Sự sống con người theo lý Thiền (2) - Vượt lên thế nhị nguyên đối kháng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 527 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


2. Vượt lên thế nhị nguyên đối kháng

 

Sự sống con người theo lý Thiền (2) - Vượt lên thế nhị nguyên đối khángTriết lý đông phương quan niệm việc tạo dựng vũ trụ là kết quả hoạt động của ba sức mạnh tổng hợp là âm, dương và thái hòa. Âm dương là những nguyên lý đệ nhị ở cấp dưới, thái hòa là nguyên lý tối thượng. Nguyên lý tối thượng chóp đỉnh của tam giác mà hai góc dưới biểu hiện âm dương. Không một yếu tố nào trong thế giới tạo vật là hoàn toàn dương hay hoàn toàn âm. Trong âm có dương, và trong dương có âm. Âm dương không chỉ là đối kháng nhau mà còn bổ túc cho nhau, như ngày-đêm, sáng-tối, nóng-lạnh, động-tĩnh, chân-giả, tốt-xấu, sống-chết, yêu-ghét, sướng-khổ…

 

Ta thấy được việc tạo dựng diễn ra trong thời gian. Điều đó có nghĩa là hoạt động của âm dương thuộc thời gian. Nhưng hai nguyên lý đó không thuộc thời gian, chúng là trung gian giữa nguyên lý tối thượng và vũ trụ tạo vật, là sự biểu lộ nguyên lý tối thượng (tạo vật là hình ảnh Tạo Hóa). Thí dụ như thân thể tôi đâu có phải chỉ được tạo dựng vào lúc tôi được thụ thai mà thôi, song nó còn được tạo dựng không ngừng từng giây phút trong suốt những năm tháng của đời tôi. Thân thể tôi là nơi vừa khai sanh vừa khai tử mọi tế bào cấu tạo nên nó. Nói cách khác, chính hoạt động của hai sức mạnh vừa đối kháng vừa bổ túc cho nhau là âm dương, đang tạo nên tôi liên tục cho đến mãn đời tôi.

 

Như thế sự hợp tác giữa âm dương là điều cần cho sự xuất hiện mọi hiện tượng trong vũ trụ và trong cuộc sống con người, từ hiện tượng lớn cho đến hiện tượng nhỏ. Có thể là ta thấy trong hiện tượng này âm trổi hơn, trong hiện tượng kia dương vượt âm, nhưng trong tổng thể vũ trụ thuộc không gian và thời gian này thì hai sức mạnh âm dương hoàn toàn cân bằng và hòa hợp với chức năng tạo dựng, thì cạnh dưới luôn luôn nằm ngang bằng phẳng.

 

Sự cân bằng (bình đẳng, bằng nhau) giữa hai nguyên lý âm dương tất nhiên đưa đến sự cân bằng của những biểu lộ của chúng. Thế nhưng tại sao sự sống như xem ra hơn hẳn sự chết, tình thương vượt hẳn oán thù, xây dựng hơn hẳn hủy diệt…

 

