Từ Khỉ “Ba Không”đến Kitô hữu “Ba Hãy”

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3871 | Cật nhập lần cuối: 2/28/2016 7:49:46 AM | RSS

Trong số báo đặc biệt Xuân Bính Thân 2016 của tuần san Công Giáo và Dân Tộc, bài suy niệm của tác giả Huệ Khải, một cây bút quen thuộc và uyên bác, mang lại cho tôi nhiều thích thú và những cảm hứng đầy ý nghĩa.

A.- Từ khỉ “ba không”…

Từ Khỉ “Ba Không”đến Kitô hữu “Ba Hãy”Tác giả Huệ Khải đã dựa vào lời dạy của Đức Khổng Tử để đề cao ba hành động: không nhìn, không nghe, không nói bằng cách bịt mắt, bưng tai, che miệng, như người ta thấy thể hiện trong tác phẩm điêu khắc lừng danh “ba con khỉ ba không” tại đền thờ Thần Đạo Toshogu của Nhật Bản. Và có thêm hình ảnh ba thiếu nữ Nhật: một cô bịt mắt, một cô bưng tai, một cô che miệng để minh họa giáo huấn đó ở cấp bậc loài người. Nhưng điều quan trọng cần biết là: bày tỏ quyết liệt ba lần “không” như thế đối với cái gì? – Chính Đức Khổng Tử giải thích: đối với điều “phi lễ”: "phi lễ vật thị; phi lễ vật thính; phi lễ vật ngôn": điều trái lễ, tức là "trái với tính thích đáng, sự đúng đắn (của một hành vi), sự đúng mực, hợp lẽ, phù hợp khuôn phép, quy ước luân lý xã hội" (trong thái độ, cách ứng xử), v.v…, thì không nhìn, không nghe, không nói (x. Huệ Khải, "Từ khỉ đến người. Ý nghĩa tích cực về mặt tu đức", Sđd, tr. 52-53; website: cgvdt.vn: Xuân Bính Thân 2016).

Hoc thuyết “ba không” đối với điều “phi lễ” ấy mang hình thức diễn đạt giống như “khuôn vàng thước ngọc” (la règle d’or) cũng do Đức Khổng Tử đề xướng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người ta)”.

Cả hai câu nói từ cửa miệng vị thầy vĩ đại của Đông Á đều mang hình thức một “giới kỵ”, nghĩa là một lời can ngăn đừng dây mình vào điều gì đó không tốt, hoặc một lệnh cấm làm chuyện tội lỗi, độc ác.

Điều kỳ diệu là câu “luật vàng” của Đức Khổng Tử tương ứng chính xác tuyệt đối với câu “luật vàng” trong sách Tobia của Kinh Thánh Cựu Ước: “Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tobia 4, 15). Chưa ai chứng minh được ai chịu ảnh hường của ai. Người ta chỉ có thể ghi nhận: cùng một tư tưởng lớn được hai nhân vật từ hai chân trời văn hóa-tôn giáo Cận Đông và Viễn Đông cách xa vạn dặm phát biểu một cách long trọng.

Nhưng người Kitô hữu thì biết rõ Chúa Giêsu đã nói trong sách Phúc Âm rằng: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ” (Mt 5, 17), nghĩa là kiện toàn những gì đã được mạc khải trong sách Kinh Thánh Cựu Ước. Cụ thể, câu “luật vàng” trong Tobia 4, 15 được Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách nâng một giới luật cấm kỵ lên thành một điều răn hoặc lời khích lệ tích cực: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta…” (Mt 7, 12 // Lc 6, 31)”. Luật vàng này của Chúa Giêsu diễn đạt bằng mệnh lệnh “Hãy làm…”, nhất thiết bao hàm cả giới kỵ của Cựu Ước “Đừng làm, chớ làm…”, nhưng đẩy lương tâm luân lý của các tín hữu lên một trình độ cao hơn, đến mức hết sức bất ngờ là Chúa truyền lệnh cho họ: “Hãy yêu thương cả kẻ thù nữa …” (Mt 5, 43 // Lc 6, 27).

