Tình bạn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 473 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Mùa đông năm ấy thật lạnh. Đã ba bốn lần, xóm làng nhỏ bé dưới thung lũng dựa vào triền núi - nơi định cư của vị ẩn sĩ - bị băng tuyết phong tỏa hoàn toàn. Xuân về, khi nước lớn, những khối tuyết tan chảy ồ ạt đổ xuống thung lũng, những khe nước không đủ sức chứa nữa. Khắp vùng núi đâu đâu cũng có nước chảy, khiến các cánh đồng dưới chân núi đều bị ngập lụt. Nhiều phen, người ta đã lo rằng, căn chòi này hay kho thóc nọ bị cuốn đi. Thế nhưng, không có tai ương nào xảy ra cả. Sau cùng, những ngôi nhà bé nhỏ lại nhô lên, xám đen hơn và xiêu vẹo hơn trước, với các chân cột mục nát thêm và chóng suy sụp hơn.


Rồi những ngày tươi đẹp trở lại, các dòng nước rút về lòng khe. Khối nước lũ phủ ngập cánh đồng và bãi cỏ làm tê liệt đường xá, cầu cống cũng lần lượt biến mất. Mùa xuân trở lại như phép mầu.


Trong suốt mùa đông, dân làng thường nghĩ đến vị ẩn tu. Họ lo, không những ông bị rét hơn thường lệ vì tuyết năm ấy rơi rất nhiều, mà họ còn lo vì chuyện khác nữa. Từ thuở nào đến nay, người ta vẫn thường thấy ẩn sĩ đi lại trong rừng, đôi khi băng ngang qua làng. Người ta vẫn biết ông đã già, lưng còng xuống, dáng đi chậm rãi. Nhưng nay, ông còng lưng xuống hơn trước, và khi đi lại quanh hang đá của ông, xem ra vất vả lắm. Để xuống làng, ông phải mất trọn một ngày đàng, và người ta tự hỏi không biết trở về phải leo dốc thì sẽ ra sao, có lẽ buộc lòng ông phải dừng lại nghĩ đêm dưới gốc cây, hoặc tiếp tục mò mẫm đi trong đêm tối cũng không chừng. Càng ngày ông lại càng ít xuống thăm làng, và giả như các bà nội trợ tại các nông trại quen biết, không mang lương thực lên tiếp tế cho, thì có lẽ ông cũng đành chịu thiếu thốn cả những vật dụng cần thiết. Về củi đun cũng vậy : các bà chất một số củi khá dồi dào gần hang đá, vì giờ đây ông quá yếu không thể đi nhặt cành khô trong rừng được nữa.


Đã hơn một lần, các bạn hữu của ông dưới làng cùng nhau thổ lộ nỗi lo lắng của họ về người bạn già trên núi. Họ cũng nhận thấy là mắt ông đã kém tinh tường, ông có thể vấp ngã và bị thương, hoặc ông rất có thể đau ốm và bị bỏ rơi trong hang một mình mà không ai hay biết. Không, tình trạng không thể kéo dài thế này mãi được, không thể để vị ẩn sĩ trên núi một mình lâu hơn thế nữa.


Vài người trong làng là bạn thân của vị ẩn sĩ từ lâu, bèn quyết định lên thăm ngài. Vào một buổi chiều xuân đẹp trời, họ lên đường, khi cả cánh rừng như ngời sáng với là xanh, hoa thắm. Đám rêu màu xanh mát và tươi ánh lên như bạc. Rặng thông trổ đầy búp, cây tùng mang đầy quả đỏ hình nón chóp trên thảm cỏ lốm đốm những bông hoa trắng óng ánh như những vì sao. Tuy ngày sắp tàn nhưng trời còn sáng lắm.


Họ thấy vị ẩn sĩ ngồi trước hang, với dáng người quen thuộc, lưng dựa vào một tảng đá. Thấy họ đến và đứng quây chung quanh mình, ông không đổi dáng người, chỉ lần lượt nhìn từng người cách lặng lẽ. Ông không quen tiếp nhiều người cùng một lúc như thế này bao giờ. Khi dân làng đến tâm sự, họ thường thích nói riêng, trong tình thân mật mà thôi.


Khi biết rõ họ đến thăm với mục đích gì, ông tỏ vẻ ngạc nhiên và xúc động. Ông nói :


- Có phải vì thế mà các con đến chăng? Các con yêu quí, chỉ vì ta mà các con đến đây sao? Thật lá quí hóa! Nhưng đừng nhọc công lo lắng cho ta làm gì. Ta được số phận may mắn hơn các con ở dưới đó nhiều, không ai sung sướng bằng ta. Thử nhìn coi ở đây có đẹp không? Mỗi buổi sáng ta thấy mặt trời trước các con, và chiều đến, ta còn thấy ánh sáng lâu hơn các con. Hãy lắng nghe tiếng chim. Các con có nghe chúng hót không? Tiếng gió rì rào trong rặng thông, gió thổi qua rồi trở lại. Gió là bạn của ta và không làm ta sợ chút nào, ngay cả khi giông tố bão lốc. Nhưng ngoài chim và gió ra, ta không còn nghe thấy gì nữa. Ở đây rất yên tĩnh, bình lặng, vạn vật như nín hơi. Các con có đồng ý là ở đây sướng lắm không?


