Tiếp bước Tiền nhân làm Chứng nhân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 894 | Cật nhập lần cuối: 6/20/2018 10:03:04 AM | RSS

Năm Thánh tôn vinh các Thánh tử Đạo tại Việt Nam

Tiếp bước Tiền nhân làm Chứng nhânTừ ngày 19.6.2018 đến ngày 24.11.2018 Giáo hội Việt Nam cử hành Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày tuyên phong hiển thánh cho 117 vị tử Đạo tại Việt Nam (1988 - 2018).

Là người Công giáo Việt Nam, ai trong chúng ta cũng hãnh diện về các bậc tiền bối Đức Tin của mình, với sự can trường hy sinh và lòng tín trung với Thiên Chúa cho đến cùng, dù phải thiệt mạng. Tri ân Thiên Chúa và tự hào về các Thánh tử Đạo là điều chính đáng. Tuy nhiên, làm thế nào tiếp tục thông truyền đức Tin đã lãnh nhận từ cha ông cho bao người đương thời sống quanh chúng ta, mới là điều đáng được quan tâm hơn và gọi mời chúng ta hành động.

Trong lễ tuyên thánh cho các vị chân phước tuẫn đạo tại Việt Nam, ngày 19.6.1988, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ: “Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức Tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô”.

Sống chứng nhân

Tử vì đạo, theo nguyên ngữ “Martyrium”, có nghĩa là “làm chứng”. Mới nghe từ này ta dễ liên tưởng đến việc làm chứng trong tòa án, thế nhưng theo nghĩa Công giáo, đó là làm chứng cho Đức Kitô, chứng nhân Đức Tin. Người ta có thể làm chứng bằng cái chết (tuẫn đạo), qua việc chịu đau khổ vì Chúa hay bằng lối sống theo Phúc âm.

“Kỷ niệm biến cố phong Thánh Tử Đạo là dịp để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài, sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng và nhân ái. Để kỷ niệm biến cố quan trọng này, chúng tôi sẽ bàn thảo và đưa ra những đề nghị, nhằm hướng tới một chương trình bao gồm cử hành, học hỏi và sống đức tin. Cử hành để tạ ơn Chúa, tôn vinh các bậc Tiền Nhân và xin các ngài bầu cử cho Giáo Hội và Quê Hương; học hỏi để hiểu biết cuộc đời và ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các ngài; sống đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa”.

(Thư Mục Vụ HĐGMVN năm 2017, số 5)

Vẻ đẹp trong đời sống các thánh tuẫn đạo

Các ngài không chỉ can đảm chết vì đạo, mà cuộc sống của các ngài trước khi hy sinh mạng sống vì đức Tin, đã khắc họa nên những nét đẹp của Công giáo. Có thể ghi nhận 5 đặc tính sau đây đã tạo nên mẫu số chung của các chứng nhân tuẫn đạo tại Việt Nam (*):

1. Thân ái với mọi người
2. Tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương
3. Sống Tin Mừng yêu thương
4. Mặn nồng tình nghĩa gia đình
5. Kính yêu Đức Trinh Nữ Maria

Ngày nay, người Công giáo không bị yêu cầu “quá khóa” (bước qua thánh giá) hay bị giết chết vì theo Đạo Chúa như trong hai thế kỷ XVII và XVIII, nhưng chúng ta được mời gọi tích cực Sống Đạo và Hành Đạo, chứ không nên bằng lòng với việc “giữ đạo” mà thôi!

Trong Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu -suối nguồn sức mạnh và tình yêu của các Thánh tử đạo Việt Nam-, mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy cố gắng thực hành và biểu hiện những nét đẹp đặc biệt kể trên, để tiếp bước cha ông, làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu trong mọi mối tương quan với tha nhân.

(6/2018)

Magnificat
Nguồn: tgpsaigon.net

------------------------------------------------------------------

(*) X. Lm Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, Chân dung các Thánh Tử Đạo Việt Nam, (6/2006) Nguồn: gxdaminh.net