Rời lý luận trừu tượng trên để đi vào đời sống tâm lý cụ thể, ta nhận thấy hai điều này. Trước hết ta thấy tính thiên vị bẩm sinh của ta đối với những biểu hiện tích cực, như sự sống, chân, thiện, mỹ. Ta có thể dễ hiểu điều đó vì tính thiên vị đó diễn đạt tình cảm của ta, và tình cảm là hậu quả tất yếu của sự hướng tìm về sự sống, một sự hướng tìm ăn sâu vào bản chất con người. Nhưng đồng thời ta cũng nhận thấy một điều khác khó giải thích hơn : khi ta hình dung một con người thành đạt, nghĩa là một con người đã vượt ra ngoài mọi cố định phi lý, nội tâm được hoàn toàn tự do và trở nên một với nguyên lý tối thượng, hòa nhịp với trật tự của vũ trụ, một con người thoát khỏi mọi ham muốn dục vọng, cả ham muốn sống, ham muốn cái này hơn cái kia, khi ta hình dung một con người như thế, thì ta cảm thấy rằng hành vi của con người đó là đáng quí và có tính xây dựng. Ta không nói rằng con người thành đạt thì ham muốn cái tích cực, cái xây dựng, vì lẽ con người đó đã vượt qua tình cảm thiên vị trong cái thế nhị nguyên chấp nhất của con người thông thường, nhưng rõ ràng là ta thấy hành vi của người ấy không thể khác hơn là đáng quí và có tính xây dựng. Như vậy tại sao tính thiên vị đã biến khỏi tâm trí con người thành đạt, nhưng xem ra như nó vẫn tồn tại nơi hành vi của con người ấy? Ta phải tìm cho được giải đáp cho câu hỏi đó nếu muốn hiểu được vấn đề thiện ác trong cuộc sống. Nhiều triết gia đã phê bình cái nhìn tình cảm thiên vị của ta trong vấn đề thiện ác và phủ nhận giá trị tuyệt đối của cái nhìn đó. Điều này thì chính xác. Nhưng thường họ nghiêng về một hệ thống tư tưởng khi bài bác cái sai trong cái nhìn đó thì cũng chối bỏ luôn cái đúng của nó, nên họ đưa con người đến chỗ xóa bỏ khái niệm về thiện ác, là cho con người lạc hướng trong đời sống đạo đức, hoặc đi đến một đời sống luân lý đảo ngược. Cái khó không phải là phê phán cái nhìn trong vấn đề thiện ác, mà là phê phán làm sao để không triệt tiêu cái nhìn đó, nhưng hướng nó đến một sự hiểu biết toàn vẹn hơn, một sự hiểu biết tìm gặp được sự hòa hợp cho mọi sự.

 

Cái sai lạc ta thường vấp phải trước vấn đề thiện ác hệ tại ở cái nhìn thiếu sót của mình. Ta thường nhìn nơi ta, xung quanh ta, và thấy những hiện tượng tích cực cũng như hiện tượng tiêu cực, thấy những hiện tượng xây dựng cũng như những hiện tượng hủy diệt. Do ham muốn sinh tồn, ta nhiên ta thiên về cái tích cực, xây dựng. Với trí năng tổng hợp trừu tượng, ta đi từ những hiện tượng trên đến khái niệm về nguyên lý hủy diệt, nguyên lý dương và âm. Ở giai đoạn này, tính thiên vị của tình cảm trở thành tính thiên vị của tri thức, ta nghĩ rằng mặt tích cực là cái tốt, nó là cái duy nhất đúng, và đối với mặt tiêu cực là cái xấu ta phải loại trừ hoàn toàn. Từ đó trí tưởng tượng phát sinh ra ước mơ về một cảnh sống hoàn toàn không có mặt tiêu cực. Ở giai đoạn tư tưởng phiến diện này, con người mới khái niệm về hai nguyên lý âm dương ở cấp dưới, một khái niệm thiếu vắng nguyên lý tối thượng là nguyên lý tạo hòa hợp giữa hai nguyên lý cấp dưới, nên ta chỉ mới thấy mặt đối kháng của hai nguyên lý này mà chưa thấy được mặt bổ túc của chúng. Chính vì thế mà nơi ta phát sinh ước muốn (và tham vọng) của cái ngã phải chiến thắng vĩnh viễn phi ngã (phi ngã là cái không phải là tôi, đối địch với tôi), muốn thấy cái tích cực triệt tiêu cái tiêu cực. Thí dụ như : khi phân biệt nơi bản thân có những xu hướng tích cực mà ta gọi là đức tính, và có những xu hướng tiêu cực mà ta gọi là nết xấu, ta nghĩ rằng sự tiến bộ của mình hệ tại ở việc loại trừ hoàn toàn mọi nết xấu đó, và sống những đức tính tốt. Ta hình dung thánh nhân là người hoàn toàn chỉ có mặt tích cực, và ta cố noi theo gương đó. Nỗ lực bắt chước đó là một sự luyện tập những phản ứng có điều kiện nhằm ngăn chặn những xu hướng tiêu cực và phát huy những xu hướng tích cực. Nhưng rõ ràng là sự tiến bộ đó không phù hợp với sự thành đạt không thuộc thời gian, một sự thành đạt giả thiết có sự tổng hợp hài hòa giữa hai cực âm dương, và có sự hợp tác nhịp nhàng giữa hai cực đối địch đó.

