Thánh lễ và đồng 50 rúppi

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 541 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Thánh lễ và đồng 50 rúppiTuần này tôi ghi tên dâng lễ sáng cho các sơ Dòng Kín. Tôi muốn tìm mọi cơ hội để biết thêm những sinh hoạt tôn giáo trong những ngày ở Ấn. Bây giờ giữa tháng Hai. Trời miền trung nước Ấn mang dáng dấp khí hậu sa mạc. Ban đêm nhiệt độ khoảng 8 hay 10 độ Celsius, nhưng ban trưa có thể lên tới 35 độ. Sáng sớm trời se se lạnh, một quãng đường ngắn, tôi đến nhà nguyện các sơ lúc 6 giờ 15, dâng lễ lúc 6 giờ 30.


Sáng đầu tiên hơi bỡ ngỡ. Trong phòng thánh, áo lễ dọn sẵn. Chiếc áo alba quá dài, thụng thịnh. Một phong thư tự làm lấy bằng loại giấy viết mỏng để bên cạnh, dán kín, tôi biết trong đó có tiền, vì bên ngoài đề ý xin lễ cho linh hồn sơ Clara mới qua đời tháng trước.


Sau này, được biết trung bình một ý lễ 30 rúppi. Phong thư tôi nhận ý lễ thứ nhất ở Ấn Độ hôm đó 50 rúppi. Nói thật hay nói cho vui, các cha trong nhà dòng bảo tôi là cha khách nên các sơ mới xin bổng lễ “béo” như vậy đó.


Đổi chợ đen, một đô la Mỹ ăn 46.10 rúppi, đổi chính thức được 45.50. Dân lao động bình thường lãnh khoảng 70 rúppi một ngày. Lao động phu trộn hồ khoảng 100 rúppi. Ở quê lao động, phụ nữ lãnh 30 rúppi.


Tôi còn nhớ cảm xúc khi mở phong thư nhìn 5 tờ rúppi cũ nhàu, mỗi tờ 10 đồng. Ý bổng lễ đầu tiên tôi nhận trên đất Ấn.


Lúc rời Orange Country, Cali, một cha quản nhiệm và mấy anh chị em Cursillo gởi tôi ít bổng lễ mười đô la. Tức một bổng “lễ Mỹ” khoảng 460 rúppi. Nhìn 50 đồng rúppi cũ nhàu, dơ, tội nghiệp những người lao động, nhưng tôi cũng cười thầm với mình. “Chúa ơi, bổng lễ 50 rúppi, có lẽ là khá rồi, một ngày lương lao động của người nghèo. Nhưng thế này thì con lỗ 9 đôla! Chúa biết, con đang dâng bổng lễ 10 đô cơ mà!”


Đã lâu, hôm nay tôi mới lại có những cảm xúc linh thiêng về bổng lễ của người xin. Sau khi thụ phong linh mục, việc mục vụ đầu tiên, nhà dòng gởi tôi về trại tị nạn. Những ngày đầu của một linh mục mới ra trường, có những cảm xúc, những nôn nao, những nhiệt thành, những khát vọng rất bao la. Một trong những ý nghĩ nôn nao là không biết mình dâng lễ ra sao, cuộc sống linh mục thế nào. Tiểu sử thánh Ignatio ghi lại, sau khi thụ phong linh mục, ngài không dâng lễ mở tay ngay, nhưng đợi một năm sau! Chỉ vì ngài muốn chuẩn bị cho thánh lễ đầu tay! Sau này trong đời, ngài khóc trong nhiều thánh lễ, khóc lúc chuẩn bị mặc áo lễ, khóc lúc dâng lễ, khóc sau khi dâng lễ. Những nhà nghiên cứu hôm nay dựa vào cuốn tự thuật của Ignatio, xếp ngài vào hàng các thánh có kinh nghiệm thần bí thiêng liêng. 