Khi nhìn Chúa Giêsu với vai trò kiện toàn Cựu Ước, Giáo Hội Kitô giáo hiểu Cựu Ước như là sự chuẩn bị cho Tân Ước và Phúc Âm của Chúa Giêsu. Công Đồng Vaticanô II dựa vào tư tưởng của một vị Giáo phụ, Êu-dê-bi-ô thành Xê-da-rê, nới rộng cách nhìn này với lời khẳng định: " Giáo Hội xem tất cả những gì là thiện hảo và chân thật nơi những ai chưa nhận lãnh Tin Mừng như một sự chuẩn bị cho Tin Mừng" (“praeparatio evangelica”: X. Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 16). Công Đồng cũng tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng: “Giáo Hội Công giáo không bao giờ phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo” (Tuyên ngôn Nostra Aetate về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kiô giáo, số 2b). Thế thì lời dạy của Đức Khổng Tử về cách ứng xử “ba không hoặc ba đừng, ba chớ” đối với điều trái lễ, cũng đáng được coi như một sự dọn đường cho Phúc Âm vậy. Trong tầm nhìn đó, tôi mạo muội gợi ra đề tài suy gẫm mới: “Từ khỉ ba không đến Kitô hữu ba hãy”.

B.- … Đến Kitô hữu “ba hãy”

Người Kitô hữu không nhìn, không nghe, không nói những điều trái lễ, như là bước chuẩn bị để tập trung nghị lực vào việc nhìn, nghe và nói điều gì đó tích cực, quan trọng và thiết yếu hơn thế, bởi lẽ mình đã quyết định nghe ai, nhìn ai, nói với ai và nói về ai?

Trong học thuyết ba không, Đức Khổng Tử đưa cái nhìn lên hàng đầu, trước nghe và nói. Theo truyền thống Do Thái giáo-Kitô giáo, chính hành động nghe chiếm vị trí ưu tiên, sau đó mới đến nhìn và nói, rồi làm một điều gì đó phù hợp với điều mình đã nghe, đã thấy và đã nói. Thật vậy, đời sống đức tin của những người chấp nhận Mạc Khải của Thánh Kinh bắt đầu bằng hành động NGHE, theo nghĩa VÂNG NGHE, nghĩa là nghe lời và vâng lời Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu-Kitô là khuôn mẫu về ba hành động Nghe, Nhìn và Nói đó cho mọi Kitô hữu, vì họ được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa (x. Rm 8, 29). Sau đây tôi thử hình dung ba cách ứng xử của Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu cần khuôn theo để thực sự có một đời sống tâm linh như Thầy Chí Thánh của mình. Vậy Kitô hữu hãy nghe, hãy nhìn, hãy nói NHƯ Chúa Kitô.

1. Chúa Kitô là mẫu mực về thái độ lắng nghe và vâng lời Chúa Cha: “Tôi truyền lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Chúa Cha nói” (Chúa Giêsu tuyên bố như thế trong Ga 8, 26). Trong sách Phúc Âm thứ tư, Ngài khẳng định nhiều lần tâm thế cơ bản của mình là sẵn sàng vâng nghe và thi hành mệnh lệnh của Chúa Cha (x. Ga 12, 49…). Cả cuộc đời phàm nhân của Ngài là một hành động vâng lời trải dài từ giờ phút Nhập Thể cho đến lúc chết trên Thánh Giá, và lương thực đặc biệt nuôi sống Ngài là “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Ngài (x. Ga 4, 34). Chúa Giêsu được tác giả thư Do Thái gọi là “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12, 2), vì Ngài tuyệt đối vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2, 8), qua đó Ngài tiếp nối lòng tin của Tổ phụ Abraham biểu hiện trong hành động vâng lời Thiên Chúa triệt để và sẵn lòng tế hiến người con trai duy nhất của mình là I-xa-ác (x, St 22, đặc biệt câu 18). Nhưng lòng tin của Chúa Giêsu trổi vượt và kiện toàn lòng tin của Abraham ở chỗ vị tổ phụ chấp nhận tế hiến con của mình vì vâng lời Thiên Chúa, còn Chúa Giêsu tự hiến tế bản thân như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa vì vâng lời Chúa Cha (x. Pl 2, 8) và được Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy (x. Dt 9, 14). Trong toàn bộ Kinh thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước, tin là nghe và vâng lời Thiên Chúa. Trong Cựu Ước tín đồ Do Thái giáo thực hành tín điều cơ bản: “Nghe đây, hỡi Israel, Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa hết lòng hết dạ….” (Đnl 6,4-7: Ở đây lần đầu tiên Kinh Thánh Cựu Ước dùng thêm động từ “yêu mến”, còn trước đó chỉ nói tới “kính sợ” Thiên Chúa). Trong Tân Ước, đức tin của Chúa Giêsu được thể hiện bằng hành động vâng nghe Chúa Cha, thì người Kitô hữu “có được đức tin là nhờ nghe giảng (fides ex auditu), mà nghe giảng là nghe công bố lời Chúa Kitô” (Rm 10, 17). Vậy, lắng nghe và vâng lời Chúa Kitô cũng là lắng nghe và vâng lời Chúa Cha, vì Chúa Kitô là người phát ngôn trung thành và hoàn hảo nhất của Chúa Cha (x. Ga 1, 18; Dt 1,1-2) và vì Ngài và Cha Ngài là một (x. Ga 10, 29). Đã lắng nghe và vâng lời Chúa Kitô, thì Kitô hữu cũng lắng ghe và vâng lời các đại diện của Ngài là các Thánh Tông đồ và những người hữu trách trong Giáo Hội, theo quy tắc “giây chuyền”.