 

Quan niệm về hai nguyên lý cấp dưới mà thiếu vắng nguyên lý tối thượng tất nhiên đưa con người đến chỗ gán cho hai nguyên lý cấp dưới đó tính tuyệt đối và tính cá biệt. Điều này có nghĩa là tôn sùng chúng như những ngẫu tượng. Và như thế là nguyên lý dương trở thành thần lành, trở thành thượng đế, và nguyên lý âm trở thành thần dữ, trở thành ác quỉ. Khi tam giác biểu tượng cho ba sức mạnh tổng hợp của tạo dựng mất đi chóp đỉnh, cạnh nằm ngang ở dưới quay đi 450 cực dương hướng lên trời (thiên đàng) và trở thành thần lành, cực âm hướng xuống đất (địa ngục) và trở thành thần dữ. Dĩ nhiên là con người hiểu biết về thần lành và thần dữ đó theo quan niệm nhân loại của mình, và những thần đó giống như những pho tượng như chính tay con người nặn ra. Vì khái niệm về cái lý nhị nguyên như thế mâu thuẫn với trực giác của con người về một nguyên lý tối thượng và duy nhất bao trùm tất cả vũ trụ vạn vật, nên khái niệm về thiện ác trở thành một vấn đề nan giải cho con người.

 

Thiếu khai tâm vào siêu hình học, con người tự nhiên đi đến khái niệm cho rằng lý nhị nguyên như cái gì tuyệt đối, thiếu vắng nguyên lý tối thượng là thái hòa. Vì thiếu sót nên khái niệm đó sai lạc. Thế nhưng, nếu vì thiếu hiểu biết mà trí năng nghiêng về một bên là điều sai lạc, ta không thể cho rằng tình cảm tự nhiên hướng về điều tốt là một sai lầm vì lẽ sự hướng tìm tự nhiên đó tự nó không theo và cũng không chống lại lý trí, nó có một nguyên nhân, một lý do tồn tại mà trí năng phải tìm hiểu chớ không được tiên thiên bài bác.

 

Như thế, nếu hai nguyên lý cấp dưới là cân bằng là ngang nhau, tại sao tình cảm nhìn thấy chúng không ngang nhau, mà nhìn thấy rõ ràng dương trổi hơn âm? Tại sao việc tạo dựng bao hàm vừa xây dựng vừa hủy diệt, nhưng từ tạo dựng gợi lên cho ta ý nghĩ về xây dựng chứ không phải hủy diệt?


Để có thể hiểu và giải thích điều đó, ta hãy quan sát một hiện tượng giản đơn như sau : khi tôi ném một hòn đá thì có hai lực nhập cuộc đi vào hoạt động, một lực chủ động từ cánh tay tôi được gọi là chủ lực, và một lực thụ động từ hòn đá được gọi là quán lực. Chủ lực và quán lực vừa đối kháng vừa bổ túc cho nhau : cho nên sự hợp tác giữa hai lực đó là điều cần thiết để hòn đá vạch ra một quĩ đạo trong không trung. Không có chủ lực từ cánh tay, hòn đá không di động, không có quán lực từ hòn đá, thì khi rơi khỏi bàn tay, hòn đá không vạch ra một quĩ đạo được. Nếu tôi ném nhiều hòn đá lớn nhỏ, hòn đá đi xa nhất là hòn đá có quán lực cân bằng nhất với chủ lực cánh tay tôi. Nếu đối chiếu hai lực đo, không có lực nào là nguyên nhân tác sinh ra lực nào, chúng độc lập với nhau. Như thế không có cái nào trổi hơn cái nào. Nhưng hoạt động của chủ lực rõ ràng là nguyên nhân cho hoạt động của quán lực : hoạt động của chủ lực là chủ động (action), còn hoạt động của quán lực là phản động (réaction). Cái đúng về hai lực trong hiện tượng tầm thường đó thì cũng đúng cho việc tạo dựng vũ trụ ở mọi tầm vóc và mọi cấp bậc của nó. Hai nguyên lý âm dương, khi chưa đi vào hoạt động thì không có cái nào là nguyên nhân cho cái nào, chúng độc lập với nhau, chúng cùng phát xuất từ một nguyên nhân đệ nhất, như thế nhìn từ cội nguồn thì chúng hoàn toàn đồng đều như nhau. Nhưng khi ta hình dung chúng trong hoạt động, ta thấy hoạt động của chủ lực là nguyên nhân cho hoạt động của quán lực cũng được gọi là thụ lực. Vì thấy hoạt động của dương mở đường cho hoạt động của âm, nên ta thấy dương trổi hơn âm; sự trổi hơn này không có nghĩa là dương có trước âm, mà chỉ có nghĩa là hoạt động của dương là nguyên nhân cho hoạt động của âm, hay đúng hơn nó có nghĩa là khi tác động đến nguyên lý âm dương thì nguyên lý tối thượng tác động gián tiếp đến cực âm qua cực dương. Như vậy âm dương ngang nhau về bản chất, nhưng về hiện tượng thì xem ra như dương trổi hơn âm. Nếu động lực thúc đẩy một nữ tu phục vụ người hủi cũng ngang với động lực thúc đẩy một kẻ sát nhân, thì hành động phục vụ rõ ràng là trổi hơn hành động sát nhân.