Linh mục mới ra trường nào cũng có những nôn nao về cuộc sống đầu đời linh mục của mình. Quyết định trước khi lên đường của tôi là sẽ không nhận bổng lễ, lấy cớ họ tỵ nạn không có tiền. Tôi cắt nghĩa cho họ dùng tiền ấy trong lúc túng thiếu mà sống, hoặc làm việc bác ái, giúp đỡ người túng quẫn sống chung quanh mình như bổng lễ dâng Chúa. Hồi ấy trong trại tỵ nạn có nhiều người túng thiếu. Trường hợp có người không yên tâm khi tôi không nhận bổng lễ, họ như sợ lễ ấy không thành cho họ, những trường hợp như thế, vì họ, tôi nhận. Những ngày tỵ nạn trôi qua, hôm nay mới lại có những cảm xúc nhìn những đồng rúppi lao động của những tâm hồn đi tìm ơn thánh. Một cơ hội để nhìn lại ý nghĩa thánh lễ và sự thánh thiện của bổng lễ. 


Trong bốn đẳng cấp Hindu (Caste system: Brahmans, Kshatriyas, Vaisays, Sudras), đẳng thứ tư được ví như chân, hạng người thấp nhất, làm những công việc nặng nhọc, kẻ hầu hạ. Sinh ra trong đẳng cấp nào, gắn trọn đời với đẳng cấp ấy. Nó là định mệnh. Sinh ra hẩm hiu, sẽ mang thân phận thấp hèn. Ấn Giáo với những đẳng cấp này đã có từ hơn 3000 năm trước công nguyên. Lấy được độc lập từ người Anh, mãi đến năm 1957 hiến pháp Ấn Độ mới bãi bỏ chế độ đẳng cấp. Nhưng đấy là lý thuyết thôi. Thực tế lại khác. 


Tôi đã đi qua những quãng đường trước cổng nhà dòng nhiều lần. Có đến hơn chục “nóc gia”. Họ túm lại thành một xóm, cạnh đường lộ. Không biết họ có bà con làng xóm với nhau không. Khói xe, bụi đường, ô nhiễm bẩn thỉu là không khí họ hít thở đêm ngày. Trời nóng, họ ngồi dưới những tấm nylon che nắng. Không thấy đàn ông, có lẽ họ đi làm. Con nít đen đủi, dơ dáy, không quần áo nghịch đất rác chung quanh rãnh nước đen. Đã nhiều lần đi qua, tôi muốn chụp mấy tấm ảnh nhưng không dám. Không phải thắng cảnh thiên nhiên. Không phải sở thú. Họ là con người. Tại sao lại chụp họ. Họ nghĩ gì khi kẻ lạ đưa ống kính máy ảnh trước cuộc đời họ. Tâm trạng họ nghĩ gì về thân phận cuộc đời? Nếu họ đến chặn hỏi tại sao chụp hình, tôi biết trả lời sao. Đã cả tháng qua, tôi chưa chụp được tấm hình nào của những người trước mặt Chúa, Nước Trời cũng thuộc về họ, nhưng trước mặt đồng loại, họ sinh ra không được bình đẳng. Những người như thế sống thành từng chùm, từng xóm, rải rác nhiều nơi. Và dĩ nhiên họ tiểu tiện đầy chung quanh nơi họ sống. Ruồi và mùi khai nông xú uế xông lên. 


Dân số Ấn Độ hơn một tỷ người. Hindu là tôn giáo có lịch sử lâu đời hơn Kitô Giáo nhiều. Theo truyền thống kể lại, Thánh Tôma tông đồ đã đến rao giảng Tin Mừng ở Ấn. Nhưng phải đợi đến thế kỉ 16 với các thừa sai như Phanxicô Xaviê qua truyền giáo mới rửa tội được một số. Công Giáo chỉ là thiểu số, 1.5% so với một tỷ người, đa số gốc gác đến từ đẳng cấp thấp này. Tôi không nghĩ những người sống ở khúc đường gần cổng nhà dòng có ai Công Giáo. Nếu giả sử có gia đình nào đó, làm sao họ có thể xin lễ với 50 rúppi. 

 

Tôi nghĩ một ngày nào đó, tôi dâng cho họ một “thánh lễ Mỹ”. Tôi nhận bổng lễ anh chị em bên Cali gởi là mười đô la, tức 460 rúppi một ý lễ. Một ngày nào đó, tôi cho họ món quà 460 rúppi, lương lao động cả tuần.

 

Mỗi lần đi ngang qua nhìn họ, tôi lại nghĩ, một ngày kia tôi cũng chết như họ thôi. Gặp nhau trên Nước Trời, họ bình đẳng như tôi, họ mừng vui vì hết những ngày không còn đẳng cấp. Tôi nói chuyện gì với họ về kỷ niệm nhìn những ngày tháng thấy nhau trên cuộc đời trần gian? 

