Tôi đi tìm cát

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 574 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
                                             Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Sông lấp – Tú Xương)


Nghe tiếng ếch văng vẳng bên tai mà thi nhân xao xuyến trong lòng, như thấy đồng vọng đâu đây tiếng gọi đò tha thiết. Không còn sông, bởi “sông kia rày đã nên đồng”. Hình ảnh một con sông quê với tiếng gọi đò văng vẳng trong đêm đã trôi vào quên lãng, đã chìm vào quá khứ, vậy mà bỗng nhiên trỗi dậy trong tâm tưởng, đánh thức trái tim, khua lên xao xác những hồi cố ngọt ngào. Thế nên mới phải “giật mình”… [1].


Nhớ sông xanh, nhớ đò xưa, thi nhân giật mình hoài niệm quá khứ ngọt ngào. Tôi cũng từng “giật mình” giống thi nhân xưa, nhưng là giật mình … đi tìm cát!


Một trong nhiều tiêu chuẩn để đánh giá mức độ phát triển của một vùng đó là vùng đó đã đô thị hóa được bao nhiêu phần trăm. Mức độ đô thị hóa lại đi kèm với bê tông hóa, càng nhiều bê tông cốt thép bao nhiêu, tốc độ “hóa thành thị dân” càng tăng bấy nhiêu. Hiên nhà được tráng xi măng, đường phố được trải nhựa, vỉa hè lát gạch hoặc đổ bê tông dày cả gang tay… Sân cát trở nên món hàng xa xỉ, trở thành đối tượng để ước mong, để hoài niệm!


Đô thị hóa lan tới đâu, sân cát mất dần tới đó! Cỏ cây không còn đất để mọc, trẻ em mất sân chơi tự nhiên để rồi dán chặt mắt vào màn hình vi tính, hết game online đến thế giới ảo, dần dần đánh mất cuộc sống thực với biết bao mối tương quan thân yêu và dễ thương, các em cũng dần lãng quên những trò chơi sôi động và hào hứng trên sân cát bụi mù: chơi khăng, đánh đáo, rồng rắn lên mây, bắn bi, trốn tìm, bịt mắt bắt dê,…


Giật mình trong đêm, tôi mơ về sân cát tuổi thơ lấm lem bụi đất, rộn rã tiếng cười, chan chứa tình bạn!


Không chỉ giật mình hoài niệm về những trò chơi vui nhộn trên sân cát cùng các bạn thuở xưa, tôi còn giật mình lo lắng đi tìm cát! Tìm cát vì: “Bí quyết hạnh phúc phải chăng là ghi lên mặt cát những phiền muộn, và khắc sâu vào đá những vui tươi của chúng ta?!” [2].


Những khoảng sân cát ngày xưa, hôm nay đây dần vắng bóng! Biết tìm cát nơi đâu để “viết phiền muộn lên đó, nhờ gió cuốn đi”?


Nơi đâu nhiều cát cho bằng sa mạc! Muốn tìm thật nhiều cát, nơi đâu cho bằng tiến vào sa mạc. Sa mạc thiên nhiên giữa đất trời thì khó kiếm do ở xa, khó vào vì thiếu phương tiện, nhưng “Sa mạc cõi lòng” của mỗi người thì bản thân đương sự có thể gặp thấy bất cứ lúc nào và bất kỳ thời điểm nào cũng có thể vào, nếu thực sự muốn!


Đôi khi chính bản thân mỗi người có thể chủ động để quyết định đi vào “sa mạc lòng” của mình, và cũng thường khi chính Thiên Chúa sẽ “dẫn dụ” họ đi vào nơi đó: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16).


Quả thế, khi vào sa mạc, tôi có thật là nhiều cát để viết để vẽ tất cả nỗi phiền muộn tha nhân đã “dành” cho tôi, cũng như “khai báo” tất cả lầm lỡ, yếu đuối của bản thân, rồi khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân hậu đến như cơn gió mát thổi bay, xóa mờ tất cả những nét vẽ nét chữ nguệch ngoạc đó!


Nơi sa mạc, tôi gặp được một vị Thiên Chúa sẵn sàng “ngoảnh mặt” đi mà “không nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm” (Tv 51, 11), và như thế tôi sẽ “được thanh tẩy”, để “trở nên trắng hơn tuyết” (Tv 51, 7). Tôi sẽ dìm mình vào lòng thương xót của Chúa và được thứ tha!


Tới lượt tôi, tôi sẽ học được bài học tha thứ: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha nợ cho kẻ có nợ với chúng con” (Kinh Lạy Cha).


Trong sa mạc, Thiên Chúa sẽ thanh luyện, dạy dỗ và an ủi tôi… tôi sẽ được tái tạo, trưởng thành, thánh hóa, vượt qua phiền muộn của quá khứ để “vui luôn trong Chúa” (Pl 4, 4) ngay giây phút này.


Tôi vào sa mạc đi tìm cát cũng là để tìm lại Tôi, con-người-nguyên-sơ trong trắng đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa!


Chiên Già

Nguồn: tgpsaigon.net

_____________________

[1] xin xem bài luận “Sông lấp – Trần Tế Xương
[2] xin xem bài viết “Trên Đá này…