương, tôi có chuyện lo buồn, và nếu có một người bạn thân đến thăm và bàn chuyện, thì cũng một hiện tượng diễn ra như đối với cơn đau khớp xương. Vậy cái gì xảy ra khi tôi lo ra không chú ý đến cơn đau hay nỗi lo buồn? Tôi có thể khẳng định được rằng trong lúc tôi không chú ý đến nó thì nó vẫn có đó? Chắc là không thể khẳng định như thế được, vì lẽ tôi không thể nói rằng nó vẫn có đó nếu tôi không cảm thấy nó. Tuy nhiên, điều không sai là tôi nghĩ rằng đang khi tôi lo nghĩ chuyện khác thì có cái gì đó vẫn tồn tại và sau đó lại làm cho tôi cảm thấy đau đớn, lo buồn. Tại sao thế? Kinh nghiệm đó cho tôi thấy được sự khác biệt giữa hai cái này: cái kích thích làm cho tôi đau buồn, và cái ý thức về sự đau buồn. Khi tâm trí tôi lo nghĩ chuyện khác thì sự kích thích vẫn tồn tại, nhưng ý thức về sự đau buồn thì khiếm khuyết. Từ đó tôi cũng nhận thấy được sự khác biệt giữa hai lãnh vực thể lý và tâm lý: sự kích thích là một hiện tượng thể lý, còn ý thức là một hiện tượng tâm lý.


Vậy giữa hai cực đó, một đàng là sự kích thích, một đàng là ý thức, cái đau nằm ở cực nào? Kỳ thực, cái đau không thể nằm ở một cực, nó có liên hệ một trật đến cả hai cực: cái đau không thể nằm ở cực kích thích mà thiếu vắng ý thức về cái đau, và tôi cũng không thể quan niệm cái đau như một ý thức thuần túy thiếu vằng sự kích thích là nguyên nhân của ý thức về cái đau, phần tâm lý liên lụy vì lẽ phần thể lý đã liên lụy. Thế nhưng phần thể lý chịu ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, do đó thế giới bên ngoài là duyên cớ gây ra cái đau, còn phần thể lý (thân xác) là nguyên nhân gây ra hậu quả đau. Như thế nguyên nhân gây ra hậu quả đau là nguyên nhân hiện thực, và nó nằm trong vô thức, hay nói cách khác sự kích thích thì nằm trong tiềm thức, còn việc cảm thấy đau thì nằm trong ý thức.


Nói chung, đau đớn hay buồn khổ đều làm thất thoát tiêu hao sinh lực, không làm nên công trình gì cho bản thân con người.


Để làm sáng tỏ thêm vấn đề, ta có thể tìm hiểu đau khổ từ một mặt khác. Đau khổ là phản ứng của thể xác theo sự kích thích từ thế giới bên ngoài, và phản ứng này đưa tâm trí tôi đến ý thức về đau khổ. Phản ứng đó được phát sinh là do nhu cầu sinh tồn trong tôi. Như một cơ chế tự vệ, nhu cầu này giả thiết rằng sự sống của tôi phải được bảo vệ. Từ đó cái đe dọa sự sống tôi cũng là cái đe dọa chính bản thân tôi. Như thế tôi cảm thấy mình bị đe dọa theo mức độ tôi tự đồng hóa với cơ thể tôi mà tôi coi như sự sống tôi. Sự lầm lẫn giữa cái ngã và cơ thể này là một điều hư dối, và nó mở đường cho thế giới bên ngoài tác động làm tiêu hao sinh lực bên trong. Nếu tôi không tự đồng hóa với cơ thể mình, tôi có thể nói như Socrate rằng kẻ thù có thể giết tôi, nhưng không thể hại tôi, hoặc sốg theo Lời Chúa Giêsu dạy “không nên sợ kẻ có thể giết chết thể xác mình”. Nếu được như thế thì tôi không còn cảm thấy cái đe dọa cơ thể tôi là một sự đe dọa thật sự đối với tôi nữa, và tôi không còn cảm thấy đau khổ cho dù cơ thể tôi vẫn bị kích thích bởi thế giới bên ngoài. Tôi không còn cảm thấy đau khổ vì lẽ tôi không còn một áp lực nào từ bên trong thúc đẩy tôi phải bảo vệ sự sống trong cơ thể. Điều này có nghĩa là tôi được hoàn toàn ý thức và tự do lựa chọn giữa hai việc : tùy hoàn cảnh mà nên hay không nên bảo vệ sự sống của mình tôi, tôi không còn bị cưỡng ép phải phản ứng như thế này hay như thế khác nữa. Nói cách khác, tôi không thụ động phản ứng, mà tôi chủ động thích ứng, đáp ứng, ứng xử.