Đời sống đức tin của các tín hữu trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước vận dụng trước tiên lỗ tai của thân xác và của tâm hồn để Lắng Nghe và Vâng lời Thiên Chúa. Lắng nghe Thiên Chúa và các đại diện của Ngài, thì đồng thời cũng lắng nghe tâm tư nguyện vọng và tiếng kêu cứu của tha nhân, vì Thiên Chúa muốn loài người làm như vậy, theo gương của Ngài. Lắng nghe tha nhân là một biểu hiện của mối quan tâm, sự đồng cảm và lòng thương xót, tương tự như phía Thiên Chúa và Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã đúc kết quy tăc này trong câu: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36).

2. Chúa Kitô là mẫu mực cho hành động nhìn và thấy

Chúa Kitô liên lỉ nhìn ngắm Chúa Cha (x. Ga 6, 46) . Ngài nói lại cho mọi người những điều Ngài đã thấy nơi Chúa Cha (x. Ga 8, 38; 1, 18), cùng với những điều Ngài đã nghe từ Chúa Cha nữa (x. Ga 8, 26 và điểm 1 trên đây). Lắng nghe và nhìn thấy đi đôi với nhau, trong đó nghe lời và vâng lời Thiên Chúa là khởi đầu của lòng tin.

Đối với mọi người, nhìn và thấy không nhất thiết đồng nghĩa, bởi lẽ có lúc người ta nhìn mà không thấy, nhưng khi cố tình nhìn thì ai cũng muốn thấy. Trái lại, đối với Chúa Kitô, nhìn và thấy là một, và khi nhìn bất cứ ai thì Ngài thấy và biết rõ đối tượng Ngài nhìn.

-Khi nhìn Chúa Cha với lòng yêu mến, Ngài thấy và biết Chúa Cha (x. Mt 11, 27) là tình yêu (x, 1Ga 4, 8. 16) và biết rằng vì yêu thương thế gian quá đỗi, nên Chúa Cha đã ban Con Một của mình cho thế gian… (x. Ga 3, 16).

-Khi nhìn thấy đám đông vất vưởng như đàn chiên không có người chăn dắt, Ngài chạnh lòng thương và sẵn sàng chia sẻ lời Thiên Chúa để nuôi sống tâm hồn họ, rồi bẻ bánh, bẻ cá cứu đói thân xác họ (x. Mc 6, 34-44).

-Khi ban một lời khuyên đặc biệt cho anh thanh niên giàu có đến tham vấn, Ngài nhìn anh ta bằng một cái nhìn trìu mến yêu thương (x. Mc 10, 21).

-Trong những hoàn cảnh khác nhau, Ngài có cách nhìn phù hợp với từng đối tượng và với sứ điệp Ngài muốn chuyển tải tới mỗi người (x. Mc 10, 23. 27), ngay cả khi một cơn nghĩa nộ trước sự cứng lòng của nhóm Biệt phái Pharisêu thúc đẩy Ngài ném tới họ một cái nhìn nghiêm khắc, thì đó vẫn là một cái nhìn buồn khổ xuất phát từ ý hướng của Ngài muốn thúc đẩy họ hoán cải và vun đắp nơi họ lòng thương cảm đối với người bất hạnh (x. Mc 3, 5).