Một trong những người phụ nữ lên tiếng :


- Nhưng cha có thể ngã bệnh và phải nằm lẻ loi một mình không ai săn sóc.


- Có lẽ chết một mình nữa, một phụ nữ khác dè dặt nói.


Ẩn sĩ mỉm cười nói :


- Chết ư? Không đâu! Người ta không chết đâu. Mọi người lầm tưởng người ta chết, nhưng không phải thế.


Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của họ, ẩn sĩ lại cười, rồi tiếp :


- Cái mà chúng ta gọi là cuộc sống, đó chỉ là một cuộc hành trình. Mỗi người tiếp tục dấn bước theo con đường của mình không ngừng. Đôi lúc có người cùng đi bên cạnh, nhưng thường là đi một mình. Vùng đất ta băng qua, thay đổi theo nhịp tiến. Có lúc trời sáng sủa, đường đi dễ dàng, ngược lại, có lúc cực nhọc khó khăn. Nhưng dọc đường, ta nhìn ngắm, ta học hỏi và sau cùng, ta thu thập được nhiều điều hơn khi mới khởi hành. Rồi đến ngày mà mọi sự đều thay đổi và một chặng đường mới bắt đầu. Những gì, cho đến bây giờ còn là cần thiết cho chúng ta, từ nay ta có thể bỏ qua được hết. Bỏ lại để rồi lại tiếp tục lộ trình của mình. Người ta gọi đó là chết.


Họ im lặng nhìn ẩn sĩ, tỏ vẻ sững sốt. Ông tiếp :


- Khi ngày đó đến, ta sẽ không cần đến bàn ta này nữa - và ông giơ ra ánh sáng bàn tay gầy guộc nổi gân xanh - cũng không cần đến đôi chân này đã từng mang ta đi khắp đồi núi. Cả đến đôi mắt này đã từng chiêm ngưỡng những kỳ công của Thiên Chúa trong thế giới hữu hình, hữu sắc này. Và cũng không cần cần đến đôi tai này biết bao lần đã giúp ta nghe được những lo âu phiền não của các con, với cả đôi môi này nữa đã chuyển đến các con lời giải đáp của ta. Và vì không cần đến chúng nữa, nên ta bỏ lại. Chúng sẽ trở về thế giới tro bụi vốn là của chúng. Còn ta, ta sẽ đi xa hơn nữa, để nhìn ngắm, học hỏi và thông hiểu nhiều hơn.


- Nhưng rồi chúng con sẽ ra sao, sau khi cha lìa bỏ chúng con? Một thiếu phụ vội hỏi.


- Các con lại tiếp tục con đường của các con, ẩn sĩ đáp. Mỗi người có con đường riêng của mình. Vì không ai có thể đi thay con đường của người khác. Và rất ít khi chúng ta được cùng đi với nhau. Nếu có dịp đồng hành, thì hãy cùng đi trong niềm vui. Nhưng khi giờ đã điểm, giờ mà mọi sự đều thay đổi, thì chúng ta sẽ chỉ có một mình. Và chúng ta phải tiếp tục con đường một mình.


- Cha có nghĩ rằng chết là… khó lắm không? Một người đàn ông lên tiếng hỏi.


- Nếu chúng ta chỉ sống cho những gì chúng ta sẽ phải để lại, cho những gì chúng ta ăn uống, hoặc cất giữ trong rương, trong két, nếu chúng ta chỉ sống bằng thân xác chúng ta là những thứ sẽ trở thành tro bụi, thì chết chắc sẽ là điều khó khăn. Khi ấy ta sẽ có ấn tượng là mình chết thật sự. Thế nhưng đó chỉ là ảo tưởng, vì cuộc sống đó không phải là cuộc sống thật.


Im lặng một lát ẩn sĩ tiếp:


- Cuộc sống thật, ta không sống bằng thân xác, nhưng bằng con người nội tâm của chúng ta. Đó là một cuộc sống ẩn giấu. Nếu ta bắt đầu cuộc sống đó ngay từ đời này, thì khi ấy ta sẽ tiếp tục cuộc sống ấy và ta sẽ tiến bước cách tự do, thanh thoát hơn.


Ẩn sĩ đứng dậy, các bạn ông sửa soạn ra về.


- Vậy thưa cha, cha không đến với chúng con sao? Một người trong bọn vội hỏi.


Ẩn sĩ suy nghĩ giây lâu. Sau cùng ông đáp :


- Phải, ta sẽ đến ở với các con ít lâu. Thế nào ta cũng phải đến. Có lẽ vào mùa thu năm nay, khi lá cây dưới làng ngả màu vàng, và trên này trái thông cứng lại, khi băng giá làm nhăn các trái nạc đỏ, khi đó ta có thể… trong một thời gian ngắn… những tiếng sau cùng ông nói rất khẽ.


Các bạn ngài đành tạm bằng lòng với lời hứa này. 

 

 Ebba De Pauli

 Nguyên tác: L’ERMITE, Delachaux et Niestlé/Paris, 1966, tr. 55-58.

 Chuyển ngữ: Nữ Đan viện Biển Đức