Sự sống con người theo lý Thiền (9): Cảm giác và tâm tình

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 594 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)

PHẦN HAI: Đời sống tâm lý con người theo lý thiền


* * *

9. Cảm giác và tâm tình


Trong mỗi giây phút xúc động, có một mối liên hệ giữa những hình ảnh diễn ra trong trí ta và cảm tính của ta. Mối liên hệ đó thật phức tạp. Nó cần được nghiên cứu kỹ vì nó bao hàm những lừa dối tinh vi cản trở ta chú ý đến cảm tính của ta.


Trước tiên cần xác định rằng có một sự khác biệt cơ bản giữa cái nhìn đặt cơ sở trên thực tế hiện tại và cái nhìn do trí tưởng tượng của ta tạo ra.


Đứng trước một quang cảnh, tôi ngắm nhìn nó theo những hình ảnh mà qua sự chú ý của tôi nó in vào tâm trí tôi. Khi tôi mơ mộng, tôi thấy những hình ảnh mà trí tưởng tượng tôi vẽ ra trong trí tôi. Mối liên hệ giữa cảm tính và loại hình ảnh thứ nhất (hình ảnh thực tế) thì thật là khác biệt với mối liên hệ giữa cảm tính và loại hình ảnh thứ hai (hình ảnh tưởng tượng).


Mối liên hệ thứ nhất thật là giản đơn. Cảm xúc biến đổi tùy theo tính chất khẳng định hoặc phủ định của hình ảnh thực tế: hình ảnh thực tế gợi lên một sự đe dọa thì cảm tính co thắt, căng thẳng. Hình ảnh thực tế tươi đẹp, hùng vĩ, thì cảm tính có một sự thư giãn tương đối. Mối liên hệ này còn có tính cách một chiều: hình sắc của hình ảnh thực tế xác định hình sắc của hiện tượng cảm xúc, thế giới bên ngoài chủ động, còn thế giới bên trong thụ động, những hiện tượng bên ngoài không ngừng thay đổi thì cảm xúc cũng thay đổi không ngừng. Như thế cảm tính không bất động, và chỉ có sự co thắt chớ không có tình trạng co thắt, chỉ có những xúc động chớ không có trạng thái cảm xúc.


Còn về hình ảnh tưởng tượng thì mọi sự trở nên phức tạp hơn. Mối liên hệ với cảm tính không còn một chiều mà là hai chiều. Bước đầu thì cảm tính cũng phản ứng: theo hình ảnh, nhưng mặt khác trạng thái cảm xúc cũng tác động đến việc tác tạo những hình ảnh tưởng tượng. Thí dụ khi tôi gặp chuyện không may làm tôi buồn khổ, thì tôi bày vẻ ra những điều đen tối khác như hậu quả của chuyện không may. Như thế là một cái vòng lẩn quẩn được thiết lập với sự tác động và phản ứng hai chiều.


Trong mối liên hệ giữa cảm tính và hình ảnh tưởng tượng này có một yếu tố khác quan trọng hơn can thiệp vào. Trước khi đề cập đến yếu tố này, ta cần xác định rõ hơn sự khác biệt giữa hai loại hình ảnh thực tế và hình ảnh tưởng tượng.


Hình ảnh thực tế bắt nguồn từ Tạo Hóa, nên nó hài hòa và cân bằng trong Tổng Thể. Nhìn ở mặt hiện tượng, hình ảnh thực tế không cố định mà di động. Còn hình ảnh tưởng tượng thì qui về cái ngã như một cá thể biệt lập, nó bắt nguồn từ một cái tâm hư dối, một cái tâm ly tâm, một cái tâm đang quay cuồng. Do đó trong hình ảnh tưởng tượng vừa có sự di động vừa có sự cố định. Chính vì thế mà trong mơ mộng, những hình ảnh tưởng tượng xoay quanh một định kiến. Tính cố định đó tạo nên trạng thái cảm xúc co thắt.