Nếu tập nhìn Thiên Chúa, cùng nhìn anh chị em đồng loại –và cả vạn vật trong thiên nhiên nữa -- theo cách thức của Chúa Kitô, người Kitô hữu sẽ phát huy đời sống chiêm niệm, công việc phục vụ và hoạt động bác ái của mình đến vô tận.

3. Chúa Kitô là thầy dạy tuyệt vời về cách sử dụng lời nói

-Nguyên tắc cơ bản của Ngài là nói sự thật: “Hễ ‘có’, thì phải nói ‘có’, ‘không’, thì phải nói ‘không’ ” (Mt 5, 37), bởi lẽ Ngài là hiện thân của sự thật (x. Ga 14, 6).

a. Trước tiên Chúa Giêsu nói với Thiên Chúa. Đó là cuộc chuyện vãn liên lỉ với Chúa Cha dưới dạng thức kinh nguyện. Sách Tân Ước ghi lại một số lời cầu nguyện quan trọng của Chúa Kitô:

+Trước khi xuống thế làm người, Ngôi Lời vĩnh cửu thưa với Chúa Cha: “… Lạy Thiên Chúa, này con đây, con xin đến để thực thi ý Ngài… ” (Dt 10, 7. 9). Đây là lời kinh kép: hiến dâng (ecce, này con đây) và vâng phục (fiat, thực thi ý Ngài), làm khuôn mẫu cho lời đáp bất hủ của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người, tại cuộc Truyền Tin (x. Lc 1, 38).

+Lời kinh vâng phục được Chúa Giêsu lặp lại trong vườn Ghết-sê-ma-ni trước khi đi vào cuộc Khổ Nạn: “Abba, Cha ơi, … xin cất chén này xa con, nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14, 36//).

+Trong kiếp sống phàm nhân, Chúa Giêsu thường dùng các Thánh vịnh quen thuộc của Dân Do Thái để cầu nguyện, kể cả dưới hình thức ca hát long trọng (x. Mt 26, 30 //). Thật là đầy ý nghĩa, khi lời kinh hiến dâng và vâng phục đánh dấu cuộc xuất hành thứ nhất của Con Thiên Chúa (rời cung lòng Chúa Cha để đầu thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ: x. Ga 1, 14; Lc 1, 31), là một câu trích từ Thánh vinh 40 (39): “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế…, bấy giờ con mới thưa:’Này con xin đến!’ “ [x. Tv 40 (39) 7-8 // Dt 10, 5-7]; và lời kinh phó thác trong cuộc xuất hành thứ hai (rời bỏ thế gian để về cùng Chúa Cha, x. Lc 9, 31; Ga 13, 1), trước khi tắt thở trên Thánh Giá, là một câu trích từ Thánh Vịnh 31: “ (Lạy Cha), con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (x. Tv 31, 6 // Lc 23, 46). Sách Phúc Âm cũng ghi lại một lời kinh tự phát của Ngài, dưới tác động của Chúa Thành Thần, ngợi khen Chúa Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết (các mầu nhiệm Nước Trời), nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (x. Lc 10, 21). Điều này cho thấy Ngài tiếp nối và kiện toàn nền linh đạo của những người nghèo hèn bé mọn của Thiên Chúa được phản ánh vào trong các Thánh vịnh và giáo huấn của các ngôn sứ.

+Bên cạnh những lời kinh: hiến dâng, vâng phục, ngợi khen và phó thác (như vừa nêu), cùng lời kinh chúc tụng (x. Mt 26, 26// Mc 14, 22) và tạ ơn (x. Lc 22, 19 // 1Cr 11, 23) hướng về Chúa Cha, sách Tân Ước cũng nhắc tới việc Chúa Giêsu cầu xin ơn lành cho chính mình: “… Người đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết“ (Dt 5, 7), kể cả lời thở than trong khoảnh khắc cảm thấy cô đơn: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (x. Tv 22, 2 // Mt 27, 46), nhưng niềm hy vọng trong thâm tâm vẫn nguyên vẹn: “Xin Cha tôn vinh Con Cha (trong “giờ” quyết liệt trên Thánh Giá) để Con Cha tôn vinh Cha…” (Ga 17, 1.5); “Người đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính“ (Dt 5, 7); “… chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người…” (Pl 2, 9). Đáng chú ý là khi cầu xin bất cứ ơn lành nào cho mình, Chúa Kitô luôn ở trong tâm thế sẵn sàng vâng lời Chúa Cha như tại vườn Ghết-xê-ma-ni vậy (x. Mc 14, 36).