 

Đến đây ta có thể hiểu rằng mọi hiện tượng xây dựng biểu lộ hoạt động của chủ lực. Do đó con người thành đạt cũng là con người có tính xây dựng, vì lẽ nhờ thoát khỏi những phản ứng có điều kiện, con người ấy không phản ứng cách tiêu cực nữa, mà là tích cực hành động, chủ động thích ứng hài hòa với mọi hoàn cảnh.

 

Con người thành đạt luôn luôn làm điều thiện. Điều thiện đó là hậu quả của hoạt động nội tâm đã đưa tâm trí họ đến chỗ tổng hợp ba sức mạnh tạo dựng là nguyên lý tối thượng và hai nguyên lý cấp dưới. Điều kiện đó là hậu quả tất nhiên của cái nhìn quán thông của lòng tin đã bừng tỉnh. Phong cách của người thành đạt không phải phong cách của một con người khổ công tu tập để thành một thánh nhân, vì lẽ việc khổ công tu tập theo một khuôn mẫu tiền chế đưa đến hủy diệt nhiều hơn là xây dựng. Phong cách của con người thành đạt phát xuất từ hành động trong sáng của lòng tin bừng tỉnh, một hoạt động luôn luôn thích ứng một cách sáng tạo và mới mẻ với mọi hoàn cảnh đổi thay.

 

Tóm lại, đời sống đạo đức chân chính chỉ là kết quả của một sự thành đạt không thuộc hình thức và thời gian, nhưng do giác ngộ, do lòng tin bừng dậy. Trước khi lòng tin bừng dậy, moi việc tu luyện đều mang tính cách cưỡng chế, một tính cách cản trở lòng bừng tỉnh. Điều này không có nghĩa là trên đường giải thoát ta phải cố dẹp bỏ tình cảm nghiêng về điều thiện, nhưng chỉ có nghĩa là ta phải tránh biến nó thành một sự thiên vị trong tâm trí vì sự thiên vị này cản trở ta thiết lập sự an tĩnh cho nội tâm.

 

Những điều nói trên không nhằm kết án những giáo thuyết đề cao nhân đức, lòng nhân ái, tình thương. Kết án như thế cũng là một sự thiên vị phi lý của trí năng. Những điều đó muốn nói rằng những giáo thuyết tự nó không đánh thức được lòng tin đang mê giấc. Để lòng tin có thể bừng tỉnh, nhất thiết tâm trí và nhận thức phải vượt lên trên tính thiên vị trong cái thế nhị nguyên đối kháng, vì đây là bức màn vô minh cản trở lòng tin bừng dậy, cản trở ánh sáng từ nguyên lý tối thượng đi vào cuộc sống của ta, cản trở ta nên một với nguyên lý tối thượng.

 

(còn tiếp)


HY GB Phạm Minh Mẫn

Nguyên tác: Hubert Benoit, “La doctrine suprême”, 1967


= = = = = = = = = =


Bài liên quan:


Sự sống con người theo lý Thiền (1) - Một phương pháp tu đức