Phản ứng của cảm tính trước hình ảnh thực tế mang tính chất bình thường và lành mạnh, vì đó là phản ứng trước thực tế bình thường của những hiện tượng trong vũ trụ. Còn phản ứng của cảm tính trước hình ảnh tưởng tượng mang tính chất bất thường và thiếu lành mạnh, vì đó là phản ứng trước những hình ảnh bất thường và không thực tế.


Đó là sự khác biệt giữa hai loại phản ứng của cảm tính trước hai loại hình ảnh. Thế nhưng, nơi đứa trẻ lớn lên, cảm tính không lúc nào là thuần túy tùy thuộc hình ảnh thực tế, vì lẽ hình ảnh tưởng tượng đã nằm sẵn trong nội tâm nó rồi, nhưng xúc động của nó không bao giờ là những xúc động thuần túy mà đã có sẵn trong nội tâm một trạng thái cảm xúc co thắt rồi. Nói cách khác, trí năng càng phát triển, thì trạng thái cảm xúc co thắt càng xuất hiện rõ nét hơn. Nơi một người có nhiều khác vọng hướng về Tuyệt Đối, cảm tính biểu hiện qua hai mặt, nó vừa là những co thắt vừa là những trạng thái co thắt, một mặt như di động, mặt khác như trụ tại chỗ.


Như thế, cảm tính như mang hai bộ mặt, một bộ mặt thật trước những hình ảnh thực tế, và một bộ mặt giả trước những hình ảnh tưởng tượng. Bộ mặt thật thì liên hệ đến cảm giác, bộ mặt giả thì liên hệ đến tâm tình. Bộ mặt thật thì di động, và không quan tâm gì đến tầm quan trọng mà lý trí gán cho những hình ảnh. Bộ mặt giả thì như trụ tại chỗ và tùy thuộc lý trí, nó có liên hệ đến hình ảnh lý tưởng của tôi về vũ trụ và về con người của tôi, nó có liên hệ đến thái độ hướng tìm về Chân Thiện Mỹ qua lối sống và cách xử thế của tôi. Bộ mặt thật thì bất cần lý tưởng, vì nó chỉ tùy thuộc vào cái nhìn về thế giới bên ngoài.

 

Còn bộ mặt giả thì tùy thuộc cái nhìn lý tưởng của tôi về chính bản thân mình, nó được cấu tạo bằng những tâm tình không phải đối với thế giới bên ngoài mà là đối với thái độ của tôi trước thế giới bên ngoài. Vì thế mà tôi có thể tỏ ra vui vẻ đang khi thật sự là tôi buồn (như trường hợp mình bị mất mát nhưng muốn giữ thể diện) hoặc ngược lại (nhhư trường hợp một người con đứng trước cái chết của người cha đã hành hạ làm khổ mình).


Sự dị biệt giữa xúc động và trạng thái cảm xúc đặc biệt nổi bật ở điểm này : hình ảnh về lý tưởng tuyệt đối của tôi bao hàm tính vững bền và cố định, vì lẽ Nguyên lý Tuyệt đối là căn nguyên mọi sự thì bất biến, từ đó phản ứng của cảm tính trước hình ảnh lý tưởng là mong muốn sự vững bền và bất biến. Đang khi đó thì bộ mặt thật của cảm tính biến đổi liên tục, lúc gặp một người bạn tri kỷ, lúc uống một ly rượu, thì nó vui lên, lúc gặp khó gặp khổ thì nó xìu xuống…


Hoạt động nội tâm đang được đề cập đây là cái nhìn trực giác xuyên qua trạng thái cảm xúc mà không dừng lại đó. Dưới cái nhìn này, bộ mặt thật của cảm tính liên hệ đến cảm giác thì vẫn tồn tại, còn bộ mặt giả liên hệ đến lý tưởng thì lu mờ dần, rồi tan biến. Cái nhìn trực giác xuyên qua bộ mặt giả của cảm tính mà không dừng lại đó, có nghĩa là nó xuyên qua những hình ảnh tưởng tượng và đánh tan chúng. Điều này không có nghĩa là trạng thái cảm xúc co thắt cũng đã bị đánh tan : Cái bị đánh tan là tính hư dối, nhưng tính bất động của trạng thái cảm xúc co thắt vẫn còn đó. Chính tính bất động này giúp ta tiến đến việc đánh thức lòng tin đang mê giấc, giống như con nhộng cần nằm yên trong kén để có ngày trở thành con bướm.