+ Ngoài ra, trong đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu, lời kinh chuyển cầu cho bạn hữu và cho cả kẻ thù chiếm một vị trí rất quan trọng. Chuyển cầu cho các môn đệ nói chung (x. Ga 17, 9-26), cho La-da-rô (x. Ga 11, 41), cho Phêrô nói riêng (x. Lc 22, 32), và đỉnh cao là chuyển cầu, từ trên Thánh Giá, cho những kẻ giết hại mình (x. Lc 23, 34). Đó là chuyển cầu trong kiếp sống trần thế. Sách Tân Ước còn nhấn mạnh thêm vai trò chuyển cầu thiết yếu trong kiếp sống hậu Phục Sinh của Chúa Kitô, “Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (x. Rm 8, 34; Dt 7, 25; 9, 25).

Những cách thức Chúa Kitô ngỏ lời với Thiên Chúa Cha cần được các Kitô hữu nội tâm hóa để cho đời sống cầu nguyện của mình thực sự có chiều sâu và chất lượng vì mang sắc thái Kitô, và như thế Chúa Cha sẽ nhìn thấy họ như những nghĩa tử dấu yêu trong Con Một Yêu Dấu của Ngài (x. Mt 3, 17 //).

b. Thứ đến Chúa Giêsu nói với mọi người và từng người. Ngôn ngữ giao tiếp và giáo huấn của Chúa Kitô rất đa dạng, giàu hình ảnh và sức thuyết phục: từ lời rao giảng, lời giải thích, lời chúc phúc, lời mời gọi, lời khuyên bảo, lời truyền lệnh, lời xin, lời hứa, đến lời cảnh cáo và trách móc nặng nề, nhưng tất cả mọi lời của Ngài đều mang ý hướng cứu độ, đem lại ánh sáng và sự sống cho người nghe (“Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”: Ga 6,63). Một chi tiết mang tính sư phạm cao là Ngài hay đặt câu hỏi cho các đối tác, ngay cả khi trả lời những câu hỏi họ nêu lên cho Ngài (x. Lc 2, 48-49; …). Phải chăng đặt câu hỏi là một dấu chỉ của sự thông minh (x. Lc 2, 46-47) và có tác dụng động não?

Những cách thức Chúa Giêsu ngỏ lời với mọi người và từng người trong nhiều tình huống khác nhau, phải là mẫu mực cho ngôn ngữ của các Kitô hữu, nhờ đó họ không ngừng hoàn thiện bản thân và xây dựng cho kẻ khác, đặc biệt bằng việc chia sẻ cho anh chị em đồng loại những lời của Chúa Giêsu có khả năng đem lại sự sống đời đời (Ga 6, 68).