Con người thông thường thì chỉ phản ứng cách thụ động, hay nói cách khác là hoạt động của họ thường do sự mê muội vô minh, do những niềm tin hư dối (danh vọng, tiền tài, khoái lạc). Điều đó nói rằng lòng tin của họ nơi Thực Tại Tuyệt đối và duy nhất đang mê giấc.


Sự việc nhận thấy sự kích thích từ ngoài không phải là điều hư dối, nhưng mặt cảm xúc của nhận thức đó (cảm thấy vui thích hay buồn khổ) mới là hư dối, vì lẽ nó đặt cơ sở trên niềm tin hư dối. Tôi không sai lầm khi nhận thấy tính thuận lợi hoặc bất lợi của tất cả những gì chạm đến sự sống tôi, nhưng tôi sai lầm khi coi những cái đó là tốt hoặc xấu, nghĩa là khi nhìn chúng với cảm tính của mình. Cảm giác nóng cháy không là điều hư dối, nhưng sự đau đớn từ một vết phỏng là điều hư dối. Nhận thức của tôi là chính xác khi nó giúp cho tôi biết, nhưng nó là hư dối khi nó làm cho tôi cảm, vì lẽ mỗi hiện tượng cảm xúc là một bóp méo những hiện tượng phi cảm xúc.

 

Trong khi bị một sự vật gì gây cảm xúc, thì một cách vô thức tôi trở nên vô cảm đối với mọi sự vật khác, và bao lâu lòng tin tôi còn mê giấc, thì sự chú ý của tôi bị những cảm xúc hư dối của tôi thu hút, lôi cuốn, trói buộc.


Hoạt động nội tâm nhằm đánh thức lòng tin đang mê giấc thì cứ để yên mọi sự trong hiện trạng của chúng, đồng thời chủ động điều sự chú ý hướng về những hiện tượng cảm xúc hư dối. Khi tiếp cận với cái gì khó hiểu, sự chú ý cần làm việc tích cực để nhận thức được cái vây hãm và tấn công nội tâm, để thấu triệt cái gọi là đau khổ. Khi nhận thức hóa giải được hoảng hốt lo sợ, tôi sẽ đủ can đảm và sáng suốt hướng về những gì xưa nay tôi lẩn tránh và e ngại. Nỗ lực nội tâm để nhận thức cái xưa nay trói buộc tôi sẽ làm cho tôi buông xả cái đau khổ của tôi. Nỗ lực nội tâm đó sẽ làm tan khối nước đá đông đặc trong tôi, giải thoát tôi khỏi những trói buộc xưa nay, và đưa tôi đến một trạng thái vô cảm vắng bóng tình cảm thiên vị, giúp tôi thoát ra khỏi cái thế nhị nguyên trói buộc tôi luôn luôn đem cái tôi thích đối địch với cái tôi không thích, trong một cuộc chiến căng thẳng triền miên.


Đó là con đường đưa tôi đến thư giãn và an định nội tâm.


(còn tiếp) 


HY GB Phạm Minh Mẫn 

Nguyên tác: Hubert Benoit, “La doctrine suprême”, 1967.


-------------------------------------------

Bài liên quan:

Sự sống con người theo lý Thiền (1) - Một phương pháp tu đức

Sự sống con người theo lý Thiền (2) - Vượt lên thế nhị nguyên đối kháng 

Sự sống con người theo lý Thiền (3) - Cái gốc của khắc khoải lo sợ

Sự sống con người theo lý Thiền (4) - Điều kiện tâm lý để lòng tin bừng dậy

Sự sống con người theo lý Thiền (5) - Nhìn thấy được bản tính mình

Sự sống con người theo lý Thiền (6) - Hoạt động nội tâm đánh thức lòng tin

Sự sống con người theo lý Thiền (7): Tuân theo bản tính sự vật

Sự sống con người theo lý Thiền (8): Xúc động và trạng thái cảm xúc

Sự sống con người theo lý Thiền (9): Cảm giác và tâm tình