Con người thông thường ngại sự bất động, họ không ở yên được. Kỳ thực thì sự bất động không mang tính hủy diệt sự sống, mà chỉ là một trạng thái xem ra như chết đi (con nhộng trong kén) để đi đến một đời sống thật tự do (con bướm vẫy vùng). Nếu đi sâu vào nhận thức, vào xác tín, tôi có thể thấy rằng : tôi có khả năng nép mình trong trạng thái cảm xúc co thắt, trong nỗi lo sợ buồn khổ của tôi, mà không tạo nên những hình ảnh lo buồn sợ hãi hay những suy nghĩ tiêu cực. Trong chốc lát nỗi lo buồn của tôi chỉ còn là một sự bất động không hình sắc. Lúc bấy giờ tôi trở nên vô cảm như một khúc gỗ, đồng thời vẫn có khả năng phản ứng cách thích đáng đối với thế giới bên ngoài.


Thường do sự mê muội vô mình mà ta chống lại sự bất động nội tâm. Chính sự chống lại này làm cho tình trạng co thắt bị khuấy động và gây thêm khó, giống như ta càng cựa quậy để cởi trói thì dây càng siết chặt tay ta. Như thế trạng thái cảm xúc co thắt chỉ mang tính chất hủy diệt khi nó bị khuấy động. Nhưng khi tôi không còn ngại sợ sự bất động nội tâm nữa, thì tôi thoát khỏi hình ảnh cưỡng bức hư dối phát xuất từ trạng thái cảm xúc co thắt. Khi trạng thái này không còn là một cảm xúc kéo dài thì nó chỉ còn là một trạng thái bất động vô hại.


Khi co thắt, bắp thịt ta ngắn lại; khi buông xả, nó trở lại bình thường và ở trong tư thế có thể co ngắn lại. Khi thành công trong một công việc, tôi cảm thấy nở mặt nở mày; khi thất bại, tôi cảm thấy như mình co rút thu ngắn lại. Đấy là cái ngã cô đọng lại, bớt thể tích những tăng mật độ. Quá trình này không nhằm hủy diệt cái ngã, mà nhằm biến đổi và thăng tiến nó. Từ đó khổ nhục có thể trở thành khiêm hạ với điều kiện con người ý thức và chủ động. Đó là biết nối liền những mặt đối địch của cuộc sống trong sự hòa hợp, là biết liên kết co thắt với thư giãn, liên kết di động với bất động, và qui hai mặt đối địch về một mối là sự thăng tiến con người hướng về Nhất Thể Thái Hòa.


(còn tiếp) 


HY GB Phạm Minh Mẫn 

Nguyên tác: Hubert Benoit, “La doctrine suprême”, 1967.


-------------------------------------------

Bài liên quan:

Sự sống con người theo lý Thiền (1) - Một phương pháp tu đức

Sự sống con người theo lý Thiền (2) - Vượt lên thế nhị nguyên đối kháng 

Sự sống con người theo lý Thiền (3) - Cái gốc của khắc khoải lo sợ

Sự sống con người theo lý Thiền (4) - Điều kiện tâm lý để lòng tin bừng dậy

Sự sống con người theo lý Thiền (5) - Nhìn thấy được bản tính mình

Sự sống con người theo lý Thiền (6) - Hoạt động nội tâm đánh thức lòng tin

Sự sống con người theo lý Thiền (7): Tuân theo bản tính sự vật

Sự sống con người theo lý Thiền (8): Xúc động và trạng thái cảm xúc