Tóm lại, Kitô hữu trân trọng lời dạy xác đáng của Đức Khổng Tử về cách ứng xử “ba không hoặc ba đừng, ba chớ” đối với điều trái lễ, và đem ra thực hành như một phương pháp tu đức (méthode ascétique) cần thiết và hữu ích. Điều này tương đương với việc “từ bỏ mình, vác thập giá của mình từng ngày, như điều kiện để trở thành môn đệ Chúa Giêsu” (x. Lc 9, 23; 14, 27), với khả năng bước theo dấu chân Thầy Chí Thánh (x. 1 Pr 2, 21) trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bắt đầu bằng sự từ bỏ việc nghe, nhìn và nói điều trái lễ, trái lương tâm và trái luật Thiên Chúa, nhưng là để tập trung toàn bộ nghị lực của thân xác và tâm hồn vào việc nghe, nhìn và nói NHƯ Chúa Kitô, rồi làm những hành động phù hợp với điều đã nghe, đã nhìn, đã nói để tôn vinh Chúa Cha và phục vụ hạnh phúc của mọi người. Đó là thực hành linh đạo Phúc Âm, linh đạo Kitô giáo, một định hướng sống tích cực và phong phú vượt xa mọi phương pháp tu đức. Định hướng sống đó, được gọi là linh đạo (“la voie spirituelle”, chứ không phải “la spiritualité”, một danh từ trừu tượng của ngôn ngữ phương Tây!), trước tiên là con đường thiêng liêng của chính Chúa Kitô, Đấng luôn bước đi dưới sự thôi thúc của Chúa Thánh Linh để hiến mình cho Chúa Cha (x. Dt 9, 14), và để dấn thân phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x. Mt 20, 28). Định hướng sống và kinh nghiệm sống đời sống thiêng liêng của Chúa Kitô dưới sự tác động của Chúa Thánh Linh như thế đã trở thành con đường thiêng liêng mẫu mực cho các Kitô hữu, vì Ngài đã tuyên bố: “Tôi là con đường…, con đường chắc chắn nhất dẫn tới Chúa Cha “(x. Ga 14, 6). Đối với các Kitô hữu, linh đạo hiểu theo nghĩa cụ thể bên tiếng Hán-Việt của ta, chính là Con-Đường-Giê-su (Ga 14, 6) được nối dài sang Con-Đường-Giáo-Hội, vì thánh Luca cũng gọi Giáo Hội là “Con Đường”, là “Đạo” (Cv 9, 1-2), không phải theo nghĩa đen như đường đá, đường đất, nhưng theo nghĩa bóng là một định hướng sống, một kinh nghiệm và một quan niệm về đời sống thiêng liêng cũng gọi là đời sống “thuộc linh” do Chúa Thánh Linh hướng dẫn và thúc đẩy. Chính Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Ga-lát rằng: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5, 25), tiến bước theo Chúa Kitô để đến với Chúa Cha và đến với mọi người.

Lắng Nghe, Nhìn Thấy, Nói Năng và Hành Động NHƯ Chúa Kitô chính là thực hành cách cụ thể linh đạo Phúc Âm của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Mà Giáo Hội là “một dân tộc được hợp nhất nhờ sự hợp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Vaticanô II, GH số 4b). Vậy đời sống Giáo Hội, cũng như linh đạo Phúc Âm hoặc linh đạo Kitô giáo, thấm đẫm sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi, một chân lý do Chúa Kitô mạc khải trong Tân Ước, để kiện toàn sự mạc khải của Kinh Thánh Cựu Ước về mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Mt 28, 19).

Thay lời kết

Thưa các bạn Kitô hữu,

Chúng ta hãy thực hành cách trân trọng phương pháp tu đức “ba không” của Đức Khổng Tử, kết hợp với “luật vàng” của Ngài và của sách Tobia, và với đòi hỏi của Chúa Giêsu về sự từ bỏ mình…; từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày chính là tu đức, chuẩn bị cho ta dấn bước theo Chúa đi vào một linh đạo.

Nhưng chỉ bịt mắt, bưng tai, che miệng đối với điều phi lễ mà thôi và hãy mở tai, mắt, miệng và cả hai tay nữa NHƯ Chúa Giêsu đã nêu gương. Qua đó chúng ta đi vào linh đạo Phúc Âm của Chúa Giêsu và Giáo Hội.

- Khi bưng tai đối với điều trái lễ, hãy cầu xin như vua Sa-lô-môn: “Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn biết lắng nghe” (x. 1V 3, 9);

- Khi bịt mắt đối với điều trái lễ, hãy cầu xin như người mù ở thành Giê-ri-khô: “Lạy Ngài, xin cho con nhìn thấy được” (Mc 10, 51 //);

- Khi che miệng đối với điều trái lễ, hãy cầu xin như vịnh gia: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” [Tv 51 (50) 17], và hãy khẳng định như thánh Phaolô: “Chúng tôi tin, nên chúng tôi mới nói” (2Cr 4, 13).

Chắc chắn điều đó sẽ mang lại những cảm nghiệm kỳ diệu.

Tết Bính Thân 2016

Phi Khanh Vương Đình Khởi
Nguồn: ofmvn.org