 

Thánh lễ là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô ôm trọn nhân loại trong sự thương xót cứu rỗi. Trong tác phẩm Hymn Of The Universe, Bài Thánh Lễ Trên Địa Cầu, The Mass On The World, Teilhard de Chardin kể lại năm 1923 ở sa mạc Á Châu, (có lẽ vào ngày lễ Chúa Biến Hình) ngài quá ước ao dâng lễ mà không có bánh, không có rượu, trong lúc khắc khoải vì không tìm được của lễ, ngài tự nhủ sao không lấy chính cuộc đời mình mà dâng lễ, đâu cần bánh rượu. Trong thánh lễ siêu nhiên ấy, ngài đã lấy tất cả địa cầu làm bàn thờ, đôi chân đứng trên bàn thờ ấy dâng hiến cả vũ trụ cùng với con người mình thay bánh rượu. Và ngài thấy thánh lễ ấy như rực lửa. Ngài viết: “Ôi, lạy Chúa, con không có bánh, không có rượu, không bàn thờ dâng lễ. Băng qua mọi hình thức này, con, linh mục của Chúa đây, sẽ dâng lên chính con, con sẽ lấy cả trái đất làm bàn thờ, con sẽ dâng Chúa mọi nhọc nhằn, mọi vất vả đau khổ của trần gian.” Teilhard de Chardin đã không thực sự dâng lễ bằng bánh rượu, vì không tìm đâu ra. Lòng ước ao thôi thúc ngài dâng lễ thiêng liêng đã để lại 19 trang viết như một trong những suy tư đẹp nhất, thi vị nhất của thế kỷ về mầu nhiệm thánh lễ trong tác phẩm Hymn of The Universe. Ngay đời ngài cũng là một thánh lễ tuyệt vời. Là một khoa học gia nghiên cứu sự sống thời tiền sử với thuyết tiến hóa, một nhà nhân chủng và địa chất học trong cái nhìn thần học và triết học. Một khuôn mặt lỗi lạc của Giáo Hội cũng như trong giới trí thức bác học. Lúc còn sống, suy tư của ngài gây nhiều tranh luận, không được phổ biến, mãi sau khi chết rồi các tác phẩm ấy mới được phục hưng vì tư tưởng của ngài vượt quá cách suy nghĩ của một số người trong Giáo Hội đương thời lúc đó. Vậy mà ngài im tiếng vâng lời. 

 

Nói về lễ vật, Teilhard de Chardin viết: “Lạy Chúa, chén thánh và đĩa thánh của con là chiều dài sâu thẳm nhất của một linh hồn mở rộng ra đón nhận tất cả vũ trụ, và trong chốc lát đây, sẽ cùng tất cả mọi ngõ ngách của trái đất này từ tốn, hợp với Thánh Thần dâng lên Chúa.” Trong thánh lễ vô hình ấy, Teilhard de Chardin thấy Thần Khí như rực lửa cháy trên địa cầu. “Tất cả mọi sinh vật trong ngày hôm nay, đang nẩy chồi, đang kết trái, đang rộ hoa chín mùa đều mang một ý nghĩa tuyên xưng: Này là Mình Ta. Và ngay cả sự chết tiềm ẩn đang đợ chờ, đang tàn úa, đang phai mầu cũng đều mang một ý nghĩa sâu thẳm trong mầu nhiệm đức tin, tuyên xưng: Này là Máu Ta.” 


Trong ý nghĩa kết hiệp với mầu nhiệm thánh thể, Teilhars de Chardin viết tiếp: “Xin Chúa đổ vào chén lễ đời con nỗi đau của xa lìa, yếu đuối vì giới hạn, những hoài nghi trăn trở, rồi bảo con: Hãy nhận mà uống đi. Lạy Chúa, làm sao con có thể từ chối được khi Chúa đã đổ vào cốt lõi tủy xương sự sống của con lòng ước ao kết hiệp với Chúa ở thế giới đời sau qua cái chết.” Không bánh, không rượu, không bàn thờ, trong thánh lễ không hình thức này, Teilhard de Chardin cảm nghiệm toàn thể vũ trụ, mọi sinh vật, mọi gian lao, mọi đau khổ hòa tan lại thành bánh.


Trước khi viết Thánh lễ Trên Địa Cầu năm 1923, vào năm 1917 trong tác phẩm Linh mục, “The Priest”, Teilhard de Chardin đã viết: “Qua việc nhập thể, Đức Kitô biến tấm bánh thành Thân Thể Ngài, Đức Kitô không giới hạn trong tấm bánh mà vượt qua đó bao trọn vũ trụ. Qua một nguyên tố của vũ trụ là tấm bánh đó, Ngài lôi kéo toàn thể vũ trụ vào Ngài.” Nhìn thánh lễ như thế, nên Teilhard de Chardin khi nhìn Chúa đến với một tâm hồn, không đơn giản là chỉ với cá nhân đó. Teilhard de Chardin nhìn tất cả nhân loại liên kết với nhau. “Kẻ tin cũng như người không tin, hãy làm chúng con kêu lên rằng: Ôi lạy Chúa, hãy làm cho chúng con nên một.” Riêng về linh mục, Teilhard de Chardin viết: “Qua lời truyền phép: Này là Mình Ta. Tấm bánh thành mầu nhiệm Thánh Thể. Những lời này vượt quá giới hạn của tấm bánh, chảy tan vào vũ trụ, toàn thể vũ trụ ảnh hưởng vì lời truyền phép này”. 

 

Thánh lễ của tôi không ở trong hoàn cảnh thiếu bánh rượu như Teilhard de Chardin. Không đủ lòng sốt sắng như Teilhard de Chardin. Nhưng trong suy tư thần học của ngài, thánh lễ tôi dâng cũng chảy tan vào vũ trụ như thế, vì đấy là ân sủng của Chúa thiết lập qua nhiệm tích Thánh Lễ, chứ không phải vì tôi là linh mục. 

 

Nếu một chiều nào đó, tôi đi lại khúc đường ấy, nhìn kiếp sống sinh ra trong số phận hẩm hiu của họ, tối về nhìn họ trước mầu nhiệm Thánh Thể, rồi sáng sau tôi dâng cho một thánh lễ “free”. Nghĩa là sau khi dâng lễ theo ý chỉ với bổng lễ mười đô, tôi đem mười đô ấy mua mấy chậu thau nhựa, mấy cục xà bông cho các em trong nhóm người đó, hoặc một gia đình nào đang có ai đau ốm, chắc tôi sẽ có những cảm nghiệm quý lắm về thánh lễ trong mầu nhiệm thân xác Chúa Kitô và sự túng thiếu của con người. Chắc tôi sẽ có những cảm nghiệm rất thiêng liêng về bí tích tôi cử hành. Nếu có người cha nào đang mệt sức lao động, tôi cho họ một thánh lễ “free” để ông ta không phải lo âu phần ăn cho gia đình, nếu tôi làm thế, chắc tôi sẽ cảm nghiệm sâu xa trong mầu nhiệm liên đới giữa con người với nhau. Thánh lễ là mầu nhiệm. 

 

Là người dâng lễ, The Priest, lịnh mục có những cơ hội để cảm nghiệm thánh lễ một cách vô cùng phong phú mà giáo dân không có. Teilhard de Chardin đã dâng thánh lễ trong sa mạc không bánh, không rượu, không bàn thờ. Thánh lễ đó đối với Teilhard de Chardin có là thánh  lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời? 

 

Tuy nhiên, giáo dân có những cảm nghiệm khác nhau, như Mẹ Têrêsa Calcuta chẳng hạn. Một lần về Việt Nam, tôi gặp Mẹ Têrêsa ở Hà Nội, cứ chín giờ sáng Mẹ vào dâng lễ trong tòa giám mục với Đức Hồng Y. Một sơ trong nhóm người đi cùng với Mẹ bảo tôi: “Mẹ quý thánh lễ lắm, nếu máy bay ném bom, Mẹ cũng dâng lễ xong mới chạy.” 

 

Tôi quên câu chuyện Mẹ Têrêsa với thánh lễ. Qua Ấn này mới lại nhớ đến câu chuyện đó. Và lần này chắc khó quên. Mẹ Têrêsa nhắn nhủ các linh mục: 

 

Xin cha dâng thánh lễ này như thánh lễ mở tay,

như thánh lễ cuối cùng,
và như thánh lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời.

 

 

Ấn Độ tháng 2, 2001

 Nguyễn Tầm Thường, sj. 

Những trang Nhật ký của một linh mục

Nguồn: dunglac.org